Aug 4, 2017

2. DOÃN QUỐC SỸ VÀ TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT



Khu Rừng Lau, bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ của Doãn Quốc Sỹ gồm bốn quyển. Quyển thứ hai là Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến gồm hai phần, do nhà Sáng Tạo xuất bản năm 1964. Với tôi như một độc giả. Chương Bảy của Phần Một, tuy chỉ có 43 trang nhưng là một trong những đoạn quan trọng nhất trong bộ tiểu thuyết mấy nghìn trang này.

Khăng khăng theo đúng truyền thống chết cha còn chú, ông Hạo lặn lội từ quê ra Hà Nội để hỏi ý Kha về lễ giỗ sắp tới của mẹ chàng, tức là chị dâu ông. Nhưng Kha quyết định từ trước là chàng sẽ về làng đích thân cúng mẹ. Miên, Hãng, và Hiển được mời về theo. Lễ giỗ khá tươm tất và đông đảo: có bà ngoại Kha, ông bà Hạo, bà Quân dì ruột Kha, bà Nụ, ông bà cả Bê, ông bát Thoại. Và cố nhiên có bà Phán hàng xóm, và Thi, con gái bà. Có cô Hĩm, con gái ông bà Hạo và chồng là Toản.
Sau bữa tiệc cỗ đầm ấm và nhiều xúc động – vì tình hình đất nước nói chung, gia cảnh mỗi người nói riêng – ai nấy ra về, chỉ còn Kha ở lại với chú thím. “Gió thu lạnh ghê, mùi lúa thơm phức, một thành sương trắng quấn ngang lũy tre một làng xa thành một đai tang, khói lam chiều ở từng mái bếp bốc lên như muốn lặng lẽ sưởi ấm cho thiên nhiên”…

Trong khung cảnh đìu hiu đó, Kha đã bưng một mâm cơm nhỏ có cái đùi gà luộc, xôi, và chuối qua thăm chị Cầu nay quá già nua và nghèo khổ (anh Cầu đi lính “ba-ti-dăng”). Trên đường về xóm, Kha gặp lại cô Ngân cũng đã trải lắm ê chề… Rồi Kha sang nhà bà Phán thăm Thi, nàng Thi với một buồng phổi ruỗng nát, với những cơn sốt âm ỉ về chiều…
“Kha từ biệt Thi rồi qua đêm đầu tiên chàng ngủ lại giữa lòng quê thân yêu.”
(…) “Kha thiếp ngủ đi lúc nào, không ăn cơm chiều. Bà Hạo buông màn và đắp cho chàng chiếc mền vải. Bà biết Kha có lòng thương người, bà thương Kha cách biệt gia đình trong thuở ly loạn, bà giáo chết, mẹ con chẳng được gặp nhau.”
(…) “Lạnh! Kha rùng mình, tâm trí bàng hoàng trong tiếng u u đều đều mà chàng chưa nhận ra là tiếng sáo diều. (…) Vô tình chàng quờ tay xuống ngực kéo chăn lên ngang vai. Không phải chiếc chăn len quen thuộc mà là tấm mền vải thoảng mùi mốc dễ chịu. Kha nhớ ra rồi, chàng ngủ ở quê! Buổi chiều khi sang chứng kiến cảnh nghèo của nhà chị Cầu, nghe tiếng khóc đau đớn dằn vặt của thằng bé để tưởng như tiếng khóc của dân tộc và ngay lúc đó Kha đã có ý nghĩ: giá những kẻ hiện được thực dân trao cho chút ít quyền hành, chúng có lòng thương dân tộc, biết ôm ghì lấy lịch sử dân tộc mà san sẻ niềm đau như hình ảnh chị Cầu với nét mặt xót xa bối rối ôm con lên, giá được như vậy”…
“Chị Cầu già đi rất nhiều, cảnh nghèo với biết bao lo âu đã làm bệ rạc thân hình chị. Còn đâu là sắc đẹp tràn trề sức sống thuở xưa… (…) Kha không được gặp anh Cầu nhưng Kha chắc chắn có gặp anh thì cũng lại gặp một hình ảnh xác xơ khác chứ đâu còn là anh Cầu đùa cợt hồn nhiên (Cầu có thói thình lình cởi truồng tắm sông để mấy chị con gái đang giặt áo quần la hét oai oái – VĐ) “Của giời cho, ăn cắp ăn trộm của ai mà sợ!”. Anh Cầu, chị Trác (Cầu) cũng như hàng triệu thanh niên nam nữ tại khắp miền đồng quê nước Việt tuy lớn lên trong cảnh nghèo của gia đình nhưng đi vào tuổi thanh xuân chan hòa sức sống. Bầu không khí của đất nước mà trong sạch (trách nhiệm của những kẻ nắm chính quyền) biết nuôi dưỡng họ (…) Tất cả những sức sống  phơi phới đó bị bạo lực xoi mòn, bị tham tàn bóp nghẹt cho rã rời tắt thở, sau cùng mụ mẫm đi mà chỉ còn biết sống theo bản năng.”
(…) Một tia sáng như hư như thực lọt qua khe cửa giúp Kha đoán là trăng hạ tuần đã lên. Chàng ngồi nhỏm dậy, khẽ vén màn, khẽ rón rén mở cửa rồi lách ra ngoài. Dưới ánh trăng mờ đồng hồ tay chỉ ba giờ rưỡi sáng. Tiếng sáo diều vẫn đều đều giờ đây nghe thật rõ .
Kha không ngờ sau bao ngày chinh chiến dân làng Định- Quyết vẫn còn giữ được thói quen thả diều sáo vào những đêm hạ và đêm thu.” (…)
Kha bước xuống sân ngẩng nhìn trăng hạ tuần giữa khoảng vắng lặng của cảnh vật: ánh trăng buồn bã chiếu sáng mấy vệt mây trắng bất động giữa đỉnh trời; bóng những lá cau phơ phất, những cây soan cao như những cây thông với những chùm lá thẫm nhòa nền trời; ngang tâm mắt, hình hàng rào duối dọc theo ngõ xóm in thành một vệt sẫm thẳng tắp.
Kha tiến tới mấy cây thấp gần đấy, những hạt sương long lanh như những hạt lệ của cảnh vật khóc rưng rưng khi nghe tiếng than van từ vạn cổ của sáo diều. Lòng se sắt Kha tưởng chừng như chàng có gom phần nước mắt của mình vào những giọt sương đó. Hình như tiếng sáo diều chung kết lại tất cả những mối sầu của tình quê kẻ còn (Ngân) cũng như người khuất (Tín). Ánh đèn thấp thoáng bên nhà chị Cầu. Chắc chị đã dậy sửa soạn tráng bánh. Có tiếng chày thịch thịch bên dậu thưa phía sau nhà Kha, tiếng chày mau và đều. Thốt nhiên nhịp theo tiếng chày đó một giọng hát cất lên, giọng hát êm tưởng như theo gió từ xa… xa lắm vẳng lại.
Kha đứng lặng như bị chôn chân xuống đất vì chàng chợt nhớ rằng tiếng hát đó, cũng như tiếng sáo diều kia chàng đã được nghe từ lâu lắm, từ ngày chàng còn nhỏ xíu luôn luôn khóc đòi mẹ ẵm lên lòng. Rồi từ đấy vì được nghe luôn nên chàng chàng không hề lưu ý tới những âm thanh và âm điệu đó, cho đến nay bặt một thời gian sáu bảy năm xa cách, tiếng hát đột nhiên xuất hiện vào giờ này để tự tô đậm nét trường cửu của nó. Tiếng hát giọng đò đưa buồn buồn, chơi vơi, xa vắng. Lời không rõ nhưng cảm giác thì như vậy. Tựa như thuở nào đến giờ cứ vào những giờ thanh vắng đó là tiếng hát nổi lên, tiếng hát như thoát lên tự lòng đất, kể lể nỗi niềm để vừa thoa dịu vừa làm cho thấm thía thêm những sầu hận của những kẻ chợt thức giấc đón nghe nó.”
(…) “Có tiếng lá cây xao xác tự đằng xa, rồi một đợt gió khác mạnh hơn ào ào tới như một đoàn âm binh trảy gấp vì một nhiệm vụ khẩn cấp. Kha vẫn đứng nguyên chỗ cũ hoàn toàn bị giọng hát thôi miên, hay đúng hơn để cho tâm hồn tan vào tiếng hát, xóa nhòa ý niệm về thời gian và không gian. Tuy nhiên chàng vẫn cảm thấy lạnh, cái lạnh của một tâm hồn cô đơn. Hình như chàng mỉm cười vì trong cái vô cùng cô đơn ấy chàng thấy rõ chiến tranh tàn phá gây biết bao cảnh đổi đời, nhưng có một cái gì đó mà không gì tàn phá nổi là tiếng sáo diều và nhất là tiếng hát kia, TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT, tiếng hát sầu dằng dặc nhưng là tiếng hát bất tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu và bất tuyệt như nó.”
Đó là lần cuối cùng Kha ngủ lại giữa lòng quê trước khi vô Nam sau hiệp định Genève.


Cũng vì thèm khát một “tiếng hát tự lòng đất” như vậy mà mùa hạ năm 1967 tôi hoàn thành mộc bản năm màu cực kỳ công phu, gọi là Giấc Mộng Con Diều.


Võ Đình

Hạ, 1988

(còn tiếp) 

No comments: