Jul 12, 2017

3. NHẠC TRONG VĂN DOÃN QUỐC SỸ


“Dòng Sông Định Mệnh” là tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Doãn Quốc Sỹ. Nó gây một ấn tượng rất mạnh trong đầu tôi. Tôi yêu mối tình của Thiệu và Yến. Yêu đến nỗi (lúc bấy giờ) tôi mơ ước sau này khi lớn lên, sẽ có người yêu tôi như Thiệu yêu Yến. Mối tình ấy trong sáng quá. Đó là một thứ tình yêu thánh hóa rồi. Yêu nhau đằm thắm mà không một lần dám trao hôn. Thanh khiết đến thế là cùng. Và vì thế mà họ hẹn nhau (trong ý tưởng):
“Kiếp sau em làm vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh”.
Và đây, đoạn nhạc đánh dấu sự hội ngộ của Thiệu và Yến, sau bao nhiêu đổi thay, từ mối tình trong sáng tự thở ấu thơ cho đến lúc di cư vào Nam, Yến đã góa chồng và có hai con!
“Nhiều lúc Thiệu cất tiếng hát khe khẽ, tiếng hát thoát ra tự cõi vô thức vì chính Thiệu, Thiệu không ngờ rằng mình hát. Giọng chàng âm thầm lắm thì phải, chàng hát bản “Tình Ca Không Lời” (Romance Sans Parole, của Mendelssohn)…
Có ai đã từng yêu và trải qua trạng thái này mà không “thông cảm” với Thiệu! Khi yêu, người ta điên rồ lắm, và làm nhiều chuyện bất ngờ. Hát vang lên mà không ngờ mình hát, Thiệu đáng yêu quá trong sự ngông cuồng đó.
Vào giữa truyện, Thiệu được học bổng đi du học về mỹ thuật. Tạo bạn thân nhất của Thiệu, đã đàn bản “Marche Funèbre” của Beethoven tặng Thiệu trước khi Thiệu lên đường với ý tưởng: “Nghe khúc này, người ta có cảm tưởng như cùng đám tang đi vào mầu hồng rực. Tôi nghĩ rằng cậu đương đi vào tương lai màu hồng của sự nghiệp, nhưng mang theo một cái tang trong lòng (xa Yến)”
Doãn Quốc Sỹ đã viết như vậy, để phân biệt với “Marche Funèbre” của Chopin có nét ảm đạm, và màu xám thê lương của cái chết.
Về sau, Thiệu kết hôn cùng Suzanne, một giáo sư dương cầm. Thiệu yêu Suzanne vì nàng mang hình ảnh của Yến, nhất là mái tóc.
Đây là đoạn nhạc của giây phút tỏ tình giữa Thiệu và Suzanne, sau khi Thiệu hoàn tất những croquis vẽ tiếng đàn của Suzanne:
-               “Zizi có thấy không… lúc đó nàng chơi bản Valse le Désir của Beethoven. Chàng họa sĩ nhắm mắt lại nghe tiếng đàn thoạt nhỏ rồi lớn dần lên, để sau cùng tới một tiếng kêu thất thanh, như người con gái trong đôi tay tình nhân thoạt mơn man rồi điên dại. Chàng họa sĩ đâu có vẽ kỳ quặc, người con gái đâu có mất thăng bằng. Nàng nằm trong tay người tình nhân vô hình!”
Đọc đoạn này, tôi có cảm tưởng ông bị ảnh hưởng của “Sonate à Kreutzer” của Tolstoi.

-->
Trường thiên tiểu thuyết “Khu Rừng Lau” của Doãn Quốc Sỹ là tác phẩm tôi yêu thích nhất. Theo tôi, nó có cái không khí của “La Guerre et la Paix” của Leon Tolstoi. Tất cả những thảm kịch của cuộc đời, của chiến tranh và những diễn biến của nó được Doãn Quốc Sỹ lồng vào khéo léo trong bối cảnh lịch sử. Trong truyện chúng ta bắt gặp và chứng kiến những tình mẫu tử thiêng liêng, tình vợ chồng bền chặt, tình bạn cao quý, tình anh em đằm thắm, cùng với những hận thù chất ngấy, những căm hờn ngùn ngụt, những đê tiện, xấu xa, lừa bịp của cái gọi là chủ nghĩa…


12 tháng 7, 1988

QUỲNH GIAO
(còn tiếp)

No comments: