Jan 8, 2022

TO SIR WITH LOVE VÀ SIDNEY POITIER - Anh Quân


Hôm nay có tin báo một diễn viên người Mỹ gốc Bahamas, đạo diễn, tác giả và nhà ngoại giao là Sir Sidney Poitier vừa qua đời ở tuổi 94. Tui biết được ông là nhờ xem cuốn phim “To Sir with Love” tạm dịch “Gửi thầy, kính yêu” và thỉnh thoảng tui gọi nghe cho vui tai là “ Vòng tay học trò” theo tựa quyển tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. 

Tuy nhiên phim “To Sir with Love” là dựa theo quyển tiểu thuyết mang cùng tên “To Sir with Love” của nhà văn E.R Brathwaite, ông là người da màu, gốc Guyana, một quốc gia duy nhất thuộc khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh nằm trên lục địa Nam Mỹ. Ông Braithwaite sanh trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều tốt nghiệp từ trường đại học Oxford và nhờ vậy ông được hưởng một kiến thức uyên bác. Trong chiến tranh thứ II, ông gia nhập vào không quân Hoàng gia Anh. Sau chiến tranh, ông tiếp tục con đường học vấn tại đại học Cambridge – Anh quốc và tốt nghiệp bằng Cao học và Tiến sĩ Vật lý. 

Khi ra trường , ông Braithwaite không thể trở thành một kỹ sư hàng không vì kỳ thị , nên bắt buộc chọn nghành giáo viên tại một ngôi trường phổ thông St George tại miền đông London. Ông đã tích lũy kinh nghiệm suốt 7 năm đứng trên bục giảng dạy học (1950-1957), ông đã va chạm vấn đề kỳ thị, nhờ đó tạo cho ông một nền tảng và thu thập được nhiều kinh nghiệm trong nghề giáo, nhất là một người giáo viên không phải là người bản xứ và tác phẩm “To Sir with Love” được ra đời vào năm 1959, trong đó ít nhiều có bối cảnh thật trong cuộc đời dạy học của ông tại Anh quốc. Sau đó ông đến Hoa Kỳ tiếp tục dạy học tại trường Đại học New York và qua đời vào năm 2016, hưởng thọ 104 tuổi. 

Cuốn phim “To Sir with Love” nói về chuyện trường trung học tại Anh, nhưng không một hãng phim nào của Anh muốn đầu tư để đưa tiểu thuyết thành phim. Lý do có thể đoán vào thập niên 60 của thế kỷ trước tại Anh quốc, người dân có một cuộc sống sung túc, nước Anh vừa thắng “World-Cup – 66”, lãnh vực âm nhạc lên cực thịnh nhờ ban nhạc Beatles và Rolling Stone đã tấn công qua bờ Đại tây dương, thời đại hưng thịnh về trang phục, thêm sự xuất hiện của thế giới Hippy chỉ muốn hưởng mà không muốn làm. Chọn một chủ về giáo dục học đường, từ một tác giả người da màu rất khó thu hút khán giả tuổi “Xì tin”, vì lúc đó sắc tộc là đề tài nhậy cảm, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn con đang hằn sâu trong xã hội, tuy là không có sự trực tiếp như ở trong thập niên 50 tại Anh , cũng có phần gián tiếp. Nên cũng thể hiểu các hãng phim Anh không dám đầu tư vào cuốn phim mà có quá nhiều rủi ro về lợi nhuận. 

Vậy mà hãng phim Columbia- Hoa Kỳ dám đồng ý bỏ 640,000 US dollar để sản xuất một cuốn phim học đường bên Anh quốc. Thật mà nói đây không phải kinh phí quá khổng lồ đối với một hãng phim nổi tiếng tại Hollywood, bởi vậy họ chọn một đạo diễn không quá đắt giá, là ông James Clavell, một nhà biên kịch người Úc , ông là viết kịch bản cho cuốn phim chiến tranh thứ II nổi tiếng là “Great Escape – Cuộc vượt ngục vĩ đại”. Nếu ai còn nhớ một bộ phim truyền hình “Shogun” được lên sóng vào năm 1980, gồm 5 tập và diễn viên chính là Richard Chamberlain ( cũng là diễn viên chính của phim Thorn Birds- Những con chim ẩn mình chờ chết), dựa theo quyển truyện mang cùng tên “Shogun” của tác giả James Clavell và ông cũng là người đạo diễn cho cuốn phim này.  

Để tiết kiệm chi phí, ngoại cảnh phim “To Sir with Love” quay ở vùng đông London và nội cảnh phim trong phim trường Pinewood, Anh quốc. Đạo diễn James Clavell đã tìm cách kết hợp hai điều đối lập vào trong cuốn phim là không tô đậm màu hồng trong sinh hoạt học đường để tránh một sự nhàm chán mà cũng không tạo kỳ thị, bạo động và mặt trái trong trường học để mất niềm tin. 

Đây là lần đầu tiên ông James Clavell nhận trọn vai trò đạo diễn và sản xuất cho toàn cuốn phim, ông đã gởi thông điệp của cuốn phim tới khán giả là “ vượt qua phân biệt chủng tộc, định kiến và những bài học quan trọng trong xã hội”. 

Sidney Poitier là diễn viên chính trong phim, ông là người Mỹ duy nhất trong cuốn phim, còn lại toàn bộ ê-kíp đều là người Anh. 

Nội dung cuốn phim : 

Mark Thackeray, một người nhập cư đến Anh từ Guiana (thuộc khối Thịnh vượng), anh ta nộp đơn xin việc kỹ sư cơ khí, nhưng chưa có việc ngay, phải mất một thời gian khá dài chờ đợi. Vì cần phải tiền sinh hoạt hàng ngày, nên Mark bất đắc dĩ nhận công việc giảng dạy ở trường trung học North Quay ở miền đông London, đây là khu vực của người dân lao động nước Anh, nên đời sống phức tạp, tệ nạn, nghèo đói…và vv..Vì không có kinh nghiệm giảng dạy nên Mark chỉ được nhận dạy ở vị trí tạm thời. 

Nhà trường lại giao cho Mark một thử thách rất lớn là phải đương đầu phụ trách một lớp học toàn là học sinh cứng đầu và cá biệt bị đuổi từ các trường khác về đây học. Đây là lớp học kinh hoàng, nhiều thầy cô giáo phải bỏ cuộc vì sự quậy phá của đám học sinh , không lời dạy bảo và không bao giờ chịu ngồi học. Một điều ngược đời là không một giáo viên nào chịu nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm, tất cả ủng hộ ông thầy giáo người da màu nhưng trong lòng không ai tin Mark sẽ chế ngự được đám ngựa chứng mà lúc nào cũng thích nổi loạn. 

Những ngày đầu dạy học, chẳng có học sinh nào ưa ông thầy Mark Thackeray, bọn chúng tạo thầy Mark là một người để trêu chọc, tạo những hành vi gây rối đến những trò đùa khó chịu. 

Thầy Mark không bỏ cuộc đi tìm hiểu tâm lý của các học trò ngỗ nghịch, anh đã nhận ra những đứa trẻ này không thích học bài giảng từ sách vở. Sau khi rời ghế nhà trường bọn chúng sẽ không bao giờ nghĩ chuyện vào đại học hoặc lấy bằng chuyên môn, bọn chúng chỉ thích đi làm kiếm tiền. 

Thầy Mark đi tới quyết định là không đi theo bài vở ở sư phạm để dạy dỗ đám học trò ngỗ ngược. Anh đi tự tìm một cách hướng dẫn chúng những bài học thực hành , không lý thuyết rườm rà và những bài học rất là đơn giản mà đi sát thực tế bên ngoài xã hội. 

Thầy Mark đưa chúng những chuyến đi thăm viếng hữu ích như viện bảo tàng mỹ thuật để trau dồi kiến thức, dạy nấu ăn, kể cả trang điểm cho đám nữ học sinh, luôn tạo cho chúng suy nghĩ để tạo ra các câu hỏi và Thầy trả lời một cách tường tận và rõ ràng. Thầy chỉ dẫn chúng những điều đạo đức như nói năng xưng hô lễ độ và lịch thiệp. 

Qua một học kỳ, Thầy Mark đã chế ngự được các con ngựa chứng, những tay cứng đầu và ngoan cố nhất trong lớp, bọn chúng lột xác hoàn toàn, chúng không còn nhìn Thầy Mark với ánh mắt thù nghịch và căm ghét, mọi thứ dần dần được thay thế bằng sự cảm phục. 

Sau cùng tất cả những con ngựa chứng  đã đưa một thông điệp tới Thầy Mark là “Gởi Thầy, kính yêu”. Trong ánh mắt bọn chúng ngoài chữ “Sir”, Thầy Mark còn người cha tinh thần. 

Cuốn phim “To Sir with Love” được thành công thì không thể quên bài hát chủ đề cho cuốn phim cũng mang cùng tên là “To Sir with Love” , do nữ ca sĩ  Lulu vừa diễn xuất trong phim vừa là ca sĩ chính hát bài hát chủ đề, và bài hát này một hit lớn ở Hoa Kỳ, đạt đến vị trí số 1. " To Sir with Love" trở thành đĩa đơn bán chạy nhất năm 1967 tại Hoa Kỳ, bán được hơn 1.000.000 bản; nó đã được trao một đĩa vàng, và được tạp chí Billboard xếp hạng là bài hát số 1 của năm.

Lu Lu là một ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhân vật truyền hình và nữ doanh nhân người Scotland.

Cô được cả thế giới biết đến, nhưng đặc biệt là khán giả Anh vào những năm 1960. Sau này trong sự nghiệp, cô đã thành công trên toàn thế giới ngoài bài hát "To Sir with Love" mà còn bài hát chủ đề cho bộ phim James Bond năm 1974 The Man with the Golden Gun. Ở các nước châu Âu, cô cũng được biết đến rộng rãi với bài dự thi giành chiến thắng Eurovision Song 1969 " Boom Bang-a-Bang", và ở Anh với bản hit "Shout" năm 1964, được trình diễn tại lễ bế mạc của Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2014 ở Glasgow.

Năm 1966, Lulu lưu diễn Ba Lan cùng ban nhạc The Hollies với tư cách là nữ ca sĩ người Anh đầu tiên xuất hiện trực tiếp sau Bức màn sắt của chế độ cộng sản. LuLu là một ca sĩ làm mưa làm gió tại Mỹ với ca khúc “To Sir with Love” , mà trong khi đó ngay tại Anh quốc chưa có một bài hát tên tuổi nào cả. Năm 1969, Lu Lu kết hôn với một thành viên của ban nhạc Bee Gees là Maurice Gibb nhưng cả hai li dị vào năm 1973 vì công việc và sự nghiện rượu của Maurice. 

Ca khúc “To Sir with Love” trở thành bất hủ, đã hơn 50 năm, ai đã từng xem phim này thì luôn nhớ giai điệu mượt mà của bài hát, nhất ở phần cuối cuốn phim là buổi tiệc mãn khoá đầy cảm động của một niên học, với giọng ca lôi cuốn của ca sĩ LuLu. Cuốn phim cũng như bài hát đã tạo nhiều cảm hứng cho những ai muốn chọn nghành sư phạm của rất nhiều thế hệ đã qua. 

Diễn viên Sidney Poitier quá xuất sắc trong vai diễn của một người thầy giáo da màu, ông đã xoá tan bóng đêm của sự kỳ thị màu da. Khán giả người Anh trở nên yêu mến ông vì hình ảnh lịch lãm, học thức và đáng yêu. Ông đã tạo một cảm tình của khán giả dành cho ông, họ không xem một thầy giáo da màu dạy dỗ đám học sinh da trắng là một điều chướng mắt, mọi người giảm đi sự hạ thấp phẩm giá của người da màu. 

Cuốn phim đã thành công ngoài sức tưởng tượng, doanh thu lên đến 42 triệu US dollars. Các nhà phê bình và công chúng đều yêu thích cuốn phim này. Vì quá ăn khách một cách bất ngờ nên hãng phim Columbia phải đi làm một cuộc khảo sát thị trường để tìm lý do tại sao? 

Câu trả lời là diễn viên : Sidney Poitier.

No comments: