Aug 23, 2017

Thay Lời Tựa dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ


"Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi"

 1- Với tôi nhà văn Doãn Quốc Sỹ là bậc trưởng thượng. Khi tôi ra đời, ông đã bước vào tuổi hai mươi, đã hăm hở lên đường cứu nước. Bởi vì năm 1943, dân tộc Việt chúng ta có tới hai cái ách ngoại bang tròng vào cổ. Trước tiên là người Pháp, đã đặt nền bảo hộ hơn nửa thế kỷ đầy máu. Kế đó Đệ Nhị Thế Chiến đã mang Quân Đội Nhật vào trú đóng trên đất nước chúng ta, rêu rao chiêu bài Đại Đông Á. Nhưng mà người Nhật cũng không khác gì Pháp, cái họ mang tới không phải nền độc lập, sự thịnh vượng, mà chỉ thêm vào những dòng máu khác. Đó là chưa kể tới những cái ách, của chính người Việt choàng lên cổ lẫn nhau. Nên vì đó bất cứ một thanh niên nào nhiều nhiệt huyết, thao thức tới vận mệnh tổ quốc, đều không sớm thì muộn cũng sẽ hăm hở lên đường như Doãn Quốc Sỹ.

Nên tôi không lấy làm lạ, nếu như nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã có một thời gian bôn ba trong vùng kháng chiến. Khi người ta còn trẻ và lòng đầy lý tưởng, ngay cả việc hy sinh tính mạng cũng là một điều nhỏ, thì sá gì những chặng đường rừng, những ngọn đồi cao, những con sông rộng. Khi người ta còn trẻ và tràn đầy những giấc mộng lớn, thì sá kể gì bụng đói, trên thân người một manh áo mỏng, một chiếc quần vải thô. Bởi vì người ta đem thân ra đi, để sống muôn đời. Mưa và nắng gió đường xa chỉ có thể làm cho lý tưởng vững chắc hơn, chứ không bao giờ làm cho nhụt đi những tin tưởng mãnh liệt vào tương lai của tổ quốc. Chọn lựa vào đời đầu tiên của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, là tham gia vào bất cứ một tổ chức nào, đi trên bất cứ con đường nào, miễn sao cứu được tổ quốc ra khỏi cảnh khốn cùng. Ông đã đem tuổi thanh xuân của ông, cống hiến cho cuộc chiến đấu một mất, một còn của tổ quốc, như bất cứ một người tuổi trẻ nào, ý thức được bổn phận của một công dân trong một xứ sở bị trị. Trước Doãn Quốc Sỹ nhiều thế hệ, những người thanh niên đã ra đi. Sau Doãn Quốc Sỹ sẽ còn nhiều thế hệ nữa tiếp tục lên đường.

Thế nhưng chỉ vài năm sau, Doãn Quốc Sỹ đã mơ hồ nhìn thấy con đường ông chọn, rồi ra sẽ không đưa tổ quốc tới được một tương lai tươi sáng hơn, nếu không muốn nói là tăm tối hơn, tàn bạo hơn so với sự cai trị của người ngoại chủng. Chính vì đó mà ông đã trở về thành, yên tâm đến trường, hoàn tất việc học mà ông đã bỏ dở. Ông đã phải bỏ lại đằng sau, cuộc chiến đấu ông đã chọn lựa, để rồi năm 1954, ông đã dắt díu gia đình vào Nam, chiêm nghiệm lại sự thất bại của thế hệ ông trước những đòi hỏi của lịch sử. Chính vì đã vào thành, bỏ dở lý tưởng ông đã chọn trong lúc tuổi thanh xuân, ông đã phải tìm con đường khác, để hoàn thành giấc mộng cũ. Đó là một trong những lý do khiến ông trở thành nhà văn sau này. Bởi vì văn chương chính là một sức mạnh tiềm ẩn, người ta không thể nhìn thấy, không thể cân đo, đong đếm được sức mạnh của văn chương. Nhưng người ta cảm nhận được sức mạnh của văn chương, chữ nghĩa.

Hoàng Khởi Phong
(Còn tiếp) 

Thay Lời Tựa  dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ 



2- Nhiều năm sau tôi bắt đầu thích đọc sách. Biết thế nào là những cuốn sách hay, và những cuốn sách biết hay không biết phân biệt thế nào là văn chương và thế nào là những chuyện hoang đường tưởng tượng. Tôi đã đọc Doãn Quốc Sỹ và mơ hồ nhận biết: Một tác phẩm lớn mở lối tới tương lai, khác với một cuốn tiểu thuyết hay, phục vụ cho thị hiếu bình thường của người đọc. Một tác phẩm kích thước, có thể thay đổi số phận nhiều con người, thường khi là một cuốn sách bán không chạy.
Khi nhận biết được những điều này, tôi bước chân vào tuổi hai mươi. Tuổi của Doãn Quốc Sỹ khi ra đi tham gia trận chiến của ông. Thế hệ tôi lớn lên có một trận chiến khác. Nhưng rồi trận chiến nào cũng giống trận chiến nào. Cũng súng đạn ngoại bang, cũng máu xương dân Việt. Có khác chăng giữa hai trận chiến là diện mạo quân thù. Khi Doãn Quốc Sỹ chong mũi súng về phía đằng trước, thì trước mặt ông là những người thực dân Pháp da trắng, cùng những người lính đánh thuê da mầu. Phía trước mũi súng của tôi là những người đồng chủng, tệ hơn nữa có thể là những anh em con chú, con bác đã không di cư vào Nam như gia đình tôi. Nói một cách khác, thế hệ chúng tôi tiếp tục trận chiến bỏ dở của thế hệ Doãn Quốc Sỹ. Riêng Doãn Quốc Sỹ, ông đã chọn trận chiến của riêng ông, là gióng lên những thất bại của thế hệ ông, nhằm cảnh giác thế hệ chúng tôi trong thế trận mới.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đến với tôi có một vị trí đặc biệt. Trước tiên do những thất bại của ông và của thế hệ ông, những thất bại vì không thể nhắm mắt đồng lõa với sự tàn bạo của con người, dành cho con người. Ông đã bỏ lại đàng sau, cái hàng ngũ đã reo rắc kinh hoàng, tang tóc cho một nửa nước phương Bắc. Ngay khi đặt chân xuống miền Nam, ông ngồi xuống bàn viết, và thế hệ chúng tôi nhận được bức thông điệp đầu tiên của ông. Trong tư cách một nhà văn, ông cổ súy cho: "Lòng nhân ái".
Để chống lại sự tàn bạo đến phi nhân của kẻ địch, võ khí mà nhà văn sử dụng chính là lòng thương yêu. Năm mười tám tuổi, khi đọc "Dòng sông định mệnh - Chiếc chiếu hoa cạp điều" của ông, tôi bắt được những ý nghĩ trong lành trong từng trang sách.
Nói một cách khác trong đời chiến đấu khá ngắn ngủi của ông, ngay khi phát giác những người sát cánh bên cạnh mình, là những con người bạo tàn với đồng loại, với ngay cả đồng bào của chính mình. Khi phát giác ra điều này, nhà văn phải lập tức quay lưng lại với quyền lực, không những quay lưng lại mà còn phải lớn tiếng tố cáo, chống lại những bạo lực này, bằng cách ghi lại những ao ước của mọi người, thể hiện những ao ước này bằng lòng thương yêu, nơi mọi nhân vật trong tác phẩm của mình. Tính nhân bản luôn là nét chính, trong các tác phẩm đầu tiên của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Năm 1963, tôi hai mươi tuổi, nằm trong quân trường Thủ Đức. Tôi đọc cuốn đầu của bộ trường thiên tiểu thuyết bốn cuốn"Khu rừng lau", của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Bên ngoài hàng rào quân trường, xã hội miền Nam đang trải qua những cơn bão tố chính trị. Thời đó ông chỉ mới hoàn tất cuốn đầu: "Ba sinh hương lửa - 1962", để rồi những năm sau, trôi nổi trong đời quân ngũ, lúc nào tôi cũng quan tâm đến các phần còn lại của bộ trường thiên tiểu thuyết này: "Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, 1964 - Tình yêu thánh hóa, 1965 và Đàm thoại độc thoại, 1966".

Cách ông đặt tên cho toàn bộ trường thiên, cũng như từng phần cho thấy trong tác phẩm này, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã bầy trước mặt ông quá nhiều vấn đề, quá nhiều mong ước. Éo le thay giải quyết các vấn đề này, cũng như làm đầy những ước mơ này, không nằm trong tay các nhà văn. Đau lòng hơn thế, suốt trong hơn hai thế kỷ cận đại, chưa bao giờ số phần của dân tộc Việt Nam, nằm trong tay dân tộc Việt Nam. Trong bộ trường thiên này, người đọc nhận thấy những biến đổi của chính trị, xã hội bên ngoài, khiến cho Doãn Quốc Sỹ nhìn lại chỗ đứng của ông. Ông đã chọn lầm vị trí khi rời nhà ra đi, tham gia kháng chiến. Chẳng lẽ ông lại lầm một lần nữa?

Một đàng là những bạo tàn đến từ phương Bắc, một đàng là những ung thối của miền Nam. Nhà văn đứng giữa cô đơn biết dường nào. Doãn Quốc Sỹ đã ký thác tâm trạng băn khoăn của chính ông, đan những suy nghĩ dầy dặc của ông, vào hành động của các nhân vật trong bộ trường thiên này. Ông vẫn giữ được trọn vẹn lòng nhân ái cũ, nhưng chen vào đó là những phút bâng khuâng, những câu hỏi về ngày mai. Giọng văn tha thiết với người, với đời còn đó, nhưng niềm tin bạt núi vào tương lai quả có sứt mẻ khá nhiều. Trong cung cách một nhà giáo, đào tạo những nhà giáo khác của ngành Sư Phạm, may thay ông còn được một ngõ thoát khác: Ông đã trực tiếp chuyển những chân thành nơi ông, sang những người học trò của ông nơi ghế nhà trường, ủy thác cho những nhà giáo tương lai việc trao truyền lại "thông điệp nhân ái", mà ông đã dùng những tác phẩm văn chương của ông như một phương tiện để truyền đạt.

Hoàng Khởi Phong
(Còn tiếp)

Thay Lời Tựa  dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ 



3- Năm 1975 ập tới, thế hệ của tôi mang về cho tổ quốc một kết quả tương tự như thế hệ Doãn Quốc Sỹ. Thế hệ của ông tuy thất bại, dẫu sao nữa vẫn còn giữ được cho chúng tôi một khoảnh đất tự do, một chút vốn liếng cuối cùng. Thế mà thế hệ chúng tôi nỡ lòng nào đánh mất cái vốn liếng cuối cùng này, để đến nỗi toàn bộ xứ sở chìm trong tù ngục. Tháng Tư năm 75, khi những người Cộng Sản ngoài Bắc tràn vô chiếm lãnh Sài Gòn, Doãn Quốc Sỹ đã không may mắn như năm 54. Ông ở lại và nhận lấy hậu quả nơi những dòng chữ chuyên chở lòng thương yêu của ông. Ông bị Cộng Sản giam giữ cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo của miền Nam. Nhiều người đã nằm xuống trong hàng rào, nhiều người được phóng thích, nhưng khi ra khỏi cổng nhà giam, chỉ còn là một thân xác bất động, thân nhân chỉ còn một thời gian rất ngắn kịp chạy ma chay. Tha về để trại giam tiết kiệm được một xuất cơm mỗi ngày, vài viên thuốc hết hạn, và một vài miếng ván đóng quan tài.

Cũng như bao người khác, thoạt mới bị giam giữ Doãn Quốc Sỹ bị bao trùm bởi sự sợ hãi. Nhưng nhờ đã có kinh nghiệm với người Cộng Sản trước kia, và nhờ ý chí mạnh ông đã qua khỏi được giai đoạn kinh hoàng khi mới bị bắt giam. Ông tiết kiệm từng hơi thở, gìn giữ mỗi cử chỉ, cốt để cho những người quản giáo không có cơ hội xúc phạm tới nhân phẩm của ông. Ông hít sâu vào lồng ngực, thở ra chậm chạp, như thở của một tu sĩ trong cơn tọa thiền. Vả lại nhà văn là những người có khả năng phân thân, có thể nhẩy lùi lại quá khứ, sống cuộc đời trăm năm trước, hay phóng mình tới xã hội của trăm năm sau, do đó thân tuy bị giam trong ngục tối, nhưng hồn thì ở cuối chân trời. Tuy bị bóng tối bao phủ, nhưng trong mắt nhìn của nhà văn, ông bắt gặp những mầu sắc tươi đẹp của ngày mai.

Doãn Quốc Sỹ là một trong những nhà văn của miền Nam được "chiếu cố" kỹ nhất. Nếu như trước kia ông không về thành, với khả năng của ông, có thể ông đã là một trong những người di rao giảng chiến thắng. Nhưng hơn hai chục năm trước, ông đã chọn vị trí cho riêng ông, ông đã đứng trong hàng ngũ của kẻ hôm nay chiến bại, nên vì thế mà những tác phẩm ông viết, đã bị những người được gọi là "nhà văn" xăm soi từng chữ, từng dòng. Người ta dùng kính lúp chiếu lên từng cái chấm, từng dấu phẩy trong những trang sách này, mong tìm tòi gán ghép cho nhà văn, những tội danh không tưởng. Song song với việc khai báo trong những lần làm việc với "chấp pháp", lúc nào ông cũng nghĩ tới việc sử dụng ngòi bút khi ra tù. Chính vì vậy mà những năm đầu 80, sau khi ông được thả lần đầu, độc giả hải ngoại được đọc tác phẩm "Đi" của "Hồ Khanh", từ trong nước chuyển ra hải ngoại. Hồ Khanh chính là bút hiệu "viết chui" của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Trước sau ông bị bắt đi thả lại nhiều lần. Ông bị giam hơn 10 năm, và đặt chân tới Mỹ tháng Hai năm 1995. Ông đã 72 tuổi, đủ để bước vào cái tuổi mà các cụ cho là thất thập cổ lai hy. Ngay khi đặt chân xuống vùng đất mới, con người nhà văn trong ông sống lại, ông làm quen với những độc giả cũ của ông với ba tác phẩm: "Mình lại soi mình, Người vái tứ phương, Dấu chân cát xóa" mà trong đó có cuốn "Dấu chân cát xóa" là một tác phẩm được viết vào năm 1974, chưa kịp mang đến nhà in thì tai họa đã ập xuống đầu cả nước.

Những ai đã từng yêu Doãn Quốc Sỹ, nhận ngay ra văn phong của ông trong ba tác phẩm này. Ông là một ngòi bút dùng để tuyên dương điều thiện, cái đẹp, thế mà ông bị giam hãm trong một vùng đất mà tính ác và điều xấu bao trùm tới khóm cây ngọn cỏ. Thêm vào đó gần hai chục năm đắm chìm trong suy nghĩ, không có dịp cầm bút, nên cái nhịp của các tác phẩm này chậm chạp, các nhân vật ít linh hoạt hơn, so với những nhân vật trong các tác phẩm trước kia của Doãn Quốc Sỹ.

Hoàng Khởi Phong
(Còn tiếp)

Thay Lời Tựa  dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ 


4- Tác phẩm mới nhất của nhà văn Doãn Quốc Sỹ có tên là "Cò Đùm". Đây là một tác phẩm mới mà cũ, bởi vì ông đã viết truyện ngắn này vào năm 71. Cuốn sách được ông quyết định mang in sau khi ông đã hít thở không khí tự do của nước Mỹ chẵn tròn một năm. Trong một năm đó, gót chân ông đã vân du hai ba đại lục. Ông đã nhìn thấy tận mắt, đã nghe tận tai, đã thấy thế nào là hoan hô, đả đảo. Ông có dịp quan sát từ đối cực này sang đối cực khác. Những năm trong tù giúp ông có thời gian nghiền ngẫm lịch sử. Ông chiêm nghiệm được một điều: Trong các cuộc biến thiên của lịch sử bất lợi cho đất nước, trong mọi cuộc chiến tranh, đặc biệt là trong các cuộc nội chiến, lớp người thiệt thòi, khổ đau nhất là những nông dân, mà nhân vật "Cò Đùm" là một thí dụ. Nhưng cũng chính những người nông dân này có sức chịu đựng bền bỉ nhất. Chính những người nông dân này, đã oằn vai sốc vác gánh nặng của lịch sử trong những thời khoảng đen tối nhất. Họ là những mạch sống ngầm của dân tộc, hệt như những mạch nước do địa thế không thể chẩy lộ thiên, đã ngấm xuống và chẩy ngầm trong lòng đất. Khác với dòng nước sông Hồng đỏ ngầu máu địch, họ là những cái giếng trong cho mỗi một ngôi làng. Trong những lũy tre xanh, mỗi một ngôi làng là một cứ điểm tích lũy vốn sống của tổ tiên. Dưới mái ngói của mỗi ngôi đình là một niềm tự hào riêng của từng địa phương, mà ở đó những người dân quê tuy hiền lành, nhưng bướng bỉnh duy trì những mạch đời, liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sự khôn ngoan của "Cò Đùm", không thể là cái khôn ngoan rút được từ trong sách vở. Sự khôn ngoan đó là kinh nghiệm sống của nhiều kiếp con người. Những kinh ngiệm đó không phải thứ kinh nghiệm ù lì. Mà trái lại đó là những ứng dụng đầy sáng tạo. Trong những điều kiện thật khắc nghiệt của lịch sử, quân thù giới hạn việc di chuyển, thông thương. Mỗi một ngôi làng vẫn có thể tồn tại được, cho dù không được tiếp xúc, giao thương với các làng khác. Những cải tổ nông nghiệp thường khởi đi từ dân chúng, thí dụ như cách làm khoán cho từng gia đình, là sáng tạo của người nông dân Việt Nam, trước việc làm chung hợp tác xã cái kiểu cha chung không ai khóc được ứng dụng tại Trung Cộng trong những năm của thập niên 60. Muời năm trước Sài Gòn là một thành phố buồn thảm, như một cái cây trụi lá trong mùa đông, hiện nay đã có những tàn lá xanh, tuy chưa phải là mùa xuân, nhưng ít ra thành phố đã có mầu sắc. Sự thay đổi này được khởi đi từ dân chúng, không phải bởi những sắc lệnh "đổi mới" được ban bố từ trên xuống.

Hãy tưởng tượng những "Cò Đùm" của đất nước chúng ta, trong thời Bắc thuộc, khi chưa có bà Trưng, bà Triệu, Phùng Hưng, Triệu Quang Phục... cho tới khi lịch sử sản xuất một Ngô Quyền. Thế rồi trên dòng trường giang của lịch sử, khi nòi Hán với các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh xâm lăng từ bên ngoài, mà nước Việt chưa kịp có những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Rồi gần chúng ta hơn nữa, trong thời Pháp thuộc, cái bạo tàn của thực dân được hỗ trợ bởi sự nhu nhược của triều đình, cộng thêm với sự nhũng lạm của các tham quan đã khiến cho dân chúng phải gầm mặt mà sống. Phải sống mà chờ một người anh hùng áo vải của ngày mai. Để có thể sống còn khi mà lịch sử còn đang u u, minh minh, những lũy tre làng hữu hiệu hơn các đô thị. Mỗi một ngôi làng là một cứ điểm đơn độc lặng lẽ sống, kiên nhẫn chờ, cho đến khi bóng dáng người anh hùng thực xuất hiện, bởi vì hơn bao giờ hết thời đại của chúng ta có quá nhiều anh hùng giả. Khi những người của lịch sử xuất hiện, thì ngàn vạn ngôi làng, ức triệu con người như "Cò Đùm" ngẩng mặt lên, nhất tề đứng dậy xếp hàng sau lưng người của muôn đời dựng lại lịch sử. Hãy tưởng tượng những "Cò Đùm" hôm nay, đang cúi mặt xuống, sống để mà sống. Ôi những người nông dân sông Tiền, sông Hậu, những người nông dân Nam Định, Thái Bình... Đã bao đời nay họ sinh ra để làm nông dân, không phải để làm đảng viên. Họ có thể bị chóa mắt bởi những lời phỉnh phờ, bởi những thủ đoạn của những người thực dân xâm lược, bởi những ông quan khệnh khạng trong triều, bởi những người làm chính trị nhiều thủ đoạn, và bây giờ là những người đảng viên Cộng Sản u tối đầy bạo lực. Họ có thể bị lừa năm, mười, hai mươi năm, và rồi cái vốn sống tiềm ẩn của bao nhiêu đời tích lũy, sẽ giúp họ giữ được bản chất hiền hòa của tiền nhân, nhẫn nhục sống chờ một ngày mai lịch sử thăng hoa, và muôn triệu con người có một kiếp người. Những người nông dân, những "Cò Đùm" của đất nước hiện nay, không có phương tiện để phản đối như chúng ta tại hải ngoại, không có báo, không có đài phát thanh, truyền hình, không có những diễn đàn cờ quạt, biểu ngữ, bích chương, khẩu hiệu. Cũng không có quần áo đẹp trịnh trọng phát biểu trước những dẫy micro, tuôn ra những lời nói kêu mà rỗng, hay những lời đả kích cho sướng miệng. Đã nhiều năm nay, tôi thấy những bài diễn văn của chúng ta, chỉ vang vang trong các hội trường, trong các góc phố, nơi các địa điểm tổ chức mít tinh, biểu tình. Những bài diễn văn của chúng ta hệt như những viên sỏi ném xuống một ao bèo, chỉ tạo được vài gợn sóng lăn tăn, rồi trả lại sự phẳng lặng cho mặt nước. Đã muôn đời nay, nông dân là những lớp sóng người, nhấp nhô theo vận nước. Họ làm nên sức mạnh chịu đựng trong mọi cơn khốn cùng của lịch sử, để rồi khi mạch sống dân tộc vươn lên, những lớp sóng người này cũng không được hưởng những vinh quang. Cái mà họ cần, chính là một cuộc sống ấm no hơn, con người ăn ở với nhau tử tế hơn, nhân ái hơn. "Cò Đùm" là một tập truyện ngắn, đã được nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết không phải để phô diễn văn chương, mà để nói lên những chiêm nghiệm của ông trước những cơn ba đào của lịch sử, như hầu hết những tác phẩm cũ của ông.
Cách ông viết bây giờ, là lấy ngón tay chỉ mặt trăng. Hãy chú trọng tới mặt trăng, còn ngón tay chỉ là phương tiện.
Hoàng Khởi Phong
(Còn tiếp)

Thay Lời Tựa  dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ 




5- Ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, những tác phẩm mới của nhà văn Doãn Quốc Sỹ quả đúng là "Văn Dĩ Tải Đạo". Trong văn chương, ông chống lại mọi guồng máy làm cho sức sống của dân tộc bị trì trệ. Bất kể guồng máy đó thuộc về phía nào. Ông viết từ tốn, không khoa đại ngôn ngữ, song thái độ của ông là một thái độ quyết liệt với bạo lực và tăm tối.
Với tôi nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một bậc trưởng thượng. Trên con đường văn nghiệp, ông đã khởi hành trước tôi 20 năm. Với tên tuổi, và những tác phẩm ông đã đóng góp với dòng văn học gần nửa thế kỷ nay, ông không cần một bài tựa. Bài viết này nghĩ cho cùng chỉ là những lời cám ơn, của một người khởi hành sau ông một khoảng thời gian, cách ông một thôi đường. Trong hành trình tiến tới tương lai, có thể ông sẽ nằm xuống trước tôi. Điều quan trọng chính là những nhát búa mở đường của ông và của thế hệ ông để lại, đã giúp cho hậu sinh chúng tôi tiến về phía trước thêm được một khoảng cách. Tôi tin rằng thế hệ của tôi cũng sẽ làm những việc tương tự, phóng những nhát búa, phạt những đường dao khác tiến tới phía trước.
Tôi cầu chúc nhà văn Doãn Quốc Sỹ sức khỏe, sống lâu trăm tuổi để có thể thấy những "Cò Đùm" của ông nơi quê nhà, rồi ra sẽ không còn cúi mặt.

Hoàng Khởi Phong

SÁCH CŨ MỚI RA LÒ



Tối khuya hôm qua Hiếu mang về trình diện 4 quyển gần trọn bộ Khu Rừng Lau của bố. Công lớn rất lớn! Sắp tới sẽ là: Vào Thiền, Gìn Vàng Giữ Ngọc và Đi.

Sáng bố ngủ dậy cầm 4 quyển sách chắc vui trong bụng lắm nên phải dục mãi ông mới ăn hết bát soup! Ông lấy giấy nháp ra ghi tên sách và số trang.
Gửi cả nhà xem hình cho vui nhé.
Tư Liên




DƯỚI NƯỚC - TRÊN BỜ


Swan dưới nước 



Swan trên bờ 


Swan Cỏ 9 tháng 

ĐỦ DUYÊN THEO PHẬT KIẾP NÀY, KIẾP SAU BIẾT CÓ ĐƯỢC VẦY HAY KHÔNG?


Tôi cũng không rõ bắt đầu từ lúc nào trong cuộc đời, tôi mới thực thụ là một Phật tử, theo đúng nghĩa là “một người học và hành theo những điều Phật dạy”.

Cũng như nhiều Phật tử Việt Nam khác, tôi bắt đầu trở thành Phật tử là vì cha mẹ, ông bà của tôi theo Đạo Phật. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi chùa có lẽ vào khoảng 8 tuổi, vào cuối thập niên 60s của thế kỷ trước. Ngôi chùa đầu tiên mà tôi đến là chùa Giác Quang, ở quận Gò Vấp Sài Gòn. Tôi theo bố mẹ đến đó lần đầu vào dịp Tết. Theo ký ức, ngôi chùa Giác Quang tĩnh lặng, nằm ở một khu ngoại ô Sài Gòn, chung quanh là đồng ruộng. Trước khi vào chùa phải đi qua một khu nghĩa địa, mà tôi vẫn luôn cảm giác sờ sợ. Tôi chỉ có cảm giác bình yên hơn khi vào đến chùa, đứng nhìn thấy tượng Phật. Bởi vì tôi tin rằng ma quỷ ngoài nghĩa địa sợ Phật, không dám vào chùa.

Lớn hơn một chút, vào khoảng 11 tuổi, là lần đầu tiên tôi được thực tập về ngồi thiền. Từ nhỏ, tôi đã có triệu chứng là làm gì cũng mau mệt, thở nhanh. Tôi nhớ có một lần, bố tôi đưa tôi đi khám bệnh tại phòng mạch tư của một bác sĩ quân y, là bạn thân của bố tôi. Sau khi nghe tim xong, bác sĩ nói với bố tôi rằng: “nhịp tim của cháu lạ lắm! Loạn nhịp và gay gắt! Phải làm cái gì đó cho cháu, thì mới hy vọng cháu sống thọ được”. Bố tôi là một nhà nghiên cứu Phật học, có thực tậpngồi thiền đều đặn hằng ngày. Sau hôm đó về, vào một buổi tối, bố gọi tôi ra, chỉ cho tôi cách ngồi thiền và điều hòa hơi thở. Tôi còn nhớ, bố tôi nói rằng phép thiền này là của Ông Tám, có lợi cho sức khỏe. Đại khái là tôi tập ngồi thẳng lưng, đúng theo hướng Bắc-Nam để thuận từ trường của trái đất. Buông lỏng toàn thân, tập trung vào hơi thở. Tưởng tượng như hơi thở đi từ mũi, xuống phổi, rồi xuống bụng, qua cột sống đi lên đỉnh đầu. Bố nói tôi nên thở điều hòa như vậy, khoảng năm, mười phút mỗi ngày.

Tôi không nhớ là mình có thực tập đều đặn không, và thực tập được bao lâu. Bố tôi bận chuyện đi làm, cho nên cũng không có thì giờ nhắc nhở tôi thực tập mỗi ngày. Nhưng đối với tôi hồi đó, đây là một việc rất đáng để thực tập. Không phải vì lo cho sức khỏe, mà là vì sự tò mò. Vì tôi đã nghe nhiều người lớn nói về ngồi thiền như là một việc làm cao siêu, huyền bí. Nay mình có dịp thực tập ngồi thiền, rồi vào khoe với các bạn trong lớp, chắc chắn chúng sẽ… lé mắt vì nể trọng! Và tôi cũng không chắc về tác dụng của việc ngồi thiền này đến căn bệnh tim bẩm sinh của mình. Vì thời đó, chuyện đi khám bác sĩ là rất hiếm, cho nên tôi không có dịp đi lại bác sĩ, để kiểm tra xem nhịp tim mình có đổi khác sau những lần tập ngồi thiền hay không. Chỉ sau này, khi  đã sang độ tuổi 40, tôi mới bắt đầu đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Trong những lần khám định kỳ, mãi cho đến tận bây giờ, nhiều bác sĩ khác nhau đều nói tôi có tim mạch rất tốt, không có gì phải lo lắng cả. Tôi không hề uống thuốc. Ít tập thể dục, và chơi thể thao cũng không đều đặn. Vậy cái gì đã chữa lành cho căn bệnh tim bẩm sinh của tôi? Có phải là do tôi thực tập ngồi thiền?

Bài học về thiền đầu tiên của tôi là như vậy đó. Nó không mang màu sắc Phật Giáo, mà giống như một biện pháp chữa bệnh nhiều hơn.

Kiến thức Phật Giáo trong tôi bắt đầu phát triển khi mà tôi bước sang những năm trung học. Nó có màu sắc của triết học. Bố tôi nghiên cứu Phật Giáo, có viết sách về thiền, là giáo sư của trường Đại Học Vạn Hạnh. Tôi còn có một ông anh nuôi mà tôi gọi là Anh Hai, cũng là một giáo sư dạy triết học Đông Phương tại trường trung học Petrus Ký, trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn. Tôi thường say mê nghe bố tôi, anh Hai nói về những triết lý cao siêu của Phật Giáo. Có những từ ngữ, khái niệm tôi không hiểu, nhưng tôi vẫn thích nghe, thích nhớ, thích lập lại. Cũng giống như lời nhạc của Trịnh Công Sơn, nhiều người nghe đâu có hiểu nghĩa, nhưng vẫn thích vì sự trừu tượng cao vời của nó. Những kiến thức về Đạo Phật thuở ấy là nguồn tri thức, thỏa mãnbản tính thích lý luận của tôi.

Thuở mới lớn, tôi là một con mọt sách. Tôi thích triết lý cuộc đời, nên cả nhà gọi là “thằng ông cụ non”. Ở nhà tôi từ trước 1975 đã có rất nhiều sách về Phật Giáo. Tôi mê nhất là cuốn Câu Chuyện Của Dòng Sông của tác giả Herman Hess, bản dịch của Ni Sư Trí Hải. Phải nói đây là cuốn sách gối đầu giường, “khai trí” Phật Giáo cho tôi. Nó làm tôi thích thú về mặt triết học, tri thức Phật Giáo, chứ không giúp tôi nhiều trong vấn đề thực hành. Nhưng vào thời ấy, tôi nghĩ như vậy là quá đủ về Đạo Phật. Tôi đã từng xem nhân vật Tất Đạt trong Câu Chuyện Của Dòng Sông là mẫu mực cho chính mình. Tôi mong có được một cuộc đời trọn vẹn ý nghĩa, một tri thức“giải thoát” như ông ta.

Nhưng rồi thì cuộc đời vẫn không bao nhờ giống như là mơ. Nhiều ước vọng mà tôi xây dựngcho tương lai của mình từ thuở mới lớn đã không thực hiện được. Tôi đã ý thức được từ rất sớm rằng, khi ước muốn mà không đạt được, thì là khổ. Câu “đời là bể khổ” không chỉ là một câu thành ngữ của dân gian, mà là một sự thật rất rõ ràng với tôi.

Nỗi khổ đau nặng nề nhất mà tôi phải trải qua đầu tiên trong đời, đó là thất tình. Thuở học trò, thì nhiều người cũng yêu đương, và hầu hết đều đã từng thất tình. Nhưng có lẽ vì tôi là loại người có cảm xúc mạnh, mà lại thích đắm chìm trong những nỗi buồn, cơn tuyệt vọng, cho nên nỗi thất tình của tôi trầm trọng hơn nhiều người khác. Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện tự tử vì thất tình!

Về sau này, khi đã trưởng thành hơn, nhìn lại giai đoạn đó bằng cái nhìn của Phật Pháp, tôi nhận ra rằng tất cả đau khổ vì tình chẳng qua chỉ là do tôi yêu cái bản ngã của mình, chứ chẳng phải vì yêu người tình. Tôi đã từng nghĩ mình là một người “đặc biệt”, có nhiều “giá trị”, đáng được ngưỡng mộ: học giỏi, đàn hay, nhiều kiến thức. Cho nên người yêu của tôi cũng phải có những “tiêu chuẩn” tương xứng. Tôi đặt ra cho mình một mẫu “người yêu lý tưởng”, với thật nhiều “tiêu chuẩn” do chính tôi đặt ra, rồi chạy đi tìm. Tôi yêu cái “mẫu người yêu” đó một cách mãnh liệt. Rồi khi gặp một người con gái chỉ với ngoại hình ưng ý, tôi gán cho cô ta những “tiêu chuẩn” tôi muốn, mà không hề chịu nhìn vào con người thật của cô ta. Tình yêu “mù quáng” là vậy. Mù quáng là vì tôi đã không chịu nhìn rõ con người thực của người mình yêu, mà chỉ nhìn qua lăng kính của mình. Và có lẽ những cô gái tôi theo đuổi cũng cảm thấy nặng nề, khó chịu với những “tiêu chuẩn”, “giá trị” mà tôi tự gán ghép. Các cô không có, và chắc cũng không muốn có chúng. Họ chia tay tôi là phải rồi! Tôi yêu mình, chứ có hề yêu họ đâu! Mà nếu đã đau khổ vì yêu chính bản thân mình, thì tại sao tôi lại muốn tự tử? Nghĩ lại, tôi thật là ngu muội, vô lý quá!

Nhưng mà cũng may. Vào giai đoạn đau khổ vì tình đó, dù chưa nhận thức được rõ ràng như sau này, nhưng chính Phật Pháp đã vẽ ra cho tôi con đường để thoát ra sự tuyệt vọng. Tôi đã tự an ủi rằng lòng từ bi, yêu thương mọi người, phục vụ cho tha nhân có ý nghĩa cao cả hơn là tình yêu nam nữ. Tôi đã tạm quên chuyện yêu đương, để dành thời giờ làm việc từ thiện, đi chùanghe giảng pháp. Nhờ vậy mà theo thời gian, nỗi buồn vì thất tình trong tôi cũng nguôi ngoai dần. Cuốn sách Phật Giáo “gối đầu giường” thứ hai trong đời của tôi đến đúng vào giai đoạn này, đã giúp tôi thay đổi rất nhiều. Đó là cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của Thầy Nhất Hạnh. Tôi bắt đầu tập sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, với những gì mình đang có. Sống trong chánh niệm, tôi nhận ra thực tại chung quanh mình có đầy đủ những yếu tố để đem đến hạnh phúc, chẳng cần đi tìm thêm. Một thân thể khỏe mạnh. Một hơi thở nhẹ nhàng bình an. Một bãi cỏ xanh, một đóa hoa nở đẹp trên đường đi. Một bầu trời xanh trong lành… Thực tại vẫn hiện hữunhiệm mầu, mà trước giờ tôi không biết trân quí, thưởng ngoạn. Tôi bắt đầu tập làm chủ cảm xúcbằng cách theo dõi hơi thở, tập làm chủ được thân tâm của mình. Câu chuyện cổ tích của Lev Tolstoi được Thầy Nhất Hạnh kể lại trong “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” đã cho tôi một phương châm sống mới: thời gian quan trọng nhất của đời người là thời gian hiện tại; con người quan trọng nhất của đời người là người đang ở bên cạnh ta; việc làm quan trọng nhất đời người là hãy giúp đỡ người đó. Một phương châm sống tỉnh thức, vị tha, thật là tuyệt vời!

Cũng với phương pháp quán chiếu rõ ràng và sâu sắc về bản chất thật của cuộc sống trong “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức”, tôi đã vượt qua một nỗi sợ hãi đã theo đuổi tôi từ bé: sợ ma! Hồi nhỏ, có một vài lần tôi xem phim ma trên tivi. Tôi đã khóc thét lên vì sợ! Kể từ đó, hình ảnh về những con ma tóc dài, người chết sống lại đòi nợ những người lấy cắp, làm hại mình đã luôn luôn ám ảnh trong đầu óc của tôi. Sợ ma là một trong những nỗi sợ hãi kinh khủng nhất trong thời niên thiếu. Chưa bao giờ tôi dám ngủ một mình ở những chỗ lạ, không phải là nhà mình.

Nhưng rồi có một lần, tôi phải đối diện với nỗi sợ ma một mình. Hồi mới ra trường đại học, tôi phải đi làm xa nhà, ở một nhà máy đúc gang Hồ Nai, cách Sài Gòn khoảng 40 cây số. Có xe đưa rước nhà máy đưa tôi lên đó hàng tuần. Nhà máy rộng, chung quanh không có nhà dân. Trong khuôn viên nhà máy có những khoảng đất trống, mọc đầy cỏ hoang. Tôi là kỹ sư, ở trong một căn phòng tách xa hẳn khỏi khu nhà tập thể của công nhân, cho nên buổi tối cũng “đáng sợ ma” lắm. Ngủ chung với tôi là một người bạn kỹ sư cùng ra trường, cùng được phân công về đây. Vào một buổi chiều cuối tuần, khi mọi người chuẩn bị lên xe đưa rước về Sài Gòn, thì xưởng bị trục trặc kỹ thuật, phải có một kỹ sư ở lại trực. Người bạn của tôi có việc khẩn của gia đình, nên phải về Sài Gòn,  nhờ tôi ở lại trực giùm. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác, nên đành nhận lời ở lại một mình.

Tôi còn nhớ đêm đó là lần đầu tiên tôi ngủ một mình, ở một nơi mà mọi người vẫn đồn là có ma. Mọi chuyện còn trở nên tệ hại hơn, khi vào đêm hôm ấy, trời mưa lớn, sấm chớp đầy trời, cho nên căn phòng tôi ở một mình còn trở nên hoang vắng, âm u hơn bao giờ hết! Tôi nằm nhắm mắt nghe mưa bão, không thể nào loại ra khỏi đầu mình hình ảnh khủng khiếp của những con ma về trong đêm mưa. Thật là tột cùng của sự sợ hãi! Tôi ráng tìm cách để thoát ra nỗi sợ trong cái đêm dài đó. Và tôi nghĩ đến một điều: hãy thử quán chiếu, nhìn thẳng vào sự thật của nỗi sợ ma. Hãy dùng sự hiểu biết, phân tích tường tận có thật là ma đáng sợ như trong truyện, trong phim ảnh, qua những lời kể đi kể lại hay không?

Bằng tất cả kiến thức về Phật Pháp và cả về khoa học, tôi bắt đầu nhìn sâu vào nỗi sợ ma của mình. Ma là một linh hồn chưa siêu thoát, tồn tại ở dạng năng lượng của tâm thức, chứ không tồn tại ở dạng hình thể vật lý. Do đó, ma không thể xuất hiện như một hình hài, để “thè lưỡi” nhát mình, hay “đưa tay bóp cổ” mình như trong phim ảnh. Như vậy, nếu có thấy hình bóng của ma, thì ma cũng đâu có năng lực làm hại mình? Lại nữa, nếu tôi làm việc lành thiện, không gây nghiệp ác với ai, thì ma đâu có muốn hại tôi. Vậy thì tại sao phải sợ ma?

Sau khoảng 10 phút bình tâm suy nghĩ, tôi bắt đầu đỡ sợ ma. Tôi mạnh dạn nghĩ tiếp, nếu thấy được linh hồn người chết, thì niềm tin của tôi vào thuyết luân hồi Phật Giáo sẽ được củng cốthêm vững. Thấy mới tin! Tôi sẽ có thêm quyết tâm làm theo những điều Phật dạy. Tôi bắt đầu mở mắt ra, cầu xin các linh hồn ở quanh mình hãy cho tôi thấy sự hiện diện của họ. Tôi không làm điều gì ác với người chết, nên tôi không sợ. Tôi nghĩ tôi đã từng, và sẽ là hồn ma trong thế giới vô hình, trong vòng tử sinh của nhiều đời kiếp.

Lạ thay, nỗi sợ ma kinh khủng trước đó đã biến mất, mà thay bằng một niềm cảm thông với những sinh linh cùng cảnh ngộ.

Rồi tôi quán chiếu tiếp đến lý duyên khởi của vạn pháp. Tôi thấy tôi và thế giới hữu hình, vô hình xung quanh chỉ là một. Tôi như hiểu rõ hơn bao giờ hết ý tưởng của Thầy Nhất Hạnh: kẻ nào nhìn thấy được trong cái bàn cả vũ trụ, kẻ đó thấy được đạo! Tôi thấy mình từ lúc sinh ra, cho đến khi trưởng thành, rồi sẽ chết đi, và sẽ tái sinh trở lại trong vũ trụ này. Sinh tử đích thực đang diễn ra từng giây, từng phút với tôi, với thế giới quanh tôi. Chẳng còn gì để sợ hãi khi cái chết đến với mình, với người thân nữa.

Thật là kỳ diệu! Bằng cái nhìn quán chiếu như vậy, tôi không những đã thoát ra khỏi nỗi sợ ma, mà tâm tôi lúc đó đạt đến một sự bình an tuyệt đối! Một sự bình an mà tôi chưa từng trải qua một lần trong đời. Niềm hỷ lạc có được trong giây phút đó không có một niềm vui, niềm hạnh phúcthế gian nào có thể so sánh được: hạnh phúc khi được yêu, niềm vui khi thi đậu đại học, niềm sung sướng khi lần đầu kiếm được tiền, được ăn ngon… Đó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được niềm an lạc của sự giải thoát. Đó cũng là lần đầu tiên, tôi mới hiểu được niềm hạnh phúc khi con người thoát ra khỏi mọi sự sợ hãi. Tôi bắt đầu hiểu về khái niệm “Vô Úy Thí”, khi Bồ Tát Quan Thế Âm đi ban phát sự “không sợ hãi” cho con người. Sự bố thí lợi lạc vào bậc nhất.

Tôi đã có một đêm an lạc nhất cuộc đời, tính cho đến tận hôm nay. Tôi không nhớ mình đã ngủ lại lúc nào. Chỉ biết sáng sớm hôm sau thức dậy, niềm an lạc đó vẫn còn nguyên trong tâm thức. Tôi bước ra ngoài nhìn cảnh vật sau một đêm mưa, mỉm cười chào đón một thế giới như mới tinh khôi trong buổi bình minh, với sương mai còn ướt lạnh. Cảnh vật này tôi đã chứng kiếnnhiều lần. Nhưng lần đó tôi thấy khung cảnh ấy sao mà đẹp quá! Có lẽ là do tâm hồn tôi bình an. Tôi chỉ ước mong cảm giác bình an này ở lại với tôi mãi mãi. Nhưng rồi, nó chỉ ở lại với tôi thêm một vài tuần, rồi dần dần bị che khuất bởi những bận bịu, lo toan trong đời sống thường nhật. Tôi đã từng mong sẽ có dịp tìm lại được niềm an lạc kỳ diệu đó một lần nữa trong đời. Tôi đã đem trải nghiệm này kể lại cho vị thầy đã dạy cho tôi cách sống một ngày trong chánh niệm. Thầy tôi chỉ nói rằng: “Điều đó không có gì quan trọng! Đừng cố tìm lại cảm giác đó làm gì…”. Thầy còn bắt tôi hứa là mỗi ngày hãy ngồi thiền đều đặn, dù chỉ 20 phút.

Tôi nghe lời thầy, không đi tìm lại niềm hỷ lạc đã từng có. Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu hiểu hơn câu nói của một vị thầy khác mà tôi cũng rất kính mến: “… Nhiều người nói người tu hành thì đâu có vui thú gì trong cuộc sống! Đó là do họ không biết rằng, niềm hỷ lạc có được do sự tu hànhlớn hơn rất nhiều so với những niềm vui của thế gian…”. Trải nghiệm này đã cho tôi thêm động lực, thúc đẩy tôi mạnh mẽ đi tiếp trên con đường học hỏi và thực hành Phật Pháp.


Tâm Nhuận Phúc

(Còn tiếp)

ĐỦ DUYÊN THEO PHẬT KIẾP NÀY, KIẾP SAU BIẾT CÓ ĐƯỢC VẦY HAY KHÔNG?


“Học đi đôi với hành” là một khái niệm rất phổ thông, được nhắc tới cả trong việc học ở đời thường lẫn trong Phật Pháp. Một người chỉ nghiên cứu giáo lý nhà Phật mà không thực hành, thì cũng giống như một người chỉ đọc sách về thể dục, chứ chưa bao giờ tập thể dục, làm sao mà cơ thể khỏe mạnh được. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện “học và hành”. Riêng bản thân tôi, phải sau hơn 30 năm kể từ khi bắt đầu tìm đến Phật Pháp, tôi mới thực sự “học và hành Phật Pháp” song song, tương đối đều đặn. Có một điều thoạt nghe có vẻ khá lạ lùng: nước Mỹ là nơi tạo cho tôi nhiều điều kiện “học và hành Phật Pháp” hơn là ở Việt Nam. Tôi sang Mỹ định cư vào năm 2006, bỏ lại một cuộc sống tương đối phong lưu, ổn định ở Việt Nam. Tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới ở độ tuổi đã quá 40. Sang Mỹ trễ như vậy, lẽ thường thì người ta phải lo bương chải vất vả để mau “ổn định cuộc sống”. Có một anh bạn lớn tuổi, sang Mỹ từ thập niên 80, đã nói với tôi rằng: “sang Mỹ 10 năm mà ổn định được cuộc sống là may rồi!”. Nhưng mà, chỉ sau khoảng 5 năm ở Mỹ, tôi thấy đời sống tâm linh của tôi xem ra đã “ổn định”, trước cả khi tôi được tạm gọi là “ổn định cuộc sống” đến 5 năm! Theo cách định nghĩa thông thường, “ổn định cuộc sống” là có nhà, có công ăn việc làm để yên tâm “trả bill”, gia đình hội nhập được vào xã hội Mỹ. Thế còn đời sống tâm linh của tôi đã  “ổn định” ở Mỹ theo nghĩa nào?

Tôi sống ở Quận Cam, Nam Cali. Ở đây do người Việt đông đảo, cho nên sinh hoạt tinh thần của người Việt không hề thiếu thốn. Đối với Phật tử, mật độ chùa ở đây còn lớn hơn nhiều thành phố ở Việt Nam! Mỗi dịp cuối tuần, thật là thú vị khi những người Phật tử như tôi có quyền chọn lựa đi nghe giảng pháp giữa hai, ba vị thầy khác nhau, với những trường phái khác nhau. Điều này làm tôi nhớ lại vào khoảng thập niên 80 ở Viện Phật Học Vạn Hạnh Sài Gòn, tôi được nghe pháp từ những vị cao tăng vào bậc nhất của Phật Giáo Việt Nam: Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thích Minh Châu, Thích Chơn Thiện, Ni Sư Trí Hải… Ở Việt Nam thì điều này đã là quí. Nhưng ở Mỹ, mà Phật tử đi nghe pháp cũng có nhiều lựa chọn, thì quả là đặc ân mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến!

Tôi chọn cho mình một ngôi chùa, mà tôi gọi là “chùa nhà”. Để mỗi dịp Tết, Phật Đản, Vu Lan… tôi lại cùng gia đình đi lễ Phật. Một mái chùa để “trở về”, giống như tôi đã từng có ở Việt Nam.

Tôi may mắn có được một người Thầy mới, giống như tiếp nối với những vị Thầy mà tôi đã từng được học hỏi. Nhờ Thầy, lần đầu tiên tôi hiểu được khái niệm “Thiền-Tịnh song tu”. Từ nhỏ, tôi đã theo Thiền Tông, và từng nghĩ là mình thích hợp với Thiền hơn là Tịnh Độ. Nhưng bây giờ, tôi đã hiểu rằng Thiền- Tịnh chỉ là một, hỗ trợ cho nhau để hành giả đạt được mục tiêu chung: thắp sáng được Phật Tánh, Chân Tâm, hay Sự Nhận Biết Sáng Tỏ Hiện Tiền trong chính thân tâm mình. Bây giờ, đối với tôi, ngồi thiền, đi thiền hành, hay tụng kinh, hay lạy xám hối thì mục đích không có gì là khác biệt. “Có làm việc chi mà không phải là thiền”? Tôi cảm thấy các phương pháp tu tập của tôi được rộng mở, thật phong phú. Chỉ sợ tôi không chịu quyết tâm tu tập thôi.

Cũng nhờ Thầy, mà tôi gặp được một nhóm Phật tử trẻ cùng chí hướng. Nhóm cùng tu học, cùng làm công tác Phật sự, cùng làm việc từ thiện xã hội.  Nhóm làm việc trong tinh thần vô vụ lợi, vô ngã. Những nhóm Phật tử ở Mỹ hay ở cả Việt Nam đa số là những người đã lớn tuổi, đã về hưu. Việc có được một nhóm Phật tử ở độ tuổi trung niên, thanh niên, dù vẫn còn đang bận bịu với nhịp sống cơm áo, mà lại vẫn có thì giờ gặp nhau để cùng thực hành Phật Pháp, thật là một điều vô cùng quí báu! Mà còn đáng quí hơn nữa,  khi nhóm tồn tại ở Mỹ, một quốc gia mà Ky Tô Giáo là nền tảng, và đời sống hưởng thụ vật chất  luôn được đề cao, luôn hấp dẫn những người trẻ tuổi.

Có Phật, có Pháp, có Tăng, có thiện trí thức chung quanh. Đối với một người Phật tử, tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa cho đời sống tâm linh của mình?

10 năm ở Mỹ, nhìn lại 30 năm theo con đường Phật Pháp ở Việt Nam, tôi thực sự cảm thấy mình có phước, may mắn. Tôi nhận ra tâm thức mình tiếp tục chuyển hóa. Tôi đã thay đổi nhiều so với thời còn ở Việt Nam theo chiều hướng lành thiện hơn. Chỉ trong vài năm, những lạc thú cuộc đời đã từng hưởng ở Việt Nam đối với tôi không còn gì hấp dẫn. Tôi nhận ra rằng, ở nước Mỹ, nếu người nào biết sống “tri túc”, thì điều kiện để tu học Phật Pháp đôi khi còn dễ hơn ở Việt Nam.

Trở lại câu hỏi mà tôi đặt ra từ đầu: từ lúc nào, tôi thực sự là một Phật tử, biết học và hành theo những điều Phật dạy? Từ lúc bắt đầu đi chùa? Bắt đầu ngồi thiền? Bắt đầu đọc sách viết về Phật Pháp? Bắt đầu qui y?

Tôi nghĩ thật nhiều đến hai chữ “Nhân Duyên”.

Có thể, tôi đã theo Phật từ nhiều đời kiếp trước. Chắc không phải tự nhiên mà cuộc đời tôi trong kiếp này lại có cơ hội để tìm hiểu, chiêm nghiệm, thực hành Phật Pháp. Chắc không phải tình cờ, tôi có một ông bố, một người anh am tường Phật Pháp. Chắc không phải tình cờ mà tôi đọc được cuốn sách Câu Chuyện Của Dòng Sông, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Chắc không phải là tình cờ, mà tôi thất tình, sợ ma, rồi nhờ Phật Pháp mà vượt qua những nỗi đau khổ, sự sợ hãi đó. Chắc không phải là tình cờ, mà tôi gặp được những vị Thầy, những người bạn đồng tu.

Hình như trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi biến cố xảy ra đều có tác động ít nhiều giúp tôi có dịp hiểu thêm về Phật Pháp. Ở mỗi độ tuổi, những kiến thức có được đều giúp tôi đặt câu hỏi, đi tìm câu trả lời, rồi tin hơn vào những lời Phật dạy. Tất cả đều là những chủng tử, góp phần xây dựng nên niềm tin vào Tam Bảo trong tôi. Khó mà nói kiến thức nào, kinh nghiệm nào quan trọng hơn. Cũng không thể xác định được quãng đời nào là quan trọng nhất trên con đường học và hành Phật Pháp. Những cây trái mà tôi có được trong khu vườn Phật Pháp ngày hôm nay, có thể là do những hạt mầm đã gieo từ những năm tháng cũ, cũng có thể là từ những đời kiếp trước. Có những điều tôi đã từng nghĩ là bất hạnh trên đường đời, nhưng sau này mới thấy đó là điều hay trên con đường tu. Quả Phật cần cả thuận duyên lẫn nghịch duyên để đơm bông, kết trái. Tôi nghiệm ra rằng không nên vội vã, mà cũng không để buông xuôi trên bước đường theo Phật. Hãy bắt đầu với niềm tin, rồi khát khao tìm hiểu, và sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại với cái nhìn của Phật Pháp. Rồi sẽ đến lúc, ta nhận ra Phật Tánh ở ngay trong thân tâm ta. Nếu không ở kiếp này, thì sẽ là ở những cuộc đời tiếp nối.

Tôi thực sự biết ơn đời, biết ơn những người quanh tôi, đã tạo duyên cho tôi đến với Phật Pháp trong đời này. Tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết những điều mà mình đã hứa trong ngày lễ Qui Y. Không dễ gì có đủ duyên lành để một đời được đến với Phật- Pháp- Tăng. Tôi cầu nguyện sẽ được gặp và theo Phật-Pháp-Tăng trong nhiều kiếp nữa. Tôi xin nguyện sống, hành động trong tỉnh thức, với niềm tin Tam Bảo luôn sáng soi trong trái tim, khối óc của mình.

Tôi thầm đọc hai câu thơ, như một lời cảm ơn, một lời ước nguyện:

Đủ duyên theo Phật kiếp này

Kiếp sau biết có được vầy hay không?

Tâm Nhuận Phúc (7/2017)
tức Hưng Gàn

Aug 8, 2017

FAILURE




FAILURE IS THE PATH OF LEAST PERSISTENCE


Photo: A.S.

Aug 7, 2017

VIEW FROM A WALK

Dear Huong,

I took the train again today to go to the small ferry. As it was a beautiful day there were a lot of people to cross the river, walking along the river, through the fields  and back to Maastricht.

A.S.






Aug 5, 2017

HƯỚNG ĐẠO SINH OUI


COOKING project của Hướng Đạo Sinh có thể là trứng ốp la buổi sáng, trứng tráng buổi chiều, trứng luộc liu riu buổi tối.

COOKING project của Hướng Đạo Sinh Ti Oui là pancake buổi sáng, cơm rang buổi chiều, tối liu riu  ... cơm rang tiếp.






Aug 4, 2017

1. DOÃN QUỐC SỸ VÀ TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT




VÕ ĐÌNH
DOÃN QUỐC SỸ và Tiếng hát tự lòng đất

Chúng ta có thể biết được cái hay cái đẹp của một cuốn sách ở mãnh lực của những cú đấm mà nó phóng vào ta, và ở thời gian ta tình nguyện chịu trận như vậy.
Gustave Flaubert

Tôi nghe nói (hay tôi đã đọc?) rằng gợi nên nỗi nhớ không gì bén nhạy bằng khứu giác. Một thoáng hương hoa, hương trầm, một mùi cỏ ướt, một mùi phân trâu, mùi áo cũ… “Xếp tàn y lại để dành hơi…” Lại có khi tôi nghe nói rằng chính vị giác và thính giác mới thật mãnh liệt: chất ngọt thơm của chiếc bánh madeleine ở đầu lưỡi… Tiếng ếch kêu xa mà nghe như ai gọi đò…
Đã 30 năm qua, tôi ăn ở với nàng hội hoạ, cho nên thế giới hình ảnh trong tôi trở nên quá no nê, quá thừa mứa.  Tôi sống vương giả trong đó, quá sung túc nên không còn nhớ nhung một hình ảnh cho bằng một mùi thơm, nuối tiếc một màu sắc cho bằng giai điệu.  Vì thế, chỉ nói riêng về âm thanh, âm thanh thôi chứ chưa phải âm nhạc, khi có dịp được người khác hiến tặng, tôi hưởng thụ một cách ê hề. 

-->
Như Võ Phiến đã cho tôi nghe tiếng con ó đêm “kêu chão choẹt đâu đó suốt đêm trường” (Cỏ Bồng Phất Phơ). Mai Kim Ngọc đã cho tôi tiếng phong linh “nghe trong mà ròn rã như tiếng cười” (Một Chút Riêng Tư). Hay Kiệt Tấn, “tiếng động rần rật của bánh sắt trên đường rầy” (Vườn Chanh Miệt Biển). Tiếng kêu của một con chim, tiếng gió leng keng trong những vỏ ốc, tiếng “sầm sập, sầm sập” của bánh xe lửa, của những chuyến đi trong đời, rồi thì tiếng dế kêu sau lò sưởi củi (Van Gogh), tiếng “vạc kêu sườn núi trăng mờ đầu non” (Ca dao)… Và tiếng sáo diều. Tiếng sáo diều của người bạn mới “được” nhà nước xã hội chủ nghĩa chiếu cố đem ra xử cuối tháng Tư vừa qua, và ân cần trao tặng chín năm tù. Tiếng sáo diều của Doãn Quốc Sỹ…


Võ Đình

Hạ, 1988

(còn tiếp)