“I only know the book. It is about what we discussed this morning plus string crossing (đổi dây).
Next week
String crossing
Shifting
Every weeks: vibrato Ha ha ha ...! forever vibrato
In vài trang của sách Dounis là được rồi
You did so well this morning. I am happy with your bowing so far.
Remember that I always push you to the limit. That is me.
Do you feel it is easier and more pleasant to play the violin? If the answer is "yes", you are on the right track.”
Đó là lời nhắn nhủ của “anh Thầy Đờn” dạy đàn violin cho tôi. Sau buổi học đầu tiên qua zoom, thầy viết vậy đó.
Thầy trò chúng tôi có một tình thân dài lâu từ thời thanh niên tại Sài Gòn trong trường Quốc Gia Âm Nhạc. Kế đến tôi là một trong đám học trò của ảnh, trước khi gia đình anh Thầy vượt biên. Học đàn sau 1975 là một xa xí, nhưng với trò này (tôi) anh Thầy chả thèm lấy tiền làm gì. Vì nó có gia cảnh khó khăn bố bị đi học tập, mà còn ham học đàn nên được miễn phí. Mặc dù nó học dở!
Thời gian trôi. Người người lớn lên, người này đổi địa chỉ, đổi cả quốc tịch, người kia lập gia đình con cháu đầy đàn. Nhưng sau này bắt được liên lạc, gặp lại nhau tại tiểu bang vàng nắng ấm California. Anh thầy vẫn đàn và ba đứa con gái của ảnh đã nối nghiệp bố, đứa violin, đứa piano, đứa cello. Vui sao khi gặp lại nhau, vẫn tinh thần yêu âm nhạc, vẫn thân thiết như thuở xa xưa.
Rồi một hôm… sau bốn thập kỷ không sờ mó gì đàn địch, nhưng vì một sự tình cờ người bạn nhặt được cây đàn vionlin trên đường đi bộ trong xóm. Bạn biết bạn mình đã từng chơi đàn nên hoan hỉ tặng lại. Ôm cây đàn trên tay nhưng chưa hề có một ý tưởng mình sẽ tập lại đàn do vì có nhiều việc phải làm cho nhà, chân tay cứng đờ, không thì giờ luyện tập mà muốn đàn thì làm sao được!? Thế nhưng vẫn mở hộp đàn ra thay bộ dây mới, chỉnh sửa con ngựa (chevallet), căng cái archet, chà nhựa thông (colophane) vào nó, đặt đàn lên vai, tựa cổ vào manton, đặt archet lên dây, tay trái và tay phải đã vào vị trí, và kéo. Ồ… tiếng đàn vang thật hay. Hay không ngờ!
"Click"…thế là một ý tưởng tập lại đàn. Tải xuống từ internet vài bài etude, exercise luyện lại ngón tay trái bấm nốt và tay phải cầm archet. Phải kể chuyện này cho anh Thầy nghe mới được. Anh Thầy cũng hứng khởi như tôi, thẩy liền ba bài: một cho luyện tay archet, một cho vibrato, một cho chung cả hai tay bài Meditation de Thais của J. Massenet.
Tôi dành từng mẩu thời gian rảnh trong ngày cho luyện tập. Khi thì ở trong nhà vào khi tối, để tránh làm phiền giấc ngủ của hàng xóm. Nhưng ban ngày thì chiếm sân sau để tập đàn. Những bài etude của violin lẽ dĩ nhiên rất khó nghe, nó khô khan, nó có thể làm nản lòng người tập và làm khó chịu tai người phải nghe! Thế là ra vườn sau là quyết định hay.
Một hôm, tôi đang say sưa tập bài Meditation de Thais, đưa thật nhẹ cánh tay phải nương tiếng đàn thật êm, archet nhẹ lướt trên dây bằng sức nặng của nó để sao cho âm thanh tả ra được một tâm trạng đang trầm lắng của một người đang “thiền”. Say sưa theo tiếng đàn, nhưng bên cạnh cũng nghe tiếng cắt cây bên nhà hàng xóm. Âm thanh do ông hàng xóm thân thương vẫn thường cắt cây hàng rào ngăn cách hai bên. Không sao, ai việc nấy! Đến khi cảm thấy hai cánh tay đã mỏi cần nghỉ ngơi, tôi ngẩn nhìn lên, một khuôn mặt thân quen ông “hàng xóm” mỉm cười:
- “Hi! I dare not to disturb you. But your violin sound so wonderful. Your song that you play so familiar to me but my wife and I can’t remember its name.”
- It’s Meditation de Thais.
Thế là một cuộc đối thoại giữa người bên này hàng rào và người cheo leo trên thang đang cắt cây bên kia hàng rào. Bà vợ là người gốc Đức thuộc gia đình âm nhạc, ông bố chơi cello và một vài dụng cụ nhạc khác, anh chị em cũng chơi đàn. Họ đã từng chơi đàn với nhau thành quartet, triplet. Nghe thế tôi bèn táo bạo đề nghị: “Ông thử hỏi xem bà nhà có muốn đàn chung với tôi bài Meditation de Thais không vậy?” “Ok, để tôi hỏi bà ấy nhé.”
Chỉ có thế thôi mà trong lòng vui. Vui vì tình thân được khởi lên chỉ bằng tiếng đàn. Chưa chắc tiếng đàn hay đâu, nhưng thật là nó là một tiếng nói chung cho con người. Không phân biệt màu da, không phân biệt ngôn ngữ, không phân biệt già trẻ lớn bé. Cứ lấy âm nhạc ra là liền có một sự hiểu, thông cảm, và niềm vui.
Tôi thấy mình thật là may mắn, tràn đầy hạnh phúc và phước hạnh. Mọi thứ trái ngon ngọt bày sẵn cho mình thưởng thức.
Cái vui này tôi sẽ phải truyền đến tai anh Thầy. Anh ấy phải được chia xẻ niềm vui này mới được. Thầy và trò đến tuổi “già” mà còn có những chuyện vui như thế để chia xẻ thì đời thật đáng sống phải không ạ?!
California, ngày 16 tháng 10 – 2021
Doãn Tư Liên
No comments:
Post a Comment