Mar 28, 2018

HÃY XÂY DỰNG MỘT NỀN ĐẠI HỌC VIỆT THUẦN TÚY SỰ GIÀU SANG CỦA TIẾNG VIỆT


[...]

Hạ tuần tháng 9 vừa rồi (1956), khi qua Vọng Các tôi có gặp anh bạn cũ hiện làm việc tại tòa đại sứ Việt Nam. Anh vồ lấy tôi không phải vì mừng gặp nhau, mà chỉ để nói với tôi một chuyện. Anh nói:
- Tôi vừa về thăm nước nhà sang đây. Vào một tiệm giải khát ở Sài Gòn, tôi hỏi đồng bào chủ tiệm: “Thế nào ông mở cửa từ mấy giờ đến mấy giờ?” Lập tức ông chủ nhún vai đáp gọn: “Lu bù!”
Anh bạn cười ròn vỗ vai tôi, giọng vô cùng thích thú:
- Anh thấy cách trả lời có tuyệt không? Thoạt tiên tưởng như không phải câu trả lời mà kỳ thực trả lời rất đầy đủ, gợi được cả cái nếp sống của ngôi hàng.

Đến nay càng nghĩ lại câu chuyện của anh bạn tôi càng cảm thấy thấm thía cái giàu sang, cái tế nhị của tiếng Việt. Quả vậy, giả sử có người ngoại quốc học tiếng Việt, dù người đó yêu tha thiết tiếng Việt, chịu học hỏi tiếng Việt đến đâu cũng khó lòng nắm vững cách sử dụng để có thể trả lời được một câu ngắn, gọn và vô cùng linh động: “Lu bù!” Về cái giàu sang của tiếng Việt chúng ta có thể tìm thấy nhan nhản những tỉ dụ ở ngay ngôn ngữ thường nhật. Từ “Tôi chẳng cần!” (có thể cần, mà không cần), đến “Tôi bất cần!” (không thèm cần tới), chúng ta thấy rõ mỗi câu có một sắc thái riêng. Điều lý thú là chữ “bất” của Tàu cũng có nghĩa là “chẳng”. Chúng ta đã mượn chữ Tàu để Việt hóa chữ đó, để thổi vào chữ đó một sắc thái khác. Nói tóm lại, chúng đã đồng hóa những chữ ngoại lai để phong phú hóa tiếng Việt.

Về ý niệm vô hạn của không gian và thời gian, tiếng Pháp ta thấy có chữ “infini”, sang đến tiếng Việt chúng ta sẽ tùy từng lúc, tùy từng chỗ mà dùng những chữ: vô cùng, vô hạn, vô thủy, vô chung, đều là chữ Hán đã được Việt hóa.

[...]

Trích "Người Việt Đáng Yêu" - Doãn Quốc Sỹ 


Người Việt đáng yêu bố 
chép thơ để gửi 
cho người Việt đáng yêu con ở xa
theo sự dàn xếp của 
người Việt đáng yêu con ở gần :) 

No comments: