Nov 23, 2023

SAIGON BOOKSTREET - Anh Quân




Có lẽ hồi bé thích sách , nên về già luôn có cái duyên gần sách vở nhưng giờ không còn siêng năng đọc sách như thuở tuổi Xì Tin. Mà nghĩ lại cái thời đó đâu có cái gì giải trí, làm gì có trò chơi điện tử , làm gì có máy tính , chương trình TV thì nghèo nàn , coi chán chết , thì chỉ có trò chơi hè phố là đá banh , chơi bắn bi , đánh bông vụ , chơi đánh trõng , chơi bắn ống thụt, chơi u , nhảy cò cò , nhảy dây , nếu có cơ hội là đi bơi . Bởi vậy đọc sách là một thú vui rất quan trọng , nhất là ở cái thời cái gì cũng cấm. Nên có những quyển sách phải đọc lén lút như kiếm hiệp ( ăn khách nhất trong đám xì tin của chúng tui), tiểu thuyết Quỳnh Dao , nếu hay hơn là tìm được sách Nghiêm Lệ Quân, Bà Tùng Long , Duyên Anh , Dung Sài Gòn, Võ Hà Anh, các sách củ Tự Lực Văn Đoàn … Còn các quyển “Cậu Chó” thì ở tuổi dưới 15 như tui là chưa đủ trình độ đụng tới. Tuy nhiên ở thời đó thì các bác có uy quyền lại cho đọc truyện Tàu , loại sách do nhà in Tín Đức Thư Xã xuất bản như Tây Du Ký , Thuỷ Hử , Thất Hiệp Ngũ Nghĩa , Phong Thần… Nhà tui ở phía cư xá ngân hàng , cứ một tuần là tui đạp xe lên chợ Xóm Chiếu , đường Đỗ Thành Nhân , giờ là Đoàn Văn Bơ , thì có một bác cho thuê loại truyện Tàu này. Tui cứ thuê và say mê đọc đến nổi năm lớp 7 suýt nữa ở lại lớp. 

Sau này qua Anh sinh sống tui lại có cơ hội đọc tiếp sách Việt Nam trước 1975 và các loại sách sáng tác ở hải ngoại, nhờ chính sách mua sách cho cư dân địa phương , cứ 4 người có quyền đi ra thư viện địa phương mua một quyển sách mà họ yêu thích. Nên vậy khu nào có nhiều dân Việt Nam thì thư viện sẽ mua sách Việt Nam cho đọc. Có điều giờ họ không mua nữa vì số lượng đọc giả Việt Nam không còn nữa , vì một số qua đời, một số cao niên không muốn đọc nữa vì sức khoẻ. Còn nhóm lớn lên ở đây không đọc sách Việt Nam. Riêng nhóm từ Việt Nam mới sang Anh thì xem ra họ không mê đọc sách, tui thấy họ thích xem tin tức trên mạng xã hội trên chiếc phone của họ hơn. 

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2015 Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố đã khởi công xây dựng con Đường Sách trên đường Nguyễn Văn Bình là tên Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận I TP. HCM. Đây là một con đường nhỏ nằm bên hông Bưu điện Thành phố, nối liền Nhà Thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng nhưng có ưu điểm là nằm ngay trong khu vực trung tâm Thành phố, đây không chỉ là một không gian sinh hoạt văn hoá mà còn là một tụ điểm du lịch, là nơi thường xuyên có nhiều du khách ghé qua. Có một điều tui không biết trước năm 1975 có tên con đường này chưa? 

Sau gần 3 tháng thi công ngày 09.01.2016, Đường Sách chính thức được khai trương. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. 

Đường Sách đã trở thành một không gian khá lý tưởng để các nhà xuất bản, nhà kinh doanh sách có cơ hội học hỏi chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp, và cả tiếp cận với giới bạn đọc. Đường Sách trở thành một không gian biểu tượng của văn hoá đọc, nơi gặp gỡ của những người yêu sách, cũng là điểm hẹn lý tưởng cho những người bạn trong và cả ngoài nước.

 Đi tới Đường Sách, sẽ thấy các bạn trẻ đứng ngồi tĩnh lặng say mê đọc sách, gợi lại hình ảnh thật đẹp của Sài Gòn trước 1975 với đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí thuở nào

Trước năm 1975 , Sách là món ăn tinh thần của người Sài Gòn , xin hãy đọc lại tư liệu trích trên mạng: 

“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”. Đoạn trích này từ báo Đời (tháng 5.1972) nói về khu vực bán sách báo cũ ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - nằm sau bờ tường của Bộ Công chánh. Ngoài khu Lê Lợi, Sài Gòn còn có những điểm bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu)...

Theo tư liệu, khoảng thời gian ký Hiệp định Genève, các khu bán sách cũ tập trung ở đường Cao Thắng rồi tiến lên khu vực chợ Cũ, bày bán từng đống hỗn tạp tại lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ. Cũng trong thời gian này, các quầy sách cũ còn xuất hiện trên lề đường Phạm Ngũ Lão, trông sang bến xe buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con. Sau này, nhờ sự tiếp tay của một số dân bán sách cũ kiểu hàng rong, các gian hàng dần dần ào ạt tràn về đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) đến đường Pasteur. Từ vài gian hàng nhỏ, thị trường sách báo cũ đã bành trướng mạnh mẽ, lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên cảnh sát đến giải tán triệt để. Song những gian hàng sách “chạy” chỉ tản mác khi có bóng dáng cảnh sát rồi lại trở về vỉa hè khi cảnh sát rút đi như chơi cút bắt. Rất kiên nhẫn đối phó với cảnh sát nên một thời gian sau, khu bán sách này được Tòa Đô chánh chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hằng năm vài ngàn đồng và vài chục đồng thuế chỗ ngồi mỗi ngày. Khu sách Lê Lợi đã vô sổ bộ từ ngày ấy.” 

Ở phố sách này có “Quán Sách Mùa Thu” , có người kể lại tại đây sẽ tìm được những cuốn sách cũ, rất cũ xuất bản lần đầu tiên từ những thập niên 50s, 60s, 70s tại Sài Gòn. Người đó lại còn hỏi thêm người chủ quán có bán quyển  Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam. Được biết, các quán sách tuy không có sách nhưng vẫn có thể nhờ kiếm hay đặt mua.  Họ có thể liên lạc hải ngoại mua sách và trả bằng thể tín dụng. Có thể một ngày sẽ có quyển Mùa Hè Đỏ Lửa tại đây. 

Riêng tui thấy sách bây giờ ấn loát rất đẹp , cũng có một số sách tui thích nếu có sức thì tui sẽ mua. bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh của Tiến Sĩ Sử Học Hải Ngoại Nguyễn Duy Chính. 

Để có một dịp nào tui hỏi thử Bác Sử Gia Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng tại London là có tính đưa 5 quyển sách sử nghiên cứu của Bác là “Nhìn Lại Sử Việt” về bán ở các nhà sách ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình chưa? Theo tui đây là bộ sử hay có phần tương tự như bộ “Việt Nam Sử Lược” nhưng đầy đủ chi tiết từ ngày lập quốc cho đến 30 tháng 4 năm 1975.

Anh Quân 




No comments: