Aug 22, 2012

THUẬN NGHỊCH - Thích Phước Tịnh


Cặp mâu thuẫn thuận-nghịch làm nên sự sống của chúng ta.  Có người khổ không phải vì thiếu ăn hay thiếu mặc nhưng khổ vì chuyện phải quấy thị phi của nhân gian. Phải-quấy của xã hội cứ thế làm cuộc đời của chúng ta quay tròn như chong chóng. Chúng ta cứ xoay vòng mãi, chẳng bao giờ đứng yên được trước những thuận nghịch, thị phi cuộc đời.

Các bậc đạo nhân Đông Phương có một cái nhìn rất bình ổn đối với cuộc đời thuận và nghịch. Ví dụ trong sách cổ có đoạn Khuất Nguyên là người làm quan với triều vua Sở. Ông là người đem tất cả hùng tài tráng chí của mình để cống hiến cho quốc gia. Thế nhưng vua Sở không tin dùng, loại bỏ ông khỏi triều đình. Khuất Nguyên rất nhiệt tình nghĩ mình là nhân vật quan trọng, nếu thiếu mình, nền hành chánh của một quốc gia sẽ sụp đổ, sự cường thịnh của một quốc gia cũng không còn. Cho nên khi bị thảy ra khỏi quan trường, ông rất đau khổ. Ông lang thang, trở thành một người bất bình thường. Trên đường đi dọc theo dòng sông Bạch La, ông gặp một ông lái đò. Ông lái đò hỏi:
- Thưa ngài có phải là Tam Lư Đại Phu không?
Khuất Nguyên đáp:
- Vâng, tôi là Tam Lư Đại Phu
- Tôi nghe nói ông đang khổ đau vì triều đình không dùng tài của ông, đúng vậy không ạ?
Khuất Nguyên đáp:
- Vâng, tôi đang rất khổ đau.
- Vì sao ông khổ đau?
- Cả đời đục hết, một mình ta trong. Cả đời say hết, chỉ mình ta tỉnh. Ta muốn đem cái sở học của mình, cái tỉnh của mình để dạy cho người mà không được. Họ chối từ ta, vì vậy ta khổ.
Ông lái đò bảo:
- Nếu cả đời đục hết, tại sao ông quậy bùn lên. Nếu cả đời say hết, tại sao ông không uống thêm rượu, ăn luôn cả bã hèm? Làm vậy để ông cùng một thể với thiên hạ. Cớ gì ông phải khổ đau như vậy?
Khuất Nguyên nói:
- Điều ông nói, ta không thể làm được. Ta nghe rằng người đã tắm sạch, không thể mặc lại bộ đồ dơ. Người đã xông hương rồi không thể trét bùn vào người lại. Vì vậy, ta thà chết, không thể làm được điều ông nói.
Ông lái đò kia nghe Khuất Nguyên nói lời ấy, bèn chèo thuyền ra giữa sông mà hát một bài ca mang nhiều triết lý:

Sông Thương mà đục hề
Thì ta rửa chân ta
Sông Thương mà trong hề
Thì ta giặt mũ ta

Triết lý Đông Phương dành cho những người sống bình an trong cuộc đời bất an là chỗ đấy! Đức Phật cũng có cái nhìn như thế, khen sự thịnh-suy, phải-quấy của cuộc đời giống như cây hoa ở thời tiết bốn mùa. Ngô thì hưng hoá như tứ thời mọc. Ngài xem sự hưng thịnh của cuộc đời như cây bốn mùa. Mùa xuân cây đâm chồi. Mùa hạ trái chín. Mùa thu lá vàng. Mùa đông trụi cành, thu nhựa sống về ngược lại trong thân tiềm phục lại, để qua mùa xuân lại nẩy mầm tiếp.

Tóm lại, nhìn sự thuận-nghịch của xã hội, của cuộc đời bằng cách nhìn của đạo gia, mình đã có đủ sự an lạc. Nếu nhìn bằng cái nhìn của con mắt Đức Thế Tôn, mình trở thành người hạnh phúc dù mình ở bất cứ một xã hội nào.

Trích “Tín Tâm Minh” – Thích Phước Tịnh

No comments: