Sep 29, 2022

CHÚ HỀ "CLOWN" VÀ NHÂN VẬT HÁT BỘI - Doãn Cẩm Liên


Đây là một nhận xét rất hay của anh Chí, một thành viên của gia đình Sư Phạm Sài Gòn chúng tôi, sau khi đi xem “O show – Circle Du Soleil” về. Anh ấy nhận thấy sự giống nhau về việc vẽ mặt của hai loại hình sân khấu: Tây phương “chú hề” và “nhân vật tuồng Hát Bội” của Việt Nam. Các chú Hề và các nhân vật Hát Bội đều vẽ mặt, tô phấn màu, nhuộm râu tóc để nói lên tính cách hay nhân cách mà họ đang diễn.

Dùng bút vẽ, bột màu vẽ lên khuôn mặt để diễn tả tính cách, cá tính của một nhân vật là một nghệ thuật tạo hình và tạo nhân cách của ngành hóa trang cả Đông lẫn Tây phương. Tìm kiếm sự khác biệt giữa Đông và Tây thì chắc chỉ là lời thoại có hay không mà thôi.

Nhận thấy rằng cả hai phía Tây và Đông đều rất thành công trong việc hóa trang nơi mặt, tóc tai, râu ria, khiến khán giả có thể nhận ra ngay tính cách nhân vật ở cái nhìn đầu tiên. Mỗi đường chì kẻ trên mặt là thể hiện một cá tính, mỗi màu sắc của từng vùng trên khuôn mặt đã làm cho người đội lốt thể hiện tính cách của nhân vật. Khán giả hiểu thấu những điểm nhấn này sẽ rất thích thú vì sự đa dạng của ngành hóa trang.

Ở các chú hề Tây phương họ thường không nói. Họ diễn giống như đang đóng phim hay kịch câm. Do vậy, họ đã tận dụng những cơ bắp nào có thể chuyển động trên khuôn mặt, cộng thêm nét vẽ và màu sắc để lột tả hết nhân tính của vai diễn. Rõ rệt nhất là vùng miệng, chân mày, mí mắt là những nơi có cơ thịt chuyển động. Những nơi này được vẽ và tô màu phủ rộng hơn để khi cơ bắp chuyển động thì nó chuyển động luôn cả một khối màu. Cái miệng của chú hề rất rộng, được tô màu đỏ, màu trắng hoặc màu gì khác để có thể diễn tả niềm vui khi hai cơ má kéo căng lên. Nỗi buồn thì hai cơ má để xụ xuống. Sự ngạc nhiên thì miệng mở, cằm trệ xuống. Đó là cái miệng to của chú ấy đang diễn.

Cặp chân mày có thể được vẽ xếch lên để diễn tả sự ngạc nhiên, giận dữ. Chân mày cong vòng xuống là thể hiện sự lo sợ, rón rén, hoặc nũng nịu của chú hề. Vẽ chân mày là điểm nhấn thứ yếu so với cái miệng, nhưng không thể thiếu.

Mắt, lẽ dĩ nhiên độ to phải cân xứng với miệng và chân mày. Nhưng kỹ thuật hóa trang thường chọn mắt để thể hiện tính cách của nhân vật. Nó có thể nói lên đây là một người hiền lành với hình dáng hạt hạnh nhân mở to. Người vui tính hay cười thì mắt thuôn dài có đuôi. Cái đuôi mắt này ai mà chẳng có khi cười! Người ác, hung dữ là cặp mắt xếch được phết màu đỏ vằn vện. Hoặc là ma quỷ thì hố mắt to và đen, đôi khi có màu đỏ của những đường gân máu. Đã nói là nghệ thuật thì muôn hình vạn trạng được sáng tạo bởi người họa sĩ vẽ mặt. Khán giả thì tha hồ mà tưởng tượng thêm.

Mũi, chú hề thường được bọc bằng núm tròn to màu đỏ. Chẳng hiểu vì sao mũi phải to và đỏ? Có phải chăng những điểm nhấn này đều mang ý nghĩa và phù trợ thêm lối diễn xuất tay chân của chú hề.

Tất cả những nét vẽ cùng màu sắc đều mang tính biểu tượng và có phần hơi quá đáng để khán giả thấy rõ ràng hơn tính cách của chú hề. Vai diễn của chú hề còn được sự phù trợ bởi trò đùa, trang phục, đạo cụ là thế.

Cũng vậy, ở Hát Bội phần hóa trang cũng có nhiều điểm tương đồng với chú hề Tây phương. Nghệ thuật này có phần thâm nhập sâu vào tích cách nhân vật. Trong Hát Bội thường có ba vai: tướng, kép, đào. Màu sắc được vẽ trên mặt là để nói lên tính cách những nhân vật đó. Mặt đỏ, đây là người thẳng thắn, trí dũng trung liệt và nghĩa khí. Mặt trắng là người diện mạo đẹp trai, thư sinh, nhu mì và trong sáng. Người mặt xanh da trời thì mang tính xảo quyệt và mưu mô, nhưng chưa phân biệt được tốt hay xấu. Mặt tô màu lục là người không chung thủy. Mặt vàng và bạc bảo rằng đây là nhà tu hành có tính thần tiên. Đóng vai nịnh thần hay gian thần thường tô mặt trắng mốc, xám, hồng lợt, vỏ cua. Vai trung thần thường để mặt thật, má hồng. Khuôn mặt vằn vện đen, trắng thì mang tính bộc trực và nóng nảy. Vằn vện đen mà còn xen kẽ đỏ thì nhân vật này có nhiều phần yêu ma quỷ quái tính.

Hình dạng lông mày cũng nói lên tâm tính, tuổi tác của nhân vật. Tả một người cao tuổi, có tính cách thần thánh hay tiên ông thì vẽ lông mày màu trắng. Đường kẻ lông mày mềm mại và đơn giản biểu hiện một nhân cách hiền lành. Một người kiêu ngạo và đắc ý về mình thì cặp lông được vẽ uốn lượn, bay múa. Người nóng tính được thể hiện ở cặp lông mày thẳng dốc hoặc có viền đỏ. Lông mày cau có nói lên rằng người này trầm tư, sầu muộn. Còn người gian xảo hay xu nịnh thì có cặp chân mày ngắn.

Trong Hát Bội, phần trang điểm bộ râu cho vai diễn nam, mang tính trung thần hay xu nịnh, góp phần quan trọng không kém phần vẽ màu. Vì cứ nhìn vào bộ râu mà khán giả có thể đoán được ai vào với ai: quan văn râu xanh hay đen dài. Quan văn trung thần râu bạc ngắn. Lão võ thì râu trắng hoặc bạc dài. Vai yêu ma quỷ cái với bộ râu bắp hung đỏ. Tướng quân ngoại bang thì đeo râu đỏ. Râu đen ngắn đội lốt kép núi. Bộ râu ba hoặc năm chòm, suông dài là vai người đôn hậu, trầm tĩnh, hoặc quý phái. Còn người nóng tính và dữ dằn thì phải đeo râu xoắn. Vai thường dân, nông dân, dân chài, hay tiêu phu thì râu ngắn ba chòm… Ôi thật là thiên hình vạn trạng khiến khán giả phải bối rối. Tuy nhiên, cứ xem Hát Bội bằng một cách thật chú tâm thì nhận ra được hết các vai diễn và tính cách của sự hóa trang.

Công phu và tâm sức người hoạt động trong nghệ thuật hóa trang thật là vô vàn vô kể cho nghệ thuật sân khấu. Những ghi nhận của người viết chỉ là hạt muối bỏ biển về hai bộ môn nghệ thuật chú Hề - Clown và Tuồng Hát Bội. Ghi ra đây cũng là một hình thức học hỏi và ghi nhớ những thành quả của nhân loại đã đạt được cho đến thế kỷ 21 này. Và cũng để ghi ơn những nghệ nhân cùng những họa sĩ hóa trang đã và đang mang lại thật nhiều màu sắc cho đời sống nhân loại. 

California, ngày 29 tháng 9 – 2022

Doãn Cẩm Liên

Dữ liệu được lấy từ:

https://rucospa.vn/trang-diem-hat-boi/

https://www.google.com/search...


No comments: