Tháng tám ở miền Bắc vẫn là tháng nhiều mưa bão.
Nhiều năm tháng tám mất trăng rằm trong mưa gió ngập trời để sớm hôm sau, hôm mười sáu, đi trong bầu không khí ẩm ướt và mát lạnh, người ta thấy khắp nơi cây bật rễ, nhà sập, mái bay, cành gãy, dậu đổ tả tơi.
Nhưng nếu được năm không mất mùa trăng vì gió bão, thì trăng thu quả thật là thăm thẳm, huyền diệu tuyệt vời.
Trăng đêm hè thường sáng lộng với gió mát làm lả ngọn tre, làm bù đầu ngọn soan. Và dưới con mắt thơ ngây của chú bé vào thuở lên bảy lên tám đó thì tưởng như nếu chú trèo lên được ngọn cây đa cao ngất sau miếu làng, với chiếc quan sào dài nữa là chú có thể cời được trăng; nếu không ít ra chú cũng chọc đụng trăng làm trăng lung lay như các anh các chị chú vẫn chọc bưởi đào ngoài vườn.
Nhưng trăng thu không thế. Gió thu lành lạnh làm những lùm tre như thu sát lại, những cụm soan khi nhòa đi như lơ đễnh, khi đậm lại như suy tư, trăng tròn thăm thẳm trên cao ngoài mọi tầng với, dù chú bé có đứng trên đọt đỉnh cây đa miếu làng, nối thêm ba chiếc quan sào liền.
Có thể vào lúc chiều, chú bé ra đầu làng nhìn thành sương trắng dâng lên ngang lũy tre một làng mãi tít cánh đồng xa, ấn tượng màu sương trắng đó làm chú thêm lạnh vào lúc trăng khuya lên cao.
Chú thường cùng các bạn chơi phụ đồng chổi:
Phụ đồng chổi
Thôi lổi mà lên
Ba bề bốn bên
Đồng lên cho chóng.
Tiếng trống phụ đồng xoáy riết lấy tâm trí kẻ ngồi đồng, tiếng nạo bạt mạ thêm ánh vàng ma lực và cán chổi trong tay bắt đầu đảo, theo đúng như ý mình và ý các bạn mình muốn.
Có khi là phụ đồng ếch. Chú bé chưa hề có ý niệm gì về thứ định mệnh bi thảm của kiếp người, nhưng ý nghĩa, hòa với âm thanh, lời ca đã như thổi vào tâm linh một thoáng gió thảng thốt:
Tham ăn mắc phải răng hà,
Cha hời mẹ hỡi xiên qua mép này!
Tôi về đây trách cậu trách dì,
Sẵn dao sẵn thớt băm thì chẳng tha.
Doãn Quốc Sỹ
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment