Ngày xưa, gặp ngoài đường một ông tai to mặt lớn với những
thành tích xấu xa mà DQS còn biết “thương
những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành”.
Ngày nay, dẫu có đắng cay khổ nhục mấy đi nữa, ông còn biết nhìn với đôi mắt
thương hại những công tố viên đang xỉa xói ông, những cán bộ chấp pháp đang
truy vấn ông, những cai tù đang kềm giữ ông. Và như vậy, ông mới còn tự do, cái
tự do ông trả với tất cả đớn đau ê chề, cả thể xác lẫn tinh thần. Trái tim của ông vẫn không suy suyển. Bạo
lực có thể uy hiếp ông. Nhưng bạo lực không cách gì đập nát trái tim
ông và đặt vào đó một lò lửa căm thù. Ông chỉ căm thù bạo lực, ông không thể
căm thù con người, dẫu dù đó là con người dùng bạo lực để hành hạ ông. Tất cả những ai đang mang lại khổ đau cho
ông, và cho gia đình của ông, hãy ghi nhận, dù chỉ trong thâm tâm, hãy ghi nhận
điều đó.
(…) “bầu
không khí u uất – Cơn giông – Một trận mưa đổ xuống cho trời rạng dần – Tôi vẫn
có ý nghĩ lạc quan thế để cười vào mọi điêu bạc, hèn hạ, ngu xuẩn của đời”…(Cánh
Tay Nối Dài, 1966)
Trong cơn lốc tàn bạo của lịch sử, người người quay cuồng
theo cái đà xoay bất tận của những chuỗi nhân quả oan nghiệt trùng trùng, DQS
cũng không thể lạc vào cái mê hồn trận ấy. Nhưng tôi cũng tin rằng, ở đâu, bao
giờ, ông cũng vẫn là con người chẳng những không có tội đối với đất nước quê
hương, mà còn là một kẻ “chiến thắng”, “chiến thắng” lấy mình, trong nghĩa giữ
vững được tư cách và tỉnh táo, trong nghĩa không quên rằng đao phủ thủ và kẻ tử
tội đều là nạn nhân.
(…) “Đã
lâu lắm kể từ ngày dời miền Bắc sau hiệp định Genève, di cư vào miền Nam ấm áp
mưa nắng hai mùa. Huy không được gặp tiết thu.” (…) “Và hôm nay trước khi dời
tân lục địa này, Huy vô tình bắt gặp một chớm thu khác.” (…) “Huy nhắm mắt lại
cho tình thu thêm ngờm ngợp, gió ùa tới… ùa tới… ghê ghê lạnh, từng đợt từng đợt,
liên tiếp liên tiếp, đẩy hồn chàng vào vũ trụ với lời nhắn nhủ thiết tha và bất
lực (càng bất lực nên càng thiết tha) nhắn nhủ chàng hãy níu lấy thời gian này,
không gian này, bám lấy không gian này, nơi trú ngụ hạnh phúc rực rỡ và mong
manh: hãy níu bắt lấy hạnh phúc dù là bóng; hãy níu giữ lấy mong manh, dù tuyệt
vọng. Sự níu giữ tuyệt vọng tự nó đã là cái đẹp rỡ ràng nổ tung vào vô tận để
trở thành bất diệt rồi.” (Sầu Mây, 1970)
Tôi nghe kể lại rằng trong phiên xử ngày 27-4-88, sau khi
công tố viên đọc lớn bản cáo trạng buộc tội “Doãn Quốc Sỹ và Đồng bọn” “chống
phá cách mạng”, v.v. DQS đã có cơ hội phát biểu vài đôi lời:
“Tôi
tin rằng chế độ nào cũng có hai mặt tốt và xấu, giống như con người vậy. Nhận định
và phản ánh cái xấu là cũng để còn mong được cải thiện, còn mong được tiến bộ.
Là những người cầm bút, chúng tôi có bổn phận phải làm việc đó. (…)
“Nếu
tòa cứ nhất quyết phán xét vấn đề qua lăng kính đặc biệt của riêng tòa, thì tất
cả chúng ta chỉ còn nước kẹt tuốt vào trong một cái vòng luẩn quẩn không lối
ra, một cái vòng mà, thưa tòa, tôi đã cố hết sức tránh hoài rồi đó!”
Tôi cũng nghe kể lại rằng Doãn Quốc Sỹ đã nói như vậy một
cách hùng hồn mà dung dị, tha thiết mà ung dung. Như hệt những khi ông đứng
trên bục các lớp học ở đại học Sài Gòn, ở đại học Vạn Hạnh, mà nói với sinh
viên. Bạn bị hành hạ, lòng tôi đau đớn. Nhưng tôi không khỏi mỉm cười nhớ lại
nét mặt đam mê, đam mê mà sáng suốt, của ông khi ông giảng bài cho học trò. Và
nhớ lại câu văn cuối cùng, kết liễu cuốn truyện dài Sầu Mây:
“Lên
cao nữa phi cơ chui vào một vùng mây khói sầu giăng man mác, nhưng sao lòng Huy
vẫn vời vợi chiến thắng? Có thể sầu mây lên cao thành niềm vui chiến thắng!
“Bao giờ
chúng ta cũng là những kẻ chiến thắng – Huy tự nhủ thầm vậy – nếu chúng ta biết
nhìn trước thấy dòng luân lưu của sự vật.”
Võ Đình
Hạ, 1988
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment