Đầu năm 1970, tôi có gửi tặng Doãn Quốc Sỹ và gia đình một bức
tranh sơn dầu vẽ trên vải. Chiều cao họa phẩm gần như chia thành hai bởi một
nét cọ lớn từ tả sang hữu, sáng rực. Bên trên là không gian trống vắng mênh
mông, thấp thoáng một hình tam giác bạc trắng làm người ngắm tranh nghĩ đến một con diều. Bên dưới, hình tượng
và màu sắc chằng chịt, dữ dội, gai góc. Tôi có thư dặn ông khi cho vào khung,
hãy đặt dưới kính. Ông viết thư phản đối, bảo rằng tác giả lẩm cẩm, tranh sơn dầu
đời nào lại “xú-ve” (sous-verre), cứ để trần hay hơn. Tôi hồi âm, biện hộ cho sự
dặn dò.
Khi tôi nhận được cuốn Sầu
Mây (1971) mới ấn hành, đọc đến trang 230, tôi không khỏi mỉm cười. Đó là
phần tư của lá thư Hương viết cho Huy từ New York, nói về cô bạn nữ họa sĩ Trâm
mà nàng rất quí mến. Một hôm, hai bạn gặp nhau, và những gì Trâm nói với Hương
thì gần như là nguyên văn của những lời biện hộ của tôi về việc dặn dò đóng
khung bức tranh sơn dầu:
(…) “em
theo Trâm về studio cùng làm cơm ăn. Em thấy trên tường treo một tác phẩm sơn dầu
của Trâm mới vẽ mà lại đóng khung kính. Em phản đối Trâm sao lại đóng khung
kính tranh sơn dầu. Trâm nhìn em đại lượng, rồi giọng Trâm thao thao, đại ý;
“Chị có
thấy bức tranh đập vỡ lệ thông thường? Phần trên là bầu trời tím hồng, mịn
màng, man mác, đó là tiếng hát, là tình thương, là an ủi, là vỗ về. Phần dưới
là đổ vỡ, là uất ức, quằn quại, xót xa, tàn bạo, tiếng sắt tiếng chì. Nếu cắt bức
tranh làm hai bức thì mỗi phần sẽ là một bức tranh hoàn hảo hơn, theo đúng luật
thẩm mỹ thường lệ: nhưng tôi đã quẹt ngang khoảng giữa một đường chân trời sáng
ửng như một bình minh trí tuệ, như một giây phút trăng thần thoại sắp lên. Sở
dĩ tôi đóng khung cửa kính bức tranh là để tạo nên một vũ trụ xa vời, chưa nắm
lấy được, chưa đi vào được. Quê hương còn khói lửa tang tóc thế kia! (…) “Chị
có biết không, nếu như ngày mai đây chúng ta được hòa bình trở lại với quê
hương, tôi sẽ mời chị lại đây cùng uống với tôi một chén trà, cùng thắp với tôi
một nén hương, rồi cùng giúp tôi một tay gỡ kính ra, đập cho vỡ vụn, và nhìn
nhau cả cười…”
Bức tranh đó, tôi đã lấy tên cái Chương Bảy nói trên mà gọi:
Tiếng Hát Tự Lòng Đất, I. Từ ngày đó
đến nay, cũng đã gần hai mươi năm.
Ấy vậy mà nghĩ về Doãn Quốc Sỹ, khi thì sống thiếu trước hụt
sau ở nơi phố thị, khi thì khổ ải đớn đau trong chốn lao lung, tôi vẫn nhớ đến
bạn trong khi tai nghe từ xa vẳng đến một âm thanh cao vút, một âm thanh “siêu
thanh”, một tiếng hát tự lòng đất, tiếng hát sầu dằng dặc nhưng là tiếng hát bất
tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu”…
Võ Đình
Hạ, 1988
Hạ, 1988
No comments:
Post a Comment