Jul 23, 2019
TIẾNG SÁO MỤC ĐỒNG - NGUỒN GỐC 10 BỨC TRANH CHĂN TRÂU
[...]
Bách Trượng Hoài Hải có một người đệ tử tên là Quy Sơn Linh Hựu (771 - 853), dựng lập đạo tràng ở núi Quy với một ngàn đồ chúng. Trong những ngày đầu xây dựng đạo tràng, Quy Sơn có một người bạn đồng song là ngài Đại An đến để giúp nuôi dạy đồ chúng. Đến khi Quy Sơn mất, Đại An được mời làm Hòa thượng Đường đầu kế thế tông môn để giáo dưỡng và đào luyện tăng chúng. Đầu tiên, ngài Đại An khai sinh ra một câu chuyện về chăn trâu. Sau đó, câu chuyện này thành nguồn cảm hứng rộng rãi trong thiền môn, dần dần các bức tranh chăn trâu và các bài thi tụng xuất hiện.
Ngay khi thiền sư Quy Sơn Linh Hựu viên tịch, ngài Đại An thăng tòa thuyết pháp. Bài pháp đầu tiên rất đáng để chúng ta lưu ý. Ngài nói rằng: "Các ông mỗi người đều là Phật. Tại sao lại vác Phật nhà mình sang nhà hàng xóm tìm Phật làm gì?" Nghĩa là tự trong thân tâm của chúng ta, ai cũng có hàm tàng bản chất Phật hay Phật tánh; thế mà chúng ta không nhận Phật ngay chính mình, lại đến đạo tràng này đạo tràng nọ để tìm Phật. Ngài nói tiếp: "Ta ở Quy Sơn ba mươi năm. Ăn cơm ở núi Quy, mặc áo may ở núi Quy, đại tiểu tiện ở núi Quy mà ta chẳng học thiền ở núi Quy. Ta chỉ làm một việc là chăn con trâu của ta thôi. Và những ngày đầu rất cực vì lơi lỏng là trâu cứ liên tục xổng chuồng, đi vào dẫm đạp mạ của người khác. Thế nhưng qua nhiều năm chăn giữ, trâu bây giờ dễ thương làm sao, luôn ở trước mặt, đuổi cũng không đi."
Đó là bài pháp đầu tiên gợi cho chúng ta về đề tài "chăn trâu". Tất nhiên pháp ngữ của thiền sư Đại An liên hệ đến cơ duyên ngộ đạo từ Mã Tổ đã khai thị cách chăn trâu trước đó. Thế nên, từ thời nhà Đường rồi trải qua nhiều trăm năm đến thời nhà Tống, nhiều thế hệ thiền sư tiếp nối nhau truyền trao cảm hứng tu chứng và tiếp Tăng độ chúng của mình, để cuối cùng cụ thể hóa tiến trình này bằng những bức tranh chăn trâu và thi tụng như văn bản ta hiện có.
[...]
Thích Phước Tịnh
Trích "Tiếng Sáo Mục Đồng"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment