Oct 30, 2021

HÔM NAY LÀ HALLOWEEN

Hôm nay là lễ hội hóa trang Halloween:

Một "người quen" mặc áo của bà già.
Maya mặc áo của công chúa Anna trong phim Frozen.
Zayn mặc áo của Steve trong Minecraft.
Cỏ mặc áo của Rapunzel.
Bà út có áo xanh dì Tèo tặng mà chưa mặc được vì áo vẫn ở Xì goòng mà người thì ở tuốt Hòa Lan. 😢 Thiệt là dở khóc dở cười như hình San chụp! 



***








***



***





LÂU NGÀY

Lâu ngày Cỏ gặp Sóc Chuột - lâu ngày ghê chị em mới gặp nhau, chơi vui quá, hổng có thắp nhang 49 ngày cho bà Cố như anh Sóc.

Lâu ngày ghê mới được đi ăn tiệm! Mẹ nói Sóc hổng thèm thay đồ luôn, và quên thói quen đi taxi, lên xe bị muốn ói.

Lâu ngày mới đi thăm shop của dì Tèo, lâu ngày bà út được dì Tèo tặng một áo màu xanh 




***



***








Oct 28, 2021

HÔM NAY SINH NHẬT CHÁU NỘI DOÃN QUỐC HUY RHINO O CỦA ÔNG BÀ SỸ THẢO

 

Hôm nay Ô được 22 tuổi rồi.
Birthday boy Ô muốn ăn American Burger 🍔 ở Blues Mountain way (further West of Sydney) nhưng tiệm này chưa mở cửa cho "Eat in" nên phải bỏ 😳 Burger này là Po mua uber eat tặng anh O.








Oct 27, 2021

NUI CƯỜI NHƯ HOA NHÀ TRẺ NGỌC

 









***

Chị Hòa,
Ngọc mua sắm cây và đi chợ mua đồ ăn.
Em thì potting cây và hoa vô chậu, hooking up watering system, all remote control with timers. Ngọc lo tưới cây manually cuối tuần và nói chuyện với cây cho nó lên hoa đẹp 🤩 
Đồ ăn thì 2 đứa take care cho 2 cậu; đời chú Lựu mà bác Hòa 🤪😜
- Tư Hiển 












SÁNG TÁC TRÍCH TỪ CHÍNH VĂN - ĐỌC NGUYỄN MẠNH CÔN - Doãn Cẩm Liên

Lời đầu tiên phải cám ơn anh Trần Hoài Thư (THT) và Thư Quán Bản Thảo (TQBT) số 95, tháng 10 – 2021, đã dẫn dắt người hậu sinh này hiểu thêm quãng đường tờ Chính Văn đã đi. Dù rằng rất ngắn. Chính Văn chỉ phát hành ngót ngét 20 số, khởi từ tháng 6/ 1971 đến tháng 8/1972, với mong muốn của ông chủ bút Nguyễn Mạnh Côn mang những “suy tư và súc động trẻ” đến độc giả. 

Nguyễn Mạnh Côn, chủ bút đầu tiên Tạp chí Chính Văn, với hoài bão lớn là chuyển tải nhiều ý thức chính trị cho giới trẻ. Nhưng nhận ra rằng hoài bão này khó nuôi dưỡng sự sinh tồn của tờ báo nên đoạn cuối ông đã chuyền chức danh “chủ bút” sang cho Trần Phong Giao và ông chỉ còn giữ vai trò nhỏ là thư ký tòa soạn. Ông Trần Phong Giao liền thay đổi chiến thuật với sự cộng tác các tay bút từ khắp các tỉnh thành, mà trước đây chỉ ở Sài Gòn dưới thời Nguyễn Mạnh Côn, hầu mong cứu lấy sinh mạng của tạp chí. 

Vẫn không thành công, Tạp chí Chính Văn đành đóng cửa một năm sau đó.

Trở lại mục trích đăng bài trong TQBT số 95, người viết được đọc Nguyễn Mạnh Côn, Đỗ Tấn, Túy Hồng, Kim Tuấn, Thái Tú Hạp, Mường Mán, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Chí Kham, Hoàng Đình Huy Quan, Hà Vũ Giang Châu, Cao Thoại Châu, Vũ Hữu Định. Bài “Lời Nguyện Cầu Trong Không” – Nguyễn Mạnh Côn, hút tôi vào nó mãnh liệt. Và đọc đến câu kết “Ơ hay! Có lẽ đâu những điều tôi tưởng bày đặt ra, để trấn an em tôi, đều là thật cả!” “Nguyễn Mạnh Côn - Ngày 9 tháng chạp năm Tân Hợi.”, truyện đã hết mà lòng vẫn bồi hồi kéo dài cho đến giây phút này.

Câu chuyện kể về nỗi ám ảnh của một người vợ lính nhảy dù, từ một giấc mơ thấy chồng bị tử nạn. Chị mơ thấy cảnh chồng đang hành quân, từ trên không rơi băng xuống cánh rừng thưa, với cánh dù đã bị mất hai khổ vải, và kết cục là anh đã bị nạn trên một cành cây xuyên qua người. Giấc mơ đó được lập đi lập lại nhiều lần, trong khoảng thời gian dài, mà ngày càng rõ ràng các chi tiết nhỏ đã khiến nàng mất hết tinh anh của những ngày trước đó. Cuối cùng nàng phải cầu viện người anh trợ giúp. 

Người anh giúp cô em bằng cách kể nhiều chuyện xưa nay về “anh hồn” của người này gặp và giúp “anh hồn” của người kia, được truyền qua không gian. Người ta cũng dùng lời cầu nguyện thật chân thành và đầy tình thương yêu gửi đến người kia ở những lúc nguy hiểm và bí hiểm nhất. Lời cầu nguyện thành công.

Bên cạnh đó người anh sử dụng niềm tin của cô em, một kế hoạch có hơi chút mê tín, và một số tiền không nhỏ trả cho ông thầy pháp, để chứng minh lòng thương yêu và hy sinh cho chồng. Tất cả những điều người anh làm cho cô em đều là màn kịch và sự tưởng tượng để lôi cuốn cô em ra khỏi cơn hoảng loạn. Ai dè, cô em đã rất chân thành và làm theo đúng từng điều người anh dặn dò. Và thành công, nàng đã cứu thoát chồng khỏi bị cành cây xuyên qua người trong cuộc hành quân đêm hôm đó. Tất cả điều xảy ra vừa trong giấc mơ của nàng, vừa ngoài đời thật nơi chiến trường của người chồng. Đó là một sự thật hiển nhiên, bí hiểm và khó giải thích bằng khoa học là thế.

Trở lại cái bồi hồi của người đọc “Lời Nguyện Cầu Trong Không” để nhận rằng Nguyễn Mạnh Côn là một tiểu thuyết gia tầm cỡ của thời kỳ sau cuộc di cư Bắc - Nam 1954, cho đến nay chưa chắc kiếm được một ngòi viết như thế. Ông đã dẫn dắt người đọc từng màn, từng cảnh, đến nhân vật, và tình tiết khúc chiết của câu chuyện. Sự phân bố màn, cảnh và đỉnh điểm cao trào của cốt truyện nó được tính toán không sơ hở. Người đọc bị hút vào truyện mà không dứt ra được.

Nguyễn Mạnh Côn không dùng bút pháp cầu kỳ. Chữ dùng lại càng giản dị đời thường vì dành phần khó cho việc hiểu những điều thật siêu thực khó hiểu, những điều chỉ diễn ra trong tâm thức chằng chịt của khoa tâm lý học, không thể giải thích bằng khoa học, mà chỉ có thể nói bằng chữ “niềm tin”. Duy Thức Học hay còn gọi Tâm Lý Học Phật Giáo đã chỉ ra được đường đi nẻo về của tâm ý thức con người. Độc giả đọc Nguyễn Mạnh Côn không thể lơ là câu văn vì nó dẫn dắt câu chuyện xa tắp ở sâu trong ý thức, tâm ý, hay giác quan thứ sáu. 

Nguyễn Mạnh Côn đã rất thành công trong những bài viết theo thể loại này. Ông đã kết hợp kiến thức tâm lý học cùng với những cảnh thật đời sống người dân Việt thời chiến. Cảnh chiến trường, người dân ở giữa hai lằn đạn của hai quân đội cả hai phía Quốc – Cộng. Câu chuyện “Hai Đứa Trẻ Một Cây Cầu” đã gây giàn giụa nước mắt cho độc giả ở đoạn kết khi hai đứa bé cùng chết vì lằn đạn của chiến tranh. Nước mắt vì tình yêu của người anh chan hòa, ôm ấp cho em đến hơi thở cuối cùng khi hai anh em lết hai cái xác không hồn bước lần từng bước để qua vùng quân lính Việt Nam Cộng Hòa. Giọt nước mắt bộc tràn không thể kềm được nữa ở đoạn “… Nó nói: “Ly, giơ tay lên em. Ly, giơ tay lên em…” Những tiếng sau cùng, hình như cả tiếng thở hắt ra đều lẫn vào tiếng súng của địch.”

Đó, chiến tranh là vậy!

Nguyễn Mạnh Côn và Mai Thảo có hai bút pháp khác nhau rất xa. Một người bóng bẩy trong chữ nghĩa và câu cú, nhưng ý truyện rất đời và rất thơ thẩn. Một người thì chữ và câu rất đơn giản, nó dùng để chuyển tải một vấn đề rất khó hiểu mà lại rất khó giải thích. Hai ông Mai Thảo và ông Nguyễn Mạnh Côn đứng ở hai mặt trận văn nghệ khác nhau: Văn chương đô thị và Văn chương chiến trường.

Thiết nghĩ rằng cả hai mặt trận Văn chương đô thị lẫn chiến trường đều cần thiết cho cuộc sống con người. Nhất là những con người sống trong một đất nước phải chịu đựng chiến tranh quá lâu. Cuộc chiến tàn phá tâm thức, đời sống người dân cả hai phía đến tận cùng. Văn chương chiến trường cần có để nhắc nhở người sống nơi đô thị đừng quên nơi chiến trường xa xôi kia đang có những mảnh đời khốn khổ, gian lao, sống chết cận kề. Văn chương đô thị lại lãnh nhiệm vụ làm đẹp tâm hồn, hướng độc giả về chân thiện mỹ bằng chữ nghĩa. 

Cả hai loại văn chương khởi sự từ hai điểm khác nhau, một là khốc liệt, cay đắng; một kia là hoa lá màu sắc tươi tắn đẹp đẽ, để cuối cùng vẫn làm cho nhân sinh quan của con người đến Chân Thiện Mỹ. Tất cả tốt hay xấu đều cần có trong cuộc sống để con người nương theo đó mà đi. Nhận ra được cái xấu là giúp người ta chỉnh sửa sao cho ít xấu đi, ít đi một, rồi đến mười và đến rốt ráo. Cái tốt nó có vai trò của nó là giúp người ta thấy thế nào là xấu, nhận ra khi nào là xấu và hậu quả cái xấu là gì. Và làm sao giữ được cái tốt mà không xa Chân Thiện Mỹ.

Vài suy nghĩ thẩn thơ sau khi đọc Nguyễn Mạnh Côn!

California, ngày 27 tháng 10 – 2021

Doãn Cẩm Liên 

KÝ ỨC VỀ THẦY GIÁC THANH - Doãn Quốc Hưng


Tình cờ có người báo vào ngày 24/10/2021 tu viện Lộc Uyển sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày mất của Thầy Giác Thanh. Dù bận bịu, tôi cũng kịp sắp xếp lên Lộc Uyển để nghe Thầy Phước Tịnh kể chuyện về Thầy Giác Thanh. Có 3 vị Thầy ảnh hưởng trực tiếp đến  hành trình học và hành Phật Pháp của tôi nhiều nhất, đó là Thầy Nhất Hạnh, Thầy Giác Thanh, và Thầy Phước Tịnh. Tôi bắt đầu quan tâm đến việc thực hành Chánh Niệm ở độ tuổi đôi mươi sau khi đọc nhiều lần cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của Thầy Nhất Hạnh. Người làm lễ qui y và đặt pháp danh cho tôi ở độ tuổi 50 là Thầy Phước Tịnh. Với Thầy Giác Thanh, dù thời gian tiếp xúc với Thầy không nhiều, nhưng hình ảnh của Thầy luôn luôn nằm đâu đó trong tiềm thức của tôi, dù là rất nhẹ nhàng, không hề có một ấn tượng nào mạnh mẽ.

Tôi gặp Thầy Giác Thanh lần đầu tiên là vào khoảng năm 1992. Lần đó Thầy trở về Việt Nam lần đầu, với tư cách đại diện cho tổ chức từ thiện Partage của Pháp, theo sự sắp xếp của Sư Cô Chân Không. Partage là một tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới, được sáng lập bởi Pierre Marchand, là một đệ tử Tiếp Hiện người Pháp của Thầy Nhất Hạnh. Nghe kể rằng Pierre là con nhà triệu phú. Từ trước 1975,  khi nghe Thầy Nhất Hạnh nói chuyện về Việt Nam, Pierre đã bỏ hết sự nghiệp, thành lập tổ chức này để giúp đỡ trẻ em mồ côi Việt Nam trong chiến tranh. Sau 1975, Việt Nam đóng cửa với thế giới tự do, Partage chuyển hướng sang giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới. Trong những năm cuối 1970s đầu 1980s, Thầy Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không đã nhờ Partage giúp đỡ nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam đang bị tù đầy, bằng cách gởi quà cho con em của họ. Trong số những người được giúp có gia đình bố tôi (Doãn Quốc Sỹ), nhà văn Nhã Ca, nhà báo Hiếu Chân, nhà báo Thanh Thương Hoàng… Đến đầu thập niên 1990s, Việt Nam mở cửa trở lại, Partage đã xin được hoạt động chính thức tại đây. Lúc đó, tôi là một trong những thành viên của nhóm Partage Việt Nam, bao gồm một số đệ tử Tiếp Hiện của Thầy Nhất Hạnh từ trước 1975: cô Uyên, cô Thân, chú Phước, cô Trà Mi.

Thật ra, Thầy Giác Thanh không phải là người của Partage. Thầy về theo danh nghĩa Partage chỉ là một cái cớ để thực hiện một sứ mạng khác của Sư Cô Chân Không: gieo những hạt giống thực hành Chánh Niệm theo phương pháp Làng Mai đầu tiên tại Việt Nam. Lúc đó, Partage bắt đầu giúp đỡ khoảng 5, 6 nhóm từ thiện giúp đỡ trẻ em ở Sài Gòn, Miền Tây và Huế. Thầy Giác Thanh đem tiền về để tài trợ cho các dự án của những nhóm này, rồi kèm theo với các hướng dẫn Chánh Niệm một cách nhẹ nhàng, kín đáo. Ngày nay, khái niệm về “Chánh Niệm” không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, khi Thầy Nhất Hạnh cùng tăng đoàn Làng Mai đã chính thức về lại quê hương. Nhưng ít có người biết rằng Thầy Giác Thanh là người đã đặt những viên đá nền tảng đầu tiên từ 3 thập kỷ trước.

Tôi nhớ hình ảnh Thầy Giác Thanh trong ngày đón từ phi trường về ở nhà cô Uyên, ngay sát bên chùa Pháp Vân ở Quận 11, cũng là Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của Thầy Nhất Hạnh ngày xưa. Thầy có dáng người cao, gầy gò, trông “thư sinh” và  không khỏe mạnh. Mọi hành động của Thầy lúc nào cũng chậm rãi. Điều làm tôi nhớ nhất là nụ cười của Thầy, một nụ cười hiền hòa, nhân hậu, thanh thản. Gương mặt của Thầy hình như lúc nào cũng đi đôi với nụ cười tĩnh lặng, ngay cả những lúc Thầy bị căn bệnh ung thư hành hạ sau này. Giống như nụ cười của Bụt.

Một ấn tượng khác cũng khó quên trong lần đó, là Thầy đem về Việt Nam đến mấy chục ngàn Đô La Mỹ bằng tiền mặt! Không hiểu tại sao số tiền lớn như thế mà qua mắt được hải quan Việt Nam?!? Hồi đó, tôi đi làm cho một công ty Việt Nam với mức lương chưa đến 100 đô một tháng. Còn một người làm cho công ty nước ngoài có lương tháng khỏang 300 đô là to lắm rồi! Ấy vậy mà một ông thầy tu hiền hòa dám bỏ vài chục ngàn đô trong túi xách mang về Việt Nam. Lần đầu tiên trong đời tôi mới được thấy tận mắt một lượng tiền khổng lồ như thế, mà chỉ để làm từ thiện! Thầy trò sau đó đã đem tiền đến giao cho các nơi, trong đó  Viện Dưỡng Lão & Mồ Côi Long Xuyên của anh Ba Đô là nhận nhiều nhất, đến 7,000 đô để mua máy cày. Tiền cũng giao cho chùa Liên Trì của Thầy Không Tánh ở Thủ Thiêm, nơi nuôi khoảng 30 trẻ em mồ côi, trẻ em thuộc các gia đình quá nghèo khó trong vùng phải gởi con vào chùa để được ăn học. Ngôi chùa Liên Trì cách đây vài năm đã bị chính quyền thành Hồ phá hủy để làm dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo ra một làn sóng phẫn nộ ở cộng đồng người Việt hải ngoại.

Sau khi hoàn tất công việc từ thiện của Partage, Thầy Giác Thanh tổ chức Ngày Chánh Niệm đầu tiên ở Việt Nam tại chùa Pháp Vân, theo đúng khuôn mẫu của Làng Mai. Trước đó, Phật tử ở Việt Nam chỉ biết đến ngày bát quan trai giới ở một số ngôi chùa. Dù đã biết về khái niệm “Ngày Chánh Niệm” qua sách của Thầy Nhất Hạnh, nhưng đó là lần đâu tiên tôi mới có một ngày thực tập thật sự: tập ngồi thiền, tập đi thiền hành, tập ăn cơm trong chánh niệm, tập nghe chuông trở về hơi thở… Lần đầu tiên- và có lẽ cũng là lần duy nhất- tôi được nghe Thầy Giác Thanh giảng Pháp. Lần đầu tiên tôi được một vị thầy sửa tư thế khi ngồi thiền; chỉ cách dở bàn chân lên, đặt bàn chân xuống đất chậm rãi khi đi thiền hành. Những gì còn lại trong trí nhớ của chúng tôi về ngày hôm ấy: thực tập im lặng, thực tập chú tâm làm mọi thứ chậm lại với một tốc độ chưa bao giờ từng làm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có được cảm giác an lạc nhờ vào thực tập chánh niệm. Nhiều người sau khi tham dự Ngày Chánh Niệm đó nói rằng khi trở lại nhịp sống bình thường, họ nhận ra là mình đã sống vội vàng, thiếu chánh niệm từ lâu mà không hay. Cũng nhờ đó, về sau này tôi không bị bỡ ngỡ khi có dịp đi ra nước ngoài, gặp gỡ và sinh hoạt với các nhóm Phật tử theo pháp môn Làng Mai tại Úc, Pháp, Hoa Kỳ. Những nền tảng chánh niệm đầu tiên mà Thầy Giác Thanh đã gieo ở VIệt Nam  là như vậy đó…

Lần đó Thầy Giác Thanh có nhờ đưa đến nhà để gặp bố tôi. Thầy biết bố Sỹ thuở đi dạy ở Đại Học Vạn Hạnh, viết cuốn Vào Thiền. Hai người- một thiền sư, một cư sĩ - ngồi uống trà, đàm đạo khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi không nhớ rõ hai người đã nói với nhau chuyện gì. Hình như là một số câu chuyện về Thầy Nhất Hạnh, về khoảng thời gian bố tôi dạy ở Vạn Hạnh, đi ở tù, một số chi tiết trong cuốn Vào Thiền… Chắc chắn là hai người không bàn nhiều về tư tưởng, hay ý nghĩa kinh sách Phật Giáo, những chủ đề mà tôi không được nghe Thầy Giác Thanh nhắc đến. Tôi chỉ nhớ đó là một buổi chiều thật bình yên với hai con người cả đời gắn bó với Phật Giáo, một trong chốn thiền môn, một ở ngoài đời thường. Họ có thể không nói gì, mà những người có mặt vẫn cảm nhận được sự bình an trong tĩnh lặng. 

Lần thứ hai tôi gặp Thầy Giác Thanh là vào khoảng năm 1998, ở Làng Mai bên Pháp. Lần đầu tiên được đi Pháp, tôi háo hức được đến Làng Mai để lần đầu tiên được gặp Thầy Nhất Hạnh, Sư Cô Chân Không, và được gặp lại Thầy Giác Thanh. Buổi chiều Thứ Hai, sau những ngày cuối tuần thực hành Chánh Niệm, tôi đi bộ đến cốc nơi Thầy Giác Thanh ở. Gặp Thầy ở trước cửa, tôi hỏi: “Thầy còn nhớ con không?”. Thầy nhìn, rồi vẫn với nụ cười hiền hòa cố hữu, Thầy trả lời: “Anh là ai mà tôi phải nhớ? Thôi, vô đây uống với tôi một chung trà…”. Rồi khi pha trà, Thầy chậm rãi hỏi thăm về nhóm Partage Việt Nam, về các nhóm từ thiện ở Việt Nam đã từng gặp. Thầy còn hỏi dạo này có thực tập Chánh Niệm như Thầy đã hướng dẫn hay không? Tôi thú thực là vì công việc bận rộn nên rất ít thực tập. Hai thầy trò uống trà, nói chuyện thong thả trong một buổi chiều thật đẹp. Lúc đó Thầy đã bị căn bệnh ung thư hoành hành, trông Thầy không khỏe, gầy hơn. Nhưng chỉ trừ nụ cười bình an là không thay đổi. Rồi khi tôi đứng lên chào để đi về, Thầy nắm tay tôi nói rằng: “Hưng có thể móc nghéo hứa với thầy một điều không?” . Tôi nói “Dạ được!”. Thầy nói tiếp: “Trở về Việt Nam, hứa với Thầy là mỗi ngày ráng ngồi thiền 20 phút nghe!”. Tôi về Việt Nam trong đầu vẫn nhớ lời dặn dò đó. Trong vài tuần đầu, tôi làm đúng theo lời hứa với Thầy, ngày nào cũng ngồi thiền. Nhưng rồi thì cũng thưa dần vì đủ mọi lý do. Chung quy chỉ vì năng lực tu chưa đủ lớn, không thể tự mình thực tập mà không cần ai nhắc nhở. 

Đến năm 2001, tôi được đi Mỹ lần đầu. Tôi đến Lộc Uyển với hy vọng thăm Thầy một lần nữa. Nhưng lần này không gặp, mà chỉ kịp thắp cho Thầy một nén nhang trước di ảnh…

Như đã nói, thời gian tôi được gần Thầy Giác Thanh không nhiều. Tôi đọc sách nhiều sách của Thầy Nhất Hạnh, nghe nhiều băng cassette Thầy giảng về Chánh Niệm trước khi được gặp Thầy. Tôi đã theo Thầy Phước Tịnh thực tập thắp sáng Sự Nhận Biết, Thiền- Tịnh song tu vài năm trước khi qui y với Thầy. Tôi tự hỏi tại sao mình vẫn xem Thầy Giác Thanh như là vị thầy thứ ba của bản thân?

Tôi chỉ được nghe Thầy Giác Thanh giảng Pháp có một lần, nhưng cũng không nhớ nội dung. Chỉ nhớ Thầy hay dùng thiên nhiên để liên tưởng với những câu chuyện về đạo pháp. Mới đây tôi sang Miền Đông Hoa Kỳ, đi rong ruổi trên nhiều tiểu bang để quyết ngắm cho được mùa thu phương bắc, cái đẹp đầy thi vị của mùa thu mà Thầy Giác Thanh đã có lần kể. Nhớ Thầy nói nhìn toàn cảnh rừng núi thay lá, nhuộm sắc đỏ, cam, vàng khi vào thu, Thầy cảm thấy thiên nhiên đẹp quá, đứng nhảy múa một mình ở trên đồi như một người điên. Tâm hồn của Thầy có cả tính chất của một tu sĩ và một thi sĩ.

Cái tôi nhớ về Thầy nhất vẫn là nụ cười hiền hòa, an lạc. Mọi động tác của Thầy đều chậm rãi, khoan thai một cách tự nhiên, bình thản. Hình như đối với Thầy không có chuyện gì là quan trọng. Nhớ những câu trả lời mang tính chất bông đùa dí dỏm của Thầy, mỗi khi có ai hỏi những điều phức tạp trong Phật Pháp.

Về sau này, tôi biết về Thầy Giác Thanh nhiều hơn qua những câu chuyện kể của Thầy Phước Tịnh, người huynh đệ thân thiết nhất của Thầy.  Thầy đã từng là một đệ tử lớn của Thầy Thanh Từ trước khi về với Làng Mai. Nhưng khi tiếp xúc với Thầy, tôi không thấy Thầy thuộc về một tông môn pháp phái nào. Cuộc đời của Thầy có nhiều thăng trầm, rồi Thầy chọn con đường của một du tăng, xem một kiếp tử sinh nhẹ như một áng mây trôi. Cốc của Thầy ở Làng Mai có tên là Phù Vân Cốc. Tháp của Thầy ở Lộc Uyển là Tháp Phù Vân. Tôi nhìn thấy ở Thầy biểu hiện của Vô Sự, của Hỉ và Xả trong tứ vô lượng tâm. Thầy Giác Thanh có lẽ không cần giảng pháp, bởi vì chính Thầy là một bài Pháp sống động nhất. Có khi chỉ cần ngồi uống trà với Thầy, ngắm mây trôi, hoa nở thôi cũng đã thấy an lạc.

Chẳng có gì nhẹ nhàng và phù du hơn những áng mây trôi. Nhưng có những áng mây làm mát rượi cả bầu trời, làm cây cối xanh hơn, hoa cỏ tươi hơn…

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Thầy Giác Thanh, tôi lục lọi mãi trong đống hình cũ, mới tìm ra được một tấm ảnh hai thầy trò ngồi uống trà ở Cốc Phù Vân.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Thầy Giác Thanh, tôi lên Tháp Phù Vân, để trong một lần  “selfie” hiếm hoi, tự chụp hình với di ảnh của Thầy.

Có những buổi sáng thức dậy làm biếng, tôi nhớ lại lời dặn dò của Thầy Giác Thanh để buộc mình ra trước bàn thờ Phật ngồi thiền. Nhiều khi ngắm những cụm mây trắng trôi trên bầu trời, tôi nhớ về Thầy Giác Thanh mà lòng tự nhiên cảm thấy bình an, vô sự…

Tâm Nhuận Phúc

NHỮNG NGÀY HUY HOÀNG CỦA SÂN KHẤU VIỆT - Đoàn Khoa

Tiếp tục những ngày "Huy Hoàng" của Sân Khấu Việt.

Từ 80 đến 2000 - đoàn kịch Kim Cương thu hút một lượng khán giả không kém các đoàn cải lương hùng hậu thời ấy như Trần Hữu Trang, các đoàn Saigon 1,2,3... và gần như đây là đoàn kịch "tập thể" duy nhất "tự sống được" bằng doanh thu của mình.

(Đoàn Cửu Long Giang sau đổi thành Nhà Hát Kịch Thành Phố, nếu không được sự cung cấp tài chánh từ nhà nước thì không thể nào tồn tại)

Tuy nhiên không thể nói Đoàn Kịch Kim Cương là "Thời Hoàng Kim" của môn kịch Việt nói chung và Saigon nói riêng bởi họ vẫn đi theo "sở trường mélo" từ trước 75 để lại... và chưa tạo được SỰ ĐỘT BIẾN trong "đời sống" của bộ môn này.

Thế nhưng cho tới cuối 80, đầu 90 - một  vở kịch của Roumanie là DƯ LUẬN QUẦN CHÚNG được dàn dựng và biểu diễn bởi một nhóm đạo diễn vừa tốt nghiệp từ Trường Sân KHấu II mới thực sự tạo ra một cuộc "cách mạng" cho nghệ thuật này.

Vở kịch trên có hình thức và nội dung khá lạ (so với kiểu viết thông thường ở VN) với "bối cảnh" có thể diễn ra "bất cứ nơi đâu" và diễn viên có thể ngồi lẫn trong hàng ghế khán giả.

Nội dung của vở kịch này cho phép UP thêm những chi tiết hoặc tình huống mà "địa điểm diễn" có - thí dụ một "xì-căng-đan" nào đó tại xí nghiệp mà đoàn kịch tới - hoặc nêu một nhân vật "nổi tiếng" (xấu lẫn tốt) của địa phương ấy vào kịch. Đôi khi diễn viên THẬT lôi kéo các diễn viên GIẢ là những khán giả đang xem vào vở tuồng của mình.

Với tên DƯ LUẬN QUẦN CHÚNG - vở kịch phần nào phê  phán sự tha hóa, quan liêu, hủ tục... của xã hội đương thời do đó nó được sự hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt của khán giả lúc ấy.

Nhờ sự "gọn nhẹ", "linh hoạt" và gần như "không cần bối cảnh" - vở kịch trên có thể diễn ở "bất cứ một công xưởng hoặc một hội trường nào trên mặt bằng thành phố.

Tiếng vang của nó mạnh đến độ người ta gọi nó: DƯ LUẬN QUẦN CHÚNG  thành TÊN của KIỂU DIỄN MỚI này.

Từ sự thành công một cách "ngỡ ngàng" trên - các đạo diễn & diễn viên trong ê kíp đó "thừa thắng xông lên" dựng thêm nhiều vở mới - dưới "mái nhà chung" là HỘI SÂN KHẤU THÀNH PHỐ để cho ra đời một Nhà Hát Mới có một PHONG CÁCH hoàn toàn khác xa với các đoàn kịch nghệ trước đó và làm nên một DẤU ẤN khó phai của kịch nghệ miền Nam - đó là SÂN KHẤU NHỎ 5B VÕ VĂN TẦN.

SÂN KHẤU NHỎ là một nơi quy tụ những diễn viên & đạo diễn vừa mới tốt nghiệp từ Trường Sân Khấu II mà chưa được các đoàn chuyên nghiệp tiếp nhận hoặc được phân về các đoàn hát nhưng không thể nào có được 1 vai diễn "đúng nghĩa" bởi sự "lớp lang trật tự" trong các đoàn trên luôn là "bất biến"

Nhờ SÂN KHẤU NHỎ này, các đạo diễn & diễn viên "mới toảnh" có thể thực hành được "kiểu" mà họ đã được đào tạo từ trong trường.

Nhờ vào yếu tố cơ bản trên - đội ngũ trẻ ấy có thể dựng và diễn các vở kịch mang tính THỂ NGHIỆM, KÉN KHÁN GIẢ mà các đoàn hát "lớn" chưa bao giờ dán "rớ vào".

Khoảng năm 87, 88 (không nhớ chính xác) - Liên Hoan Sân Khấu Nhỏ lần I được tổ chức tại SÂN KHẤU NHỎ 5B VÕ VĂN TẦN.

Đây đúng là một SỰ KIỆN đáng được ghi vào "Lịch Sử Sân Khấu Việt Nam" bởi qua đợt biểu diễn này, một loạt các tên tuổi cũng như "ngôi sao" của "làng" kịch nghệ miền Nam ra đời như Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Quốc Thảo, Việt Anh, Thanh Thủy... trong các vở kịch vô cùng thú vị như "Một Cuộc Đời bị Đánh Cắp" (Nhật Bản), "Bố Mẹ Khủng Khiếp" (Pháp), "Những Con Thú THủy Tinh" (Mỹ), "Giải Độc Đắc" (Cuba), "TRong Hào Quang Bóng Tối" (Tây Ban Nha) ... chẳng hạn.

Đội ngũ đạo diễn & diễn viên từ SÂN KHẤU NHỎ ấy thực sự thay đổi BỘ MẶT của nền kịch nghệ miền Nam.

...

Tới đây có lẽ cũng nên tạm dừng bởi sau một thời gian "khá dài"  phát triển một cách rực rỡ và ngoạn mục (hơn 20 năm) - do nhiều sự biến động xã hội và văn hóa - SÂN KHẤU NHỎ cũng tới lúc mất dần "hào quang" của mình và phần đó nên "kể" trong phần sau...

DK

Oct 26, 2021

CỎ NÓI CHUYỆN VỚI CỤ

 


Ngày 26 tháng 10 - 2021

Hôm nay Cỏ lại nói chuyện với Cụ. Cỏ vào đề liền với giọng dịu ngọt dành riêng cho Cụ mà thôi: 

- Cụ có khỏe không? Cụ đang làm gì đó?

Cụ: Cụ đang ăn sáng. Có sữa và trái cây.

- Cụ mặc áo gì vậy?

Cụ: Áo lạnh đó. Bây giờ đang lạnh.

- Con đang ôm gối ôm nè.

- Hồi xưa cụ làm gì?

Cụ: ơ ơ… (có nghĩa là cụ không nghe kịp câu hỏi)

Cỏ bèn liền bồi thêm:

- Cụ hồi xưa có đánh đàn không?

Cụ lại không nghe kịp nên trả lời trật rơ:

Cụ: Ngày xưa cụ dạy học ba trường đại học: ĐH Văn Khoa, ĐH Vạn Hạnh và Sư Phạm.

Con gái đứng cạnh bèn phải nhắc lại câu hỏi về đàn của Cỏ, thế là cụ trả lời:

Cụ: Chính là đàn violon. (Ý cụ còn muốn kể thêm đàn piano nữa mà không kịp với Cỏ.)

Cỏ lại đổi đề tài cái “rẹt”:

- Hồi xưa cụ có ngắm trăng không?

Cụ: Có chứ. Có ngắm trăng rằm và ngắm cảnh đẹp.

- Chikabu… (Cỏ chơi ú à với cụ)

Cỏ lại đổi đề tài:

- Sao tóc cụ bạc quá vậy?

Cụ: Hà hà... tóc cụ bình thường mà!

Mẹ thấy Cỏ đã hết tập trung nên bảo đi ngủ thôi!


THỜI SỐNG KHÔN THÁC THIÊNG CỦA SÂN KHẤU VIỆT - Đoàn Khoa

 Em định hôm nay "TERMINER" câu chuyện của nàng Scheherazade cùng CON BÉ BÁN SỮA với bài "Cái Chết của Sân Khấu Việt" nhưng sợ mọi người thắc mắc rằng "CÓ SỐNG ĐÂU MÀ CHẾT".

Do đó, em sẽ thêm một kỳ về "Thời SỐNG KHÔN" của Sân Khấu Việt để ta có thể thấy nó "THÁC THIÊNG" như thế nào.

...

Hôm gặp lại chị Ngọc Đan Thanh ở Saigon (diễn viên kịch nổi tiếng trước và sau 75).

Khi nhắc lại những vở kịch mà chị ấy đóng trước 75 trên tivi - chị ấy "hết hồn" vì em còn nhớ nó.

Thật vậy - đó là những vở kịch "LẠ", vừa "trinh thám" vừa "hiện sinh" không hề giống với loại kịch của đoàn Kim Cương hay Sống của bà Túy Hồng.

Em không nhớ tên của vở tuồng này, (vì lúc đó còn quá nhỏ) chỉ nhớ "đại khái" câu chuyện về một nhóm thanh niên - muốn "nhát" người bạn "điêu khắc" của mình bằng 1 án mạng "giả" - thế nhưng sau khi anh chàng điêu khắc gia này tìm thấy xác chết của 1 cô gái (do Ngọc Đan Thanh đóng) trong studio của mình thì anh ta đã tạc 1 bức tượng "tuyệt đẹp" về nạn nhân đó.

Thế nhưng đám thanh niên từ đó về sau vẫn không thể tìm thấy cô bạn của mình - trước đó "giả làm" xác chết ở đâu - cuối cùng vì một tình cờ - hóa ra bức tượng nổi tiếng của chàng điêu khắc chính là xác chết THẬT của cô gái.

...

Chị Ngọc Đan Thanh còn cho em biết thêm rằng vào thời đó (trước 75) chị ấy và Tú Trinh còn đóng nhiều vở kịch "siêu thực" nữa... mà décor chỉ cần 1 cây piano - phần còn lại là phông đen hoàn toàn.

Em cũng còn nhớ được vài vở kịch loại này khi coi ti vi.

Một vở khá lạ như sau:

Một cô (hoặc diễn viên hoặc người lo phục trang cho đoàn hát) - vì ghen tuông - đã giấu một thứ gì đó vào trong đạo cụ của 1 anh "Kép Chánh" để anh này sẽ bị tai nạn trong lần diễn sắp tới.

Thế nhưng toàn bộ "hành vi" đen tối của cô ta đều bị anh "rọi đèn" đứng trên cao trông thấy.

Và khi phát hiện ra có người theo dõi mình - một lớp "hy hữu" diễn ra:

Cô gái "đối thoại với 1 nhân vật nhưng nhân vật đó KHÔNG XUẤT HIỆN trong khung hình từ đầu đến hết vở kịch

...

Rồi một HIỆN TƯỢNG nữa:

Vở "NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHỊU CHẾT" của ông VŨ KHẮC KHOAN cũng được phát trên tivi do Thanh Lan (ca sĩ), Lê Cung Bắc, Lê Tuấn... đóng cũng mang lại cho em nhiều ấn tượng khó quên...

Bối cảnh của vở kịch này là tầng lầu thứ 13 của một thương xá - nơi đây người ta dựng đầy những con MANNEQUIN (hình nhân giả - mặc quần áo thời trang).

Thế nhưng trong số các "hình nhân" này có 2 con người THẬT gồm 1 già 1 trẻ "giả dạng" làm hình nhân để thoát khỏi sự truy lùng của cảnh sát. (do Lê Cung Bắc và Lê Tuấn đóng).

Thanh Lan rất tuyệt vời khi đóng vai 1 cô gái đương xuân đầy mơ mộng (con người gác gian của thương xá ấy). Cứ đêm xuống - khi không còn ai trong khu thương mại này, cô lên đây và nói chuyện với các "người mẫu" rằng cô mơ 1 ngày nào đó sẽ có chàng "Hoàng Tử" đến đón cô.

Hai nhân vật "giả người mẫu" tất nhiên có "lời thoại" nhưng các con "người mẫu THẬT cũng "đối thoại" với nhau và chúng TIÊN ĐOÁN số phận BI THẢM của cô gái...

(May thay - em có giữ văn bản của vở kịch này - khi đọc lại - khá KHỚP với những hình ảnh mà mình nhớ trong đầu)

Có lẽ những năm 70 tại Miền Nam - hoạt động sân khấu nổi bật nhất chắc vẫn là âm nhạc với phong trào "Nhạc Trẻ" cũng như nhiều xu hướng sáng tác khác... thế nhưng miền Nam vẫn TỒN TẠI kiểu KỊCH THỂ NGHIỆM... tuy hạn chế số lượng người xem.

...

Sau 75, các đoàn kịch như Kim Cương, Bông Hồng... thực sự sống động và có một sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Trước đây - vì bối cảnh chiến tranh - khán giả miền Nam chỉ coi được những tuồng như "Lá Sầu Riêng" hay "Dưới Hai Màu Áo" trên Truyền Hình thì nay họ được xem một cách "sống động" trên sàn diễn.

Nếu được 'MỤC SỞ THỊ" này thì mới thấy được tài năng "dị thường" của các diễn viên trong những vở tuồng đó.

Lấy thí dụ như trong "Dưới Hai Màu Áo" chẳng hạn - trước đây khán giả coi trên màn ảnh vô tuyến hết sức "SỬNG SỐT" khi có 2 nhân vật là CON BÍCH và CON BÊ GẶP NHAU TRONG CÙNG 1 KHUNG HÌNH - thì trên sân khấu - bà Kim Cương cũng GẦN ĐẠT TỚI ĐỘ BIẾN HÓA ẤY - nghĩa là KỸ THUẬT DIỄN XUẤT của bả ở dạng "THƯỢNG THỪA".

Sau đó, với mấy vở tuồng của Liên Xô như "Câu Chuyện ở Iếc-kút" - "Trở Về Mái Nhà Xưa" và nhất là "TANYA", đoàn Kim Cương đã thu hút được một số lượng khán giả KINH HOÀNG.

Đây cũng là một thành công "Ngoạn mục" của đoàn Kim Cương bởi vì họ BỚT chất "MÉLO" cố hữu để qua một "cách diễn mới"

Trong TANYA - không chỉ 1 mình Kim Cương "thống trị sân khấu" mà có đến 4 người cùng "phối hợp" với nhau để có những lớp kịch NGOẠN MỤC - đó là Kim Cương - Ngọc Đức - Kiều Phương Loan và Huỳnh Thanh Trà...

...

Trong giai đoạn từ 80 đến 2000 - quả thật là một thời HOÀNG KIM của sân khấu KỊCH Việt Nam...

Và mỗi đoạn viết trên không thể nào tóm tắt hết được...

Phải NGẮT RA THÔI...

K


***


Ừ Khoa nhắc chị cũng nhớ tới vở Những Người Không Chịu Chết. Đọc và xem trên tv.  Thường thường chị không thích lắm những gì siêu thực. Nhưng phải công nhận ông Vũ Khắc Khoan viết đối thoại rất mê hoặc. 

Mừng nghe bà Kim Cương một thời lừng lẫy ra trò sau 75. Bà diễn giỏi nhưng đúng như Khoa nói, mélodramatique quá, và quá nhiều nước mắt 🤪

- chị Thanh

Oct 25, 2021

THẦY PHƯỚC TỊNH KỂ CHUYỆN NHÂN KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY GIỖ CỦA THẦY GIÁC THANH - Doãn Hưng

 


Vào sáng ngày Chủ Nhật 24/10/2021, Tu Viện Lộc Uyển đã tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm ngày giỗ của Thầy Giác Thanh, vị trụ trì đầu tiên khi tu viện này được thành lập. Cũng nhân dịp này, Thầy Phước Tịnh đã có buổi nói chuyện với đại chúng, kể lại những kỷ niệm của mình với Thầy Giác Thanh, với tư cách là một huynh đệ thân tình trong suốt cuộc đời  Đạo Pháp.

Thầy Phước Tịnh nói rằng Thầy Giác Thanh là một tu sĩ giản dị, nhân hậu, Thầy cũng là một nhà thơ. Thầy chỉ để lại một tập thơ duy nhất là Cát Bụi Thời Gian.  Đọc lại những bài thơ trong Cát Bụi Thời Gian, người đọc có thể cảm nhận được phần nào nhân sinh quan, những dấu ấn trong cuộc đời , nhân cách, mức độ thẩm thấu đạo lý của Thầy:

Lão nhân gầy hoa thắm
Vườn nhà mấy đóa khai
Du tăng ngồi ngắm mãi
Buổi chiều lên không hay…

Thầy Phước Tịnh nói nhiều năm sau khi Thầy Giác Thanh mất, thầy vẫn giữ thói quen rót 2 chén trà ngay cả khi độc ẩm. Có ai hỏi, Thầy trả lời ly còn lại là của Thầy Giác Thanh. Đối với Thầy Phước Tịnh, Thầy Giác Thanh là một huynh đệ thân thiết từ thuở Thầy còn rất trẻ, mới bắt đầu bước chân vào con đường Đạo ở tuổi chưa tới đôi mươi. Gần nửa thế kỷ thâm giao giúp cho Thầy có cái nhìn về Thầy Giác Thanh khá đầy đủ. Để minh chứng cho tính giản dị của Thầy Giác Thanh, Thầy kể lại vào khoảng năm 1998, trong một buổi trưa ở chùa Quan Âm Đà Lạt, Thấy thấy có một ông thầy nom rất “nhà quê”, đội nón lá, tay quẩy túi xách đi một mình vào sân chùa. Nhìn kỹ lại thì mới nhận ra đó là Thầy Giác Thanh từ Mỹ về! Thầy hỏi đùa: “Ủa, Thầy từ Mỹ về mà đi một mình vậy sao?”. Thầy Giác Thanh cười, trả lời rằng: “Chứ bộ Phước Tịnh tưởng tui về sẽ đi xe hơi, kéo theo một đoàn tùy tùng rình rang hay sao?...” Thầy Giác Thanh qua bao năm vẫn thế, cho dù Thầy đã sang Pháp ở Làng Mai, sang Mỹ khai sơn dựng tu viện Lộc Uyển, nhưng khi về lại Việt Nam thì vẫn là ông thầy dung dị của miệt vườn ngày xưa.

Cho dù xem nhau như huynh đệ, nhưng Thầy Phước Tịnh cho rằng Thầy Giác Thanh đáng là bậc thầy của mình trên con đường Đạo. Từ thuở Thầy chỉ  mới bắt đầu tu hành, Thầy Giác Thanh đã học qua nhiều kinh sách với các vị thầy lớn, trong đó có Sư Ông Thanh Từ. Chính Thầy Giác Thanh đã dắt Thầy lên tu viện Chơn Không giới thiệu với Sư Ông xin dự khoá thiền đầu tiên. Cho dù kiến thức Phật Pháp thâm sâu, nhưng Thầy Giác Thanh chưa bao giờ  “lên lớp” với Thầy về Phật Pháp, hay biểu lộ sự hiểu biết Phật học sâu rộng của mình.

Nhìn bên ngoài, mọi người dễ thấy Thầy Giác Thanh là một con người hiền lành, nho nhã, yêu cái đẹp của thiên nhiên. Ít có người biết bên trong Thầy còn là một con người kiên cường, không khiếp sợ. Trong thời điểm chiến tranh Việt Nam leo thang, cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người thân, Thầy đã từng tự chặt tay trái để phản đối chiến tranh. Cánh tay không đứt lìa, sau đó được nối lại, nên tay trái của Thầy vĩnh viễn thành thương tật.  Rồi khi đi vượt biên, tàu của Thầy bị cướp biển Thái Lan, Thầy đã đứng lên chống lại bọn cướp, nên đã bị quăng xuống biển. May sao có một tên cướp, có lẽ thấy Thầy là một tăng sĩ Phật Giáo nên đã vớt Thầy lên lại, để cho Thầy sống. 

Thầy Giác Thanh không bao giờ quên lý tưởng trên hết của một người tu hành là sự nghiệp giải thoát. Thầy Phước Tịnh kể  trong những năm tháng sau biến cố 30/04/1975, cả nước chìm trong đói kém. Cả 2 Thầy lúc đó cùng tu ở Thiền Viện Chơn Không. Các thầy phải ngày ngày dầm mưa dãi nắng, làm rẫy trồng khoai sắn để sinh nhai. Trong hoàn cảnh cơ cực như vậy, vào một buổi trưa nắng như đổ lửa, Thầy Giác Thanh đã nói với các thầy khác rằng đã sinh ra làm kẻ trượng phu, không thể vì miếng khoai miếng sắn mà quên đi sự nghiệp lớn là sự nghiệp giác ngộ. Nếu sinh ra ở đời mà chỉ lo kiếm ăn, kiếm mặc, tìm danh tìm lợi thì không đáng sống với một người xuất gia. Thầy Phước Tịnh xem câu nói đó như một lời nhắc nhở chấn động tâm thức đối với tất cả chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống.

Thầy Phước Tịnh cho rằng mình may mắn có cơ duyên là huynh đệ thân thiết với Thầy Giác Thanh, và đã hoàn thành việc viết tiểu sử của Thầy Giác Thanh lưu lại cho hậu thế. Cả đời, Thầy Giác Thanh xem mình như một du tăng, xem cuộc đời nhẹ như một áng mây trôi. Có lẽ vì vậy mà cốc Thầy ở tại Làng Mai có tên là Phù Vân, và ngôi tháp nơi Thầy an nghỉ nghìn thu ở Lộc Uyển cũng là tháp Phù Vân. Một kiếp tử sinh của đời người qua mau lắm. Sống cho trọn nghĩa tình, làm được điều đáng làm, thì sự ra đi sẽ thanh thản chỉ như một đám mây trời…

Tại tháp Phù Vân ở Lộc Uyển có bức di ảnh của Thầy Giác Thanh với nụ cười hiền hòa cố hữu, bên dưới là 4 câu thơ của Sư Ông Làng Mai đề tặng:

Trượng phu tiếng đã biết
Việc đáng làm đã làm
Tháp vừa dựng sườn núi
Tiếng cười trẻ đã vang

Doãn Hưng

THƯ VIỆN BÉ NHẤT Ở LONDON - Anh Quân





Thành phố London có nhiều cao ốc , mà càng ngày càng nhiều chung cư đồ sộ vì số lượng cư dân cứ tăng dần. Vậy mà có một thứ bé , cũng có thể xem bé nhất trong sinh hoạt cộng đồng. Đó là thư viện tí hon phục vụ cộng đồng ở quận Lewisham – London . 

Hộp điện thoại công cộng truyền thống màu đỏ của nước Anh, vốn là một biểu tượng của thế kỷ trước.  Khi bước qua thiên niên kỷ, sự phát triển của điện thoại di động và internet đã giết đi các hộp điện thoại công cộng, vì thế công ty điện thoại tại Anh đã tháo gỡ đi các hộp điện thoại màu đỏ, chỉ còn giữ một vài nơi tiêu biểu dành cho du khách khi đến thăm London. 

Vào năm 2014 , một cư dân địa phương tại quận Lewisham là cậu Sebastian Handley, với sự hỗ trợ của cộng đồng đã liên lạc với công ty điện thoại Anh để mua hộp điện thoại công cộng màu đỏ để lập một thư viện miễn phí. Sebastian đã mua với giá £1 và sau đó bỏ ra khoảng £500 để đóng kệ sách. 

Hoạt động thư viện tí hon này rất đơn gỉan. Mở cửa 24 trên 24 , không phải đăng ký làm hội viên, thời gian mượn không hạn chế, người mượn khi đến đem sách đi thì nhớ để vào quyển sách cũ của mình, để cho kệ sách luôn có đầy sách. 

Thư viện này mở ra với một điều quan trọng là tin tưởng và lòng tin.

Châm ngôn của thư viện là:

“It’s not what you get. It’s what you leave behind”

Tuy nhiên đây không phải là thư viện bé nhất đầu tiên tại Anh vì trước đó tại địa hạt Dorset đã có thư viện tí hon trong hộp điện thoại màu đỏ. 

- Anh Quân