Tôi bắt đầu một ngày làm việc của mình sớm lắm…
Luôn thức dậy vào lúc năm giờ sáng và khởi hành vào đúng sáu giờ mỗi ngày. Đều đặn những cuốc xe từ thứ hai cho đến chủ nhật, từ ngày này qua tháng nọ. Thường thì tôi sẽ chạy ít giờ hơn vào dịp cuối tuần và cho phép mình hoàn toàn nghỉ ngơi trong đúng hai ngày mồng một và mồng hai, Tết Nguyên-Đán.
Tôi cũng tự đặt một mục tiêu về doanh số cho mỗi ngày làm việc nhưng không quá ham hố kiếm tiền! Có nghĩa rằng: khi vừa đạt được con số như mong muốn là tôi off-line ngay để về nhà nghỉ ngơi. Như thế vừa đỡ hại người, hại xe, lại vừa có thể duy trì trạng thái hưng phấn cho ngày hôm sau. Tôi không bao giờ đi kiếm tiền vào ban đêm vì mắt mũi bây giờ đã kém tinh anh đi nhiều, vả lại, các chuyến Uber vào buổi tối thường rất phực tạp với đám riders say xỉn hoặc trộm cắp trên đường.
Trong khi đang viết xuống câu chuyện này thì tôi đã hoàn tất được tổng số 6,519 chuyến đi sau hơn một năm rưỡi trời làm việc với cả ba loại: Uber-Pax, Uber-Assist, Uber-Food. Rong ruổi qua hơn 120 thành phố lớn nhỏ của Vùng Nam-Cali và được gắn cho cái danh hiệu cao nhất là Diamond Driver.
Vâng, tôi là một trong những con bò Uber, tuy già nhưng nhiều sữa nhất hiện nay!
Trở lại với câu chuyện chính về Uber-Food. Đây là những cuốc xe chuyên đi giao nhận đồ ăn, thức uống. Thường thì loại dịch vụ này chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 trong tất cả các chuyến đi của tài xế. Ngày nào tôi cũng nhận được vài chuyến như vậy nhưng cao điểm nhất của Uber-Food là ở mấy ngày cuối tuần và đặc biệt là trong mùa đông vừa lạnh lẽo, vừa mưa gió.
Thế những người Mỹ già trẻ, lớn bé, nam nữ, sang hèn trong khu vực hoạt động của tôi ăn uống gì, uống gì? Xin mở ngoặc một chút để chỉ giới hạn trong các cư dân có mức thu nhập Trung-Bình-Thấp (khoảng 35.000 đô la/ năm) đến mức thu nhập Khá của người trung lưu (khoảng trên dưới 100,000 đô la/năm).
Một điều rất dễ nhận ra là họ thường order thức ăn, thức uống y chang như nhau: Nước trái cây của Jamba hoặc Juice It Up; cà phê Starbucks; bánh ngọt donuts; bánh pancake của Norm, I Heart Pancakes, Denny; các loại thức ăn nhanh phổ thông khắp nơi như Hambugers, Pizza hoặc Taco, Burrito, Nachos. Chỉ có một khác biệt nhỏ là vào mỗi dịp cuối tuần hoặc lễ lạc gì đó, nếu như lười không muốn nấu nướng ở nhà, tôi để ý thấy họ xa xỉ hơn khi order online hoặc đi ăn ngoài ở những nhà hàng sang trọng kiểu: Mỹ, Tây, Ta, Tầu, Ý, Nhật trong các khu dowtown hoặc khu shopping cao cấp.
Với đám thanh niên nam nữ thời thượng thì vấn đề ẩm thực sẽ được kén chọn hơn với những quán ăn chuyên nấu nướng các loại thực phẩm: hữu cơ (organic), lành mạnh (healthy) và điệu đàng (fancy), nhưng giá cả cũng không đắt đỏ hơn là bao.
Riêng giới thượng lưu ngất ngưởng trên trời thì tôi chịu thua, không rõ chuyện sinh hoạt thường ngày của họ ra sao? Tuy nhiên, trong sự nghiệp Uber của mình, tôi đã tận mắt chứng kiến ba nhân vật giàu có và nổi tiếng cỡ cầu thủ bóng rổ NBA Kobe Brian, tay ca sỹ nhạc đồng quê Keith Urban, cô nàng Hollywood Charlize Theron cũng đi ăn sáng với gia đình ở chuỗi nhà hàng pancake Denny, cũng bình thản ngồi nhâm nhi ly cà phê Coffee Bean & Tea Leaf và xơi ngon lành một cái hamburger In-N-Out quá đỗi bình thường ở xứ Mỹ. Tất nhiên là mấy quí vị celebrities này chỉ ăn uống quanh cái khu dân cư sang trọng bậc nhất của họ mà thôi.
Nói tóm lại, không có sự phân biệt đáng kể nào trong cách ăn uống của người dân Mỹ từ bình dân đến trung lưu hết!
Ngay cả trong chuyện mua sắm cũng thế, biết bao nhiêu là riders giàu có của tôi sinh sống tuốt trên núi hay ngay sát biển cũng đi Uber shopping ở South Coast Plaza, The Block, Bella TCerra, Market Place hoặc mua sắm linh tinh ở Target, TJ Max, Kolhs, Costco, chợ Ralph, hợ Stater Bros, Home Depot… có gì khác biệt đâu so với những riders thu nhập thấp khác?
Doãn Quốc Vinh
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment