Jun 22, 2020

GIỚI ĐỊNH TUỆ


Khi hai chàng trai trẻ có tu tập giới định tuệ, hai chàng vẽ được tranh đẹp, tặng hàng xóm để hàng xóm trang trí cửa sổ cho đẹp.






Khi Hưng gàn có tu tập giới định tuệ, Hưng gàn viết được bài viết này đây: 


Tôi Tập Thực Hành Giới Định Tuệ

Đối với nhiều Phật tử, “Giới- Định- Tuệ” là ba từ hay đọc, nghe, và nói đến nhiều nhất khi đụng đến Phật Pháp. Tôi cũng thế. Từ thuở mới trưởng thành, có đọc được một chút kiến thức từ sách vở về triết lý Phật Giáo, tôi mê lắm. Thỉnh thoảng tôi nói với bạn bè những điều đọc trong sách như “Giới-Định-Tuệ là nền tảng của Phật Giáo…”. Nhưng khi bị hỏi tới, tôi lúng túng liền, và từ đó biết rằng chắc mình chỉ mới hiểu bề nổi trên mặt chữ.

Tìm đâu đó trên mạng, thấy có người nói Giới-Định-Tuệ như là một quá trình đi đến giác ngộ. Nhờ giữ giới (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu) mà khả năng thiền định của người tu Phật tăng lên, rồi từ đó dẫn đến việc nhận ra Trí Tuệ giải thoát của Đức Phật. Hay việc giữ giới giống như rễ cây, để nuôi thân cây là sự định tĩnh trong thân và tâm một cách vững chắc, để rồi từ đó kết ra hoa quả Tuệ Giác. Hay quá chứ còn gì nữa!

Rồi tìm hiểu tiếp, lại thấy có người giảng giải rằng đây là ba phương pháp tu căn bản vào bậc nhất của Đạo Phật, giúp người tu Phật thoát khỏi mọi phiền não (tam vô lậu học). Việc giữ giới, siêng năng thiền định, học và hành theo Trí Tuệ của Đức Phật sẽ hướng đến hương vị giải thoát của Phật Pháp. Cũng hay! Như vậy thì cách lý giải Giới- Định-Tuệ nào đúng hơn? Tiến trình, hay làm cả ba cùng lúc?

Sau một thời gian dài tìm cách lý luận, giải thích về Giới- Định-Tuệ, tôi càng thấy mình không thể hiểu hết và trả lời chính xác, nên đành bỏ qua một bên. Nhưng rồi càng lớn tuổi, nhu cầu “thực hành” Phật Pháp càng trở nên cần thiết hơn là “lý giải”. Tôi bắt đầu tìm cách áp dụng những kiến thức lượm lặt khắp nơi về Phật Pháp vào cuộc sống hàng ngày. Nghe thầy giảng về giới, tôi thử thực tập giữ năm giới. Nghe thầy nói thiền định là cửa ngõ để đi vào Tuệ Giác, tôi thử thực tập ngồi thiền, thiền hành, tập sống trong chánh niệm. Tôi tìm hiểu cách để suy nghĩ, nói năng, hành động sao cho có “Trí Tuệ” theo nhà Phật. Rồi chừng hai chục năm trôi qua, nhìn lại ba chữ “Giới- Định- Tuệ”, tôi cảm thấy đã hiểu rõ hơn sự thực hành những điều này đã ảnh hưởng đến cuộc đời của một Phật tử tại gia trình độ sơ căn, không đọc nhiều kinh sách như tôi ra sao.

Đối với bản thân tôi, có vẻ như tiến trình “Giới-Định-Tuệ” lại được tôi áp dụng… ngược lại! Như đã nói, là một người thích triết học, lý luận, tôi bắt đầu mê Đạo Phật qua sách vở, lý thuyết. Hồi  ở tuổi còn đi học, tôi đã đọc và còn dám cả gan “thuyết trình” cho gia đình, bạn bè  khái niệm về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo…! Cũng vì đọc nhiều sách về thiền, tôi bắt đầu thực hành thiền tập khá sớm, với mục đích chữa bệnh, và mong thấy được “Phật Tại Tâm” khi ngồi thiền. Giữ giới là điều mà tôi chỉ tự  buộc mình phải thực hành nghiêm túc hơn khi tuổi đã gần “năm bó”, sau khi chính thức qui y. Sau này nghĩ lại, may mà kiểu tu “lộn đầu” -hoa quả có trước thân cây và rễ cây- cũng không đến nỗi làm tôi đi lạc hẳn ra ngoài Chánh Pháp. Tôi còn nhớ lúc trẻ ngồi thiền cũng có được an lạc, tuy nhiên sự định tĩnh tới chậm và không kéo dài. Tôi cũng không thể ngồi thiền quá 20 phút. Tôi không phạm giới nhiều, chủ yếu là nhờ giáo dục của cha mẹ- những người theo đạo Phật từ truyền thống gia đình, của học đường. Tôi không sát sinh vì yêu súc vật, yêu thiên nhiên. Không thích trộm cắp, nói dối vì lý do đạo đức. Nói tóm lại, một người dù không nắm vững căn bản Phật học nhưng có căn bản đạo đức cũng không đến nỗi tệ.

Nhưng rồi sau này, khi đã bắt đầu thực tập Đạo Phật một cách có căn bản, tôi cảm nhận được Giới-Định-Tuệ có tương liên với nhau một cách mật thiết. Tôi không còn xem nhẹ việc giữ giới như hồi trẻ. Năm giới thể hiện cái nhìn đầy trí tuệ, đầy nhân bản của Đức Phật. Giữ giới, sống lành thiện là pháp tu chính của rất nhiều Phật tử. Tôi biết nhiều người, cả đời chỉ lo giữ giới, giữ vững niềm tin vào Phật Pháp, nhưng mức độ thánh thiện, an nhiên tự tại của cuộc đời họ còn hơn một số người có thực tập thiền hay nghiên cứu kinh điển cao sâu nhưng xem thường việc giữ giới.
Giữ giới là căn bản của nếp sống đạo đức. Hãy thử tưởng tượng, thế giới này sẽ tốt đẹp ra sao nếu mọi người đều thực hành năm giới. Không sát sanh thể hiện tâm từ bi. Không trộm cắp là lìa tâm tham lam, ích kỷ. Còn đối với Phật tử, giữ giới là hướng đến giải thoát. Giữ giới nhiều thì khả năng giải thoát nhiều. Riêng đối với bản thân, tôi nghiệm ra rằng việc giữ giới khiến cho việc ngồi thiền mỗi sáng dễ dàng có được sự định tĩnh, thanh tịnh hơn. Tối hôm trước mà uống rượu bia thì sáng hôm sau ngồi thiền khó có định. Nếu trong ngày hôm trước do công việc, do đối phó với đời sống mà tâm trở nên giận dữ, lo lắng, hận thù kéo dài, thì sáng hôm sau ngồi thiền cũng rất khó có được an tịnh. Ngược lại, nếu giữ được giới để có sự an lạc trong một ngày sống và làm việc, thì ngồi thiền sẽ dễ đi vào định.

Trong cuộc sống hằng ngày, việc giữ giới một cách trọn vẹn là rất khó. Giết một con ruồi vì lý do vệ sinh thực phẩm là điều khá thường xuyên xảy ra. Uống rượu bia có khi là do giao tiếp trong xã hội, hay để giảm căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Khao khát dục vọng là điều khó tránh khỏi trong độ tuổi thanh xuân. Vì thế, giữ giới được bao nhiêu tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng người. Nhưng nếu ý thức được lợi ích của việc giữ giới, việc phạm giới cũng sẽ được giới hạn dần dần. Tôi sẽ không đập chết một con ruồi đậu vào thức ăn nếu có thể xua đuổi nó bay ra khỏi nhà. Khi uống rượu bia, tôi giảm thiểu bớt để không mất khả năng kiểm soát lời nói, hành động, không làm hại đến sức khỏe. Khi trong đầu có một ý định tà dâm, tôi nghĩ đến những hậu quả không lường mà nó có thể gây ra cho bản thân, gia đình… Mỗi ngày một chút, cẩn trọng để dần tránh xa những việc phạm giới.

Nói về Định, kể từ khi giữ giới, việc ngồi thiền của tôi đã có thể kéo dài đến một tiếng. Tôi cũng mau chóng có được sự an tĩnh hơn, và thời gian tâm an tĩnh cũng lâu hơn. Tôi thích thực hành thiền định vì thực sự cảm thấy an vui trong giờ ngồi thiền. Niềm hạnh phúc do thiền định mang lại rất đặc biệt, nó khác với niềm vui khi tôi chơi đàn, hay gặp gỡ bù khú với bạn bè thân. Niềm hạnh phúc do thiền định chỉ có được khi ta có thực tập đều đặn. Giống như muốn cơ thể cường tráng thì phải tập thể dục mỗi ngày.

Nhờ học với Thầy, có đọc thêm kinh sách, cho nên việc thiền định của tôi không còn bị gò bó chỉ trong giờ ngồi thiền. Việc luyện tập để thắp sáng Sự Nhận Biết sáng rỡ hiện tiền trong tâm mình có thể thực hành trong khi tập thể dục, múa gậy dưỡng sinh, hay đang đi bộ trong vườn.

Không chỉ với bản thân tôi, việc áp dụng các phương pháp “định thế gian”, không có màu sắc tôn giáo vào đời sống đã và đang ngày càng phổ biến ở xứ Mỹ. Việc huấn luyện thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) nay được đưa vào trường học, nhà tù, quân đội ở Cali và một số tiểu bang khác. Gần đây nhất, nhân viên làm cho các văn phòng dân biểu liên bang được khuyến khích tham dự những khóa huấn luyện online để giảm căng thẳng trong thời buổi covid-19, trong đó có chương trình huấn luyện Mindfulness. Không thể kể hết những thông tin trên internet về lợi ích của việc thực tập Chánh Niệm đối với mọi người, cho dù có là Phật tử hay không.

Nói về Trí Tuệ của Phật Pháp thì không thể nói hết. Đó là Trí Tuệ của sự giải thoát. Đó là Tứ Diệu Đế, là lý Nhân Duyên, là Bát Chánh Đạo… Hiểu được ít nhiều Trí Tuệ này, tôi dễ dàng thực hành thiền định, và đặt niềm tin vững chắc vào việc giữ giới. Trong đời sống hằng ngày, tôi dành thời giờ để đọc, nghe những điều về Trí Tuệ; suy nghĩ mọi việc xảy ra trong đời bằng cái nhìn của Trí Tuệ; tu học và hành trì theo Trí Tuệ. Thí dụ, tôi bỏ thú đi câu cá vì biết rằng đó là việc giết hại chỉ vì thú vui. Khi uống bia với bạn bè, tôi ý thức rằng rượu bia có thể làm mất trí tuệ, làm hại cho cơ thể, cho nên giới hạn bớt. Có thể tôi không thể đạt đến mục tiêu giải thoát trong đời này, nhưng tôi vẫn có được những niềm hỷ lạc nhất định, và dọn bớt chướng ngại trên đường hướng về giải thoát cho những đời sau.

Chia sẻ một chút kinh nghiệm về việc thực hành Giới- Định-Tuệ của một Phật tử sơ căn như tôi là như vậy. Có một điều tôi rút kinh nghiệm được từ chính mình: để có thể hiểu được ít nhiều về Giới-Định-Tuệ, để có thể thấy được sự lợi lạc cho cuộc sống từ Giới- Định-Tuệ, hãy từng bước bắt đầu thực hành. Đạo Phật là con đường để đi, chứ không phải là triết lý để suy gẫm. Hãy tự mình bước đi những bước đầu tiên, con đường dẫn đến đích sẽ mở ra trước mắt. Niềm hạnh phúc an lạc do thực hành Giới-Định –Tuệ mang lại có khi lớn hơn ta tưởng tượng rất nhiều, mà những niềm hạnh phúc thế gian khác không thể so sánh được.

Tâm Nhuận Phúc Hưng gàn




No comments: