Dec 3, 2021

ĐỌC LÊ MAI LĨNH THẤY TRẦN HOÀI THƯ - Doãn Cẩm Liên


Chuyện tức cười hết sức là Lê Mai Lĩnh thương tặng bút danh “Tên Cowboy hai súng” cho Trần Hoài Thư, mà xem ra cái tên đặt cho bạn nhưng nó lại có vẻ cũng hợp với chính ông ta, ông Lê Mai Lĩnh. Là độc giả của cả hai thì tôi muốn dùng luôn cái tên “Cowboy hai súng” mà đặt cho cả hai ông Trần Hoài Thư lẫn Lê Mai Lĩnh! Thêm chữ “A” và “B” để phân biệt ai là ai và tuyệt đối không phân biệt thứ tự cao thấp. Trần Hoài Thư “Cowboy hai súng A” và Lê Mai Lĩnh “Cowboy hai súng B”.

Thầm nghĩ và lý giải cho cái tên “cao bồi hai súng” Trần Hoài Thư thì có phải vì những gì tuông ra từ ngòi bút Trần Hoài Thư đã khiến Lê Mai Lĩnh nghĩ ra được cái tên hay ho “cowboy hai súng” này không? Và cũng vì ông Lê Mai Lĩnh dư đủ thân tình với bạn, đủ tinh tế, và đủ thông minh mà làm được việc hay hớm này. Tại sao “cao bồi” và tại sao “hai súng”? 

Đọc Trần Hoài Thư là có một cảm giác tác giả rất chân thật. Chân thật từ đời sống đến ngòi bút. Ông là người góp nhặt những sự kiện thật xung quanh mình mà viết. Chuyện xã hội, chuyện đời người ở thôn quê thành thị, chuyện lính tráng chiến trường khói lửa, chuyện tình người và tình yêu thời chiến. Hình như Việt Nam mình không có chuyện thời bình thì phải. Buồn thay!

Cũng chính vì viết thật quá nên Trần Hoài Thư mới có một dáng vẻ nghênh ngang như một ông “cao bồi”. Ông viết, viết xuống mọi vấn đề lướt qua mắt, qua tai, qua mũi ông… cho nó nằm phơi nơi trang giấy. Ông đã làm nhiều người sợ bất kể “Thiệu, Kỳ, Khiêm” ở trong miền Nam, “Hồ, Duẩn, Đồng” gờm gờm từ miền Bắc, ba tướng “Lãm, Du, Quang” quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng phải sợ! Vì là cao bồi nên Trần Hoài Thư chẳng biết sợ là gì, ông chọn con đường thẳng mà đi. Có nhiều chông gai ư? Thì bước qua. Bước qua không được ư? Thì phá tan nó ra. Phá không được ư? Thì trân mình chịu đựng, mà không ta thán.

Hình ảnh anh chàng “cowboy” miền Viễn Tây Hoa Kỳ, khi thì phi ngựa bụi đường tung tóe, khi thì xuống ngựa bước đi khệnh khạng, hai tay khuềnh khoàng chực sẵn nơi hai khẩu súng hai bên hông để giúp người thế cô, lấy lại lẽ phải. Lê Mai Lĩnh liền gắn hình ảnh này cho Trần Hoài Thư, không sai. Trần Hoài Thư người lính thám báo, hẳn là phải có súng. Súng này là súng thật. Trần Hoài Thư người của văn chương chiến trường, lấy ngòi bút gửi tâm tình cho độc giả. Ngòi bút của Trần Hoài Thư cũng là cây súng bắn những điều trái tai gai mắt; bắn những xếp lớn, những người ăn trên ngồi chốc mà làm bậy. Cây súng này không thật nhưng có uy lực riêng của nó. Đúng là hai súng rồi!

Trở lại “Ra Biển Gọi Thầm” mà Lê Mai Lĩnh muốn kêu to, gào to và đánh động cho độc giả của Trần Hoài Thư hay và chuẩn bị đón chào một đứa con nữa sắp ra đời của bạn mình. Ông thật là một người tinh mắt nhận xét đúng tính chất bạn mình và nhiều óc khôi hài thì mới nghĩ ra cái tên thích hợp, và chữ nghĩa dư thừa để chọn chữ đúng mà dùng.

Do vậy, Lê Mai Lĩnh muốn quảng cáo cho quyển “Ra Biển Gọi Thầm” Trần Hoài Thư ông phải chọn văn phong tương xứng, phải thật là “cowboy” không kém để hòng đánh động được độc giả. Người viết những dòng này nhìn về hai ông Lê Mai Lĩnh và Trần Hoài Thư đâu thấy có chuyện “chim sẻ” hay “đại bàng” gì ở đây!? Ai cũng oai phong, lẫm liệt hết. 

Kẻ tám lạng, người nửa cân!

Trên số báo KBC tháng 12 năm 2021, đọc Lê Mai Lĩnh viết lời mở cho tuyển tập 21 truyện ngắn “Ra Biển Gọi Thầm” của Trần Hoài Thư, khiến người ta tò mò muốn có trong tay quyển sách này. Bút pháp của ông hấp dẫn và thu hút lắm. Lê Mai Lĩnh viết thật, rất thật và cũng ghênh ngang cao bồi chẳng thua gì bạn ông. Ông cũng có một khẩu súng không thật là cây bút. 

Bút pháp của Lê Mai Lĩnh thật ngộ nghĩnh, khi thì ông đứng ở ngôi thứ nhất viết về bạn, về quyển sách của bạn. Khi thì ông lại ở ngôi thứ hai hoặc lầm bầm tự nhủ với mình: đừng mơ đến chuyện ngang bằng với bạn, nó là đại bàng mình chỉ là chim sẻ “… Thế mà, với hắn, cái anh chàng Trần Hoài Thư này, thì khác. Hắn được đàn anh, bậc thầy tôn vinh, trọng vọng, nể nang ra mặt. Vì hắn đang báo hiệu một sự khủng khiếp.” Khi thì ông như một thiền sư nói về “có” về “không” của sự đời, cái ông vừa viết về bạn mình nay lại rút ván, rút lời “Xin quý vị hãy coi như nãy giờ tôi không nói gì hết, tôi không hiểu gì hết. Chim Sẻ làm sao hiểu được Đại Bàng, ao tù làm sao biết được ngọn nguồn của đại dương.” Hay chưa? Nói đó mà lại không nói đó thì mới là nói! Đố ai trong số người đọc bài viết của Lê Mai Lĩnh mà không trỗi lên ý nghĩ phải có trong tay quyển sách của Trần Hoài Thư?

Đọc tiếp KBC số tháng 12 năm 2021, “Trần Hoài Thư, tên cowboy hai súng” phần cuối là tiểu sử Lê Mai Lĩnh là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Lại thấy thêm một chi tiết giống nhau giữa hai ông Lê Mai Lĩnh và Trần Hoài Thư là quân nhân thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Đi lính là phải cầm súng. Súng này là súng thật thì mới bảo vệ được đất nước. Vậy thì bạn này cũng “hai súng” có thua kém gì bạn kia đâu? 

Ngòi bút và bài vở, súng thứ hai không thật, mà Lê Mai Lĩnh sử dụng đã từng có trên tờ Nghệ Thuật, Khởi Hành, Gió Mới, Ngàn Khơi, Văn, Tiền Phong… Thế thì người đọc này không dám nói ai là đại bàng ai là chim sẻ.

Chỉ còn có thể kết luận “kẻ tám lạng, người nửa cân” mà thôi! 

Với tinh thần đọc và viết, người viết này thấy mình còn thiếu sót rất nhiều phần “đọc”. Thuở còn là thanh niên, cư dân thành phố Sài Gòn, thì chỉ đọc say sưa loại “Văn chương đô thị”. Có nghĩa là đề tài thuộc vùng đô thị thành phố, những tâm tình, chuyện đời, chuyện tình, văn học nghệ thuật phục vụ cho người “đô thị”. Để rồi ngày nay tự xét và tự đấm ngực mình đã quá thiếu sót những tác phẩm và tác giả thuộc khu vực “Văn chương chiến trường”. 

Để chữa tội lỗi này, tôi nay mày mò nhiều hơn qua tờ Nguyệt san KBC, Nguyệt san Thư Quán Bản Thảo, đọc và tìm hiểu nhiều hơn những tác giả văn thơ có gốc từ quân đội. Những chàng trai một thời trong tay có “hai cây súng”. Súng thật là để bảo vệ quê hương và cây súng không thật nhưng có nhiều công năng là ngòi bút. Ngòi bút của họ đã từng bảo vệ chính kiến, chính tư duy, chính mạng… và nhiều những chính khác nữa.

California, ngày 3 tháng 12, 2021

Doãn Cẩm Liên

No comments: