Oct 27, 2021

SÁNG TÁC TRÍCH TỪ CHÍNH VĂN - ĐỌC NGUYỄN MẠNH CÔN - Doãn Cẩm Liên

Lời đầu tiên phải cám ơn anh Trần Hoài Thư (THT) và Thư Quán Bản Thảo (TQBT) số 95, tháng 10 – 2021, đã dẫn dắt người hậu sinh này hiểu thêm quãng đường tờ Chính Văn đã đi. Dù rằng rất ngắn. Chính Văn chỉ phát hành ngót ngét 20 số, khởi từ tháng 6/ 1971 đến tháng 8/1972, với mong muốn của ông chủ bút Nguyễn Mạnh Côn mang những “suy tư và súc động trẻ” đến độc giả. 

Nguyễn Mạnh Côn, chủ bút đầu tiên Tạp chí Chính Văn, với hoài bão lớn là chuyển tải nhiều ý thức chính trị cho giới trẻ. Nhưng nhận ra rằng hoài bão này khó nuôi dưỡng sự sinh tồn của tờ báo nên đoạn cuối ông đã chuyền chức danh “chủ bút” sang cho Trần Phong Giao và ông chỉ còn giữ vai trò nhỏ là thư ký tòa soạn. Ông Trần Phong Giao liền thay đổi chiến thuật với sự cộng tác các tay bút từ khắp các tỉnh thành, mà trước đây chỉ ở Sài Gòn dưới thời Nguyễn Mạnh Côn, hầu mong cứu lấy sinh mạng của tạp chí. 

Vẫn không thành công, Tạp chí Chính Văn đành đóng cửa một năm sau đó.

Trở lại mục trích đăng bài trong TQBT số 95, người viết được đọc Nguyễn Mạnh Côn, Đỗ Tấn, Túy Hồng, Kim Tuấn, Thái Tú Hạp, Mường Mán, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Chí Kham, Hoàng Đình Huy Quan, Hà Vũ Giang Châu, Cao Thoại Châu, Vũ Hữu Định. Bài “Lời Nguyện Cầu Trong Không” – Nguyễn Mạnh Côn, hút tôi vào nó mãnh liệt. Và đọc đến câu kết “Ơ hay! Có lẽ đâu những điều tôi tưởng bày đặt ra, để trấn an em tôi, đều là thật cả!” “Nguyễn Mạnh Côn - Ngày 9 tháng chạp năm Tân Hợi.”, truyện đã hết mà lòng vẫn bồi hồi kéo dài cho đến giây phút này.

Câu chuyện kể về nỗi ám ảnh của một người vợ lính nhảy dù, từ một giấc mơ thấy chồng bị tử nạn. Chị mơ thấy cảnh chồng đang hành quân, từ trên không rơi băng xuống cánh rừng thưa, với cánh dù đã bị mất hai khổ vải, và kết cục là anh đã bị nạn trên một cành cây xuyên qua người. Giấc mơ đó được lập đi lập lại nhiều lần, trong khoảng thời gian dài, mà ngày càng rõ ràng các chi tiết nhỏ đã khiến nàng mất hết tinh anh của những ngày trước đó. Cuối cùng nàng phải cầu viện người anh trợ giúp. 

Người anh giúp cô em bằng cách kể nhiều chuyện xưa nay về “anh hồn” của người này gặp và giúp “anh hồn” của người kia, được truyền qua không gian. Người ta cũng dùng lời cầu nguyện thật chân thành và đầy tình thương yêu gửi đến người kia ở những lúc nguy hiểm và bí hiểm nhất. Lời cầu nguyện thành công.

Bên cạnh đó người anh sử dụng niềm tin của cô em, một kế hoạch có hơi chút mê tín, và một số tiền không nhỏ trả cho ông thầy pháp, để chứng minh lòng thương yêu và hy sinh cho chồng. Tất cả những điều người anh làm cho cô em đều là màn kịch và sự tưởng tượng để lôi cuốn cô em ra khỏi cơn hoảng loạn. Ai dè, cô em đã rất chân thành và làm theo đúng từng điều người anh dặn dò. Và thành công, nàng đã cứu thoát chồng khỏi bị cành cây xuyên qua người trong cuộc hành quân đêm hôm đó. Tất cả điều xảy ra vừa trong giấc mơ của nàng, vừa ngoài đời thật nơi chiến trường của người chồng. Đó là một sự thật hiển nhiên, bí hiểm và khó giải thích bằng khoa học là thế.

Trở lại cái bồi hồi của người đọc “Lời Nguyện Cầu Trong Không” để nhận rằng Nguyễn Mạnh Côn là một tiểu thuyết gia tầm cỡ của thời kỳ sau cuộc di cư Bắc - Nam 1954, cho đến nay chưa chắc kiếm được một ngòi viết như thế. Ông đã dẫn dắt người đọc từng màn, từng cảnh, đến nhân vật, và tình tiết khúc chiết của câu chuyện. Sự phân bố màn, cảnh và đỉnh điểm cao trào của cốt truyện nó được tính toán không sơ hở. Người đọc bị hút vào truyện mà không dứt ra được.

Nguyễn Mạnh Côn không dùng bút pháp cầu kỳ. Chữ dùng lại càng giản dị đời thường vì dành phần khó cho việc hiểu những điều thật siêu thực khó hiểu, những điều chỉ diễn ra trong tâm thức chằng chịt của khoa tâm lý học, không thể giải thích bằng khoa học, mà chỉ có thể nói bằng chữ “niềm tin”. Duy Thức Học hay còn gọi Tâm Lý Học Phật Giáo đã chỉ ra được đường đi nẻo về của tâm ý thức con người. Độc giả đọc Nguyễn Mạnh Côn không thể lơ là câu văn vì nó dẫn dắt câu chuyện xa tắp ở sâu trong ý thức, tâm ý, hay giác quan thứ sáu. 

Nguyễn Mạnh Côn đã rất thành công trong những bài viết theo thể loại này. Ông đã kết hợp kiến thức tâm lý học cùng với những cảnh thật đời sống người dân Việt thời chiến. Cảnh chiến trường, người dân ở giữa hai lằn đạn của hai quân đội cả hai phía Quốc – Cộng. Câu chuyện “Hai Đứa Trẻ Một Cây Cầu” đã gây giàn giụa nước mắt cho độc giả ở đoạn kết khi hai đứa bé cùng chết vì lằn đạn của chiến tranh. Nước mắt vì tình yêu của người anh chan hòa, ôm ấp cho em đến hơi thở cuối cùng khi hai anh em lết hai cái xác không hồn bước lần từng bước để qua vùng quân lính Việt Nam Cộng Hòa. Giọt nước mắt bộc tràn không thể kềm được nữa ở đoạn “… Nó nói: “Ly, giơ tay lên em. Ly, giơ tay lên em…” Những tiếng sau cùng, hình như cả tiếng thở hắt ra đều lẫn vào tiếng súng của địch.”

Đó, chiến tranh là vậy!

Nguyễn Mạnh Côn và Mai Thảo có hai bút pháp khác nhau rất xa. Một người bóng bẩy trong chữ nghĩa và câu cú, nhưng ý truyện rất đời và rất thơ thẩn. Một người thì chữ và câu rất đơn giản, nó dùng để chuyển tải một vấn đề rất khó hiểu mà lại rất khó giải thích. Hai ông Mai Thảo và ông Nguyễn Mạnh Côn đứng ở hai mặt trận văn nghệ khác nhau: Văn chương đô thị và Văn chương chiến trường.

Thiết nghĩ rằng cả hai mặt trận Văn chương đô thị lẫn chiến trường đều cần thiết cho cuộc sống con người. Nhất là những con người sống trong một đất nước phải chịu đựng chiến tranh quá lâu. Cuộc chiến tàn phá tâm thức, đời sống người dân cả hai phía đến tận cùng. Văn chương chiến trường cần có để nhắc nhở người sống nơi đô thị đừng quên nơi chiến trường xa xôi kia đang có những mảnh đời khốn khổ, gian lao, sống chết cận kề. Văn chương đô thị lại lãnh nhiệm vụ làm đẹp tâm hồn, hướng độc giả về chân thiện mỹ bằng chữ nghĩa. 

Cả hai loại văn chương khởi sự từ hai điểm khác nhau, một là khốc liệt, cay đắng; một kia là hoa lá màu sắc tươi tắn đẹp đẽ, để cuối cùng vẫn làm cho nhân sinh quan của con người đến Chân Thiện Mỹ. Tất cả tốt hay xấu đều cần có trong cuộc sống để con người nương theo đó mà đi. Nhận ra được cái xấu là giúp người ta chỉnh sửa sao cho ít xấu đi, ít đi một, rồi đến mười và đến rốt ráo. Cái tốt nó có vai trò của nó là giúp người ta thấy thế nào là xấu, nhận ra khi nào là xấu và hậu quả cái xấu là gì. Và làm sao giữ được cái tốt mà không xa Chân Thiện Mỹ.

Vài suy nghĩ thẩn thơ sau khi đọc Nguyễn Mạnh Côn!

California, ngày 27 tháng 10 – 2021

Doãn Cẩm Liên 

No comments: