“Doãn Quốc Sỹ và Tạp Chí Sáng Tạo” nếu lấy đề tài này ra để lên bàn cho những người sinh sau đẻ muộn chúng ta suy ngẫm và bàn bạc thì có nhiều chuyện để nói lắm. Thứ nhất là Doãn Quốc Sỹ và văn phong của ông. Thứ hai là hai chữ “Sáng Tạo” của tờ báo mà ông đã cùng cộng tác với các bạn Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế được gọi là “Thất Tinh”. Số khởi đầu con số 1 được ghi vào tháng 10 năm 1956, tờ cuối cùng đếm đến số 31 vào tháng 9 năm 1959 thì bị đình bản.
Doãn Quốc Sỹ được nhiều bạn văn trong đó có Võ Phiến, Nguyễn Văn Quảng Ngãi thương tặng mà bình rằng “Đọc văn Doãn Quốc Sỹ mà thấy thơm tho cả tâm hồn.” hay “Doãn Quốc Sỹ: một tâm hồn thanh thản, đôn hậu, và cao thượng.” Ông quả đã ướp tẩm tâm hồn độc giả một cảm giác êm đềm và thơm tho khi đọc văn mình. Vì văn ông mềm, chữ ông đẹp một cách nhẹ nhàng. Ngay cả những đoạn ông lột tả cái độc ác, tàn nhẫn của cộng sản mà văn của ông cũng không chát chúa. Nhờ vậy mà độc giả thấy nhẹ nhàng, thanh thản khi đọc Doãn Quốc Sỹ.
Ông thường lấy những đức tính đôn hậu của người dân quê chân chất làm yếu tố chính trong chuyện. Dân ở thôn quê họ quê thật đó nhưng họ không thiếu tính thông minh và nhạy bén đâu. Mà cái hay hơn nữa là họ không biết mình thông minh thì mới thật là sự “thông minh” một cách đôn hậu. Nhân vật Cò Đùm trong quyển Cò Đùm là thí dụ điển hình. Người đọc yêu quí liền nhân vật Cò Đùm vì cái thông minh một cách đôn hậu mà Doãn Quốc Sỹ đã tả.
Với tính đôn hậu, với cái thanh thản mà độc giả nhận ra được thì khó gì hai chữ cao thượng mà không kiếm ra được trong văn của Doãn Quốc Sỹ. Nàng Miên đã trao chàng Kha cho nàng Vân. Nàng đã “cao thượng” nhường người yêu của mình cho người thứ ba một khoảng thời gian và cả không gian nữa. Chữ cao thượng không dùng thì ta dùng chữ gì đây?
Trong ngót trên dưới bốn mươi tập truyện được phát hành, độc giả chúng ta đọc các thể loại tiểu thuyết, kịch, truyện cổ tích, nghiên cứu, dịch thuật. Và nếu đọc đầy đủ các sách của Doãn Quốc Sỹ thì có chăng có một nhận xét là đề tài lẫn văn phong của ông rất ư là “cổ” hoặc là không “mới” với những đặc thù đôn hậu, cao thượng và thanh thản rất là Doãn Quốc Sỹ. Chỉ trừ hai truyện Sầu Mây và Dấu Chân Cát Xóa là chúng ta thấy Doãn Quốc Sỹ hết “cổ và cũ”, ông đã làm cách mạng!
Chả trách rằng, Mai Thảo đã có bài viết và phê bình: Doãn Quốc Sỹ là một trong bảy thành viên tạo lập nhóm tạp chí Sáng Tạo nhưng ông lại ít sáng tạo. Mai Thảo viết vậy khiến độc giả suy nghĩ và biện bạch rằng… “Phải chăng vì tâm Doãn Quốc Sỹ lành thiện, trong sáng, đôn hậu và cao thượng nên văn Doãn Quốc Sỹ không có gì để được gọi là bộc phá và sáng tạo?”
Lại thêm nữa, có bạn văn nói Doãn Quốc Sỹ đi hai hàng khi sáng tác. Ông chưa dứt được “cổ” và chưa hoàn toàn “mới”. Nói cách khác ông chưa có dáng vẻ “sáng tạo” hay đột phá để thoát ra đường mòn lối cũ của nhóm văn học đàn anh Tự Lực Văn Đoàn. Có chăng trong nhóm Sáng Tạo có Thanh Tâm Tuyền làm mới thơ, thơ của ông rất mới. Và Mai Thảo, người có kỹ thuật dùng chữ, dùng câu, dùng dấu phẩy dấu chấm rất lạ trong những bài tạp ghi, tạp bút của ông. Được ví như “những hạt vàng” lóng lánh vậy.
Hay quá, hay quá! Nhận xét việc đi “hai hàng” của Doãn Quốc Sỹ làm người viết này bừng tỉnh. Ồ đúng là vậy và đồng ý hoàn toàn với nhận xét trên. Vì người xưa nói “văn là người” thì chả trách văn ông Sỹ “cũ” hay “cổ”, vì tính cách nhân vật của ông ấy “đôn hậu hay cao thượng”!
Đọc được lời phê bình như vậy và nhận ra điều này, người viết thường hay hô hào các bạn đọc Doãn Quốc Sỹ hãy đọc thêm Sầu Mây và Dấu Chân Cát Xóa bên cạnh những Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, Dòng Sông Định Mệnh, Khu Rừng Lau… để thấy ông ấy có thay đổi. Ông có thay đổi văn phong, nhân vật, tâm lý nhân vật cũng thay đổi nhiều, sau khi đi du học Hoa Kỳ về “turning point” “điểm biến chuyển”! Con người ta mà cứ ở lì một chỗ, một không gian chẳng khác trong một khoảng thời gian dài, với cùng những người “không mới” xung quanh, thời tiết “vũ như cẩn” thì con người khó thoát ra cái vỏ cứng của mình đã tạo dựng theo thời gian.
Doãn Quốc Sỹ đã có một mốc điểm thay đổi và làm mới văn phong của mình vì chính ông đã đổi mới. Ông đã thỏa chí với một khung cảnh hoàn toàn mới và cái rộng lớn của xứ sở Hoa Kỳ. Thời kỳ năm 1965 – 1967, lúc ấy Hoa Kỳ đã quá văn minh, nền công nghiệp đã phát triển xa so với các nước châu Á, con người Hoa Kỳ thật là phơi phới ở đời sống vật chất lẫn tinh thần và lối suy nghĩ nữa. Từ đó, đời sống sinh viên du học của ông được hấp thụ một phần nào tinh thần đó. Ông đã nương theo những không gian, thời gian, con người và xã hội nơi xứ lạ để thay đổi chính mình.
Ngẫm lại, ở thập niên một chín bảy mươi, Doãn Quốc Sỹ đổi mới chỉ ở vài tác phẩm cuối của dòng sáng tác, ông chưa kịp đánh động nhận thức độc giả rằng tôi đang thay da đổi thịt đây. Rồi đến biến cố 30 tháng 4, 1975 cả một sự sụp đổ từ vật chất đến tinh thần thì làm sao độc giả miền Nam Việt Nam kịp thấy cái đổi khác của Doãn Quốc Sỹ. Họ chỉ còn thấy khoai sắn, học tập, ở tù, chết tù, vượt biên, chết vượt biên. Người ta chọn sự sống còn, miếng ăn, và trốn thoát ách cộng sản. Cái đổi mới lớn của toàn xã hội lấn át cái đổi mới nhỏ của cá nhân. Chả trách!
Nhớ và ghi lại là lằn ranh thời gian trước và sau 1967 mà ta có Doãn Quốc Sỹ “cũ và cổ” và Doãn Quốc Sỹ “mới”. Thế thì… Doãn Quốc Sỹ có đổi mới đấy, nhưng trễ những tám năm sau khi tờ Sáng Tạo đóng cửa. Sự thay đổi để thích hợp với tên một tạp chí có tên là “Sáng Tạo”. Có mà chậm còn hơn không ạ!
California, ngày 22 tháng 10 – 2021
Doãn Tư Liên
https://doanquocsy.com/.../new-content-dau-chan-cat-xoa.pdf
https://doanquocsy.com/.../file/JXhHlGg81QgQAOtu/sau-may.pdf
No comments:
Post a Comment