Oct 25, 2017

01- MÀU THU


Photo: TrangThai
[...]

Xe vào cầu Golden Gate trở về San Francisco. Níu vội lấy tia nắng vàng cuối cùng còn thoi thóp, Huy chụp được cái gì.
HUY: Ô mới ngày nào mùa xuân với “cỏ non xanh rợn chân trời” (Huy nhớ lại bức thư của Hương tả mùa xuân ở Virginia) mà nay màu thu vàng đã ngờm ngợp con mắt rồi (Huy cũng nhớ lại bức thư của Hương tả màu thu rực rỡ nhìn tự đỉnh cao Skyline Drive cũng ở Virginia.) ô kìa miền Nam, California, cũng có cây maple này!
AN: Có chứ, sao không.
HUY: Nhưng thu nơi đây lá maple vàng, trên miền Bắc sương thu lạnh hơn, là maple màu đỏ tươi góp phần rực rỡ với nhiều màu đỏ khác của nhiều loại khác. Ô kia, lại còn những cây oak nữa.
KHÊ: Thì ở dưới miền Nam này cũng có cây sồi chứ sao.
HUY (cười nụ cười thơ dại cùng với tia nắng cuối cùng vừa tắt): Loại cây maple cực kỳ ẻo lả, chỉ mới chớm thu lá đã heo héo, ua úa để chuyển sang màu vàng và rụng lã chã dần. Những năm còn ở trên miền Bắc, mỗi lần thu về tôi cứ gọi đùa maple là nàng “yểu điệu thục nữ”  và mỗi lần maple đứng bên anh chàng oak trông thật tốt đôi. Oak cũng nòi đa cảm, nghĩa là lá cũng sớm chớm vàng với thu tiết nhưng oak cao, thiệt cao, nên khi chàng đứng bên nàng maple thì ra cái điều nắng mưa che chở với tinh thần đạo đức của thơ “Quan Thư”:
“Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.”
Cả ba người cười ồ. Xe đã dời khỏi cầu Golden Gate. Gió vịnh ùa theo lồng lộng và âm u. Biển đèn mênh mông của San Francisco cũng gờn gợn vẻ thu lạnh.
HUY: Còn một loại nữa tôi cũng thú lắm các anh ơi, đó là cây bạch dương. Cây cao và thon, cành mềm như liễu mà lại vút gọn, vào thu lá vàng ươm, màu vàng càng rỡ ràng, lồng lộng quý giá với tiết thu muộn. Nhìn bạch dương vàng ươm rùng mình lươn lướt trong gió lạnh như hệt hình ảnh những nàng cung phi tuy tuổi đã về thu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trang trọng, cao quý, não nùng và đức hạnh.
AN: Nếu anh có vẻ thích thu đến như vậy, tôi xin đưa anh vào một cảnh thu đặc biệt nữa.
HUY: Ngay nơi đây?
AN: Ngay nơi đây! Nghĩa là con đường lên phòng thí nghiệm của tôi.
HUY: Tôi đã cùng anh lên đó mấy ngày trước đây.
AN: Nhưng đó là ban ngày.
Xe đã vào Skyway, khu nhà chọc trời của San Francisco ngang với tầm nhìn của ba người, rồi xe lên cầu Oakland để sang bên Berkeley. Ánh đèn vàng lộng được dùng soi sáng hai bên thành cầu để vẫn soi tỏ đường đi trong sương mù mà không làm lóa mắt.
KHÊ (gật đầu nói với An): Cậu có lý, đưa anh bạn của chúng ta lên đồi sương mù nhìn cảnh thu sớm, tuyệt!
Xe đã ra khỏi cầu hướng về chiếc tháp cao của trường Đại học Berkeley. Xe lượn vòng một khu nhà hình tròn.
AN: Đây là khu thí nghiệm nguyên tử xây cất đầu tiên của thế giới.
Xe tiếp tục ngược dốc.
HUY: Còn khu thí nghiệm nguyên tử của anh trên đồi là khu mới xây cất?
KHÊ (đỡ lời): Và cũng là khu thí nghiệm nguyên tử lớn nhất thế giới hiện nay.
Càng lên cao xe càng đi vào vùng sương mù mông lung. An vừa lái vừa xuống kính xe.
AN: Tôi phải xuống kính xe một chút để các anh cảm thấy hơi thu lạnh từ ngoài ùa vào.
Nhưng vừa dứt lời, An vội hãm xe lại. Dưới tia đèn pha chiếu chách một chú nai tơ đủng đỉnh qua đường, đến một hốc đá nép vào đấy và quay lại nhìn đèn pha, mắt như hai viên ngọc quý lấp lánh.
HUY: Trời ơi, nét thu trên núi đẹp hoàn mỹ đến như kia là cùng! Cám ơn anh nhé. Tôi hiểu, quả là một cảnh thu đặc biệt.
Xe lại vút lên. An hãm thắng một lần nữa, chiếu thẳng hướng đèn pha vào một chú nai tơi khác vẻ ngơ ngác hơn nhưng vẫn điềm tĩnh nép vào một gốc cây, vừa lúc mấy chiếc lá vàng rụng xuống chao chát và thấp thoáng trong sương mù.
Khê thốt nhiên hát lớn giọng trầm buồn mấy lời ca thu thật hợp tình, hợp cảnh:
“Dừng nơi đây, dừng nơi đây
Đường dài chí lớn ta dừng nơi đây.
Trông mây bay, trông mây bay về nơi quê nhà
Ta buồn chỉ có mình ta.”
HUY: Nai người ta thả tự do vào công viên này sao, anh?
AN: Đây đâu phải khu công viên. Đây là núi, đồi và rừng thiên nhiên thật sự vào lúc chớm thu đó thôi.
KHÊ: Sở dĩ nai dạn người như vậy vì khu này người ta cấm săn bắn đó anh!
An lái xe vào một khu được phép đậu.
AN: Mời các anh ra ngắm cảnh thu!

[...]

Trích Sầu Mây - Doãn Quốc Sỹ

No comments: