Jul 10, 2019

TRẦN ĐẠI LỘC, VẺ ĐẸP, NIỀM VUI





[...]

Lộc đến với đời và rời khỏi đời đều trong cung cách cố hữu của anh, là nhẹ nhàng và giàu tình. Cá tính, cách đối phó và tổ chức công việc, cũng như việc thực hiện các thú vui nghệ thuật của anh tuyệt nhiên không bao giờ ồn ào. Nhưng không phải là âm thầm lặng lẽ, vì cái tình của anh đối với mọi người mọi việc luôn luôn nồng nhiệt một cách trong sáng, làm cho đời sống lúc nào cũng đầy vẻ tích cực và vui.

Quê nội của Lộc ở Bạc Liêu, quê ngoại Châu Đốc, hai địa danh gợi những nét điển hình của vùng Nam Kỳ lục tỉnh, và cũng gợi ý một kết hợp tinh hoa nơi một con người. Ba của anh là một giáo chức từ thời Pháp thuộc, má anh thuộc giòng dõi họ Lê Công, một vọng tộc có công khai phá vùng Châu Đốc. Lộc ra đời tại Bạc Liêu ngày 2 tháng Năm, 1942, tuổi Nhâm Ngọ. Anh theo gia đình từ tỉnh nhà lên Sài Gòn từ nhỏ, học trung học cho đến Tú Tài 1 tại trường Pétrus Ký, năm Đệ Nhất chuyển sang Chu Văn An vì Pétrus Ký không mở lớp Đệ Nhất C, đậu Tú Tài 2 năm 1960.

Lộc bắt đầu theo học Đại học Văn khoa từ niên khóa 1960 - 1961, học liên tục cho đến khi lấy xong Cử nhân. Vừa đi học anh vừa đi dạy giờ tại trường Petrus Ký, và khi xong Đại học thì anh thành giáo sư chính thức của trường. Sau cuộc đảo chính ông Diệm năm 1963 Lộc mới bắt đầu gia nhập những hoạt động sinh viên, thanh niên, như Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội, Chương trình Công tác Hè 65, Chương trình Phát triển Sinh Hoạt Thanh niên Học đường (CPS), Phong trào Du Ca... Trong hoạt động thanh niên anh là một huynh trưởng mẫu mực, thiết tha với tuổi trẻ, và có tài tổ chức. Bản tính vui vẻ hồn nhiên, Lộc là một người hoạt náo viên, là một tay tác động rất giỏi trong mọi loại sinh hoạt. Anh cùng Đỗ Quý Toàn và Lê Đình Điểu viết chung cuốn Hướng Dẫn Sinh Hoạt Thanh Niên, do THN xuất bản năm 1966.

Lộc được cử làm Công Cán Ủy Viên tại bộ Giáo Dục đặc trách Phong trào Học Đường Mới vào năm 1966. Học Đường Mới là một chương trình cải cách giáo dục, đem các sinh hoạt thanh niên vào học đường để bổ túc cho việc học văn hóa nhằm phát triển con người học sinh một cách toàn diện, vào năm 1966 làm thí điểm tại bốn trường lớn ở Sài Gòn là Petrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương và Gia Long; vai trò của Lộc là điều hợp các hoạt động ngoại khóa của các thí điểm và các trường khác. Mùa hè năm này, Lộc đi Mỹ trong ba tháng với Đoàn Viết Hoạt để quan sát và nghiên cứu cách hoạt động về loại này ở các trường học Hoa Kỳ.

Việc thí nghiệm Học Đường Mới chấm dứt vào năm 1967, Lộc thôi công tác tại bộ Giáo Dục, về dạy môn triết học tại trung học Nguyễn Trãi, Sài Gòn, cùng lúc đảm nhiệm Trưởng Khối Nghiên Huấn của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS), lúc này được đưa vào như một bộ phận trực thuộc bộ Giáo Dục. CPS từ năm 1969 có trụ sở tại đường Đinh Tiên Hoàng cạnh sân Hoa Lư, tại đây Lộc cùng bạn bè đã có "những ngày vui" với các sinh hoạt văn nghệ và thể thao (vũ cầu, bóng bàn, đánh kiếm...) được tổ chức tại Phòng Đa Dụng. Thời gian này Lộc trở thành một tay vũ cầu vào hạng khá, nhất là khi đánh đôi đứng chung với H.Đ. Vào khoảng năm 1971, 72 Lộc có đi Tây Đức một chuyến với Nguyễn Ngọc Thạch tham dự một hội nghị quốc tế, nhân dịp này anh đi một số nước Âu châu như Thụy Sĩ, Ý. Cũng trong những năm đầu thập niên 70, trường Đại học Sư phạm Sài Gòn tổ chức khóa Khải Đạo để huấn luyện giáo sư môn này cho các trường trung học trên toàn quốc, Lộc đã được trường mời giảng dạy và hướng dẫn môn sinh hoạt thanh niên.

Bước ngoặt lớn xảy ra năm 1973 khi Lộc và một số bạn được biệt phái qua làm việc cho Phủ Tổng Ủy Dân Vận. Từ khi ra đời làm việc vẫn ở trong ngành giáo dục, đây là lần đầu tiên bước vào một lãnh vực khác, nhiều màu sắc chính trị và chính quyền. Lộc được cử làm Đại diện Dân Vận vùng Bốn, văn phòng đặt tai Cần Thơ, cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Đi "học tập cải tạo" tại vùng Bốn trong hơn hai năm, người đi thăm nuôi Lộc vẫn là bà mẹ già, vì cho đến ngày chế độ miền Nam chấm dứt thì Lộc vẫn chưa chấm dứt cuộc đời độc thân của mình. Ra tù về sống với mẹ tại Sài Gòn từ đầu năm 1978, đến 1983 Lộc mới lập gia đình với Hoàng Thị Chu và liên tiếp trong hai năm sau đó có hai con, một gái một trai.

Lộc đi Mỹ cùng gia đình năm 1993 theo diện HO, làm việc tại báo Người Việt (Westminster, Calif.) cho đến khi phát giác ra bệnh ung thư gan vào cuối năm 1996, qua đời ngày 30 tháng Chín 1997 tại Fountain Valley.

[...]

Phạm Phú Minh
https://banvannghe.com/a6031/tran-dai-loc-ve-dep-niem-vui-pham-phu-minh

***

Cha xưa (Trần Đại Lộc) 



con trai nay (Trần Đại Hiệp)










và con gái Trần 






No comments: