Ngày xửa ngày xưa, tại một lâu đài gần sông Hồng, có một vị đại quan sống cùng với cô con gái tên là Mị Nương.
Cũng như các tiểu thư khác, Mị Nương sống kín trong phòng the, tránh xa những đôi mắt nam giới ngưỡng mộ nàng. Nàng trú ngụ trong phòng riêng trên đỉnh một ngôi tháp. Nàng thường ngồi trên chiếc ghế bên cạnh cửa sổ hình trăng khuyết, đọc sách hay thêu thùa, hoặc chuyện trò với người tì nữ, và thỉnh thoảng lại nhìn chăm chú về phía vườn và dòng sông.
Một ngày nọ, khi nàng đang ngồi bên khung cửa xa, văng vẳng từ xa một giọng hát trầm ấm ngọt ngào. Nàng nhìn ra và thấy chiếc thuyền câu đang ngược dòng sông.
“Em có nghe thấy gì không?” nàng hỏi người tì nữ. “Tiếng hát chàng trai mới tuyệt vời làm sao!” Nàng tiếp tục lắng nghe khi giọng hát đến gần hơn.
Mối tình của tôi như bông hoa trong gió sớm.
Mối tình của tôi như ánh trăng trên ngọn sóng.
“Hẳn là chàng đẹp trai và nhã nhặn,” Mị Nương nói. Nàng chợt thấy rùng mình. “Có thể chàng biết mình ở đây và hát chỉ để mình nghe!”.
Mắt người tì nữ chợt sáng lên. “Thưa quý nương, có thể chàng là con của một vị quan, giả dạng người lái đò – chàng chính là người mà quý nương sẽ kết đôi theo định mệnh.”
My Nương thấy mặt nóng bừng và trái tim bồi hồi. Nàng cố gắng hình dung ra nét mặt của chàng, nhưng thuyền chàng đã trôi quá xa nên nàng không thể thấy rõ chàng nữa. Cả thuyền lẫn tiếng hát lướt nhẹ ngược dòng sông và trôi xa.
“Đúng vậy,” Mị Nương nói khẽ. “Có thể chính chàng.”
Suốt ngày dài, Mị Nương ngồi đợi bên cửa sổ, hy vọng được nghe tiếng hát của chàng lần nữa. Ngày hôm sau và ngày kế tiếp nữa nàng cũng ngồi đợi. Nhưng tiếng hát không quay trở lại.
“Sao chàng không đến?” nàng buồn rầu hỏi người tì nữ.
Và ngày trôi qua, Mị Nương càng xanh xao yếu đuối. Cuối cùng, nàng vào giường và nằm đó.
Viên quan cha đến thăm con gái. “Này con gái, có chuyện gì vậy?”
“Không có chuyện gì đâu, thưa cha,” nàng yếu ớt đáp.
Viên quan cho gọi y sĩ đến. Nhưng sau khi nhìn Mỵ Nương, vị y sĩ nói với viên quan, “Tôi không thấy cô nương có bệnh tật gì. Và vì không thấy bệnh, tôi không thể cho thuốc chữa.”
Nhiều tuần lễ qua đi, Mị Nương không khỏe hơn. Một ngày nọ, người tì nữ đến thưa chuyện với viên quan.
“Thưa ngài, con biết được tại sao cô nương ngã bệnh. Cô nương đang ốm vì tình. Để chữa hết bệnh này, ngài cần phải tìm cho ra anh chàng đẹp trai và nhã nhặn đã hát bài hát này.” Rồi người tì nữ hát khúc ca đó cho viên quan nghe.
“Ta sẽ làm điều này,” viên quan nói, và ông cho người truyền thông điệp đi loan tin ngay lập tức.
Vài ngày sau, người truyền thông điệp trở về.
“Thưa ngài, trong vùng này không có chàng trai trẻ nào biết bài hát đó. Nhưng ở một làng gần đây, hạ thần biết một ngư nhân tên là Trương Chi hát được bài ấy. Hạ thần đã đem chàng ngư nhân đó về đây.”
“Một ngư nhân?”, viên quan hồ nghi hỏi. “Hãy dẫn người ấy vào đây gặp ta”.
Người đưa tin dẫn Trương Chi vào. Chàng ngư nhân bối rối đứng trước viên quan, đôi mắt mở rộng nhìn căn phòng trang hoàng rực rỡ.
Ông quan kinh ngạc, nói không nên lời trong một lúc. Chàng trai nọ không trẻ cũng chẳng điển trai. Quần áo anh ta mặc rách tơi tả và tanh hôi mùi cá. Chắc chắn là không xứng đáng với con gái ta! Viên quan nghĩ vậy. Con gái ta hẳn không biết điều ấy…
Viên quan ra lệnh cho người đưa tin: “Hãy đem chàng trai này đến trước cửa phòng của cô nương và để hắn hát bài ca đó.”
Theo dấu hiệu của người đưa tin, anh bồi hồi bắt đầu hát.
Mối tình của tôi như bông hoa trong gió sớm.
Mối tình của tôi như ánh trăng trên ngọn sóng.
Mối tình của tôi như ánh trăng trên ngọn sóng.
Bên trong phòng ở bên kia cánh cửa, Mị Nương mở choàng mắt. “Chàng đã tới đây!” nàng thốt lời với người tì nữ. “Sao lại có thể thế được? Ồ, hãy giúp ta thay xiêm y!”
Mị Nương ra khỏi giường. Chưa bao giờ nàng trang phục nhanh như thế, chải gọn tóc, và ngồi chỉnh tề. Khi tiếng hát đến gần hơn, nàng như một nàng tiên trong chiếc áo bay bổng.
“Hãy mở cửa ra!” nàng nói, cố gắng trấn tĩnh nhịp tim đang đập mạnh. Nàng khép nép đứng bên song cửa, đôi mắt nhìn xuống theo dáng điệu của một người con gái khiêm tốn.
Cánh cửa mở rộng. Trương Chi thu người lại, chẳng biết mình mong đợi gì. Bỗng nhiên chàng thấy đứng trước mình là một người đẹp mình chưa từng thấy. Chàng chợt thấy trái tim thổn thức, và vào lúc đó chàng cảm thấy một mối tình sâu xa và vô vọng.
Mị Nương không thể đợi lâu thêm nữa. Nàng ngước mắt hướng về phía người mình đã từng thầm yêu. Nàng tròn mắt nhìn và bật cười.
Đây là chàng công tử con quan? Đây là mối tình định mệnh của ta? Tại sao? Đây chỉ là một ngư nhân tầm thường! Ta thật ngu muội đã thầm yêu trộm nhớ người này!
Nàng phá cười, ngoảnh mặt đi và nói thầm: “Đóng cửa lại!”
Cửa đóng xập trước mặt chàng Trương Chi. Chàng đứng lặng người, bên tai vẫn nghe giọng cười của người đẹp. Chàng cảm thấy trái tim mình lạnh cứng.
Trương Chi được đưa trả về nhà. Chàng không thể đi lại như trước. Ăn không ngon, ngủ chẳng yên, gương mặt xanh xao và ngã bệnh. Chàng không bận tâm đến chuyện sống chết nữa.
Và cứ thế, đến một ngày nọ chàng chết.
Người dân làng thấy chàng nằm trên manh chiếu trong túp lều của mình. Trên ngực chàng có một viên pha lê lớn.
“Cái gì đây?” một người đàn ông hỏi.
“Đó là trái tim của anh ta,” một bà già trí tuệ đáp. “Tiếng cười của công nương đã làm anh bị tổn thương nặng đến độ trái tim phải hóa đá để anh không cảm thấy đau thương nữa.”
“Chúng ta phải làm gì với trái tim này?” một người đàn bà trẻ hỏi. “ Trái tim này cũng đáng yêu như lời những bài hát của anh.”
“Chúng ta nên đặt trái tim vào chiếc thuyền của anh,” một người đàn ông trẻ khác nói, “và cứ để vậy cho thuyền trôi ra biển.”
Vào lúc hoàng hôn, họ đặt trái tim hóa pha lê vào chiếc thuyền của chàng
ngư nhân tại bến neo thuyền. Rồi với nỗi niềm thương tiếc, họ nhìn
chiếc thuyền xuôi dòng và khuất dần.
Thế nhưng chiếc thuyền không trôi ra biển. Nó lại trôi vào bến gần dinh
thự của viên quan lớn. Vào đúng buổi sáng hôm ấy, viên quan đi bộ dọc
bờ sông và nhìn thấy chiếc thuyền.
“Chúng ta tìm được cái gì đây?” viên đại quan hỏi và tiến tới nhặt viên
pha lê lên. Ngài xăm xoi và chiêm ngưỡng viên pha lê trong lòng bàn
tay. “Tặng phẩm của dòng sông cho ta mới đẹp làm sao!”
Một vài ngày sau, khi không ai đến đòi lại viên pha lê, viên đại quan
cho người làm thành một tách trà. Ngài mang tách trà ấy đến phòng của
Mỵ Nương.
“Cha có quà cho con gái rượu của cha đây,” ngài nói.
“Ôi thưa cha, tách đẹp quá! Con phải dùng tách này để uống trà ngay mới được.”
Khi viên quan rời phòng, Mị Nương nói với người tì nữ “Đã khuya rồi, em đi nghỉ đi. Nhưng hãy pha trà để ta uống bằng chiếc tách này.”
Người tì nữ làm xong bổn phận và ra khỏi phòng. Mị Nương rót trà vào tách, thổi tắt ngọn nến trên bàn, và mang tách trà đến chỗ ngồi gần cửa sổ. Ánh trăng rằm soi sáng căn phòng, và nàng nhìn ra ngoài, ngắm ánh trăng long lanh trên mặt sông. Hoa nở ngoài vườn tỏa hương thơm phức.
Mị Nương nâng tách trà lên môi. Nhưng khi sắp nhấp ngụm thì nàng la lên vì kinh ngạc và sợ hãi. Nàng vội vã đặt tách trà xuống ghế.
Nhìn vào tách nước trà, nàng thấy gương mặt chàng Trương Chi đang nhìn nàng chăm chú với ánh mắt đầy yêu thương. Và trong giây phút ấy, giọng hát ngọt ngào của chàng tràn ngập căn phòng, nghe vẫn quen thuộc nhưng có chút thay đổi.
Mị Nương như bông hoa trong gió sớm.
Mị Nương như ánh trăng trên ngọn sóng.
Và Mị Nương nhớ lại đôi mắt ngày nào chợt thấy qua khung cửa mở và cũng nghe lại tiếng cười chế nhạo của mình.
“Chàng ơi, em đã làm gì? Em tàn nhẫn vậy sao! Em nào có ý làm chàng đau khổ! Em không biết … Em xin lỗi chàng, em thật lòng xin lỗi!”
Thế là đủ. Tách trà liền tan biến, giải thoát hồn Trương Chi. Mị Nương nghe lại lần cuối tiếng hát bềnh bồng rời khỏi dòng sông.
Mị Nương như bông hoa trong gió sớm.
Mị Nương như ánh trăng trên ngọn sóng.
Mị Nương như ánh trăng trên ngọn sóng.
“Xin tạm biệt chàng,” Mị Nương khẽ nói. “Xin tạm biệt.”
Chỉ vài tháng sau đó Mị Nương được gả cho con trai của một vị quan lớn. Anh chàng trẻ tuổi, bảnh bao và nàng mỹ mãn vì mộng đã thành.
Thế nhưng, mỗi khi nhìn qua một khu vườn khác, thấy một cảnh sông khác, nàng vẫn thường xuyên nghe tiếng hát của một ngư nhân thổn thức trong tim.
Lời kể : Aaron Shepard
Minh họa: Joseph Daniel Fiedler
Người dịch: Doãn Quốc Sỹ
Minh họa: Joseph Daniel Fiedler
Người dịch: Doãn Quốc Sỹ
No comments:
Post a Comment