Aug 26, 2019

DOÃN GIA BÌNH LOẠN NGÔN NGỮ VIỆT





HIỆN TƯỢNG "ĐỐI TƯỢNG" VÀ "ẤN TƯỢNG" CỦA TIẾNG VIỆT ĐỔI ĐỜI
ĐÀO VĂN BÌNH

Theo định nghĩa, “đối tượng” là người/ kẻ mà mình nhắm tới.

Thí dụ:
a) Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Nguyễn Văn A là đối tượng ( kẻ, người, thành phần) mà cảnh sát cần theo dõi.

b) Theo như tiêu chuẩn chọn chồng đã đề ra, thì cậu B là đối tượng (người) mà cô ta có thể nhắm tới.
Hiện nay trong nước, hai chữ “đối tượng” được dùng loạn xà ngầu và quái đản. Cái gì cũng “đối tượng”. Một người đang uống cà-phê bị một kẻ côn đồ tới gây sự cũng gọi là “đối tượng”.. Rồi kẻ gian đập cửa kính vào tiệm bán nữ trang ăn trộm cũng gọi “đối tượng”. Cảnh sát rượt đuổi những kẻ lái xe nguy hiểm trên đường phố cũng “đối tượng”. Để cho mọi người có thể ngoạn cảnh Hồ Gươm biến thành “Để cho các đối tượng có thể tiếp cận Hồ Gươm.” Khám xét phòng trà ban đêm thấy một số thanh niên có biểu hiện (dấu hiệu) sử dụng ma túy cũng “đối tượng”. Hung thủ gây ra cái chết cho người ta cũng “đối tượng”. Rồi 15 phần tử gây rối ở Phan Rí bị truy tố cũng “đối tượng”. Rồi bắtkẻ trộm két sắt của công ty cũng “đối tượng”. Rồi hai nhóm côn đồ đánh nhau cũng “hai nhóm đối tượng”. Đúng là tiếng Việt đổi đời quái đản. Sau đây là một thí dụ về bệnh dịch “đối tượng” đang lan tràn trong nước và nhiễm ô cả hải ngoại.

1) Một bản văn điên khùng đầy “đối tượng”

“Bị rượt đuổi, bốn đối tượng tình nghi buôn bán ma túy trên chiếc xe bán tải (xe pick-up) đã tăng tốc khủng và đụng phải hai đối tượng đi xe đạp bên đường. Chưa hết, chiếc xe còn leo lên lề, đụng phải một đối tượng bán bún riêu và hai đối tượng đang nhâm nhi cà-phê, húc đổ bảng quảng cáo của đối tượng chủ mặt bằng. Thấy chuyện lạ, cả trăm đối tượng ở hai bên hè phố đổ ra xem khiến giao thông ùn tắc, các phương tiện không sao di chuyển được. Cảnh sát phải làm việc rất căng mới xử lý được sự cố, bắt giữ những kẻ tình nghi buôn bán ma túy, đồng thời yêu cầu các đối tượng giải tán. Tuy nhiên vẫn còn mười đối tượng không chịu tuân theo chỉ thị cho nên đã bị cảnh sát mời về trụ sở công an phường, phạt cảnh cáo mỗi đối tượng một triệu đồng rồi cho về. Tuy nhiên một số đối tượng không mang theo tiền cho nên phải gọi điện thoại để gia đình đối tượng mang tiền đến nộp phạt.”



2) Một bản văn với thảm họa “ấn tượng”

“Sau khi xem xong một trận đấu bóng chuyền rất ấn tượng. Trên đường về nhà, tôi thấy một số em bé đang ca hát ở công viên thật ấn tượng. Tôi dừng lại nói chuyện với các em và vò đầu một em bé. Một em bật nói, “Cô trông thật ấn tượng.” Thế là ngày hôm nay tôi có hai ấn tượng. Về đến nhà, bố tôi hỏi, “Con xem đấu bóng chuyền có vui không?” Tôi trả lời, “Ấn tượng lắm bố ạ.” Bố tôi gật gù ra vẻ hiểu tôi muốn nói gì. Cùng lúc ấy bố tôi bật máy truyền hình đang chiếu một chương trình triển lãm tranh. Phóng viên của kênh truyền hình phỏng vấn một khán giả, “Ông cho biết cảm nghĩ của ông về buổi triển lãm.” Vị khách trả lời, “Tôi thấy thật ấn tượng.” Vị khách vừa trả lời xong thì màn hình xuất hiện hình cô xướng ngôn viên bình luận, “Thưa quý vị khán giả. Buổi triển lãm rất thành công và tạo nhiều ấn tượng cho người xem. Rất mong trong tương lai sẽ có nhiều sinh hoạt nghệ thuật đầy ấn tượng như thế này.” Ngay lúc đó thằng em trai từ ngoài cửa bước vào. Bố tôi hỏi, “Buổi lễ khai giảng trường con có gì lạ không?” Thằng em trả lời, “Đầy ấn tượng bố ơi. Bài diễn văn nào cũng ấn tượng. Nhất là bài diễn văn của ông bộ trưởng giáo dục, ấn tượng hết ý.” Nghe nói thế, bố tôi bảo, “Các con ráng học, kỳ nghỉ hè này bố sẽ cho các con tham quan (du lịch) một nơi rất ấn tượng..” Ngay khi đó thì mẹ tôi từ ngoài cửa bước vào. Bà lên tiếng, “Ở bên ngoài, tao nghe bố con tụi bay nói rất là ấn tượng. Nhưng cái ấn tượng đó chẳng ăn thua gì tới nhà mình. Báo, đài hôm nay nói giá thịt, giá xăng tăng rất là ấn tượng, đầy kịch tính và đúng kịch bản. Nếu cứ tiếp tục tăng một cách ấn tượng như thế này thì dân không có cháo mà ăn. Đầu vào thì nhiều mà đầu ra thì ít (input-output). Thôi, đầu óc tao căng lắm rồi. Tao đang điên đầu vì ấn tượng đây!”

Thực ra bản thân hai chữ “ấn tượng” nó có nghĩa là tạo ra một hình ảnh, một ý nghĩ, một cảm xúc gì đó mà cần phải có “bổ túc từ” mới rõ nghĩa. Nếu nói, “Cuộc triển lãm thật ấn tượng” thì chẳng ai biết cuộc triển lãm ra làm sao. Trước đây Miền Nam chúng ta thường nói, “Tạo một ấn tượng tốt đẹp”, “Để lại một ấn tượng đẹp” hoặc “Đáng ghi nhớ” v.v.. Ngày nay tiếng Việt đổi đời do những thành phần bát nháo, ít học nắm giữ ngành truyền thông đại chúng cho nên nó giết chết tiếng Việt truyền thống, nói như người điên mà không hiểu mình nói gì.


PHẦN BÌNH LOẠN CỦA DOÃN GIA


... Cách sử dụng ấn tượng và đối tượng nghe vẫn còn xuôi tai hơn là chữ “tốt”. Út vẫn chưa quen với chữ “ăn tốt” 😊 út thích chữ ăn giỏi hơn. Nhưng út là ai mà đòi bỏ ăn tốt, giữ ăn giỏi hehe - út

... Útt là người Việt Nam  nên hoàn toàn có quyền đòi hỏi 1 tiếng Việt sáng sủa, thông minh và đẹp đẽ! - chị Hai


... Cái gì bị lạm dụng cũng trở nên lố bịch. Đọc hai bài báo lạm dụng hãi chữ "đối tượng" và "ấn tượng", b K nghĩ bụng chẳng lẽ thực sự có những cách hành văn ấy trên báo chí trong nước ??? Nghe có vẻ là một kiểu caricature bằng chữ!

Bài văn "đối tượng" coi bộ dễ chữa hơn. Hưng gàn chỉ cần thay danh từ đối tượng bằng những danh từ khác như "người, kẻ, các cư dân, ..." là độc giả thấy dễ thở liền.

Còn bài " ấn tượng" thì dọc là muốn ọe vì nó nguyên thủy là một danh từ, nhưng đã bị biến hóa đủ mọi kiểu, thành tỉnh từ, trạng từ v..v...

Hưng chữa nó bằng cách cho thêm "bổ túc từ" (complement), nhưng chữ "bổ túc từ" mơ hồ quá trong văn phạm tiếng Việt. Đúng ra là Hưng gàn đã chữa bằng cách thêm động từ và một tĩnh từ (adjective): ("ấn tượng" được chữa bằng: "tạo ra một ấn tượng tốt đẹp" hay "để lại một ấn tượng đẹp". Nghe có vẻ dài dòng hơn hai chữ "ấn tượng" mà các em Bắc kỳ thường buông một cách gọn lỏn và hoàn toàn sai văn phạm. Cái đúng có cái giá phải trả (phải dùng nhiều chữ hơn).

