Câu chuyện năm xưa trở về
trong ký ức tôi hôm nay. Tôi không ngờ, hai mươi mấy năm sau, khi đọc lại ông
qua bao nhiêu tác phẩm, câu trả lời chớp nhoáng, bất ngờ và thảng thốt đó chính
là sự thật.
Nói như thế không có
nghĩa là tôi yêu mến văn Doãn Quốc Sỹ chỉ vì ông hay viết về nhạc. Trước hết,
phải nói là tôi yêu mến văn tài của ông, và yêu cả cái đạo đức, cùng phong cách
một nhà giáo ở ông.
Sự nghiệp lẫy lừng của
ông qua các tác phẩm giá trị đã đưa ông đến ngôi vị ưu tú nhất văn đàn Việt
Nam. Theo thiển ý của tôi, thì Doãn Quốc Sỹ và Võ Phiến là hai nhà văn hàng đầu
về tư tưởng và triết lý sống kể từ 1954. Cõi văn của Doãn Quốc Sỹ luôn luôn có
đủ hai khía cạnh: Văn chương và tư tưởng. Đọc Doãn Quốc Sỹ không phải để giải
trí, càng không phải để mộng mơ xa rời thực tế, hoặc chán chường cuộc đời. Đọc
Doãn Quốc Sỹ xong, càng thấy suy nghĩ, cảm thấu, càng thấm nhuần lòng nhân bản,
yêu đời, yêu người, dù trong dạ có xót xa, đau đớn. Luôn luôn tôi tìm thấy ở
tác phẩm của ông một bài học về tình thương. Từ những cuốn viết từ khi ông còn
trẻ (Dòng Sông Định Mệnh, Gìn Vàng Giữ Ngọc) cho đến lúc tuổi đã xế (Sầu Mây,
Đi) cho chúng ta nhận rõ con người trong sáng, đôn hậu và bình dị của ông. Cách
thế chống Cộng chân phương và hiền lành ở Doãn Quốc Sỹ, có hiệu lực gấp vạn lần
những biểu ngữ, truyền đơn đao to búa lớn.
Viết về ông quả là điều
khó, ngay cả đối với những người cầm bút thực sự. Bởi vì kích thước quá lớn của
ông, người ta không thể viết bằng một bài tạp bút được. Trong ý nghĩ đó, tôi chỉ
xin được viết về một khía cạnh nhỏ, nhưng rất sâu đậm trong những tác phẩm của
ông, đối với riêng tôi: Lòng yêu nhạc của Doãn Quốc Sỹ.
Doãn Quốc Sỹ hay viết về
nhạc. Nhạc mà ông nói đến không phải để làm dáng. Cũng không phải để làm tăng
cái tính chất thơ mộng cho không khí của câu chuyện như một loại musique de
fond. Ông nói về nhạc như một người hiểu biết, sành sõi, nói lên sự rung động
chân thành của mình về bài nhạc, về người viết nhạc, và đôi khi cả về xuất xứ của
bản nhạc. Ông đặc biệt yêu nhạc classique. Đọc những đoạn viết về nhạc của ông,
tôi có cảm tưởng ông đã hé cửa cho chúng ta thấy cái tính chất ủy mị, lãng mạn
mà cao quý đằng sau bề mặt uy nghi dũng cảm.
-->
Có lẽ tôi khó lòng ghi lại
hết tất cả cảm tưởng của mình qua hầu hết những đoạn văn viết về nhạc của ông,
bởi lẽ ông viết đến nhạc nhiều quá, hầu như cứ vài đoạn lại thoáng thấy có nhạc,
như những nét nuances của một bài nhạc vậy.
12 tháng 7, 1988
QUỲNH GIAO
(còn tiếp)
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment