Oct 25, 2021

THẦY PHƯỚC TỊNH KỂ CHUYỆN NHÂN KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY GIỖ CỦA THẦY GIÁC THANH - Doãn Hưng

 


Vào sáng ngày Chủ Nhật 24/10/2021, Tu Viện Lộc Uyển đã tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm ngày giỗ của Thầy Giác Thanh, vị trụ trì đầu tiên khi tu viện này được thành lập. Cũng nhân dịp này, Thầy Phước Tịnh đã có buổi nói chuyện với đại chúng, kể lại những kỷ niệm của mình với Thầy Giác Thanh, với tư cách là một huynh đệ thân tình trong suốt cuộc đời  Đạo Pháp.

Thầy Phước Tịnh nói rằng Thầy Giác Thanh là một tu sĩ giản dị, nhân hậu, Thầy cũng là một nhà thơ. Thầy chỉ để lại một tập thơ duy nhất là Cát Bụi Thời Gian.  Đọc lại những bài thơ trong Cát Bụi Thời Gian, người đọc có thể cảm nhận được phần nào nhân sinh quan, những dấu ấn trong cuộc đời , nhân cách, mức độ thẩm thấu đạo lý của Thầy:

Lão nhân gầy hoa thắm
Vườn nhà mấy đóa khai
Du tăng ngồi ngắm mãi
Buổi chiều lên không hay…

Thầy Phước Tịnh nói nhiều năm sau khi Thầy Giác Thanh mất, thầy vẫn giữ thói quen rót 2 chén trà ngay cả khi độc ẩm. Có ai hỏi, Thầy trả lời ly còn lại là của Thầy Giác Thanh. Đối với Thầy Phước Tịnh, Thầy Giác Thanh là một huynh đệ thân thiết từ thuở Thầy còn rất trẻ, mới bắt đầu bước chân vào con đường Đạo ở tuổi chưa tới đôi mươi. Gần nửa thế kỷ thâm giao giúp cho Thầy có cái nhìn về Thầy Giác Thanh khá đầy đủ. Để minh chứng cho tính giản dị của Thầy Giác Thanh, Thầy kể lại vào khoảng năm 1998, trong một buổi trưa ở chùa Quan Âm Đà Lạt, Thấy thấy có một ông thầy nom rất “nhà quê”, đội nón lá, tay quẩy túi xách đi một mình vào sân chùa. Nhìn kỹ lại thì mới nhận ra đó là Thầy Giác Thanh từ Mỹ về! Thầy hỏi đùa: “Ủa, Thầy từ Mỹ về mà đi một mình vậy sao?”. Thầy Giác Thanh cười, trả lời rằng: “Chứ bộ Phước Tịnh tưởng tui về sẽ đi xe hơi, kéo theo một đoàn tùy tùng rình rang hay sao?...” Thầy Giác Thanh qua bao năm vẫn thế, cho dù Thầy đã sang Pháp ở Làng Mai, sang Mỹ khai sơn dựng tu viện Lộc Uyển, nhưng khi về lại Việt Nam thì vẫn là ông thầy dung dị của miệt vườn ngày xưa.

Cho dù xem nhau như huynh đệ, nhưng Thầy Phước Tịnh cho rằng Thầy Giác Thanh đáng là bậc thầy của mình trên con đường Đạo. Từ thuở Thầy chỉ  mới bắt đầu tu hành, Thầy Giác Thanh đã học qua nhiều kinh sách với các vị thầy lớn, trong đó có Sư Ông Thanh Từ. Chính Thầy Giác Thanh đã dắt Thầy lên tu viện Chơn Không giới thiệu với Sư Ông xin dự khoá thiền đầu tiên. Cho dù kiến thức Phật Pháp thâm sâu, nhưng Thầy Giác Thanh chưa bao giờ  “lên lớp” với Thầy về Phật Pháp, hay biểu lộ sự hiểu biết Phật học sâu rộng của mình.

Nhìn bên ngoài, mọi người dễ thấy Thầy Giác Thanh là một con người hiền lành, nho nhã, yêu cái đẹp của thiên nhiên. Ít có người biết bên trong Thầy còn là một con người kiên cường, không khiếp sợ. Trong thời điểm chiến tranh Việt Nam leo thang, cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người thân, Thầy đã từng tự chặt tay trái để phản đối chiến tranh. Cánh tay không đứt lìa, sau đó được nối lại, nên tay trái của Thầy vĩnh viễn thành thương tật.  Rồi khi đi vượt biên, tàu của Thầy bị cướp biển Thái Lan, Thầy đã đứng lên chống lại bọn cướp, nên đã bị quăng xuống biển. May sao có một tên cướp, có lẽ thấy Thầy là một tăng sĩ Phật Giáo nên đã vớt Thầy lên lại, để cho Thầy sống. 

Thầy Giác Thanh không bao giờ quên lý tưởng trên hết của một người tu hành là sự nghiệp giải thoát. Thầy Phước Tịnh kể  trong những năm tháng sau biến cố 30/04/1975, cả nước chìm trong đói kém. Cả 2 Thầy lúc đó cùng tu ở Thiền Viện Chơn Không. Các thầy phải ngày ngày dầm mưa dãi nắng, làm rẫy trồng khoai sắn để sinh nhai. Trong hoàn cảnh cơ cực như vậy, vào một buổi trưa nắng như đổ lửa, Thầy Giác Thanh đã nói với các thầy khác rằng đã sinh ra làm kẻ trượng phu, không thể vì miếng khoai miếng sắn mà quên đi sự nghiệp lớn là sự nghiệp giác ngộ. Nếu sinh ra ở đời mà chỉ lo kiếm ăn, kiếm mặc, tìm danh tìm lợi thì không đáng sống với một người xuất gia. Thầy Phước Tịnh xem câu nói đó như một lời nhắc nhở chấn động tâm thức đối với tất cả chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống.

Thầy Phước Tịnh cho rằng mình may mắn có cơ duyên là huynh đệ thân thiết với Thầy Giác Thanh, và đã hoàn thành việc viết tiểu sử của Thầy Giác Thanh lưu lại cho hậu thế. Cả đời, Thầy Giác Thanh xem mình như một du tăng, xem cuộc đời nhẹ như một áng mây trôi. Có lẽ vì vậy mà cốc Thầy ở tại Làng Mai có tên là Phù Vân, và ngôi tháp nơi Thầy an nghỉ nghìn thu ở Lộc Uyển cũng là tháp Phù Vân. Một kiếp tử sinh của đời người qua mau lắm. Sống cho trọn nghĩa tình, làm được điều đáng làm, thì sự ra đi sẽ thanh thản chỉ như một đám mây trời…

Tại tháp Phù Vân ở Lộc Uyển có bức di ảnh của Thầy Giác Thanh với nụ cười hiền hòa cố hữu, bên dưới là 4 câu thơ của Sư Ông Làng Mai đề tặng:

Trượng phu tiếng đã biết
Việc đáng làm đã làm
Tháp vừa dựng sườn núi
Tiếng cười trẻ đã vang

Doãn Hưng

No comments: