Oct 31, 2017

HAPPY HALLOWEEN FROM DOAN GIA



Cháu nội Vịt của ông bà Sỹ Thảo 


Cháu nội  Vi của ông bà Sỹ Thảo 




Chắt Sóc-Vịt của cụ Sỹ-Thảo 





Chắt Maya-Zayn của cụ Sỹ-Thảo 

Oct 29, 2017

AI?




“Ai làm cho bướm lìa hoa,
Cho chim xanh nỡ bay xa vườn hồng.
Ai đi muôn dặm non sông,
Để ai chứa chất sầu đông vơi đầy.”

BIẾT ĐÂU?






Bà H.,

Đúng một năm trước bà và A đến thăm tui. Mấy hôm trước tui liếc nhìn trong túi xách đi học của thằng con tui có mang theo quyển sách của A mua tặng nó năm ngoái. Mọi thứ xảy ra như là mới như ngày hôm qua , tâm tư tui vẫn còn lời kể chuyện của A qua email về chuyến đi chơi London. Thường thì tui hay dành viết những chuyện họp mặt bạn bè nhưng lần này thì không.

Một năm trôi qua, rồi 2 năm, 3 năm ....vài chục năm của một đời người có ý nghĩa gì đâu nhỉ, cuộc đời người có nhiều khúc quành  ... Y như ngày nào bác trai diễn tả trong tác phẩm "Dòng sông định mệnh" vào năm 1959 ( A lúc đó mới 2 hoặc 3 tuổi ?). Nhưng rồi dòng sông định mệnh sẽ đổ ra biển  có còn khúc quành nào đâu?

Bà H, tui sẽ không có lời mừng cho bà trong buổi kết hôn, tuy là nói là hình thức, vẫn là chính thức . Nhưng tui luôn nghĩ đến bà và A. Tất nhiên tui luôn muốn có một phép lạ đến A, biết đâu?

Tui

Quân

Oct 25, 2017

01- MÀU THU


Photo: TrangThai
[...]

Xe vào cầu Golden Gate trở về San Francisco. Níu vội lấy tia nắng vàng cuối cùng còn thoi thóp, Huy chụp được cái gì.
HUY: Ô mới ngày nào mùa xuân với “cỏ non xanh rợn chân trời” (Huy nhớ lại bức thư của Hương tả mùa xuân ở Virginia) mà nay màu thu vàng đã ngờm ngợp con mắt rồi (Huy cũng nhớ lại bức thư của Hương tả màu thu rực rỡ nhìn tự đỉnh cao Skyline Drive cũng ở Virginia.) ô kìa miền Nam, California, cũng có cây maple này!
AN: Có chứ, sao không.
HUY: Nhưng thu nơi đây lá maple vàng, trên miền Bắc sương thu lạnh hơn, là maple màu đỏ tươi góp phần rực rỡ với nhiều màu đỏ khác của nhiều loại khác. Ô kia, lại còn những cây oak nữa.
KHÊ: Thì ở dưới miền Nam này cũng có cây sồi chứ sao.
HUY (cười nụ cười thơ dại cùng với tia nắng cuối cùng vừa tắt): Loại cây maple cực kỳ ẻo lả, chỉ mới chớm thu lá đã heo héo, ua úa để chuyển sang màu vàng và rụng lã chã dần. Những năm còn ở trên miền Bắc, mỗi lần thu về tôi cứ gọi đùa maple là nàng “yểu điệu thục nữ”  và mỗi lần maple đứng bên anh chàng oak trông thật tốt đôi. Oak cũng nòi đa cảm, nghĩa là lá cũng sớm chớm vàng với thu tiết nhưng oak cao, thiệt cao, nên khi chàng đứng bên nàng maple thì ra cái điều nắng mưa che chở với tinh thần đạo đức của thơ “Quan Thư”:
“Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.”
Cả ba người cười ồ. Xe đã dời khỏi cầu Golden Gate. Gió vịnh ùa theo lồng lộng và âm u. Biển đèn mênh mông của San Francisco cũng gờn gợn vẻ thu lạnh.
HUY: Còn một loại nữa tôi cũng thú lắm các anh ơi, đó là cây bạch dương. Cây cao và thon, cành mềm như liễu mà lại vút gọn, vào thu lá vàng ươm, màu vàng càng rỡ ràng, lồng lộng quý giá với tiết thu muộn. Nhìn bạch dương vàng ươm rùng mình lươn lướt trong gió lạnh như hệt hình ảnh những nàng cung phi tuy tuổi đã về thu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trang trọng, cao quý, não nùng và đức hạnh.
AN: Nếu anh có vẻ thích thu đến như vậy, tôi xin đưa anh vào một cảnh thu đặc biệt nữa.
HUY: Ngay nơi đây?
AN: Ngay nơi đây! Nghĩa là con đường lên phòng thí nghiệm của tôi.
HUY: Tôi đã cùng anh lên đó mấy ngày trước đây.
AN: Nhưng đó là ban ngày.
Xe đã vào Skyway, khu nhà chọc trời của San Francisco ngang với tầm nhìn của ba người, rồi xe lên cầu Oakland để sang bên Berkeley. Ánh đèn vàng lộng được dùng soi sáng hai bên thành cầu để vẫn soi tỏ đường đi trong sương mù mà không làm lóa mắt.
KHÊ (gật đầu nói với An): Cậu có lý, đưa anh bạn của chúng ta lên đồi sương mù nhìn cảnh thu sớm, tuyệt!
Xe đã ra khỏi cầu hướng về chiếc tháp cao của trường Đại học Berkeley. Xe lượn vòng một khu nhà hình tròn.
AN: Đây là khu thí nghiệm nguyên tử xây cất đầu tiên của thế giới.
Xe tiếp tục ngược dốc.
HUY: Còn khu thí nghiệm nguyên tử của anh trên đồi là khu mới xây cất?
KHÊ (đỡ lời): Và cũng là khu thí nghiệm nguyên tử lớn nhất thế giới hiện nay.
Càng lên cao xe càng đi vào vùng sương mù mông lung. An vừa lái vừa xuống kính xe.
AN: Tôi phải xuống kính xe một chút để các anh cảm thấy hơi thu lạnh từ ngoài ùa vào.
Nhưng vừa dứt lời, An vội hãm xe lại. Dưới tia đèn pha chiếu chách một chú nai tơ đủng đỉnh qua đường, đến một hốc đá nép vào đấy và quay lại nhìn đèn pha, mắt như hai viên ngọc quý lấp lánh.
HUY: Trời ơi, nét thu trên núi đẹp hoàn mỹ đến như kia là cùng! Cám ơn anh nhé. Tôi hiểu, quả là một cảnh thu đặc biệt.
Xe lại vút lên. An hãm thắng một lần nữa, chiếu thẳng hướng đèn pha vào một chú nai tơi khác vẻ ngơ ngác hơn nhưng vẫn điềm tĩnh nép vào một gốc cây, vừa lúc mấy chiếc lá vàng rụng xuống chao chát và thấp thoáng trong sương mù.
Khê thốt nhiên hát lớn giọng trầm buồn mấy lời ca thu thật hợp tình, hợp cảnh:
“Dừng nơi đây, dừng nơi đây
Đường dài chí lớn ta dừng nơi đây.
Trông mây bay, trông mây bay về nơi quê nhà
Ta buồn chỉ có mình ta.”
HUY: Nai người ta thả tự do vào công viên này sao, anh?
AN: Đây đâu phải khu công viên. Đây là núi, đồi và rừng thiên nhiên thật sự vào lúc chớm thu đó thôi.
KHÊ: Sở dĩ nai dạn người như vậy vì khu này người ta cấm săn bắn đó anh!
An lái xe vào một khu được phép đậu.
AN: Mời các anh ra ngắm cảnh thu!

[...]

Trích Sầu Mây - Doãn Quốc Sỹ

02- MÀU THU


Photo: ThaiTrang
[...]

Ba người lần lượt cùng ra khỏi xe, đi vào màn sương trắng. Huy nhìn xuống dưới, một mâm ngọc mênh mông nhiều màu trải rộng dưới chân Huy. An và Khê lần lượt chỉ cho Huy đâu là khu Oakland, đâu là khu Berkeley, đâu là tháp trường Đại học Berkeley và đại lộ University Avenue rực sáng thành một đường kẻ thẳng trực chỉ về phía cầu. An và Khê nói nhiều và đủ các thứ chuyện. Huy cũng biết tùy cơ phản ứng góp chuyện, nhưng nội dung ra sao Huy thực cũng không nặng lòng chú ý, vì tâm trí Huy còn mải suy nghĩ nhiều về bài học mùa thu. Bài học mùa thu đầu tiên Huy học được ở Hoa phủ năm nào khi lần đầu tiên đặt chân tới đất nước này. Huy không bao giờ tưởng tượng nổi mùa thu nơi này lại huy hoàng đến thế, đúng như lời Hương đã tả trong thư. Màu lá vàng ươm, vàng lộng giao hòa với màu đỏ rực. Một anh bạn trẻ ở tòa đại sứ đã chỉ cho Huy biết màu đỏ tươi thắm nhất, duyên dáng nhất của lá maple vào dịp này. Người ta nói “mùa thu là mùa xuân thứ hai ở đó mỗi chiếc lá là một bông hoa.” Thảo nào mùa thu rực rỡ như vậy. Càng rực rỡ đẹp vì tất cả đều sắp héo rụng. Chúng làm dáng một lần cuối cùng, trang điểm một lần cuối cùng cho tạo vật trước mùa tuyết phủ mênh mông. Bài học mùa thu thứ hai có lẽ phải kể đến những bức thư của Crys. Chính nhờ Crys, mà Huy biết cụ thể hóa niềm tin đã trở thành bất biến của chàng vào cảnh bốn mùa luân lưu. Quả thực thu qua thì đông tới, và Huy nhìn thấy trước mùa xuân nẩy mầm đúng như Crys vẫn tiên đoán, khởi sự từ những bông crocuses bé bỏng lẩn nép dưới khoảng tuyết; chúng nhô lên vừa đủ để đón nhận ánh sáng mặt trời và hé nụ cười kín đáo. Phải, Huy yêu mùa thu chính vì vậy, vạn vật luân lưu như một dòng sông, dòng sông mênh mông mà có bờ lũy, dòng sông xuôi ra bể mà vẫn trở về nguồn như câu thơ bất hủ của Tản Đà “nước đi ra bể lại mưa về nguồn!”

Đã lâu lắm kể từ ngày dời miền Bắc sau hiệp định Genève, di cư vào miền Nam ấm áp mưa nắng hai mùa, Huy không được gặp tiết thu. Cho tới ngày đầu đặt chân tới Washington, Huy thấy hồn ngợp trong màu thu huy hoàng ngoài sức tưởng tượng như vậy. Và hôm nay trước khi dời tân lục địa này, Huy đã vô tình bắt gặp một chớm thu khác. California, miền Nam, mùa thu không rực rỡ bằng miền Bắc, những tình cảm tràn đầy về thu của Huy không vì thế mà vơi đi chút nào. Chàng thấy ghê ghê nơi hồn, thon thót nơi bụng, tình yêu của bất kỳ đôi trai gái nào nơi trần thế cũng là một cứu rỗi tuyệt vời và bất tuyệt trong lòng thu thê thiết. Huy nhắm mắt lại cho tình thu thêm ngờm ngợp, gió ùa tới… ùa tới… ghê ghê lạnh, từng đợt từng đợt, liên tiếp liên tiếp, đẩy hồn chàng vào vũ trụ với lời nhắn nhủ thiết tha và bất lực (càng bất lực nên càng thiết tha), nhắn nhủ chàng hãy níu lấy thời gian này, bám lấy không gian này, nơi trú ngụ hạnh phúc rực rỡ và mong manh; hãy níu bắt lấy hạnh phúc dù là bóng; hãy níu giữ lấy mong manh, dù tuyệt vọng. Sự níu giữ trong tuyệt vọng tự nó đã là cái đẹp rỡ ràng nổ tung vào vô tận để trở thành bất diệt rồi.

Trích Sầu Mây - Doãn Quốc Sỹ 

Oct 23, 2017

MÙA THU ĐỐT LỬA


Photos - Anh Quận 

[...]

Gió luôn luôn từ chỗ cao nhào xuống chỗ thấp, vì tạo hóa sợ khoảng trống – la nature a horreur du vide -  em viết tiếng Pháp có đúng không anh? Em chính là khoảng trống đó, anh! Gió Nam hãy thổi anh lên miền Bắc ngay sau khi mãn khóa hè. Miền Bắc chớm thu sớm, quanh em giờ đây đã thấp thoáng màu và màu đỏ, đặc biệt là màu đỏ. 
Yêu anh,
Crys.

Vậy là mùa thu đã đốt lửa trong lòng em, và cả trong lòng anh nữa. Crys! – Huy nghĩ thầm vậy và không nhớ là mình đã gấp lại thư của Crys chưa.

[...]

Trích Sầu Mây, Doãn Quốc Sỹ 









Oct 21, 2017

MÀU THU


Photo by anh Tùng @ Quebec 

Thiên nhiên đã nhuốm sâu màu thu. Nhiều khi trên đường cắp sách tới lớp, Huy dừng lại trước cơn gió mạnh thổi ngược chiều và lá vàng đủ loại tới tấp rụng xuống như muốn đùa chặn lối đi.
Vừa lúc đó Huy nhận được thư Hương cũng nhắc nét thu miền Bắc y như những điều Huy đã thấy trước đây:

Anh Huy,
Anh biết không, sáng nay week-end em dậy sớm, Crys tới lái xe đưa em ra khỏi Chicago, dọc theo một con sông. Bọn em dừng xe ngay sát bờ sông. Dòng sông đã cạn hẳn và trong veo. Khi trở về ngang qua campus, em thoạt giật mình tự nhủ: quái, đêm qua ai tinh nghịch lại đem sơn đỏ đổ đầy các bụi cây trước cổng trường thế kia. Nhìn kỹ em bỗng lạnh cả người, đó là những cây sumac đã đỏ rực nội trong một đêm, anh ơi. Thế là thu đã về, lạnh đã trở về, không chạy đi đâu được. Cho đến sáng hôm nay, chưa bao giờ em hiểu thấu hai câu Đường Thi một cách sâu xa như thế, hai câu nói về một lá ngô đồng rơi mà cả thiên hạ biết thu đã sang rồi đó:
Ngô đồng nhất dịp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Em dang cả hai tay cho hồn mở rộng đón mùa thu miền Bắc của xứ Huê Kỳ này. Em mê màu lá đỏ rực của mùa thu, như một sương phụ vừa đam mê vừa nhẫn nhục tự đốt cháy hồn mình trước khi chết.
Em nhớ ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ, tới Hoa Thịnh Đốn vào đúng mùa thu và được đưa đi du ngoạn Skyline Drive bên Virginia đúng ngày 15 tháng 10 là ngày màu thu rực rỡ nhất. Em nhớ mình đứng trên mỏm núi cao công viên Shenandoah nhìn cả một vùng rừng thu rực rỡ ngút ngàn trùng trùng điệp điệp bên dưới, mà vàng xe kẽ đây đó cũng chỉ có tác dụng làm cho màu đỏ càng thêm lộng lẫy rỡ ràng. Ấy là vào trung tuần tháng mười thì thế, nhưng nếu anh đến chậm chỉ chừng nửa tháng sau thôi mùa thu đã tiêu trầm đi nhiều, mười phần chưa dễ còn nổi ba.
Chính cái cảm giác tự thiêu trong lộng lẫy để rồi tiêu trầm trong khoảnh khắc đó của mùa thu đã ám ảnh em hoài và mãnh liệt. Nghe như có tiếng kêu trầm thống siêu âm thoát ra tự khoảng màu sắc rỡ ràng mênh mông đó vang vào hồn em, lên men choáng váng thành một thứ đối-thoại-độc-thoại rờn rờn kỳ lạ. Cả danh từ Shenandoah của miền Virginia cũng gợi lên một âm hưởng hoang sơ trong lòng em: công viên Shenandoah, rặng núi Shenandoah, con sông Shenandoah, con sông Shenandoah mơ hồ nhũn nhặn đổ vào dòng Potomac… Và mới đây nữa em mua được một dĩa hát trong có bài ca ngợi dòng sông Shenandoah. Tiếng ca trầm buồn như dòng sông này lẩn theo tiếng đàn twangy quitar càng tô đậm thêm nỗi niềm cô đơn của dòng sông. Đôi lúc hợp ca chợt ùa tới nhẹ và thảng thốt như một bóng ma lẫn trong sương mù nương theo gió chợt đến chợt đi.
Anh có biết vì sao thư này em viết tỉ mỉ về mùa thu đầu tiên của em ở Virginia năm nào không? Chỉ vì trong khi ngồi vào bàn viết hồn còn bồng bềnh trong kỷ niệm màu thu rực rỡ em vớ lấy cuốn Tự Điển Bách Khoa với ý định lật tìm chữ Virginia, thì lật ngay vào trang có chữ Việt Nam. Tim em tự nhiên nhói buốt. Lửa chiến tranh thiêu xém đất nước. Có còn gì nữa đâu?
Thân

Trích Sầu Mây - Doãn Quốc Sỹ 

XẤU >< TỐT -- GHÉT >< YÊU



[...]

Tay Ann cầm tờ Newsweek mới, nàng ngồi xuống thảm cỏ bên Huy và chỉ một bài đương đọc, hỏi Huy:
- Anh đọc bài này chưa?
Huy gật đầu:
- Đọc rồi!
Huy biết đó là bài điểm sách của tờ Newsweek nói về cuốn “Tiểu sử chính trị của Hồ Chí Minh”, tác giả Jean Lacouture. Tác giả Pháp này công nhận họ Hồ đã lầm lạc và thất bại trong vụ cải cách điền địa đẫm máu, nhưng cũng công nhận họ Hồ trước hết là người ái quốc, họ Hồ chẳng thân Nga mà cũng chẳng thân Tàu, họ Hồ há chẳng đã nói: “Thà chúng tôi ngửi phân người Pháp ít lâu còn hơn ăn phân Tàu suốt đời.”
Ann hỏi:
- Anh nghĩ sao, Lacouture bảo ông Hồ tuy là cộng sản nhưng trước hết ông ta là người yêu nước?
Huy nhìn Ann cười bình thản, nhưng hình ảnh con sóc thì đã biến khỏi tâm tư. Chàng biết Ann thẳng thắn, không thành kiến, nhưng nếu với đôi lời vắn tắt, chàng giúp cho Ann hiểu người cộng sản nào cũng chỉ yêu có mục tiêu duy nhất của họ là làm sao đạt được chính quyền; lời họ nói chỉ quyến rũ như khúc hát nhân ngư, tay họ chìa ra chỉ êm như nhung khi họ chưa cướp được chính quyền, thì Huy cũng chỉ mới giúp Ann hiểu được nửa sự thực của cuộc đời, cuộc đời đầy uẩn khúc của những nạn nhân cộng sản mà Việt Nam là một điển hình thê thảm nhất.
- Anh nghĩ sao? – Ann nhắc lại câu hỏi.
- Ann có ghét gian dối không? – Huy hỏi lại.
- Ghê tởm! – Ann đáp ngay do một phản ứng thành thực.
- Thế là được rồi! Nhưng cái cao quý của lòng ghét gian dối chỉ nổi bật khi có gian dối ở trên cõi đời này. Bỏ cái xấu đi thì cái tốt cũng không còn. Hay ngược lại, nếu muốn nói cho gay gắt thêm thì: mình chẳng thể biết yêu nếu không biết ghét!
Ann học về khoa học. Ann muốn một câu trả lời minh bạch hơn. Biết vậy, Huy nói tiếp cho ấm bầu không khí, như một vở kịch nhỏ:
Xưa có một ngự lâm quân tới tìm gặp một thiền sư hỏi:
- Thưa tiên sinh, có thật là có thiên đường và địa ngục chăng?
Vị thiền sư hỏi:
- Ông là ai?
- Thưa tôi là ngự lâm quân của Đại Hoàng Đế.
- Vô lý! Đại Hoàng Đế nào mà tuyển dụng thứ ông làm ngự lâm quân. Trông ông như một thằng ăn mày!
Người lính ngự lâm quân vỗ gươm lách cách bên mình, giận dữ.
Thiền sư cất tiếng cười hô hố:
- Thì ra ông có đeo gương nữa kia đấy. Gươm nhụt như vậy cắt nổi cổ ai!
Người lính không thể tự kìm giữ được nữa, rút phắt thanh gươm sáng loáng ra khỏi vỏ.
Thiền sư gật gù nói:
- Bây giờ thì ông đã biết được nửa câu trả lời rồi đó: ông đương mở cửa địa ngục!
Người lính vội dịu lại, tra gươm vào vỏ và cúi dầu.
Thiền sư tiếp tục với nụ cười hiền:
- Bây giờ thì ông biết nốt phân nửa kia: ông đã mở cửa thiên đường!
Thiên đường và địa ngục là vậy đó, Ann! – Huy kết thúc câu chuyện – Yêu và ghét đời này cũng vậy thôi!
Rồi vô tình Huy vung tay cất tiếng hát. Chàng hát điệu Nói Lệch Cấm Giá, lời Thị Mầu trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”.
Ann tròn mắt:
- Tuyệt! Có phải bài anh sẽ trình bày trong buổi ra mắt với các anh chị em sinh viên quốc tế tối mai chăng?
- Thật ra tôi chưa có ý định đó, nhưng nếu Ann thích thì tôi sẽ hát bài đó tối mai. Khóa mùa thu này chúng tôi có thêm một chị nữ sinh viên mới từ Sài Gòn tới, chị mang theo chiếc đàn mười sáu dây, chị cũng sẽ trình diễn vào tối mai.
- Như vậy tôi tin là Việt Nam sẽ độc đáo. Bài anh vừa hát là một bài dân ca? – Ann nói, giọng tràn bờ niềm vui thưởng ngoạn.
- Đó là một điệu cổ nhạc miền Bắc, lời ca của một cô gái lẳng lơ đến chùa từ ngày mười ba âm lịch thay vì ngày rằm để quyến rũ một nhà sư trẻ.
Huy kể cho Ann nghe qua tích chèo Quan Âm Thị Kính và chàng kết luận với Ann:
- Vở chèo này diễn ra, các cô gái đứng đắn nào cũng khoái vai Thị Mầu, bởi thực ra người con gái nào cũng chất Thị Mầu trong mình, và càng những cô đứng đắn càng cần thưởng thức vai Thị Mầu trên sân khấu để giải tỏa ẩn ức.
Ann vùng đứng dậy cười lớn và vỗ mạnh lên vai Huy:
- Đúng! Anh nói đúng.
Và họ chào chia tay.
Đi được một quãng, Ann còn quay lại:
- Anh Huy nhớ mai trình diễn bài cổ nhạc đó nhé.

[...]

Trích Sầu Mây, Doãn Quốc Sỹ 

SÓC


Sóc - chắt cụ Sỹ-Thảo


[...]


Huy ngồi một mình trên thảm cỏ xanh mướt của campus đại học. Mấy con sóc tự những gốc mapple gần đấy nhảy lại gần, mắt chúng hấp háy như hỏi han một cách thầm lặng xem có gì – thường là đậu phọng – cho chúng ăn không. Huy vỗ vào túi và sực nhớ gói đậu phộng chàng vẫn mua phòng hờ đã phân phát cho chúng hết từ hôm qua rồi. Chàng bứt một bông hoa cỏ tung lên, một chú sóc nhỏ nhất lanh chao nhảy lại gần hơn. Nhưng rồi cánh mũi phập phồng, nó đánh hơi được, tự biết là lầm, nó nhìn Huy thêm một lần nữa, đôi mắt giữ nguyên vẻ thơ ngây và bình thản, rồi mới nhảy đi, kéo theo đồng bọn.

Huy mến loài sóc chính vì chúng có cái nhìn như vậy, không bao giờ thoáng gợn lo sợ, hay thất vọng, hay khiêu khích, cái nhìn của một… con-thuyền-không-người mà vẫn biết xuôi theo dòng sông, biết tránh không va vào những con-thuyền-có-người hoặc những trở ngại thiên nhiên khác, cái nhìn thể hiện được sự hòa hợp kỳ diệu giữa trưởng thành và thơ ngây, giữa ý thức và vô thức, nếu Huy có thể nói được như vậy.

Một lần Huy chứng kiến cảnh một chó Đan Mạch cao lớn, lông đốm như hươu sao, mặt dữ như sư tử hung hăng rượt đuổi con sóc. Rất lẹ, sóc leo lên ngang thân cây vừa đủ tầm cao an toàn khiến chó không thể chồm tới, đầu sóc ngoái xuống, đôi mắt vẫn đen láy, không lo âu chẳng khiêu khích, nhìn con chó đương ngước đầu lên sủa hằn học và rầm rộ. Cảnh tương phản đó cũng kỳ thú như cảnh bông hoa tím xinh nở trên khối đá xù xì không rêu. Con chó ngừng sủa, bỏ đi, nham hiểm. Sóc nhảy xuống thảm cỏ. Chợt chó quay ngoắt mình, chồm vút lại, những muốn xuất kỳ bất ý sẽ vồ được sóc. Còn lẹ hơn ánh lân tinh bị gió lùa, sóc đã nhảy lên một thân cây khác gần đấy. Cùng với cánh mũi phập phồng, chiếc đuôi xòe vẫy vẫy từng nhịp ngắn gọn, đôi mắt đen láy nhìn xuống kẻ thù vẫn luôn luôn bình thản một cách đáng yêu đáng quý.

Những giây phút ngắm sóc, sống với sóc, nhìn cái nhìn của sóc như vậy, Huy thấy được trở về với thời thần tiên xa xưa, thời tâm hồn nhân loại còn thuần khiết như dòng suối ở ngay đầu ngọn nguồn.

Nhiều khi đối chiếu với đời sống nội tâm đầy ưu tư dằn vặt của mình, Huy cứ phải tìm về hình ảnh con sóc để cố học lấy bài học hồn nhiên thanh thản trong lúc sử thế tiếp vật. Phải, con sóc đâu có để con chó nham hiểm vồ, mà đôi mắt trong suốt vô tư của nó có gợn một tia nhìn nghi kỵ, hằn học nào đâu.

Nếu con sóc là hình ảnh trong suốt của suối nguồn, thì cây dâu da ở quê nhà – một hình ảnh khác mà Huy trìu mến – đã gợi chàng hình ảnh một tâm hồn bao la, chỉ biết cho mà không bao giờ biết đòi. Từng chùm dâu da tua tủa đâm ra tự vỏ cây xù xì, hậu hĩ che phủ từ gốc lên đến ngọn và khắp các cành lớn, cành nhỏ đâm ngang. Như hệt hình ảnh bà mẹ hiền Việt Nam thể hiện và ban phát tình thương cho các con.

[...]

Trích Sầu Mây - Doãn Quốc Sỹ











MÀU DA



Baby ghost nam mỹ da trắng
[...]

Bước vào bếp, cả bọn còn thấy mấy người sinh viên Nam Mỹ da trắng. Họ đương bàn tán chuyện gì xôn xao lắm, thấy bọn Thiện vào thì tủm tỉm cười và chào, giọng hơi có vẻ hài hước:
- Hello, Vietnam!
Thiện cũng chào lại bằng giọng hài hước tương tự:
- Hello, Nam Mỹ!
Một sinh viên Nam Mỹ:
- Bọn chúng tớ vừa xong, trả bếp các cậu.
Thiện giải thích cho Huy hay là các sinh viên sử dụng bếp đã đồng ý phân giờ để khỏi bị trùng. Rồi vẫn bằng giọng hài hước thân mật Thiện hỏi bên Nam Mỹ:
- Các cậu đương nói chuyện gì có vẻ hào hứng thế?
- Chúng tớ đương nói chuyện Thượng Đế dùng đất sét nặn thành người.
Thiện chậc lưỡi:
- À chuyện đó tớ còn biết thêm một chi tiết nữa: Lần đầu tiên nặn người xong, Thượng Đế bỏ vào lò tinh thần hấp. Ông cụ đãng trí – Thượng Đế cũng đãng trí – nên lần đó để quên hơi lâu, lúc rút ra, da người bị cháy đen: đó ông thủy tổ người da đen; lần thứ hai ông cụ cẩn thận hơn nhưng lại rút ra hơi sớm, nước da còn trắng bệch: đó là thủy tổ người da trắng của các cậu; lần thứ ba ông cụ cực kỳ thận trọng nên không quá lửa mà cũng không non lửa: đó là thủy tổ các dân tộc da vàng chúng tớ!
Tiếng cười vang căn phòng bếp, rồi những người sinh viên Nam Mỹ rút lui để bọn Thiện làm bếp.

[...]

Trích Sầu Mây, Doãn Quốc Sỹ

VỀ EROICA CỦA BEETHOVEN


Nghe về Magarete Mitchell @ Georgia 

[...]

Hương đã ra tới nơi, cả ba cùng ngồi trên. Huy cho xe chạy và nói với Crys:
- Dịp Giáng Sinh vừa qua tôi đi dự một seminar ở Boston nên có dịp được nghe Messias oratorio  và Firework’s music của Handel.
- Do ban nhạc đại hòa tấu Boston chơi? – Crys hỏi.
- Đúng với Firework’s music còn The Messiah, tôi theo dõi trên TV ba giờ liền.
- Anh có ý kiến gì về Eroica của Beethoven? Bài nộp kỳ tới tôi viết về khúc đại hòa tấu này.
Huy giữ cho tốc độ xe chạy vừa phải dọc theo đại lộ Michigan, đôi môi chàng hơi mím lại suy nghĩ, chàng đáp:
- Đây là ý kiến hoàn toàn của riêng tôi, một người Đông phương thưởng ngoạn, chắc chắn trùng hợp với bất kỳ một ý kiến nào trước đây. Tôi thấy mọi giai điệu trong Eroica, Beethoven chỉ cho mình nghe thòm thèm rồi lập tức để nó chạy trốn vào đám âm thanh tít mù. Đôi khi mình bắt gặp chúng thấp thoáng ẩn hiện ở một vài bè khác như một bóng ma đương tự dẫn lối mà đi để hoàn tất lấy giai điệu khao khát trong tâm tưởng. Nhưng thường thường người nghe vẫn chỉ thấy khao khát mà ít được hưởng trọn vẹn, thành thử đậm nét nhất vẫn chỉ là một cảm giác khát khao. Thực khác hẳn với Handel chẳng hạn, giai điệu tròn trĩnh như những luống cày có đầu có cuối vuông vắn, hay với Mozart giai điệu vừa tròn trĩnh lại vừa uyển chuyển như én liệng ngày xuân.
- Cám ơn Huy, tôi sẽ suy nghĩ và đào sâu những ý kiến đó, chắc chắn chúng sẽ giúp tôi không ít trong bài nộp tới.

[...]


Trích Sầu Mây, Doãn Quốc Sỹ 

HAPPINESS



and when happiness seems
to be nowhere around,
remember... it’s waiting
just to be found 


[...]

Hương xin lỗi Crys để quay lại nói với Huy bằng tiếng Việt một phút:
- Em không ưa những gì thuần trí thức tách rời khỏi thiên nhiên, anh nghĩ sao, nó dễ trở thành một trò ngụy trí thức, một trò làm dáng trí thức. Kẻ sáng tác thì gật gù tự đắc ra vẻ ta đây đạt đến tinh vi của nghệ thuật, kẻ thưởng thức cũng gật gù ra vẻ ta đây biết thưởng thức đến tinh vi của nghệ thuật. Tội nghiệp, em chỉ thấy họ đi vào chi ly để chết cứng trong đó, là em nói những kẻ sáng tác, và ngay cả khi biết mình sắp chết cứng, họ còn ra vẻ tự đắc trong cái ý thức là mình lên cây thánh giá cho nghệ thuật... thuần túy. Không hiểu sao cứ mỗi khi gặp một hình ảnh của thứ trí thức chết cứng đó em luôn luôn liên tưởng đến hình ảnh một quái thai óc đầy mà tim rỗng, hoặc hình ảnh thân xác thì khổng lồ, xương to ụ, mà nhịp tim đập thì ngớ ngẩn như tim đứa trẻ thiên tiên bất túc hấp hối trên nôi.
Hương cười, quay sang Crys nói bằng tiếng Anh đại ý những điều nàng vừa nói với Huy. Crys gật đầu:
- Tôi hiểu và đồng ý với Hương và chính vì vậy tôi mua tặng bạn quyển sách nhỏ kia Happiness Is Everywhere. Bạn luôn luôn có thể tìm thấy hạnh phúc thực ở những điều thật đơn giản: một tia nắng sớm lọt qua cửa sổ, một bất chợt thay đổi thời tiết, hay một niềm vui chia xẻ... và
and when happiness seems
to be nowhere around,
remember... it’s waiting
just to be found 
- Đó là Thiền đấy Crys ạ - Huy nói ngay với Crys – Thiền chính là cách biết hòa mình thành một niềm vui thật thoải mái ở những cái thật đơn sơ. Tự một nguyên tử đơn sơ làm nổ bùng ra ánh hào quang bao la dịu mát của niềm vui niết bàn nội tâm, ấy là Thiền!

[...]

Trích Sầu Mây, Doãn Quốc Sỹ 

HAI NHÁNH MỘT DÒNG SÔNG


D,Q,S @ Goergia 2017 
[...]

Hương thoạt là bạn cùng lớp rất thân của em gái Huy, thuở mới di cư vào Nam cả hai đều còn là nữ sinh trung học, chẳng bao lâu vẻ duyên dáng, nét thông minh, trí ngay thẳng của Hương đã “quyến rũ” cả tiểu gia đình Huy, và Hương thành bạn thân của cả tiểu gia đình từ những người lớn đến mấy đứa trẻ nít. Lên tới đại học em gái Huy thi vào Đại Học Sư Phạm, Hương học Luật. Khi Thi – em gái Huy – nhận đồ ăn hỏi của nhà trai, Hương tới giúp bạn đi chia phần và may giúp bạn một lô quần áo cần thiết. Ngày làm lễ cưới, Hương là một trong bốn cô phù dâu của Thi. Ngày Thi thi ra trường và được bổ làm giáo sư tại một trường nữ trung học gần Sài Gòn, Hương cũng vừa đỗ xong cử nhân Luật. Thi đi vào đời công chức, Hương được cấp một học bổng sang Mỹ lần thứ nhất học lấy bằng cao học về một ngành Luật.

Thi tiếp tục cuộc đời nhà giáo, rồi sinh con đầu lòng. Hương học xong M.A. về nước.
Đứa con gái lớn tám tuổi của Huy nói với mẹ: “Mẹ ơi, cô Hương đẹp quá ha, bao giờ cô Hương lấy chồng giống cô Thi, hả mẹ?” Thật ra hai vợ chồng Huy và Thi đều đã dự tính sẽ xe kết Hương với Quyền, nhưng rồi kẻ đi thì người về, người về thì kẻ đi.

Huy như đứng từ trên cao mà quan sát thấy rằng đôi bạn gái chí thân đó – Thi và Hương – thoạt như cùng là một dòng sông bịn rịn thoát ra cùng một nguồn, rồi con sông bỗng phân làm hai nhánh, một nhánh êm ả xuôi thẳng xuống đồng bằng đem dòng nước phù sa tưới bón cho những đồng quê xanh mởn, cho những vườn cải hoa vàng, còn nhánh kia bỗng quanh co lang thang hết miền đồi núi hiu quạnh này đến miền đồi núi hiu quạnh khác chưa biết bao giờ mới xuống tới đồng bằng mà ra gặp biển. Tựa như càng hiu quạnh tiếng sông càng âm vang sâu thẳm xuống lòng đất , càng bát ngát tỏa rộng phủ lên thiên nhiên hoang vắng hai bên bờ và càng vun vút lên cao ôm lấy trăng sao. Nhiều lần nói chuyện với Hương, đôi lần đọc thư Hương gửi từ Mỹ, Huy mang máng cảm thấy nỗi vò xé nào đó trong tâm hồn Hương. Hiu quạnh có cái quyến rũ của nó mà Hương say mê, nhưng bản chất con người vốn không ưa hiu quanh được tuyệt đối lên ngôi. Đã chót biết cái thanh cao của hiu quạnh, hiu quạnh càng cao – hay càng sâu – thì cái ồn ào (hơi ấm của thế nhân) muốn được chấp nhận cũng phải có chiều cao – hay chiều sâu – tương đương mới dung hòa nổi. Huy biết Hương hiện đương vun vút lên chiều cao của hiu quạnh như nàng tiên vỗ đôi cánh trắng bay vào vùng trăng sao tuyệt vời. Huy biết lắm, đôi khi đôi cánh trắng có ngừng đập để nàng tiên lắng nghe, những mong bắt gặp tiếng gọi đầm ấm nào từ phía dưới bốc lên. Tội nghiệp cho Hương – Huy vẫn thường nghĩ thầm như vậy – tiếng gọi vẳng lên cơ hồ quá nhiều vẩn đục và nàng tiên giận dữ vỗ cánh tiếp tục lên cao... lên cao nữa. Giữa vùng ánh sáng lồng lộng hiu quạnh... biêng biếc hiu quạnh... rộng thê thiết và chao ôi, cũng thê thiết!

Hương thoạt là bạn cùng lớp rất thân của em gái Huy, thuở mới di cư vào Nam cả hai đều còn là nữ sinh trung học, chẳng bao lâu vẻ duyên dáng, nét thông minh, trí ngay thẳng của Hương đã “quyến rũ” cả tiểu gia đình Huy, và Hương thành bạn thân của cả tiểu gia đình từ những người lớn đến mấy đứa trẻ nít. Lên tới đại học em gái Huy thi vào Đại Học Sư Phạm, Hương học Luật. Khi Thi – em gái Huy – nhận đồ ăn hỏi của nhà trai, Hương tới giúp bạn đi chia phần và may giúp bạn một lô quần áo cần thiết. Ngày làm lễ cưới, Hương là một trong bốn cô phù dâu của Thi. Ngày Thi thi ra trường và được bổ làm giáo sư tại một trường nữ trung học gần Sài Gòn, Hương cũng vừa đỗ xong cử nhân Luật. Thi đi vào đời công chức, Hương được cấp một học bổng sang Mỹ lần thứ nhất học lấy bằng cao học về một ngành Luật.

Thi tiếp tục cuộc đời nhà giáo, rồi sinh con đầu lòng. Hương học xong M.A. về nước.
Đứa con gái lớn tám tuổi của Huy nói với mẹ: “Mẹ ơi, cô Hương đẹp quá ha, bao giờ cô Hương lấy chồng giống cô Thi, hả mẹ?” Thật ra hai vợ chồng Huy và Thi đều đã dự tính sẽ xe kết Hương với Quyền, nhưng rồi kẻ đi thì người về, người về thì kẻ đi.

Huy như đứng từ trên cao mà quan sát thấy rằng đôi bạn gái chí thân đó – Thi và Hương – thoạt như cùng là một dòng sông bịn rịn thoát ra cùng một nguồn, rồi con sông bỗng phân làm hai nhánh, một nhánh êm ả xuôi thẳng xuống đồng bằng đem dòng nước phù sa tưới bón cho những đồng quê xanh mởn, cho những vườn cải hoa vàng, còn nhánh kia bỗng quanh co lang thang hết miền đồi núi hiu quạnh này đến miền đồi núi hiu quạnh khác chưa biết bao giờ mới xuống tới đồng bằng mà ra gặp biển. Tựa như càng hiu quạnh tiếng sông càng âm vang sâu thẳm xuống lòng đất , càng bát ngát tỏa rộng phủ lên thiên nhiên hoang vắng hai bên bờ và càng vun vút lên cao ôm lấy trăng sao. Nhiều lần nói chuyện với Hương, đôi lần đọc thư Hương gửi từ Mỹ, Huy mang máng cảm thấy nỗi vò xé nào đó trong tâm hồn Hương. Hiu quạnh có cái quyến rũ của nó mà Hương say mê, nhưng bản chất con người vốn không ưa hiu quanh được tuyệt đối lên ngôi. Đã chót biết cái thanh cao của hiu quạnh, hiu quạnh càng cao – hay càng sâu – thì cái ồn ào (hơi ấm của thế nhân) muốn được chấp nhận cũng phải có chiều cao – hay chiều sâu – tương đương mới dung hòa nổi. Huy biết Hương hiện đương vun vút lên chiều cao của hiu quạnh như nàng tiên vỗ đôi cánh trắng bay vào vùng trăng sao tuyệt vời. Huy biết lắm, đôi khi đôi cánh trắng có ngừng đập để nàng tiên lắng nghe, những mong bắt gặp tiếng gọi đầm ấm nào từ phía dưới bốc lên. Tội nghiệp cho Hương – Huy vẫn thường nghĩ thầm như vậy – tiếng gọi vẳng lên cơ hồ quá nhiều vẩn đục và nàng tiên giận dữ vỗ cánh tiếp tục lên cao... lên cao nữa. Giữa vùng ánh sáng lồng lộng hiu quạnh... biêng biếc hiu quạnh... rộng thê thiết và chao ôi, cũng thê thiết!

[...]

Trích Sầu Mây - Doãn Quốc Sỹ

Oct 19, 2017

THU NGUYỆT TÌNH HOÀI



Cả thính phòng không một tiếng động nhỏ khi tiếng trống
thiên tài của nàng vang lên, tiếng trống nhịp theo với tiếng
phách, tiếng sênh, tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng sáo. Và Hiền cất
tiếng hát bài “Thu nguyệt tình hoài”, lời ca trôi nổi trên dòng
nhạc. Tiếng trống của Hiền tức tưởi nghẹn ngào lướt trên lời
ca, lần vào lời ca ôm lấy lời ca như người thương yêu ôm lấy
vết thương yêu đương. Những dòng chữ ánh sáng mang nặng
ý nghĩa trữ tình lấp láy thay đổi, tỏa ra hút lấy các hơi thở, làm
nghẹt các con tim:

Nước chảy hoa trôi… lỡ làng…
Nhắn tin sang cớ sao người chẳng (có) thấy sang
(chứ) Hẹn (tình) ba, bốn, năm hẹn (mà) để lòng càng sót sa
(cái) Nỗi đoạn truờng (cho nên này) thiếp phải lo xa…

Tiếng trống nức nở đi theo tiếng hát, đi theo từ đầu dến
cuối như bóng đoạn trường theo với hình đoạn trường. Người
nghe nhắm mắt lại, tiếng trống và lời ca lách thẳng vào các thớ
tim. Giọng Hiền thật trong, thật dịu, thê lương mà dằm thắm,
hờn giận mà trinh chuyên:

Nhắn tin sang mà người chẳng thấy sang,
Hẹn ba, bốn, năm, hẹn lòng càng sót sa
Nỗi đoạn trường thiếp phải lo xa
Gió thu hiu hắt sương sa lạnh lùng

Đương ở đời sống sáng chói lý trí giữa guồng máy quay,
cuồng gay gắt, đám thích giả Áo chợt gặp những dòng trữ tình
Á Đông, những dòng chữ bồi hồi quyện lấy tiếng trống, lời ca,
dòng nhạc trở thành bàng bạc linh thiêng, và biến thành bàn tay
dịu hiền dìu họ về gặp lại cái thế giới hiền hòa rất quen thuộc xa
xưa mà không hiểu sao họ quên khuấy đi mất:

Chăn đơn gối chiếc lạnh lùng
Hai hàng châu lệ chiếc khăn hồng chứa chan
Gặp chàng đây cho thiếp thở than
Suối khe nước chảy trên ngàn thông reo
Bữa cơm ăn thất thểu ít nhiều

Dòng chữ ánh sáng tắt, dư âm lời ca ý nhạc còn muốn tiếp
tục nung chảy bóng tối, ánh sáng bừng lên ngỡ ngàng, tiếng vỗ
tay chỉ vừa thức giấc thì chị bạn trẻ người Áo ngồi bên Quỳnh
Hương đã vùng đứng dậy chạy lên ôm lấy Hiền, hôn Hiền và cả
hai cùng… khóc.

Trích Tình Yêu Thánh Hoá - Khu Rừng Lau
Doãn Quốc Sỹ 

Oct 18, 2017

BỐ SỸ GOERGIA PHIÊU LƯU KÝ - phần 3

Rắp tâm đi thăm lá vàng mà ... toàn gặp hết cỏ hồng đến cây xanh cùng lũ con cháu rộn ràng hơn hạ nóng nên nếu đông có đến cũng phải tàn.














BỐ SỸ GOERGIA PHIÊU LƯU KÝ - phần 2



Ở Atlanta, Bố Sỹ gặp lại bốn cố nhân tại nhà cố văn sĩ Margaret Mitchell: 
- Scarlett O'Hara 
- Rhett Butler 
- Ashley Wilkes 
- Melanie Hamilton Wilkes

Ở đây, bố Sỹ tình cờ gặp lại chiếc máy may hiệu Singer của cố mẹ Thảo.

Tất cả kỷ niệm liên quan đến 5 cố đều tuyệt đẹp.









BỐ SỸ GOERGIA PHIÊU LƯU KÝ - phần 1

Chờ lên máy bay - khá chán.
Vào máy bay - xem magazin - đỡ chán.
Ngồi trong máy bay - xem phim hoạt hoạ - hết chán.

Máy bay chuẩn bị đáp - nhìn qua cửa sổ - vui.
Ra khỏi máy bay - ngồi xe lăn có bạn đi cùng - vui hơn.
Về đến nhà cháu ăn cháo - vui nhất.













Oct 17, 2017

GIỖ ANH HAI TRẦN ĐẠI LỘC - 20 NĂM


Hi all,
Hôm nay đúng 20 năm ngày anh Hai Lộc mất. 29/08 âm lịch. Hưng, anh Hoàng, Mành Có và bố ra mộ thắp huong cho anh Hai Lộc
Mới đó mà 20 năm rồi. Đời người đi nhanh quá
Chị Ba Huệ qua Cali trễ một chút, chứ nếu không là đã làm giỗ anh Hai rồi họp HCC luôn. HCC Sẽ họp lại sau, vào đầu tháng 11
Cheers,
Hung Doan



Hôm trước tía Dũng má Thùy vừa nhận được từ Hưng quyển Tuyển tập kỷ niệm 100 ngày mất của anh Hai. Đọc những bài viết thấy tất cả đều cô đọng lại trong mấy chữ: độ lượng, thong dong, an bình. Riêng trong cái vòng tròn nhỏ của HCC thì những kỷ niệm mang màu sắc tiếu lâm và gần gũi, và những ngày đêm ngồi đàn hát bên nhau thật là "thỏa chí tang bồng". Anh Hai còn dạy cho mình cách chuẩn bị công việc thật cẩn trọng và hoàn hảo.
Lần này chú Hưng về ngoài công việc phải đi nhiều nơi, hi vọng HCC "bên nhà" sẽ có những dịp ngồi với nhau đàn hát hàn huyên để ôn lại "những ngày xưa truyện đẹp". Cám ơn Út và chú Hưng năm nào cũng nhớ tưởng niệm anh Hai.
Má Thùi tía Dũng







Oct 16, 2017

COLORFULL AUTUMN IN MAASTRICH - FOUND


Dear Huong,

Here some photos taken during the walk of today. More colors and more sunlight. It was a beautiful day. Lost of people enjoying the sunny day. Also because it is autumn leave this week. Also some other colors, red poppies along a corn field. More the color of spring.

AS