Út gặp đề tài này bèn nhớ ngay đến chữ "tốt" cùng chung số phận, b K thì nhớ đến những chữ "máu" (=hăng say) và hầm hố (=to lớn).

Ngôn ngữ đổi từng ngày và từng nơi nên có lẽ mình nên đợi ý kiến của những người trong nước như má Thùy, tía Dũng, Đoàn Khoa. - bác Khánh


... Bài viết bình luận của bác Thanh và bác Khánh thiệt là dài hoành tráng hay là hoành tráng dài ... phải dùng sao cho đúng đây? - út dâu


... Không biết ai là tác giả viết bài "khơi mào" và "bài giải" cho bài viết, nhưng đọc xong thì có cảm giác là một bài viết cảnh tỉnh người Việt dùng tiếng Việt. Bài khơi mào có phần thái quá, nhưng rất cần để người ta giật mình. Còn phần "bài giải" cũng rất cần để cho người đọc thấy cảm giác thoải mái, nhẹ thở, và có hướng giải quyết.
Người Việt trong nước cần đọc bài viết này để thấy. Nhất là người Việt ở miền Bắc, thường hay đắc chí là tiếng Việt mình thuần chất và hay có tính tự hào mình giỏi nên sáng tạo và khơi mào tiếng Việt mới. Lại thêm nữa, giọng người miền Bắc (không phải người Bắc xưa của thế hệ bố mẹ mình) chua, thanh sắc cao nên khi nói những chữ "đối tượng" "ấn tượng" ở sai vị trí hoặc thiếu chữ phụ trợ nó lại càng ê tai và tô đậm cái lố bịch. He heee... vài lời phê bình. - Tư Liên

... Những đối tượng này đơn giản thuộc gia đình "xì trum" 🤪🥶 - Mợ Hai

PHẦN BÌNH LOẠN CỦA QUÂN BẠN ÚT

Dear Bà Hương ,


Đọc bài viết của ông Đào Văn Bình về tiếng Việt đổi đời trên Blog của bà làm tui suy nghĩ công việc tui làm mỗi ngày tại London. Có lẽ trong số bạn bè tại hải ngoại, tui là người đụng chạm nhiều nhất với tiếng Việt thời bây giờ, nhất là từ miền bắc Việt Nam , rồi tới Nghệ an, Quảng bình và Hà Tĩnh. Còn thêm đám ca hát tại các vũ trường và Bar tại Hà nội, Sài gòn và Hải phòng.


Thiệt mà nói lúc đầu tui nghe những từ ngữ như Ấn tượng , Đối tượng , Hoành tráng , Học tập, Xử lý , Chỉ đạo , Cải thiện … thấy cái loại ngôn ngữ này vô duyên vô cùng, rất là Việt cộng , y như “Bác” ngày xưa cứ khoái viết chữ “K” thay chữ “C” hay chữ “F” thay chữ “Ph”, cứ làm tiếng Việt ngày càng ngô nghê và nghèo nàn.


Hiện giờ tui thuê một phụ nữ Việt Nam, tuổi khoảng 40, làm việc trong văn phòng tui. Chị này là người sinh tại Sài Gòn và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra tui có một cô gái tuổi 24 đang làm thiện nguyện cho văn phòng tui, người Hải phòng và giáo dục cũng y như chị Sài Gòn.


Khi chị Sài Gòn vào làm việc với tui, có những công việc như viết thông báo các sinh hoạt trong cộng đồng đến khách hàng, chẳng hạn như nhắc nhở trường Tiếng Việt khai giảng vào tháng 9. Chị ta tự nhiên dùng các từ “Học tập” , “Ấn tượng” hay dành cho các “Đối tượng” học sinh và vv… Ban chấp hành của cộng đồng thì đa số là người Sài Gòn năm xưa , trước là  thầy cô giáo, nên họ ngay lập tức chỉnh ngôn ngữ người nhân viên này. Sau đó chị ta có than với tui là từ bé đến lớn được giáo dục như vậy , đâu có biết chữ nghĩa trước 1975. Thế nào là chữ Việt Cộng và chữ nào không Việt Cộng.


Con bé thiện nguyện của tui, vài tuần trước tui kêu nó viết một bài sinh hoạt cộng đồng. Vào bài là nó viết “Tất cả đối tượng tham gia ngày sinh hoạt của Luật sư Nguyễn Văn Đài ổn định chỗ ngồi một cách nhanh chóng….” Tui đọc bài viết của nó tui không biết ch ỉnó thế nào, tui đang tưởng tượng một con nữ Việt công đang giảng bài cho tui. Sau đó tui giải thích cho nó , nhìn nó thấy tội nghiệp vì nó ngơ ngác , nó không hiểu tại sao không được sử dụng những ngôn ngữ đó.


Tui có một ngườ ibà con , tên Phan Văn Trường, có em trai là Phan Văn Hưng chuyên sáng tác nhạc chống cộng bên Úc. Ông Trường thì qua Pháp du học từ thập niên 60 và ở bên Pháp đến lúc về hưu. Giờ lại về Việt Nam dạy môn qui hoạch đô thị. Ông ta kể những năm đầu ông ta dạy ở Đại học Kiến trúc Sài gòn , lúc đầu ông ta sợ tiếng Việt của ông ta không theo kịp ngôn ngữ tại Việt nam nên không ý kiến nhưng sau 2 năm ông ta bắt tất cả sinh việt gặp ông ta và nói “từ giờ trở đi tất cả các em là học theo tiếng Việt của thầy , tiếng từ thời xưa chứ không phải tiếng Việt bây giờ, vì bây giờ các em viết Thầy không hiểu gì hết , cái tiếng Việt kỳ cục không giống ai.”.


Còn cá nhân tu ithì phải nói có phần khó khăn khi dịch các bài viết vì có nhiều chữ tui không chắc là mới hay cũ. Chẳng hạn tui cứ loay hoay “Cải tiến” hay “Cải thiện” . Còn tìm chữ thay thế chữ “Xử lý” có lúc tui tìm không ra… Các chú Việt cộng cứ dịch chữ “You” là “Bạn” tui lại không ưa , tui cho là vậy là bất lịch sự vì có những người đọc là cao niên , ai là bạn với mình, nên tui bắt buộc phải xài từ “Quí vị”. Giờ người đọc ở Anh quốc hết 95% là con cháu bác Hồ, nếu tui không xài chữ nghĩa đó thì tui nó lại không hiểu tui nói gì. Tụi nó sẽ nói tui nói tiếng Nam mà tụi nó không hiểu gì hết.


Trước kia tui có kể bà là con cháu bác tại đây xài chữ “Hoành Tráng” đến một lúc tui nghe phát ớn. Cái gì tụi nó cũng kêu hoành tráng. Nhất là một lần tui đi quay phim cưới. Mớ icầm máy vào nhà chú rể thì bà con nó dặn dò tui là phải quay cuốn phim thật hoành tráng. Tui ngơ ngác không hiểu quay phim thế nào là hoành tráng. Tui vào trong nhà chờ đợi , y như một cái chợ trời , người chạy ra chạy vào , một lát sau thằng chú rể kêu đi đón dâu , không mâm quả , không đại diện, còn chú bác nhà nó đứng như trời trồng. Rồi thằng chú rể cầm bó hoa đi ra đường , mấy thằng phù rể đứng phì phà thuốc lá, vừa nói chuyện vừa chửi thề. Nhìn cảnh này tui không biết thế nào là quay phim hoành tráng.

Một lát sau một chiếc xe cưới , chế tạo theo xe cổ ngày xưa, thêm 8 chiếc xe “Limo” . Thằng chú của chú rể tới dặn tui là “bác nhớ quay làm sao hết 8 ciếc xe Limo , như vậy đám cưới mới hoành tráng”.  Lúc đó tui mới hiểu chữ Hoành Tráng.


Thiệt mà nói các lão Việt cộng chẳng có chữ nào mới cả , chỉ tìm chữ thay đổi để không cảm thấy là sử dụng chữ nghĩa miền nam năm xưa. Làm riết vào thế kẹt không ra chữ khác. Người ta nói “Sinh ngữ” là chữ sinh ra để được phong phú… Mấy lão làm sao chữ không sinh mà thành tuyệt luôn , nên giờ mình cứ phải nghe Đối Tượng hay Ấn tượng.. Đó là cái tài phá hoại của Việt cộng.


No comments: