Aug 23, 2017

ĐỦ DUYÊN THEO PHẬT KIẾP NÀY, KIẾP SAU BIẾT CÓ ĐƯỢC VẦY HAY KHÔNG?


“Học đi đôi với hành” là một khái niệm rất phổ thông, được nhắc tới cả trong việc học ở đời thường lẫn trong Phật Pháp. Một người chỉ nghiên cứu giáo lý nhà Phật mà không thực hành, thì cũng giống như một người chỉ đọc sách về thể dục, chứ chưa bao giờ tập thể dục, làm sao mà cơ thể khỏe mạnh được. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện “học và hành”. Riêng bản thân tôi, phải sau hơn 30 năm kể từ khi bắt đầu tìm đến Phật Pháp, tôi mới thực sự “học và hành Phật Pháp” song song, tương đối đều đặn. Có một điều thoạt nghe có vẻ khá lạ lùng: nước Mỹ là nơi tạo cho tôi nhiều điều kiện “học và hành Phật Pháp” hơn là ở Việt Nam. Tôi sang Mỹ định cư vào năm 2006, bỏ lại một cuộc sống tương đối phong lưu, ổn định ở Việt Nam. Tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới ở độ tuổi đã quá 40. Sang Mỹ trễ như vậy, lẽ thường thì người ta phải lo bương chải vất vả để mau “ổn định cuộc sống”. Có một anh bạn lớn tuổi, sang Mỹ từ thập niên 80, đã nói với tôi rằng: “sang Mỹ 10 năm mà ổn định được cuộc sống là may rồi!”. Nhưng mà, chỉ sau khoảng 5 năm ở Mỹ, tôi thấy đời sống tâm linh của tôi xem ra đã “ổn định”, trước cả khi tôi được tạm gọi là “ổn định cuộc sống” đến 5 năm! Theo cách định nghĩa thông thường, “ổn định cuộc sống” là có nhà, có công ăn việc làm để yên tâm “trả bill”, gia đình hội nhập được vào xã hội Mỹ. Thế còn đời sống tâm linh của tôi đã  “ổn định” ở Mỹ theo nghĩa nào?

Tôi sống ở Quận Cam, Nam Cali. Ở đây do người Việt đông đảo, cho nên sinh hoạt tinh thần của người Việt không hề thiếu thốn. Đối với Phật tử, mật độ chùa ở đây còn lớn hơn nhiều thành phố ở Việt Nam! Mỗi dịp cuối tuần, thật là thú vị khi những người Phật tử như tôi có quyền chọn lựa đi nghe giảng pháp giữa hai, ba vị thầy khác nhau, với những trường phái khác nhau. Điều này làm tôi nhớ lại vào khoảng thập niên 80 ở Viện Phật Học Vạn Hạnh Sài Gòn, tôi được nghe pháp từ những vị cao tăng vào bậc nhất của Phật Giáo Việt Nam: Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thích Minh Châu, Thích Chơn Thiện, Ni Sư Trí Hải… Ở Việt Nam thì điều này đã là quí. Nhưng ở Mỹ, mà Phật tử đi nghe pháp cũng có nhiều lựa chọn, thì quả là đặc ân mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến!

Tôi chọn cho mình một ngôi chùa, mà tôi gọi là “chùa nhà”. Để mỗi dịp Tết, Phật Đản, Vu Lan… tôi lại cùng gia đình đi lễ Phật. Một mái chùa để “trở về”, giống như tôi đã từng có ở Việt Nam.

Tôi may mắn có được một người Thầy mới, giống như tiếp nối với những vị Thầy mà tôi đã từng được học hỏi. Nhờ Thầy, lần đầu tiên tôi hiểu được khái niệm “Thiền-Tịnh song tu”. Từ nhỏ, tôi đã theo Thiền Tông, và từng nghĩ là mình thích hợp với Thiền hơn là Tịnh Độ. Nhưng bây giờ, tôi đã hiểu rằng Thiền- Tịnh chỉ là một, hỗ trợ cho nhau để hành giả đạt được mục tiêu chung: thắp sáng được Phật Tánh, Chân Tâm, hay Sự Nhận Biết Sáng Tỏ Hiện Tiền trong chính thân tâm mình. Bây giờ, đối với tôi, ngồi thiền, đi thiền hành, hay tụng kinh, hay lạy xám hối thì mục đích không có gì là khác biệt. “Có làm việc chi mà không phải là thiền”? Tôi cảm thấy các phương pháp tu tập của tôi được rộng mở, thật phong phú. Chỉ sợ tôi không chịu quyết tâm tu tập thôi.

Cũng nhờ Thầy, mà tôi gặp được một nhóm Phật tử trẻ cùng chí hướng. Nhóm cùng tu học, cùng làm công tác Phật sự, cùng làm việc từ thiện xã hội.  Nhóm làm việc trong tinh thần vô vụ lợi, vô ngã. Những nhóm Phật tử ở Mỹ hay ở cả Việt Nam đa số là những người đã lớn tuổi, đã về hưu. Việc có được một nhóm Phật tử ở độ tuổi trung niên, thanh niên, dù vẫn còn đang bận bịu với nhịp sống cơm áo, mà lại vẫn có thì giờ gặp nhau để cùng thực hành Phật Pháp, thật là một điều vô cùng quí báu! Mà còn đáng quí hơn nữa,  khi nhóm tồn tại ở Mỹ, một quốc gia mà Ky Tô Giáo là nền tảng, và đời sống hưởng thụ vật chất  luôn được đề cao, luôn hấp dẫn những người trẻ tuổi.

Có Phật, có Pháp, có Tăng, có thiện trí thức chung quanh. Đối với một người Phật tử, tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa cho đời sống tâm linh của mình?

10 năm ở Mỹ, nhìn lại 30 năm theo con đường Phật Pháp ở Việt Nam, tôi thực sự cảm thấy mình có phước, may mắn. Tôi nhận ra tâm thức mình tiếp tục chuyển hóa. Tôi đã thay đổi nhiều so với thời còn ở Việt Nam theo chiều hướng lành thiện hơn. Chỉ trong vài năm, những lạc thú cuộc đời đã từng hưởng ở Việt Nam đối với tôi không còn gì hấp dẫn. Tôi nhận ra rằng, ở nước Mỹ, nếu người nào biết sống “tri túc”, thì điều kiện để tu học Phật Pháp đôi khi còn dễ hơn ở Việt Nam.

Trở lại câu hỏi mà tôi đặt ra từ đầu: từ lúc nào, tôi thực sự là một Phật tử, biết học và hành theo những điều Phật dạy? Từ lúc bắt đầu đi chùa? Bắt đầu ngồi thiền? Bắt đầu đọc sách viết về Phật Pháp? Bắt đầu qui y?

Tôi nghĩ thật nhiều đến hai chữ “Nhân Duyên”.

Có thể, tôi đã theo Phật từ nhiều đời kiếp trước. Chắc không phải tự nhiên mà cuộc đời tôi trong kiếp này lại có cơ hội để tìm hiểu, chiêm nghiệm, thực hành Phật Pháp. Chắc không phải tình cờ, tôi có một ông bố, một người anh am tường Phật Pháp. Chắc không phải tình cờ mà tôi đọc được cuốn sách Câu Chuyện Của Dòng Sông, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Chắc không phải là tình cờ, mà tôi thất tình, sợ ma, rồi nhờ Phật Pháp mà vượt qua những nỗi đau khổ, sự sợ hãi đó. Chắc không phải là tình cờ, mà tôi gặp được những vị Thầy, những người bạn đồng tu.

Hình như trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi biến cố xảy ra đều có tác động ít nhiều giúp tôi có dịp hiểu thêm về Phật Pháp. Ở mỗi độ tuổi, những kiến thức có được đều giúp tôi đặt câu hỏi, đi tìm câu trả lời, rồi tin hơn vào những lời Phật dạy. Tất cả đều là những chủng tử, góp phần xây dựng nên niềm tin vào Tam Bảo trong tôi. Khó mà nói kiến thức nào, kinh nghiệm nào quan trọng hơn. Cũng không thể xác định được quãng đời nào là quan trọng nhất trên con đường học và hành Phật Pháp. Những cây trái mà tôi có được trong khu vườn Phật Pháp ngày hôm nay, có thể là do những hạt mầm đã gieo từ những năm tháng cũ, cũng có thể là từ những đời kiếp trước. Có những điều tôi đã từng nghĩ là bất hạnh trên đường đời, nhưng sau này mới thấy đó là điều hay trên con đường tu. Quả Phật cần cả thuận duyên lẫn nghịch duyên để đơm bông, kết trái. Tôi nghiệm ra rằng không nên vội vã, mà cũng không để buông xuôi trên bước đường theo Phật. Hãy bắt đầu với niềm tin, rồi khát khao tìm hiểu, và sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại với cái nhìn của Phật Pháp. Rồi sẽ đến lúc, ta nhận ra Phật Tánh ở ngay trong thân tâm ta. Nếu không ở kiếp này, thì sẽ là ở những cuộc đời tiếp nối.

Tôi thực sự biết ơn đời, biết ơn những người quanh tôi, đã tạo duyên cho tôi đến với Phật Pháp trong đời này. Tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết những điều mà mình đã hứa trong ngày lễ Qui Y. Không dễ gì có đủ duyên lành để một đời được đến với Phật- Pháp- Tăng. Tôi cầu nguyện sẽ được gặp và theo Phật-Pháp-Tăng trong nhiều kiếp nữa. Tôi xin nguyện sống, hành động trong tỉnh thức, với niềm tin Tam Bảo luôn sáng soi trong trái tim, khối óc của mình.

Tôi thầm đọc hai câu thơ, như một lời cảm ơn, một lời ước nguyện:

Đủ duyên theo Phật kiếp này

Kiếp sau biết có được vầy hay không?

Tâm Nhuận Phúc (7/2017)
tức Hưng Gàn

No comments: