Nhớ Bác Nguyễn Quảng Tuân xưa,
xuất thân từ Trường Bưởi-Hà Nội, quảng giao với các bạn bè ưa thích văn chương. Từ năm 1953 đã viết và xuất bản về Chu Mạnh Trinh và Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập.
Sau đó từ năm 1957 tập trung viết giảng văn lớp 6,7.8.9.10 và Quốc văn lớp 12 cùng dạy học. Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, bác Quảng Tuân đi vào con đường nghiên cứu, được bộ sách Tổng Tập Văn Học Việt Nam ( tập 12) dành cho bác Quảng Tuân viết về Đọan Trường Tân Thanh (Truyện Kiều),1997; Tổng Tập Văn Học Việt Nam ( tập 13A) viết về Hoa Tiên, Sơ Kính Tân Trang-Mai Đình Mộng Ký; Tổng Tập Văn Học Việt Nam ( tập 13B) viết về chinh Phụ Ngâm- Cung Oán Ngâm Khúc, Ai tư vãn,Thu dạ lữ hoài ngâm-Tự tình khúc-Tỳ bà hành- Trường hận ca- Chúc cẩm hồi văn).
Sau cuốn “ Truyện Kiều khảo đính và chú giải”, Nxb Khoa Học Xã Hội in năm 1997,Bác còn xuất bản 8. 9 cuốn về Kiều cả thảy như Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều; Truyện Kiều , bản Nôm cổ nhất 1866;Chữ Nghĩa Truyện Kiều;Truyện Kiều nghiên cứu và thảo luận; Tập Kiều Vịnh Kiều.... Bác Quảng Tuân đã trở thành nhà Kiều học
Một điều rất đặc biệt Bác còn sáng tác tới khoảng 200 bài ca trù, đã xuất bản cuốn “Ca Trù, Thú chơi tao nhã”, năm 2003; “Ca Trù, Hồn Thơ dân Tộc”, năm 2005; “Ca Trù, Thơ Nhạc Giao Duyên”, năm 2008. GS TS Trần văn Khê đã viết rằng: “Từ cổ chí kim nhà thơ Nguyễn Quảng Tuân là người sáng tác hát nói nhiều nhất... Tôi thật sự khâm phục chẳng những kiến thức uyên thâm của tác giả mà còn là sự sáng tạo phong phú đa dạng của một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về ca trù hiếm có ở Việt Nam.
Bác Quảng Tuân mất đi, Việt Nam mất đi một nhà giáo gương mẫu, một nhà văn, nhà thơ sáng tạo phong phú, một nhà nghiên cứu uyên thâm hiếm có ở Việt Nam.
Bạn bè mất đi người bạn tốt bụng, gia đình mất đi người chồng, người cha, người ông, người cụ quí mến!
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
Bác Tuân ơi, Bác ra đi
Để lại thương tiếc, còn gì nữa đây
Một nhà giáo đức cao dày,
Nhà thơ sáng tạo có ai đâu bằng
Một nhà nghiên cứu uyên thâm
Cầu mong Bác mãi bình an vĩnh hằng
Ô hô! Thượng hưởng!