Nếu nói theo dân gian: “Hùm chết để da, người chết để tiếng” với ý nghĩa là một người khi chết có thể để lại tiếng xấu hay tiếng tốt về mình, cũng giống bộ lông con hổ không tan biến như thịt xương khi chết. Nếu áp dụng nghĩa này với Thầy tôi, thầy Thích Nhất Hạnh, có phần đúng nhưng cần phải thêm nhiều chi tiết nữa mới được tròn đầy ý nghĩa.
Dựa theo lời Thượng Tọa Thích Phước Tịnh trước cử tọa tăng ni, phật tử nơi Lộc Uyển, đã hỏi rằng: “Sư Ông mất đi, hình hài được hỏa thiêu nay chỉ còn dúm tro, mà lại không có bảo tháp, không có xá lợi thì chúng ta lấy gì để thờ cúng, lấy gì để chúng ta tôn thờ Thầy?” Một đề tài lớn cho ngày mà cả ngàn đệ tử của Sư Ông tề tựu để đưa tro bụi của ngài về với rừng núi.
Một câu hỏi đánh động thính chúng và lũ con của Thầy rất nhiều.
Hẳn nhiên tiếng tăm của Thầy còn đó, hơn nửa thế kỷ trước ngày mất, và dài lâu cho ngàn năm sau nữa. Nhưng phải nhớ rằng tiếng tăm tốt xấu không bằng “tuệ giác” của Thầy hoặc là “các pháp” Thầy đã trao truyền. Đó là những gì còn mãi sau ngày Thầy mất. Nó còn hoài và dài lâu, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng. Pháp còn là Thầy còn.
Thầy mất, chúng ta làm gì để “để tang”? Để tang như thế nào là đúng?
Tâm tang!
Mang tang ở trong tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người. Vành khăn tang nằm trong tâm, không phải là mảnh vải trắng quấn trên đầu, mà nó hiển hiện nơi tâm thức của chúng ta. Câu chuyện để tang Thầy cũng giống như chuyện uống trà, Thầy Phước Tịnh đã ví von như vậy. Ta uống phần nước trà. Nơi tinh chất trà hay cốt trà đã thoát ra từ lá trà. Phần xác trà thì bỏ đi. Để tang Thầy cũng vậy, là biết thấm giữ lại những gì Thầy trao truyền.
Đệ tử đang mang tang thầy trong tâm. Nghĩa là mình luôn ghi nhớ những pháp Thầy đã trao truyền. Nhớ Thầy là nhớ thực tập từng giây từng phút những pháp đã lãnh hội từ Thầy. Một trong những pháp tôi thường nhớ và thực tập là “sống với giây phút hiện tại”. Hôm nay, khi xẻ trái mít tôi biết tôi đang xẻ mít. Nhận biết mình đang cầm con dao trong tay phải, tay trái giữ trái mít, con dao ấn xuống trái mít. Để con dao cắn sâu và cắt đôi được trái mít thì tay cầm dao phải chặt và tay trái cũng giữ chặt trái mít, lắc nó qua lại để trợ giúp con dao từ từ đi xuống hết quả mít. Rồi lại nữa, phải cắt nhỏ hơn nữa hai nửa trái mít. Vẫn là đè con dao bên tay phải, tay trái giữ miếng mít thật cẩn thận để có hai phần đều nhau. Tay trái phải để như thế nào để lưỡi dao không chạm vào tay nếu lỡ đường dao bị trật ra.
Xẻ quả mít thật là lắm khó khăn vì nó to quá, nặng quá và quá nhiều nhựa. Con dao đã dầy lên vì nhựa dính nhép. Đến phần dọn dẹp, rửa dao, thu gom vỏ, xơ mít cũng là một kỹ thuật. Khi thắp sáng tỉnh thức lúc dọn dẹp này sẽ có một hiệu quả thật hay: sạch sẽ, gọn, và nhanh mà không rơi vãi rác nơi hiện trường. Tom góp tất cả rác vào trong mảnh giấy to, gói gọn, nhét tất cả vào bao ni lông, mang nó ra thùng rác lớn ngoài sân. Đến phần rửa dao. Thật là thích thú khi dùng WD4 xịt vào con dao, nhỏ hai giọt xà bông vào miếng sốp rửa bát, và chùi cọ lưỡi dao. “Miracle” tất cả nhựa dính có lúc nó gây khó chịu thì bây giờ tan biến hết. Tất cả những hành động, phương cách rửa dao, người dọn rửa… tất cả được nhận biết rõ ràng từng phút giây. Thật là một pháp môn tuyệt vời cho người thực hành. Để thấy rằng hạnh phúc có đó, trong từng phút từng giây.
Đó Thầy tôi thể hiện trong tôi là vậy đó. Thầy đâu có chết. Thầy vẫn còn đó!
Thượng tọa Thích Phước Tịnh còn nhắc đến sự thành công rực rỡ của Sư Ông trong việc “hoằng pháp” ở phương Tây và cho các thế hệ trẻ sau này. Thầy đã tiết giảm những nghi thức rườm rà có nhiều tính tôn giáo, những trang trí nặng phần trình diễn của các chùa xưa, ngay cả tượng Phật cũng có thể biến mất. Như tại Lộc Uyển, nơi thiền đường lớn Thái Bình Dương, có một phật tử trẻ hỏi thầy Phước Tịnh là “Sao con không thấy tượng Phật, vậy thầy?”. Do vì Phật cũng cần lui bước để chỉ còn lại “pháp”, những pháp thực tập, cái biết nơi hơi thở, nơi hạnh phúc ở nơi này và lúc này. Tất cả những gì không cần thiết mà có thể làm rào cản sự áp dụng Phật pháp cho người Tây phương, đã được “tuệ giác” của Sư Ông nhận biết. Thầy liền tháo gỡ nó ra. Người Mỹ nói riêng, người Tây Phương nói chung, sống rất thực tiễn. Họ muốn giải hóa những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, trong quan hệ vợ chồng con cái, trong giao tiếp bạn bè. Họ đến với pháp môn Làng Mai là được đáp ứng, mà bên ngoài đó họ vẫn giữ được tôn giáo của họ và gia đình. Hành trì Phật pháp theo pháp môn làng Mai dễ dàng, chỉ cần quay trở về với hơi thở, nhìn trở ngược vào bên trong tâm, soi sáng những khúc mắc, ôm ấp nó, để rồi tự tìm ra được giải pháp cho chính mình.
Chính mình mà không của ai hết.
Người Tây phương và giới trẻ ngày nay và ngày sau đã sử dụng được những công cụ này để làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, đáng sống hơn. “Đạo Phật đi vào cuộc đời” châm ngôn của Sư Ông nay đã thực đi vào đời sống và xã hội. Đạo Phật không còn ở trong chùa, ngồi chết dí trên bàn thờ, để được lễ lạy. Trí tuệ của Sư Ông là thế đó. Trí tuệ này sẽ còn lưu truyền đến ngàn năm sau, ngay cả hạt bụi tro của thân xác Sư Ông cũng biến hóa, tan vào đất đá của đồi núi.
Phần chính của buổi lễ rải tro Sư Ông tiếp theo sau lễ Đắp Y của quý sư Thầy sư Cô. Ba hũ tro cốt được ba vị đệ tử lớn của Sư Ông cầm trên tay và lên đường. Bước những bước đi thong dong từ thiền đường Thái Bình Dương lên đỉnh Yên Tử. Cũng nơi này Sư Ông đã từng bước những bước như vậy để truyền dạy cho các chúng và đệ tử. Chúng con ngày hôm nay cũng vậy, không khác, cũng là những bước thảnh thơi, hít vào thở ra sâu lắng và tỉnh thức. Đến nơi, dưới chân Phật đài, chúng con nhận lãnh một dúm tro cốt của Sư Ông trên tay, rồi đem rải khắp nơi, nơi nào cũng có Sư Ông. Sư Ông tạm dừng nơi đó để lại trong chúng con một bài học cuối cùng. Bài học thân xác về với đất mẹ. Không gì còn hiển hiện mãi, mà cũng không gì mất đi. Đó chỉ là sự biểu hiện ở một hình thức khác, ở nào khác đó thôi!
Ngày lễ rải tro Sư Ông hoàn tất. Chúng con nhận lãnh và ghi nhớ những gì Sư Ông trao truyền. Phật pháp và Tuệ Giác của Sư Ông sẽ được tiếp nối ngàn đời sau.
Sư Ông Thích Nhất Hạnh của đạo Phật Ngày Nay và Ngày Sau.
California, ngày 3 tháng 5 – 2022
Chân Nhã Uyển