Aug 23, 2017
Thay Lời Tựa dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ
3- Năm 1975 ập tới, thế hệ của tôi mang về cho tổ quốc một kết quả tương tự như thế hệ Doãn Quốc Sỹ. Thế hệ của ông tuy thất bại, dẫu sao nữa vẫn còn giữ được cho chúng tôi một khoảnh đất tự do, một chút vốn liếng cuối cùng. Thế mà thế hệ chúng tôi nỡ lòng nào đánh mất cái vốn liếng cuối cùng này, để đến nỗi toàn bộ xứ sở chìm trong tù ngục. Tháng Tư năm 75, khi những người Cộng Sản ngoài Bắc tràn vô chiếm lãnh Sài Gòn, Doãn Quốc Sỹ đã không may mắn như năm 54. Ông ở lại và nhận lấy hậu quả nơi những dòng chữ chuyên chở lòng thương yêu của ông. Ông bị Cộng Sản giam giữ cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo của miền Nam. Nhiều người đã nằm xuống trong hàng rào, nhiều người được phóng thích, nhưng khi ra khỏi cổng nhà giam, chỉ còn là một thân xác bất động, thân nhân chỉ còn một thời gian rất ngắn kịp chạy ma chay. Tha về để trại giam tiết kiệm được một xuất cơm mỗi ngày, vài viên thuốc hết hạn, và một vài miếng ván đóng quan tài.
Cũng như bao người khác, thoạt mới bị giam giữ Doãn Quốc Sỹ bị bao trùm bởi sự sợ hãi. Nhưng nhờ đã có kinh nghiệm với người Cộng Sản trước kia, và nhờ ý chí mạnh ông đã qua khỏi được giai đoạn kinh hoàng khi mới bị bắt giam. Ông tiết kiệm từng hơi thở, gìn giữ mỗi cử chỉ, cốt để cho những người quản giáo không có cơ hội xúc phạm tới nhân phẩm của ông. Ông hít sâu vào lồng ngực, thở ra chậm chạp, như thở của một tu sĩ trong cơn tọa thiền. Vả lại nhà văn là những người có khả năng phân thân, có thể nhẩy lùi lại quá khứ, sống cuộc đời trăm năm trước, hay phóng mình tới xã hội của trăm năm sau, do đó thân tuy bị giam trong ngục tối, nhưng hồn thì ở cuối chân trời. Tuy bị bóng tối bao phủ, nhưng trong mắt nhìn của nhà văn, ông bắt gặp những mầu sắc tươi đẹp của ngày mai.
Doãn Quốc Sỹ là một trong những nhà văn của miền Nam được "chiếu cố" kỹ nhất. Nếu như trước kia ông không về thành, với khả năng của ông, có thể ông đã là một trong những người di rao giảng chiến thắng. Nhưng hơn hai chục năm trước, ông đã chọn vị trí cho riêng ông, ông đã đứng trong hàng ngũ của kẻ hôm nay chiến bại, nên vì thế mà những tác phẩm ông viết, đã bị những người được gọi là "nhà văn" xăm soi từng chữ, từng dòng. Người ta dùng kính lúp chiếu lên từng cái chấm, từng dấu phẩy trong những trang sách này, mong tìm tòi gán ghép cho nhà văn, những tội danh không tưởng. Song song với việc khai báo trong những lần làm việc với "chấp pháp", lúc nào ông cũng nghĩ tới việc sử dụng ngòi bút khi ra tù. Chính vì vậy mà những năm đầu 80, sau khi ông được thả lần đầu, độc giả hải ngoại được đọc tác phẩm "Đi" của "Hồ Khanh", từ trong nước chuyển ra hải ngoại. Hồ Khanh chính là bút hiệu "viết chui" của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Trước sau ông bị bắt đi thả lại nhiều lần. Ông bị giam hơn 10 năm, và đặt chân tới Mỹ tháng Hai năm 1995. Ông đã 72 tuổi, đủ để bước vào cái tuổi mà các cụ cho là thất thập cổ lai hy. Ngay khi đặt chân xuống vùng đất mới, con người nhà văn trong ông sống lại, ông làm quen với những độc giả cũ của ông với ba tác phẩm: "Mình lại soi mình, Người vái tứ phương, Dấu chân cát xóa" mà trong đó có cuốn "Dấu chân cát xóa" là một tác phẩm được viết vào năm 1974, chưa kịp mang đến nhà in thì tai họa đã ập xuống đầu cả nước.
Những ai đã từng yêu Doãn Quốc Sỹ, nhận ngay ra văn phong của ông trong ba tác phẩm này. Ông là một ngòi bút dùng để tuyên dương điều thiện, cái đẹp, thế mà ông bị giam hãm trong một vùng đất mà tính ác và điều xấu bao trùm tới khóm cây ngọn cỏ. Thêm vào đó gần hai chục năm đắm chìm trong suy nghĩ, không có dịp cầm bút, nên cái nhịp của các tác phẩm này chậm chạp, các nhân vật ít linh hoạt hơn, so với những nhân vật trong các tác phẩm trước kia của Doãn Quốc Sỹ.
Hoàng Khởi Phong
(Còn tiếp)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment