Người xưa thường hay nói “Xa mặt cách lòng”. Có câu nói là có sự thật như vậy xảy trên thế gian này: lâu không gặp là từ từ quên, từ từ bớt thân thiết, bớt hiểu nhau, bớt thương nhau, vân vân và vân vân. Do vậy hai chị em Xóm Dừa chúng tôi đã lên chương trình đi thăm anh chị Xóm Nho ở tận Ontario. Với ý muốn là không “cách lòng” và không “xa mặt”.
Xóm Nho và Xóm Dừa là tên gọi cho hai nhóm người có cùng chung một niềm tin vào Phật pháp và muốn thực tập theo những gì ông Phật chỉ ra để có được an lạc. Hai xóm Nho và Dừa lại còn thêm một điểm chung nữa là dùng pháp môn Làng Mai của sư Ông Thích Nhất Hạnh cho con đường tu học. Chỉ vì hai nhóm ở cách xa nhau quá, xóm Dừa ở Orange county còn xóm Nho ở Ontario, bốn mươi ba phút lái xe “free way”, nên mới chia thành hai nhóm nhỏ cho tiện bề sinh hoạt và học tập. Tuy vậy, hai xóm chúng tôi tuy xa cách về mặt địa lý, nhưng không xa ý tưởng nên đã từng sát cánh bên nhau làm cơm chay gây quỹ cho Lộc Uyển trong nhiều năm qua. Và cả hai nhóm đã cùng nhau nấu ăn cúng dường các vị xuất sĩ trong mùa tu học năm 2021. Đó là những lý do khiến chúng tôi thành thân thiết nhau là vậy.
Hai xóm chúng tôi thường gặp nhau qua internet, trên zoom hằng tuần vào tối thứ Năm, những ngày tụng giới, thế nhưng vẫn chưa đủ vì chỉ mới là hình ảnh và tiếng nói qua một thiết bị vi tính hay cellphone không thôi. Còn rất nhiều sự thiếu hụt nếu mình không được gặp mặt như ngày hôm nay.
Quyết định tốc hành khi chào tạm biệt nhau ở sân bếp tu viện Lộc Uyển, hai đứa xóm Dừa chúng tôi đã hẹn hò với anh chị trưởng nhóm xóm Nho vào cuối tuần, tuần lễ thứ hai của tháng 10, đi chùa Quang Thiện thăm xóm Nho.
Vậy là đi. Chủ Nhật thật đẹp trời, nắng gió vừa phải vì trời chiều lòng người để chúng tôi đến điểm hẹn đúng giờ 10 Am. Vừa đúng khóa lễ bắt đầu, ngồi thiền, đọc kinh, nghe một thời pháp của Thượng Tọa trụ trì. Toàn thể tăng thân được hướng dẫn ngồi thiền nửa tiếng. Rồi đến đọc kinh. Có phần đọc kinh tiếng Việt, rồi đến phần đọc kinh tiếng Pali do một vị sư đến từ Ấn Độ. Lần đầu tiên tôi được nghe âm giọng một ngôn ngữ mà thời xưa Đức Phật đã dùng để thuyết pháp. Nghe thật lạ nhưng rất êm tai.
Cuối cùng buổi lễ, Thầy trụ trì cho một thời pháp ngắn. Thầy dặn dò các tăng thân chuyên cần tu học từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Không phải là phải ngồi thiền lim dim im lặng mới là tu, không phải là đọc kinh ra rả mới là tu, mà là ngay những khi ra vườn chăm sóc cây cối, khi quét sân, khi làm cơm cho đại chúng, cho gia đình ăn… cũng là những lúc tu đấy. Ý tưởng này làm người viết thích thú vô ngần, vì tính ra mình chỉ là cư sĩ. Cuộc sống của người không tu là đầy ắp những việc phải làm cho một ngày. Làm cho chính mình, làm cho gia đình, làm cho xã hội thì giờ còn lại cho tu tập rất ít. Cho nên tận dụng tất cả những sinh hoạt trong ngày biến nó thành công cụ tu là thượng sách.
“Dạ, con xin vâng lời thầy dậy để việc tu học của con trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn ạ.”
Sinh hoạt đầu ngày tại chùa Quang Thiện rất nghiêm túc là thế, nhưng đến phần sau trở nên hào hứng hơn khi toàn thể tăng thân sắp hàng vào bếp khất thực. Nhà bếp của chùa Quang Thiện là số MỘT. Không có số hai vì một bữa ăn trưa ngon, đẹp, và chất lượng. Nhà bếp chắc phải chuẩn bị từ sáng sớm tinh mơ cho thực đơn rất nhiều món: miến xào, gỏi, chả giò, và bún mắm chay thì giờ ngọ mới kịp cho đại chúng ăn. Tráng miệng có chè trôi nước, chè xâm bổ lượng. Đó là chưa kể những món khác do tăng thân mang đến cúng dường như thạch và bánh mì croissant. Ấn tượng thật đó chứ. Mọi người tụ tập về chùa để tu học mà được ăn như thế thì chả trách người đời có câu “Có thực mới vực được đạo!”
Anh chị trưởng bếp Thiện Từ, kiêm chức quản gia cho chùa đã tiếp chúng tôi ấn tượng chẳng kém những món ăn vừa kể. Cả bốn anh chị em chúng tôi cùng ngồi chung bàn với nhau sau khi khất thực. Đáng lẽ là phải ăn trong chánh niệm, không nói chuyện để chiêm niệm thức ăn ngon, mà chúng tôi lại hơi buông lỏng nguyên tắc này do vì đường xa gặp bạn hiền! Chủ nhà và khách có nhiều chuyện để nói nên… khi viết dòng này, người viết có hơi chút xám hối!
Xong việc thăm chùa lại đến việc thăm nhà của anh chị Thiện Từ. Lại một ấn tượng khác, một căn nhà đẹp đẽ, ngăn nắp, tươm tất từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Xin phép anh chị nhé, cho người viết được tả tại sao lại có những tĩnh từ mĩ miều trên. Này là một dãy tủ đông, tủ đựng đồ khô, những kệ và kệ sắp xếp ngăn nắp những nguyên vật liệu sẽ sử dụng nấu ăn cho chùa. Ngăn đông ngăn nắp theo ngăn đông, kệ đựng đồ khô ngăn nắp theo kệ: hàng hàng lớp lớp bún khô, miến tàu, nấm hương, nước tương, đường, muối, bột nêm… Ai đã từng lăn lộn trong bếp, bất kỳ loại bếp gì và ở đâu thì cũng nhận thấy chủ nhân của kho chứa này thật là giỏi, ngăn nắp và tháo vát đến dường nào.
Trong nhà ra đến vườn thì lại dùng ngôn ngữ nơi vườn tược. Cây ăn trái và rau cỏ sống hòa thuận với nhau theo từng khu. Cây lớn được sắp xếp dọc theo hàng rào mỗi em một vị trí không lấn đất dành sân của nhau. Cây ổi bói ba trái tòng teng sát đất, dễ thương gì đâu! Cây lựu trắng không lập lòe lửa đỏ, nhưng trái treo lủng lẳng như đèn lồng phố cổ Hội An. Cây táo tàu được cưng nên ngự trên một chậu bự bằng inox. Vì ý chủ nhân không muốn nó quá lớn để rễ có thể làm phiền cái chân của anh hàng rào. Dàn thanh long vững chãi, trái đỏ au như mời gọi khách thăm vườn.
Sang đến góc vườn rau củ. Đây là khu trồng kiệu cho mùa Tết sắp đến. Khoảnh hành lá xanh rì, dành cho việc nêm nếm nồi canh, đĩa xào thêm phần màu sắc và tăng hương vị. Húng quế, răm, húng lũi… chẳng thiếu món nào cho bếp ăn của anh chị chủ nhà. Ghé tai nói nhỏ rằng nếu mình bất chợt đến xin một bữa ăn nhà anh chị Thiện Từ này, bảo đảm là ấm bụng mà ngon! Nghe sợ chưa anh chị?
Phần cuối cùng, trước khi hai chị em xóm Dừa rong ruổi trở về Orange County là chương trình thưởng thức trái cây vườn nhà. Những trái vừa thấy giờ đã nằm trên đĩa: ổi đỏ thơm và ngọt, thanh long ngọt lịm và rock melon. Thanh long và ổi nhà ngon hơn hẳn rock melon được mua từ chợ nên đĩa sạch trơn!
Ăn đã xong, nói đã hết chuyện, giờ chia tay đã điểm, xóm Dừa đứng lên chào từ biệt xóm Nho. Tay xách nách mang nào là trái, nào là món để nấu ăn, nào là củ để gieo trồng làm cuộc chia tay thêm phần bịn rịn vì… nhiều thứ quá! Quên cả hẹn hò chừng nào gặp lại? Ở đâu? Không sao, chúng ta ở thời đại internet, điện thoại cầm tay thì có gì là khó. Chỉ có là lòng vui miên man vì cuộc hội ngộ, vì tình thân hai “xóm”.
Ở tuổi xế xế chiều này còn có những giây phút như vậy là đang ở niết bàn. Nhiều giây phút niết bàn gộp lại làm thành một cuộc sống đáng sống. Để khi có chết thì cũng đã có niết bàn ngay trong tâm rồi!
Niết bàn ở đâu xa
Ngay tự lòng ta mà ra
Tình thân, tình người, tình nhân loại
Khó chi mà nghĩ không ra!
California, ngày 13 tháng 10 – 2021
Chân Nhã Uyển
No comments:
Post a Comment