Như thế là tôi sẽ Đáo-Tuế vào dịp Tết Canh Tý, 2020 sắp đến. Vòng đời xoay vòng đúng sáu mươi năm để trở lại với điểm khởi đầu… một chặng đường thật dài!
Khi sắp bước vào cái tuổi Lục-Thập-Nhi-Nhĩ-Thuận, tôi chợt nghiệm ra: hình như càng lớn tuổi, tôi càng tri thiên mệnh hơn hay nói một cách khác, hình như mọi chuyện trong cõi nhân sinh đều được định đoạt bởi số phận, bởi một thứ duyên lành hoặc xấu nào đó để rồi khởi đi một cách lặng lẽ, cương quyết và không thể cưỡng cầu được.Tôi đã thật thành công khi còn ở Việt Nam. Thế rồi số mệnh đưa đẩy, tôi và gia đình quyết định sang định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2006 vì tương lai của những đứa con. Thật khó khăn để có thể đưa ra một quyết định lớn như vậy khi cuộc sống của chúng tôi vẫn rất thật hanh thông trên đỉnh cao của sự nghiệp và kết cuộc của chuyến hành trình dài mười lăm năm tìm kiếm Giấc Mơ Mỹ (American Dream) nơi đất khách: tôi trắng tay dù đã chuẩn bị hành trang rất kỹ cho mình trước khi khởi hành!
Năm năm đầu tiên bơi trong cái Ao-Người, duyên lành dường như vẫn cứ trôi đi khỏi tầm với của tôi một cách vô tình! Các cụ ngày xưa thường nói về vận hạn đời người thường sẽ rất xấu khi tuổi 49 bước qua tuổi 53 bước lại, nếu như không vượt qua được thì chắc chắn phải gặp đại hạn Tam Tai: đại tang, phá sản và cháy nhà. Vâng, riêng cá nhân tôi, đã nếm đầy đủ các vị đắng đó ngay trên xứ sở cờ hoa.
Tôi mỉm cười…
Tự nhủ với lòng phải thật bình tâm để làm lại từ đầu. May mắn sao xin được việc làm trong một công ty dược phẩm của Mỹ, thế nhưng, chỉ ba tuần lễ sau họ quyết định chuyển tôi đến một nhà máy mới vừa hoạt động ở tiểu bang Arizona. Tất nhiên, tôi đành phải từ chối vì toàn bộ gia đình đang sinh sống tại Cali và người vợ của tôi vừa có được một công việc làm ổn định cho chính phủ. Không lâu sau đó, tôi toàn tâm, toàn ý đứng máy với mức lương tối thiểu cho một hãng tiện nhỏ của một người Hoa-Chợ Lớn. Tất cả cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn được đúng hai cái pay-check, họ xin lỗi phải tạm thời đóng cửa với lý do vẫn chưa nhận được những đơn đặt hàng mới! Khi mọi chuyện có vẻ ngày một thêm ảm đạm hơn, tôi nhận được lời đề nghị từ một nhóm người quen chuyên xây dựng, đầu tư vào các căn apartments để kinh doanh. Tôi sẽ phụ trách phần chỉ định và bài trí các vật dụng nội thất cho dự án. Thở phào nhẹ nhõm… vì lời đề nghị đến thật đúng lúc, đúng nghề. Nhưng rồi rất nhanh sau đó, tôi được thông báo rằng có một số cộng đồng dân cư sống chung quanh vừa đâm đơn khởi kiện dự án do vấn đề thiết kế gì đó không đúng với tiêu chuẩn. Nhóm đầu tư đành ngồi lại để tính toán và cuối cùng họ nhận ra sẽ không còn lợi nhuận bao nhiêu so với dự tính ban đầu, nếu như buộc phải làm lại qui hoạch cho toàn bộ khối nhà. Dự án phá sản!
Tôi vẫn mỉm cười…
Rất nhiều những người thân, những bạn bè quen biết phải kinh ngạc thốt lên: Tại sao tôi lại có thể thản nhiên trước bao nhiêu biến cố xảy ra dồn dập như thế? Tôi thường đáp lại: Ối chà, số mệnh nó như thế mà!
Giữa năm 2011, ngay sau khi có được quốc tịch Mỹ, tôi quyết định trở về làm việc tại Việt Nam. Một phần vì quay quắt nhớ nghề, một phần vì muốn giảm bớt chi phí trong gia đình khi bản thân vẫn chưa có được một công việc ổn định và sau cùng, tôi tràn trề hy vọng sẽ gây dựng lại mọi thứ khi được vẫy vùng trong cái Ao-Nhà quen thuộc của mình; Để rồi năm năm sau đó, tôi ê chề quay ngược về Mỹ vì chán ngán sự hèn kém đến cùng cực của giới lãnh đạo Cộng Sản; Sự thoái hóa đến đau lòng ở mọi lãnh vực văn hóa, xã hội nơi quê nhà; Rồi ngay cả đến môi trường và con người kinh doanh cũng bắt đầu vẩn đục khi tôi biết được đằng sau cả ba dự án rất lớn (Khách sạn Hilton-Đà Nẵng, Khu du lịch Suối Tiên 2-Long Thành, khu resort Lux-Phú Quốc) mà tôi đang tham gia thiết kế đã phải ít nhiều bán lại cổ phần cho đám Trung Cộng khi mà những người đầu tư trong nước không thể vay được nguồn vốn từ các ngân hàng địa phương. Những thương vụ ma quỷ được khéo léo che đậy đằng sau những mối trung gian ma quỷ không kém nào đó!
Thật ra công việc bên quê nhà vẫn còn nhiều, những mối quan hệ trong nghề vẫn email rủ tôi về để làm chuyện này, chuyện nọ nhưng tôi nhã nhặn từ chối. Con cá dù có nhỏ nhoi, dù có phải sinh tồn trong một vũng nước ao tù đi nữa, cũng rất cần có được một chút không khí trong lành để thở.
Nhớ lại tuổi thanh xuân ngày xưa, tôi bỏ ngang năm cuối bậc phổ thông để đi học lái xe tải, ít lâu sau bắt đầu khởi nghiệp với nghề tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch và rồi qua bao năm tháng thăng trầm… vẫn là cái mệnh trời đó chăng? Và một lần nữa tôi trở về với khởi đầu của chính mình: Tôi Lái Xe…
Chuyện chạy Uber hoàn toàn nằm ngoài dự kiến bởi hai lý do:
Thứ nhất là trước đó, ngay khi quay về Mỹ, tôi đã được chính thức tuyển dụng vào làm việc cho công ty khổng lồ Prime Now của Amazon. Một loại dịch vụ shopping và delivery tận nhà tại các siêu thị thực phẩm cao cấp Whole Foods Market, dành phục vụ riêng cho giới khách hàng có tiền nhưng ít thời gian hoặc lười đi chợ mua sắm. Công việc thật đơn giản, thu nhập cao, hoàn toàn độc lập và ít bị ràng buộc về thời gian nên tôi tràn trề hy vọng vì quá phù hợp với bản tính của mình. Thật sự thì Prime Now đã rất thành công tại một số các thành phố lớn ở vùng East-Coast Hoa Kỳ, chính vì thế mà Amazon đã tiếp tục bỏ ra cả núi tiền để đầu tư và phát triển thêm tại các thành phố sầm uất, giàu có bên West-Coast, thế nhưng không hiểu vì sao mà loại dịch vụ này hầu như đã biến mất chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động tại tiểu bang California. Hiện nay, Prime Now đang sống một cách thoi thóp ở một số ít các khu cư dân sang trọng của Los Angeles và Quận Cam. Thêm một lần nữa, tôi lại đánh mất một cơ hội tốt để thực hiện lại “Giấc Mơ Mỹ”, vốn dĩ đã trở nên muộn màng của mình!
Lý do thứ hai, tôi hoàn toàn nghi ngại về công việc mưu sinh này. Xứ Mỹ là xứ của xe hơi. Chiếc xe bốn bánh ở Hoa Kỳ quá thông dụng như một chiếc gắn máy bên Việt Nam vậy. Việc sở hữu thật dễ dàng khi chỉ cần khoảng 1,500 đô la là có thể mua được ngay một chiếc xe hơi đã qua sử dụng nhưng vẫn ở trong tình trạng khá tốt. Một thực tế hiển nhiên ở xã hội Mỹ, dù chỉ là một gia đình có mức thu nhập trung bình khá, có bao nhiêu con người sinh sống trong đó là cần phải có bấy nhiêu cái xe để di chuyển trong những sinh hoạt thường nhật. Vấn đề cũng dễ hiểu thôi, trong một đất nước vừa rộng lớn, vừa đông dân với nhu cầu đi lại cao như thế mà các dịch vụ giao thông công cộng tại hầu hết các tiểu bang chỉ có cho vui vậy thôi!
Và khi không còn sự lựa chọn khác nữa, tôi khởi đầu “Doing Uber” vào đầu mùa hè 2017.
Những chuyến đi hằng ngày đều đặn lăn bánh về phía trước, để lại phía sau những mẩu chuyện buồn vui với các riders (nghĩa tiếng Việt là “khách đi xe”), mà chính nhờ thế, giúp tôi hiểu được nhiều hơn về đất nước, về con người Mỹ. Vâng, mọi chuyện vẫn còn mới nguyên, cứ như là tôi vừa đặt chân đến đây vào ngày hôm qua vậy…
Doãn Quốc Vinh
No comments:
Post a Comment