Jul 8, 2008

BÁC SĨ NGÔ BÁ ĐỊNH & CÂU CHUYỆN VỀ NGHỀ THẦY THUỐC TRÊN ĐẤT MỸ



Người Việt Nam mình từ thưở xa xưa đã có tinh thần trọng bằng cấp. Sĩ, nông, công, thương là thứ tự trong xã hội nước ta của các ngành nghề từ thế kỷ trước. Thầy giáo, bác sĩ đi đâu cũng được trọng vọng. Đặc biệt là phải nói tới nghề bác sĩ. “Lương y như từ mẫu”, sự ví von này đã cho thấy người Việt mình đánh giá cao cả “tâm” và “trí” của người bác sĩ. Do đó, học để thành bác sĩ, họăc cho con học thành bác sĩ là giấc mơ của nhiều gia đình Việt Nam.

Sang đến Mỹ, đi vào khu vực Little Sài Gòn, tôi cũng thấy nhiều phòng mạch bác sĩ có mặt khắp nơi. Tỉ lệ người Việt Nam học ngành y (bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ) ở Mỹ hình như cũng cao ra phết. Tôi tự hỏi có phải là người Việt cũng đem theo cái thang giá trị về nghề nghiệp từ quê nhà sang đây hay không? Và những suy nghĩ như vậy có còn phù hợp với xã hội bên này không? Tôi đã gặp bác sĩ Ngô Bá Định để cùng trò chuyện với anh về đề tài “đời bác sĩ”…

Anh Định vượt biên sang Mỹ năm 83. Anh ở và đi học tại Cali ngay những ngày đầu tiên sang đến Mỹ. Anh lấy cử nhân ở UC Berkeley và học bác sĩ ở UC Irvine, ra trường năm 94. Tôi hỏi anh tại sao lại chọn học nghề bác sĩ, anh trả lời rất chân tình: “ Ở Việt Nam hồi còn bé, hình ảnh người bác sĩ mặc áo blouse trắng, cầm cặp đen đi thăm bệnh nhân quá đẹp, tạo cho tôi một ấn tượng mạnh. Rồi tôi tìm đọc được cuốn sách Thế Giới Trường Thuốc của bác sĩ Đặng Đức Nghiêm, và nó trở thành sách gối đầu giường của tôi luôn. Chưa hết, trong gia đình, tôi là người được giao trách nhiệm đọc các sách dạng y khoa thường thức, hay y khoa gia đình, để góp ý nhanh cho họ hàng khi cần thiết. Theo cái kiểu “ho thì uống a cô đin”, hoặc “…sốt không phải là một bịnh, mà là do cơ thể phản ứng lại với vi trùng…” . Vì những lý do này, nghề y nhiễm vào máu tôi luôn, nên tôi đã quyết theo học ngành y từ lâu rồi…”. Anh Định đã từng làm cho nhiều nhà thương của Mỹ như Kaiser Permanente, St Luke, O’Connor… Mãi đến năm 2004, anh mới đứng ra mở phòng khám Westminster Medical Center, tọa lạc ở ngã tư Westminster-Brookhurst cho đến ngày hôm nay.

Khi được hỏi những khó khăn gặp phải khi học và hành nghề y với người Mỹ, anh Định cho biết đó chính là yếu tố ngôn ngữ. Nghề bác sĩ đòi hỏi khả năng nghe và nói tiếng Anh như người bản xứ. Khi đi làm, yếu tố ngọai hình, màu da là một trở ngại thứ hai. Dù gì đi chăng nữa, ban đầu mình không thể tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân Mỹ như bác sĩ Mỹ được. Tuy nhiên, khi đã qua giai đọan mở đầu quan hệ, thì bệnh nhân Mỹ lại đôi khi có cảm tình với bác sĩ Việt Nam vì cách cư sử có tình cảm hơn, caring hơn. Anh Định nghĩ rằng do mình đã không thể thông thạo ngôn ngữ như bác sĩ Mỹ, thì thái độ có lòng như vậy là một bù đắp lại cho thiếu sót này.

Khi quyết định mở phòng mạch ở khu vực Little Saigon như hiện nay, anh Định đã chọn bệnh nhân người Việt làm khách hàng chính. Hơn 80% khách hàng của anh là người Việt. Như vậy thì hẳn là công việc sẽ hòan tòan thuận buồm xuôi gió hơn? Anh Định không nghĩ vậy. Mọi thứ không phải chỉ tòan màu hồng trong nghề bác sĩ hôm nay. Thứ nhất là bác sĩ trong khu Việt Nam ngày một nhiều, cho nên yếu tố cạnh tranh cũng cao hơn. Thứ hai là ngành y khoa của Mỹ cũng đang cắt giảm dần ngân sách, do đó số tiền trả cho bác sĩ từ các công ty bảo hiểm y tế cũng ít đi. So với thập niên 90, bác sĩ ngày nay làm việc cực hơn, phải khám nhiều bệnh nhân hơn trong một ngày. Đây là một trong những nỗi ưu tư nghề nghiệp của anh Định. Bác sĩ bây giờ hoặc phải làm nhiều giờ hơn, hoặc là phải cắt thì giờ dành cho một bệnh nhân xuống. Mà làm theo cách thứ hai thì việc chẩn đóan, chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ khó mà giữ được chất lượng. Anh Định đành phải cắt thì giờ của …gia đình, đi sớm về trễ, hoặc đem việc về nhà làm thêm!

Anh Định đồng ý với tôi rằng khuynh hướng của người Việt ở Mỹ nói riêng, và người Mỹ gốc Á nói chung là thích cho con mình học nghề y. Bên cạnh lý do rất thực tế là vì nghề bác sỹ kiếm nhiều tiền, ít bị thất nghiệp, tâm lý trọng trí thức vẫn còn nặng ở người Việt. Bố mẹ người Việt thường hãnh diện khi có con là bác sĩ. Gia đình khá giả thì phải gả con cho bác sĩ mới là môn đăng hộ đối. Cũng từ đó, bệnh nhân người Việt hay có thái độ “kính nể một cách hơi thái quá” đối với bác sỹ. Thái độ này ta ít thấy ở người Mỹ, họ gặp bác sĩ như là một người cung cấp dịch vụ y tế thôi. Đối với bác sĩ thì bệnh nhân là khách hàng. Mà khách hàng Mỹ lại là thượng đế! Chỉ đơn giản vậy thôi!


Anh Định cũng không thấy mình có gì là “to tát” khi là bác sĩ cả. Tuy nhiên, anh cho rằng sẽ rất hữu ích nếu gia đình có một người làm bác sĩ . Bởi vì có một medical insider, việc chẩn đóan và chữa bệnh cho gia đình sẽ có phần nhanh hơn. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vì nghĩ rằng điều này chỉ đúng với những nước nghèo, có nền y khoa chưa phát triển lắm như Việt Nam thôi. Anh Định giải thích : “Yếu tố quan trọng của y khoa bất kỳ ở đâu cũng là sự chẩn đóan. Mặc dù ngành y khoa Mỹ thuộc loại hiện đại nhất thế giới, nhưng vẫn có nhiều rủi ro. Như anh cũng biết, việc chữa trị cho bệnh nhân ở đây trải qua rất nhiều giai đọan, qua nhiều thủ tục hành chánh do vấn đề ràng buộc pháp lý. Mỗi công đọan trong y khoa như lấy máu, xét nghiệm, siêu âm, chọn phương pháp điều trị, theo dõi bệnh… đều có yếu tố con người trong đó, đâu thể hoàn tòan dựa vào máy móc đâu. Việc con người nhầm lẫn, hay thiếu sót là chuyện phải có. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong các khâu này, kết quả điều trị sẽ khác nhau nhiều! Hãy tưởng tượng việc chữa trị của bác sĩ chúng tôi giống như người đang lái xe trên freeway vậy. Chỉ cần miss một exit, là mình sẽ đi rất xa khỏi điểm đến rồi…

Tôi vẫn tin có yếu tố “phước chủ, may thầy” trong việc chữa trị cho bệnh nhân ở Mỹ… Bác sĩ là người nhà thì biết tiền sử của bệnh nhân rõ ràng nên có thể thuật lại cho bác sĩ điều trị, lại có đủ tình thân để ra quyết định nhanh hơn mà không sợ bị “sue”. Việc điều trị nhờ vậy mà dễ có kết quả tốt hơn…”. Theo anh Định, đây cũng là một điểm khác biệt nữa trong việc chữa trị cho bệnh nhân Việt và Mỹ. Bệnh nhân Việt thường hay có người nhà làm trong ngành y, cho nên những người thân này hay có ý kiến với bác sĩ. Nếu chỉ là góp ý, cung cấp thông tin thì tốt. Có đôi khi người thân lại muốn can thiệp luôn vào quyết định điều trị, sẽ làm chậm trễ, gây khó khăn nghi kị cho công việc của bác sĩ! Người Mỹ họ không làm vậy, họ tôn trọng chuyên môn của bác sĩ, nên ít khi can thiệp vào.

Điều gì cần có ở một người thầy thuốc trên đất Mỹ? Anh Định cho rằng đó là phải có lòng thương người, phải có ý chí tự trau dồi kiến thức để không bị tụt hậu, phải tạo được một medical team chuyên nghiệp, hiệu quả chung quanh mình, phải có đủ thời giờ cho bệnh nhân.

Câu hỏi cuối cùng của tôi là “ thế anh có ý định khuyến khích con cái nối nghiệp của mình không?”, anh cười, lắc đầu và trả lời “không”. Hãy để cho thế hệ trẻ quyết định nghề nào thích hợp với chúng. Ở Mỹ không chỉ có nghề bác sĩ mới kiếm nhiều tiền. Cũng không phải bác sĩ là những người có nhiều hạnh phúc nhất trong xã hội. Hãy làm bất cứ nghề gì với tinh thần trách nhiệm cao nhất là quí rồi. Anh Định nhấn mạnh, tinh thần trách nhiệm là một trong những yếu tố quan trọng của một con người ở Mỹ. Có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội, con người này sẽ sống vững mạnh và được xã hội kính trọng.


Bác sĩ Ngô Bá Định đang xem xét hồ sơ bệnh nhân


Câu chuyện vẫn còn vui, mà tôi cũng phải chia tay anh vì thấy anh bận rộn quá. Anh Định nói vui với tôi rằng: “ nếu tuồng cải lương Đời Cô Lựu chỉ có một tập, thì đời bác sĩ của tụi này viết ra sẽ là nhiều tập lắm. Từ từ anh em mình nói chuyện thêm, để làm bộ phim Đời Bác Sĩ…”. Tôi nhận lời ngay, để còn có dịp gặp lại anh bác sĩ vui tính này…


Đòan Hưng

1 comment:

Hot... said...

Khong rieng gi vn ma Tau, Dai Han cung muon con lam BS, luat su, ep tui nho? Hoc ma thay thuong.

Truong Linh