Jun 27, 2019

TIẾNG SÁO MỤC ĐỒNG - TẦM NGƯU



[...]

Mang mang bát thảo khứ truy tầm
Thủy khoát sơn diêu lộ cánh thâm
Lực tận thần bì vô mịch xứ
Đản văn phong thọ vãn thiền ngâm

Thiền sư Quách Am

Bức tranh đầu tiên có tên "Tầm ngưu", nghĩa là "Tìm trâu". Trong tranh, chú mục đồng đang đi tìm con trâu của mình. Tay chú cầm dây roi, trời đất mịt mù, núi cao đá dựng, sông rộng nước sâu, đường đi thăm thẳm không biết tìm trâu ở đâu.

... Nếu đọc và cảm nhận bài thi tụng qua hình ảnh tả thực của nghệ thuật thi ca, chúng ta sẽ cảm thấy thật tội nghiệp cho chú mục đồng bơ vơ, mỏi mệt đi tìm con trâu đã mất khi trời sắp xế chiều. Có thể chẳng mấy chốc thì màn đêm buông xuống và bóng tối sẽ phủ trùm một màu đen khắp cả núi rừng. Chú sẽ hoảng loạn, không biết phải làm sao.  Thoáng nhìn, ta cứ ngỡ chú mục đồng có vẻ không liên hệ gì đến ta.  Nhưng nếu quay về nhìn kỹ lại một chút, ta sẽ thấy hình ảnh chú mục đồng ấy cũng là hình ảnh của chính mình.

Thử hình dung đoạn đường của đời sống đã đi ngang qua, chúng ta thấy nẻo trần gian vẫn gập ghềnh, đường tu tập còn chông chênh, niết bàn xa vời vợi.  Chúng ta đã tìm mọi lối, mọi cách để trở về.  Nơi nào có tôn giáo và sự hứa hẹn cho viễn cảnh hạnh phúc, an lạc niết bàn, ta liền tìm đến mong được chỉ dạy "nẻo về chốn cũ". Ta đi tìm từ lúc còn trẻ cho đến hôm nay, thế mà cánh cửa dẫn vào con đường tâm linh vẫn khép kín, vẫn chưa mở ra để đón chúng ta vào. Cuộc đời càng về già, chúng ta càng nhìn thấy mịt mù trước mặt, không biết khi nào sẽ rơi vào hố sâu thăm thẳm của cái chết. Thế nhưng ta vẫn chưa biết mình từ đâu đến và khi trả hình hài về cát bụi ta sẽ còn hay mất.

... Tuy con đường tu tập của chúng ta có ngàn vạn nẻo, nhưng rốt ráo chỉ có một nẻo duy nhất cần đi là quay về nhận ra thực thể không sinh không diệt nơi chính hình hài này. Người xưa đã cụ thể hóa nội dung này bằng họa ảnh chú mục đồng bôn ba đi tìm trâu, đó là tim cho ra "con trâu" trong chính ta.  Đó là ý nghĩa của bài tụng thứ nhất đề cho bức tranh "Tầm ngưu".

[...]

Thích Phước Tịnh
Trích "Tiếng Sáo Mục Đồng"



No comments: