Aug 4, 2017

4. DOÃN QUỐC SỸ VÀ TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT



Nếu tôi đọc Võ Phiến, ngoài những lý do “thuần túy” văn chương ra, vì ông là người “đào được thật sau và biết thật kỹ về ý nghĩa của sự mất mát” (Làng Văn, số 43 tháng 3 năm 1988) thì tôi lại yêu đọc DQS vì một lý do “trái ngược”: ông Doãn là người có một lòng tin bao la và sâu sắc ở sự tồn tại. Ông Võ nhắn nhe: Còn đấy, nhưng coi chừng, thật ra chúng ta đã “mất”. Ông Doãn nhắn nhủ: Mất rồi nhưng xét lại cho kỹ, chúng ta vẫn “còn”. Mất còn, còn mất, hai nhà văn của chúng ta đã lấy cái lý vô thường và vĩnh cửu của cuộc nhân sinh để tặng cho chúng ta những bài học về tình yêu. Tình yêu cho quê hương dân tộc, tình yêu cho tông tộc gia đình, tình yêu bằng hữu, trai gái. Và tình yêu cho con người, cho cả những con người không “đáng” được yêu.

Trong cuốn Viết và Sống với… (Ngèi Xanh, 1966), Nguiễn Ngu Í hỏi DQS: “Tò mò một chút, anh nhé. Có người cho rằng trong các truyện của anh nhân vật chánh thường dễ thương, tốt, đẹp, phải chăng vì ngoài đời, anh đã từng chung đụng với những con người dễ ghét, xấu, hèn?” DQS trả lời: “Không phải thế đâu anh! Ngoài đời tôi có gặp người tốt, bạn hiền, nên tôi cho mình có quyền lý tưởng hóa một số nhân vật trong truyện mình.

Gần đây hơn, trong Văn Học Miền Nam, Tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Võ Phiến viết: “Khu Rừng Lau phơi bày cái hiểm ác của chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn hiển lộ trong tác phẩm. Tuy vậy ông Doãn (…) trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó xấu nó ác. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ. Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm: trong các chuyện của ông nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn”…


Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn”. Ông Võ Phiến khéo ví von. Mà ông cũng ví von thật khéo.


Võ Đình

Hạ, 1988

(còn tiếp) 

No comments: