Aug 23, 2017

ĐỦ DUYÊN THEO PHẬT KIẾP NÀY, KIẾP SAU BIẾT CÓ ĐƯỢC VẦY HAY KHÔNG?


Tôi cũng không rõ bắt đầu từ lúc nào trong cuộc đời, tôi mới thực thụ là một Phật tử, theo đúng nghĩa là “một người học và hành theo những điều Phật dạy”.

Cũng như nhiều Phật tử Việt Nam khác, tôi bắt đầu trở thành Phật tử là vì cha mẹ, ông bà của tôi theo Đạo Phật. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi chùa có lẽ vào khoảng 8 tuổi, vào cuối thập niên 60s của thế kỷ trước. Ngôi chùa đầu tiên mà tôi đến là chùa Giác Quang, ở quận Gò Vấp Sài Gòn. Tôi theo bố mẹ đến đó lần đầu vào dịp Tết. Theo ký ức, ngôi chùa Giác Quang tĩnh lặng, nằm ở một khu ngoại ô Sài Gòn, chung quanh là đồng ruộng. Trước khi vào chùa phải đi qua một khu nghĩa địa, mà tôi vẫn luôn cảm giác sờ sợ. Tôi chỉ có cảm giác bình yên hơn khi vào đến chùa, đứng nhìn thấy tượng Phật. Bởi vì tôi tin rằng ma quỷ ngoài nghĩa địa sợ Phật, không dám vào chùa.

Lớn hơn một chút, vào khoảng 11 tuổi, là lần đầu tiên tôi được thực tập về ngồi thiền. Từ nhỏ, tôi đã có triệu chứng là làm gì cũng mau mệt, thở nhanh. Tôi nhớ có một lần, bố tôi đưa tôi đi khám bệnh tại phòng mạch tư của một bác sĩ quân y, là bạn thân của bố tôi. Sau khi nghe tim xong, bác sĩ nói với bố tôi rằng: “nhịp tim của cháu lạ lắm! Loạn nhịp và gay gắt! Phải làm cái gì đó cho cháu, thì mới hy vọng cháu sống thọ được”. Bố tôi là một nhà nghiên cứu Phật học, có thực tậpngồi thiền đều đặn hằng ngày. Sau hôm đó về, vào một buổi tối, bố gọi tôi ra, chỉ cho tôi cách ngồi thiền và điều hòa hơi thở. Tôi còn nhớ, bố tôi nói rằng phép thiền này là của Ông Tám, có lợi cho sức khỏe. Đại khái là tôi tập ngồi thẳng lưng, đúng theo hướng Bắc-Nam để thuận từ trường của trái đất. Buông lỏng toàn thân, tập trung vào hơi thở. Tưởng tượng như hơi thở đi từ mũi, xuống phổi, rồi xuống bụng, qua cột sống đi lên đỉnh đầu. Bố nói tôi nên thở điều hòa như vậy, khoảng năm, mười phút mỗi ngày.

Tôi không nhớ là mình có thực tập đều đặn không, và thực tập được bao lâu. Bố tôi bận chuyện đi làm, cho nên cũng không có thì giờ nhắc nhở tôi thực tập mỗi ngày. Nhưng đối với tôi hồi đó, đây là một việc rất đáng để thực tập. Không phải vì lo cho sức khỏe, mà là vì sự tò mò. Vì tôi đã nghe nhiều người lớn nói về ngồi thiền như là một việc làm cao siêu, huyền bí. Nay mình có dịp thực tập ngồi thiền, rồi vào khoe với các bạn trong lớp, chắc chắn chúng sẽ… lé mắt vì nể trọng! Và tôi cũng không chắc về tác dụng của việc ngồi thiền này đến căn bệnh tim bẩm sinh của mình. Vì thời đó, chuyện đi khám bác sĩ là rất hiếm, cho nên tôi không có dịp đi lại bác sĩ, để kiểm tra xem nhịp tim mình có đổi khác sau những lần tập ngồi thiền hay không. Chỉ sau này, khi  đã sang độ tuổi 40, tôi mới bắt đầu đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Trong những lần khám định kỳ, mãi cho đến tận bây giờ, nhiều bác sĩ khác nhau đều nói tôi có tim mạch rất tốt, không có gì phải lo lắng cả. Tôi không hề uống thuốc. Ít tập thể dục, và chơi thể thao cũng không đều đặn. Vậy cái gì đã chữa lành cho căn bệnh tim bẩm sinh của tôi? Có phải là do tôi thực tập ngồi thiền?

Bài học về thiền đầu tiên của tôi là như vậy đó. Nó không mang màu sắc Phật Giáo, mà giống như một biện pháp chữa bệnh nhiều hơn.

Kiến thức Phật Giáo trong tôi bắt đầu phát triển khi mà tôi bước sang những năm trung học. Nó có màu sắc của triết học. Bố tôi nghiên cứu Phật Giáo, có viết sách về thiền, là giáo sư của trường Đại Học Vạn Hạnh. Tôi còn có một ông anh nuôi mà tôi gọi là Anh Hai, cũng là một giáo sư dạy triết học Đông Phương tại trường trung học Petrus Ký, trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn. Tôi thường say mê nghe bố tôi, anh Hai nói về những triết lý cao siêu của Phật Giáo. Có những từ ngữ, khái niệm tôi không hiểu, nhưng tôi vẫn thích nghe, thích nhớ, thích lập lại. Cũng giống như lời nhạc của Trịnh Công Sơn, nhiều người nghe đâu có hiểu nghĩa, nhưng vẫn thích vì sự trừu tượng cao vời của nó. Những kiến thức về Đạo Phật thuở ấy là nguồn tri thức, thỏa mãnbản tính thích lý luận của tôi.

Thuở mới lớn, tôi là một con mọt sách. Tôi thích triết lý cuộc đời, nên cả nhà gọi là “thằng ông cụ non”. Ở nhà tôi từ trước 1975 đã có rất nhiều sách về Phật Giáo. Tôi mê nhất là cuốn Câu Chuyện Của Dòng Sông của tác giả Herman Hess, bản dịch của Ni Sư Trí Hải. Phải nói đây là cuốn sách gối đầu giường, “khai trí” Phật Giáo cho tôi. Nó làm tôi thích thú về mặt triết học, tri thức Phật Giáo, chứ không giúp tôi nhiều trong vấn đề thực hành. Nhưng vào thời ấy, tôi nghĩ như vậy là quá đủ về Đạo Phật. Tôi đã từng xem nhân vật Tất Đạt trong Câu Chuyện Của Dòng Sông là mẫu mực cho chính mình. Tôi mong có được một cuộc đời trọn vẹn ý nghĩa, một tri thức“giải thoát” như ông ta.

Nhưng rồi thì cuộc đời vẫn không bao nhờ giống như là mơ. Nhiều ước vọng mà tôi xây dựngcho tương lai của mình từ thuở mới lớn đã không thực hiện được. Tôi đã ý thức được từ rất sớm rằng, khi ước muốn mà không đạt được, thì là khổ. Câu “đời là bể khổ” không chỉ là một câu thành ngữ của dân gian, mà là một sự thật rất rõ ràng với tôi.

Nỗi khổ đau nặng nề nhất mà tôi phải trải qua đầu tiên trong đời, đó là thất tình. Thuở học trò, thì nhiều người cũng yêu đương, và hầu hết đều đã từng thất tình. Nhưng có lẽ vì tôi là loại người có cảm xúc mạnh, mà lại thích đắm chìm trong những nỗi buồn, cơn tuyệt vọng, cho nên nỗi thất tình của tôi trầm trọng hơn nhiều người khác. Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện tự tử vì thất tình!

Về sau này, khi đã trưởng thành hơn, nhìn lại giai đoạn đó bằng cái nhìn của Phật Pháp, tôi nhận ra rằng tất cả đau khổ vì tình chẳng qua chỉ là do tôi yêu cái bản ngã của mình, chứ chẳng phải vì yêu người tình. Tôi đã từng nghĩ mình là một người “đặc biệt”, có nhiều “giá trị”, đáng được ngưỡng mộ: học giỏi, đàn hay, nhiều kiến thức. Cho nên người yêu của tôi cũng phải có những “tiêu chuẩn” tương xứng. Tôi đặt ra cho mình một mẫu “người yêu lý tưởng”, với thật nhiều “tiêu chuẩn” do chính tôi đặt ra, rồi chạy đi tìm. Tôi yêu cái “mẫu người yêu” đó một cách mãnh liệt. Rồi khi gặp một người con gái chỉ với ngoại hình ưng ý, tôi gán cho cô ta những “tiêu chuẩn” tôi muốn, mà không hề chịu nhìn vào con người thật của cô ta. Tình yêu “mù quáng” là vậy. Mù quáng là vì tôi đã không chịu nhìn rõ con người thực của người mình yêu, mà chỉ nhìn qua lăng kính của mình. Và có lẽ những cô gái tôi theo đuổi cũng cảm thấy nặng nề, khó chịu với những “tiêu chuẩn”, “giá trị” mà tôi tự gán ghép. Các cô không có, và chắc cũng không muốn có chúng. Họ chia tay tôi là phải rồi! Tôi yêu mình, chứ có hề yêu họ đâu! Mà nếu đã đau khổ vì yêu chính bản thân mình, thì tại sao tôi lại muốn tự tử? Nghĩ lại, tôi thật là ngu muội, vô lý quá!

Nhưng mà cũng may. Vào giai đoạn đau khổ vì tình đó, dù chưa nhận thức được rõ ràng như sau này, nhưng chính Phật Pháp đã vẽ ra cho tôi con đường để thoát ra sự tuyệt vọng. Tôi đã tự an ủi rằng lòng từ bi, yêu thương mọi người, phục vụ cho tha nhân có ý nghĩa cao cả hơn là tình yêu nam nữ. Tôi đã tạm quên chuyện yêu đương, để dành thời giờ làm việc từ thiện, đi chùanghe giảng pháp. Nhờ vậy mà theo thời gian, nỗi buồn vì thất tình trong tôi cũng nguôi ngoai dần. Cuốn sách Phật Giáo “gối đầu giường” thứ hai trong đời của tôi đến đúng vào giai đoạn này, đã giúp tôi thay đổi rất nhiều. Đó là cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của Thầy Nhất Hạnh. Tôi bắt đầu tập sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, với những gì mình đang có. Sống trong chánh niệm, tôi nhận ra thực tại chung quanh mình có đầy đủ những yếu tố để đem đến hạnh phúc, chẳng cần đi tìm thêm. Một thân thể khỏe mạnh. Một hơi thở nhẹ nhàng bình an. Một bãi cỏ xanh, một đóa hoa nở đẹp trên đường đi. Một bầu trời xanh trong lành… Thực tại vẫn hiện hữunhiệm mầu, mà trước giờ tôi không biết trân quí, thưởng ngoạn. Tôi bắt đầu tập làm chủ cảm xúcbằng cách theo dõi hơi thở, tập làm chủ được thân tâm của mình. Câu chuyện cổ tích của Lev Tolstoi được Thầy Nhất Hạnh kể lại trong “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” đã cho tôi một phương châm sống mới: thời gian quan trọng nhất của đời người là thời gian hiện tại; con người quan trọng nhất của đời người là người đang ở bên cạnh ta; việc làm quan trọng nhất đời người là hãy giúp đỡ người đó. Một phương châm sống tỉnh thức, vị tha, thật là tuyệt vời!

Cũng với phương pháp quán chiếu rõ ràng và sâu sắc về bản chất thật của cuộc sống trong “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức”, tôi đã vượt qua một nỗi sợ hãi đã theo đuổi tôi từ bé: sợ ma! Hồi nhỏ, có một vài lần tôi xem phim ma trên tivi. Tôi đã khóc thét lên vì sợ! Kể từ đó, hình ảnh về những con ma tóc dài, người chết sống lại đòi nợ những người lấy cắp, làm hại mình đã luôn luôn ám ảnh trong đầu óc của tôi. Sợ ma là một trong những nỗi sợ hãi kinh khủng nhất trong thời niên thiếu. Chưa bao giờ tôi dám ngủ một mình ở những chỗ lạ, không phải là nhà mình.

Nhưng rồi có một lần, tôi phải đối diện với nỗi sợ ma một mình. Hồi mới ra trường đại học, tôi phải đi làm xa nhà, ở một nhà máy đúc gang Hồ Nai, cách Sài Gòn khoảng 40 cây số. Có xe đưa rước nhà máy đưa tôi lên đó hàng tuần. Nhà máy rộng, chung quanh không có nhà dân. Trong khuôn viên nhà máy có những khoảng đất trống, mọc đầy cỏ hoang. Tôi là kỹ sư, ở trong một căn phòng tách xa hẳn khỏi khu nhà tập thể của công nhân, cho nên buổi tối cũng “đáng sợ ma” lắm. Ngủ chung với tôi là một người bạn kỹ sư cùng ra trường, cùng được phân công về đây. Vào một buổi chiều cuối tuần, khi mọi người chuẩn bị lên xe đưa rước về Sài Gòn, thì xưởng bị trục trặc kỹ thuật, phải có một kỹ sư ở lại trực. Người bạn của tôi có việc khẩn của gia đình, nên phải về Sài Gòn,  nhờ tôi ở lại trực giùm. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác, nên đành nhận lời ở lại một mình.

Tôi còn nhớ đêm đó là lần đầu tiên tôi ngủ một mình, ở một nơi mà mọi người vẫn đồn là có ma. Mọi chuyện còn trở nên tệ hại hơn, khi vào đêm hôm ấy, trời mưa lớn, sấm chớp đầy trời, cho nên căn phòng tôi ở một mình còn trở nên hoang vắng, âm u hơn bao giờ hết! Tôi nằm nhắm mắt nghe mưa bão, không thể nào loại ra khỏi đầu mình hình ảnh khủng khiếp của những con ma về trong đêm mưa. Thật là tột cùng của sự sợ hãi! Tôi ráng tìm cách để thoát ra nỗi sợ trong cái đêm dài đó. Và tôi nghĩ đến một điều: hãy thử quán chiếu, nhìn thẳng vào sự thật của nỗi sợ ma. Hãy dùng sự hiểu biết, phân tích tường tận có thật là ma đáng sợ như trong truyện, trong phim ảnh, qua những lời kể đi kể lại hay không?

Bằng tất cả kiến thức về Phật Pháp và cả về khoa học, tôi bắt đầu nhìn sâu vào nỗi sợ ma của mình. Ma là một linh hồn chưa siêu thoát, tồn tại ở dạng năng lượng của tâm thức, chứ không tồn tại ở dạng hình thể vật lý. Do đó, ma không thể xuất hiện như một hình hài, để “thè lưỡi” nhát mình, hay “đưa tay bóp cổ” mình như trong phim ảnh. Như vậy, nếu có thấy hình bóng của ma, thì ma cũng đâu có năng lực làm hại mình? Lại nữa, nếu tôi làm việc lành thiện, không gây nghiệp ác với ai, thì ma đâu có muốn hại tôi. Vậy thì tại sao phải sợ ma?

Sau khoảng 10 phút bình tâm suy nghĩ, tôi bắt đầu đỡ sợ ma. Tôi mạnh dạn nghĩ tiếp, nếu thấy được linh hồn người chết, thì niềm tin của tôi vào thuyết luân hồi Phật Giáo sẽ được củng cốthêm vững. Thấy mới tin! Tôi sẽ có thêm quyết tâm làm theo những điều Phật dạy. Tôi bắt đầu mở mắt ra, cầu xin các linh hồn ở quanh mình hãy cho tôi thấy sự hiện diện của họ. Tôi không làm điều gì ác với người chết, nên tôi không sợ. Tôi nghĩ tôi đã từng, và sẽ là hồn ma trong thế giới vô hình, trong vòng tử sinh của nhiều đời kiếp.

Lạ thay, nỗi sợ ma kinh khủng trước đó đã biến mất, mà thay bằng một niềm cảm thông với những sinh linh cùng cảnh ngộ.

Rồi tôi quán chiếu tiếp đến lý duyên khởi của vạn pháp. Tôi thấy tôi và thế giới hữu hình, vô hình xung quanh chỉ là một. Tôi như hiểu rõ hơn bao giờ hết ý tưởng của Thầy Nhất Hạnh: kẻ nào nhìn thấy được trong cái bàn cả vũ trụ, kẻ đó thấy được đạo! Tôi thấy mình từ lúc sinh ra, cho đến khi trưởng thành, rồi sẽ chết đi, và sẽ tái sinh trở lại trong vũ trụ này. Sinh tử đích thực đang diễn ra từng giây, từng phút với tôi, với thế giới quanh tôi. Chẳng còn gì để sợ hãi khi cái chết đến với mình, với người thân nữa.

Thật là kỳ diệu! Bằng cái nhìn quán chiếu như vậy, tôi không những đã thoát ra khỏi nỗi sợ ma, mà tâm tôi lúc đó đạt đến một sự bình an tuyệt đối! Một sự bình an mà tôi chưa từng trải qua một lần trong đời. Niềm hỷ lạc có được trong giây phút đó không có một niềm vui, niềm hạnh phúcthế gian nào có thể so sánh được: hạnh phúc khi được yêu, niềm vui khi thi đậu đại học, niềm sung sướng khi lần đầu kiếm được tiền, được ăn ngon… Đó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được niềm an lạc của sự giải thoát. Đó cũng là lần đầu tiên, tôi mới hiểu được niềm hạnh phúc khi con người thoát ra khỏi mọi sự sợ hãi. Tôi bắt đầu hiểu về khái niệm “Vô Úy Thí”, khi Bồ Tát Quan Thế Âm đi ban phát sự “không sợ hãi” cho con người. Sự bố thí lợi lạc vào bậc nhất.

Tôi đã có một đêm an lạc nhất cuộc đời, tính cho đến tận hôm nay. Tôi không nhớ mình đã ngủ lại lúc nào. Chỉ biết sáng sớm hôm sau thức dậy, niềm an lạc đó vẫn còn nguyên trong tâm thức. Tôi bước ra ngoài nhìn cảnh vật sau một đêm mưa, mỉm cười chào đón một thế giới như mới tinh khôi trong buổi bình minh, với sương mai còn ướt lạnh. Cảnh vật này tôi đã chứng kiếnnhiều lần. Nhưng lần đó tôi thấy khung cảnh ấy sao mà đẹp quá! Có lẽ là do tâm hồn tôi bình an. Tôi chỉ ước mong cảm giác bình an này ở lại với tôi mãi mãi. Nhưng rồi, nó chỉ ở lại với tôi thêm một vài tuần, rồi dần dần bị che khuất bởi những bận bịu, lo toan trong đời sống thường nhật. Tôi đã từng mong sẽ có dịp tìm lại được niềm an lạc kỳ diệu đó một lần nữa trong đời. Tôi đã đem trải nghiệm này kể lại cho vị thầy đã dạy cho tôi cách sống một ngày trong chánh niệm. Thầy tôi chỉ nói rằng: “Điều đó không có gì quan trọng! Đừng cố tìm lại cảm giác đó làm gì…”. Thầy còn bắt tôi hứa là mỗi ngày hãy ngồi thiền đều đặn, dù chỉ 20 phút.

Tôi nghe lời thầy, không đi tìm lại niềm hỷ lạc đã từng có. Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu hiểu hơn câu nói của một vị thầy khác mà tôi cũng rất kính mến: “… Nhiều người nói người tu hành thì đâu có vui thú gì trong cuộc sống! Đó là do họ không biết rằng, niềm hỷ lạc có được do sự tu hànhlớn hơn rất nhiều so với những niềm vui của thế gian…”. Trải nghiệm này đã cho tôi thêm động lực, thúc đẩy tôi mạnh mẽ đi tiếp trên con đường học hỏi và thực hành Phật Pháp.


Tâm Nhuận Phúc

(Còn tiếp)

No comments: