Aug 8, 2012

Lục Bát Tùy Bút - Doãn Quốc Vinh - LỜI GIỚI THIỆU


Bố Sỹ đọc Lục Bát Tùy Bút…

Thể “Lục Bát Yêu Vận”  là thể thơ độc đáo của người Việt nam! người Nhật Bản có loại thơ còn ngắn hơn gọi là “Hai Cú”. Vinh đã dung hoà được thể thơ Lục Bát độc đáo của Việt Nam , ứng dụng song hành với thể thơ độc đáo ngắn ngọn “Hai Cú” … chỉ với 2 câu Lục Bát, Vinh dí dỏm chơi với 2 chữ “Tình Nhân“ và “Nhân Tình“ :  

Nhân tình… chín cõi hỗn mang
Tình Nhân… một cõi đi hoang vội vàng
[Tình Nhân]

Trong bài Đá Trăng với 4 câu Lục bát , Vinh khởi sự với 2 câu phảng phất nét ca dao:

Trăng ơi… bao tuổi trăng già ?
Đá ơi… bao tuổi gọi là đá non ?
và đi đến kết luận dung dị cũng rất ca dao:
Hợp tan… ấy lẽ vuông tròn
dăm ba năm nữa ai còn ai không ?
[Đá Trăng]

Đi vào chiều sâu suy tư hơn nữa : con người có hướng thiện đấy ! nhưng khốn nỗi chào đón nơi  này, quyến rũ nơi kia , khi bừng tĩnh đã thấy mình lạc sâu vào Tham, Sân, Si lúc nào không hay: 

Ới Trời… Ới Phật từ tâm …
con nào có muốn ôm nhầm thị phi
Ới Đời… mê bước mải đi
lỡ chân dẫm nát sân si chẳng ngờ
[LạyTrời lạy Phật]

Đôi khi, Vinh như chợt bừng tỉnh giữa thực cảnh chua xót của xã hội mình đang sống. Bốn câu thơ Lục Bát thật cô đọng, dựng lên cả một thực tại chua xót não nề:  

Gái kia hai tuổi… ăn mày
Trai kia tám tuổi… dạn dầy bất lương
mươi tuổi… bỏ học thôi trường
còn Em bao tuổi… cùng đường bán thân ?
[Tuổi Thơ Các Em]

Người xưa, khi đề cập đến điều quá phong phú hay quá phức tạp, thường thốt lên :“Dư Dục Vô Ngôn“.… Vinh đã khéo nói lên được cái “Dư Dục Vô Ngôn“ đó qua lời của  người cha nhắn nhủ đến đứa con đang vui chơi thả diều:
Trời lồng lộng…
Đất mênh mông…
thả đôi diều trắng bềnh bồng lên mây
thơ ngây ánh mắt đong đầy
bay đi con nhé những ngày còn thơ
bay theo sợi chỉ vàng tơ
gởi lên xanh thẳm ước mơ giữa trời…
[Thả Diều]

Vẫn hồn nhiên vui với con trẻ bên ngoài , vẫn đi sâu vào suy tư thăm thẳm bên trong và đó chính là điều mà Vinh đạt được đây đó qua vần “Lục Bát Tùy Bút“…

Bố Doãn Quốc  Sỹ
Houston 2004


Ngày đó... Bây giờ
Ngô Thùy


Hai mươi năm trước khi còn trong bụng má Thùy em Ni đã bắt đầu làm quen với Hội Ca cầm.  Lúc ấy chú Hưng thường cong lưng đạp xe lên Bà Chiểu chở má Thùy về Thành Thái trước khi tía Dũng hoàn tất công việc trong ngày, để sau đó mọi người quây quần đàn hát với nhau cho tới quá nửa đêm. Ngày đó em Ti và em Ni, hai nhân vật đầu tiên của thế hệ thứ ba, là trung tâm của sự chăm sóc, thương yêu của tất cả mọi người trong Hội Ca cầm. Ngày đó mỗi cuộc họp mặt là một lễ hội tưng bừng, chỉ cần một cây đàn của chú Hưng và sự có mặt đầy đủ của “quần hùng” với anh bầu Hai Lộc là có thể thâu đêm suốt sáng. Những đêm “ăn chơi trác táng” đó bao giờ cũng kết thúc với kế hoạch cho cuộc vui kế tiếp dù điều đó có nghĩa là bà ngoại phải lui cui chuẩn bị thức ăn cả cho lũ con cháu (nuôi) trong khi gia đình vẫn còn phải ăn dè. Và nếu bà ngoại là người chăm lo cho lũ nhỏ được ấm bụng thì ông ngoại là người cung cấp thức ăn tinh thần cho các con cháu với những bài thơ và những giai thoại dung dị mà thấm đọng thật lâu.

Hai mươi năm sau, lũ nhóc của thế hệ thứ ba đã tiếp tục, lục tục chào đời trong một môi trường sống tiện nghi hơn với cửa ngõ mở ra một thế giới rộng lớn hơn. Cùng lúc đó cuộc sống cũng đẩy thành viên của Hội Ca cầm đến những ngả ba sông, những chia lìa mất mát cũng đã xảy ra từ đó. Những buổi họp mặt vắng dần rồi thưa thớt hẳn, chỉ còn lại những tối giao thừa khi đám con cháu còn lại ở Sài gòn tụ tập nhau mong làm sống lại cái không khí thính phòng ấm cúng một thời.

Giờ đây mọi người đều đang hối hả đi về một nơi nào đó, cố sức làm cho xong một công việc nào đó để đạt được một cái deadline nào đó. Áp lực này đè nặng lên không chỉ bác Khánh, bố Vinh... mà còn lên cả em Gân, em Thư, em Bí, em Nô, em Oui. Mỗi sáng không biết có bao nhiêu em Oui trong thành phố bị đánh thức khỏi chỗ ngủ ấm áp để mắt nhắm mắt mở ngồi lên xe cho bao nhiêu bố Hưng mẹ Hòa chở đi nhà trẻ? Bố mẹ đi làm, lũ nhóc bé xíu cũng phải “đi làm” theo kiểu của mình. Có ai hình dung được nếu người lớn cảm thấy ngày đầu tuần đáng sợ ra sao thì đối với em Oui ngày đó còn đáng sợ gấp đôi?

Đã bao nhiêu năm kể từ ngày bố Hiếu, tía Dũng, bố Vinh, chú Hưng viết bản nhạc cuối cùng? Bao nhiêu lần trong những năm gần đây các ca sĩ hạng A, hạng B, hạng C của Hội Ca cầm được thực sự ngồi xuống và hát với tất cả tâm hồn? Tội nghiệp cho chú Đoàn Khoa, thành viên mới đầy nhiệt huyết mà lại chưa bao giờ được hưởng cái không khí thực thụ của Hội Ca cầm.

Mọi người đang hối hả đi về đâu? Tại sao lúc nào bác Khánh cũng tất bật giữa hai lớp học? Tại sao thời gian má Thùy ngồi ở sân bay và trên máy bay lại nhiều hơn thời gian ở nhà với em Gân? Tại sao đến cuối ngày lũ nhóc lại xìu xuống như quả bóng xì hơi và bố mẹ thì đã quên không biết phải nói chuyện âu yếm với con như thế nào trừ những lời quát tháo hoặc răn đe?Những bài thơ Lục bát tùy bút đã xuất hiện trong cái cảnh tất bật, hối hả ấy như một cái vỗ vai của bố Vinh để nhắc mọi người hãy chậm lại. Hãy dừng lại một chút để khám phá lại những điều sâu đậm, bền lâu hơn là cái đang xô đẩy mình đi tới. Tháng Giêng vẫn về, rồi tháng Mười Hai vẫn tới và thiên nhiên, đất trời vẫn quảng đại mang đến trong không gian những cái đẹp lặng lẽ chờ được chia sẻ. Trong những tất bật kia, những đôi lứa vẫn tiếp tục yêu nhau. Và người lớn chợt nhận ra nỗi thanh thản, hạnh phúc khi được vui chơi cùng con trẻ, khi Con thả đôi diều trắng bềnh bồng lên mây để khi gởi lên xanh thẳm ước mơ giữa trời... theo sợi chỉ vàng tơ, cũng đã gởi lại cho Bố cuộc đời, long lanh một thoáng rạng ngời bình an.Cám ơn Vinh đã rất “thật” trong những dòng tùy bút, đã khơi nguồn cảm xúc cho những người còn lại, và đã mở ra một cánh cửa vào thế giới thơ cho thế hệ thứ ba của Hội Ca cầm, đặc biệt là em Ni và em Gân của Dũng Thùy.

Tháng 3.2004
Ngô Thùy



ĐỐI ẨM ĐÔI BỜ
Trần Thị Bích Ngọc


Tĩnh lặng…
Không 1 tiếng pháo…
Chỉ mùi hương trầm và khói quyện quanh mâm cúng đơn sơ…
Đối ẩm với Kỷ Niệm “… cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau …”. Đây là một trong những lúc  mà thân phận của những người như tôi cứ trăn trở, tự hỏi đâu là nhà, để rồi buồn, rồi nhớ… Nhớ những lúc nôn nao chờ đón Tết (còn vui hơn là khi Tết đến thật sự) của những ngày xưa cũ, và nhớ cái thất vọng khi thấy không khí Tết thay đổi trong thời buổi kinh tế thị trường sau này. Nhưng có lẽ chính mình cũng đã thay đổi sau khi ra nước ngoài một thời gian quá dài chăng?

Nhìn lại mâm cúng mới giật mình thấy là trong lúc vội vã mua sắm chiều cuối năm đã thiếu quả đu đủ trong cái mâm cúng mà tối thiểu ra theo kiểu nói dễ thương của miền Nam là phải có “cầu, dừa, đủ, xài”. Nghĩ lan man mới thấy là câu này thật chí lý: không cầu có quá nhiều, chỉ cầu có vừa đủ xài thôi. Triết lý này tuy đơn giản nhưng rất hay. Tuy nhiên nói thì dễ, làm thường khó hơn. Thế nào là “đủ” ?...Câu này càng khó trả lời với sự thịnh hành của nền kinh tế thị trường khi nhu cầu của ta không nhất thiết là  ta quyết định nữa rồi ! Còn như thân phận của những người cứ trăn trở đâu là nhà, cứ nhấp nhổm bên này bên kia, như tôi, thì thế nào là có “đủ” hương vị quê nhà?

Ở Việt Nam được bơi lội thỏa thuê trong tình thân và thương của gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng cũng có lắm lúc tôi thấy mình cô đơn trong những suy nghĩ của mình (nhiều phần được hình thành từ môi trường sống bên ngoài  với hoàn cảnh và điều kiện rất khác). Không vui vì vẫn cảm thấy có những hàng rào vô hình và những trông đợi đặt ra cho Việt kiều, 1 tập thể thường bị khái quát hóa như giống nhau trong khao khát, trong quan tâm, trong sở thích… Về lại Mỹ thì có tự do hơn trong tư tưởng và hành động của mình, nhưng lắm lúc cũng thấy cô đơn trong môi trường đa dạng bên này. Nhiều người cứ “nói thánh nói tướng” (hay hy vọng) về việc hội nhập và hòa đồng … nhưng trên thực tế đa số đều quay trở về với cộng đồng riêng của mình (theo chủng tộc, màu da, theo giai tầng xã hội, theo định hướng tình dục, sexual orientation v…v…). Nếu ta không nằm trong những cộng đồng đó thì cứ tiếp tục solo trên con đường của mình! Có điều tôi tự nghiệm cho mình, sau hơn chục lần đi đi, về về Việt Nam , là có lẽ ta sẽ không hoàn toàn vui trọn vẹn ở 1 nơi nào hết, hoặc tìm thấy trọn vẹn và được chấp nhận như ở “quê nhà”. Có lẽ cái “đủ” nó đến trong tâm của ta; nó đến trong cuộc hành trình ta làm 1 việc gì đó cho 1 lý tưởng nào đó; nó đến trong quan hệ với những người chung quanh ta, ở Việt Nam có điều kiện qua lại dễ dàng hơn (tất nhiên không phải ai cũng có cơ hội này); “circle of love” ở mấy bờ đại dương có nhiều cơ hội được đón nhau và được chiều chuộng nhau thường xuyên hơn, Vui trọn vẹn trong những giây phút đó và giúp đỡ tận tình mọi người chung quanh ta. Thế là “đủ” quá rồi đấy chứ, mặc dù chưa chắc đã đạt được hoài bão mơ ước !

Ngồi nghe lại mấy bài nhạc Phạm Duy đêm giao thừa, đến giờ này vẫn thấy thấm thía những lời hát của Kỷ niệm, của Dạ lai hương, của Phượng yêu, của Tạ ơn đời, của Tìm nhau v...v… Trong quá trình “đi tìm” của mình (đi tìm người tình hay những giải pháp nọ kia cho những lý tưởng cao đẹp v…v…) tôi nghiệm thấy nhiều khi cũng nên chấp nhận là có thể chẳng có cơ may để   “… gặp nhau đôi tâm hồn được nghỉ ngơi …” đâu ! Ngay cả trong khả năng đó, tôi vẫn nghĩ  là “đủ“ nếu trên cuộc hành trình có nắng, có gió, có mây, có nước, có nụ cười (đôi khi hơi gượng gạo) và có thân tâm an lạc. Tất nhiên nếu có thức ăn ngon, có âm nhạc và cả “chai lọ” nữa thì tuyệt vời !

Mâm cúng đơn sơ của tôi cũng có quả đu đủ đấy chứ ! Nó có trong tâm thành chào đón năm mới với tinh thần an bình và tuyệt nhất, là có cả “Lục Bát Tùy Bút” của Doãn Quốc Vinh ngay bên cạnh nữa…
THẾ LÀ ĐỦ !
XIN CHÚC TẾT AI HẾT !

Trần.T.Bích Ngọc
Giao thừa Xuân Canh Thân,
(11:45 đêm California, 2/2004 Dương lịch)



LỜI BẠT
Đoàn Khoa


Chỉ  cần hai câu sáu-tám, những tâm cảnh Việt được diễn tả một cách tột cùng tinh tế, bí mật nào ẩn chứa đằng sau mười bốn ngôn từ đơn giản ?… tôi luôn tự hỏi, nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải thích. Phải chăng thể thơ mộc mạc này không chỉ chất chứa phần hồn mà còn có chút gì đó tạm gọi là máu thịt Việt Nam.

Là một trong những người đầu tiên được tác giả giới thiệu trước tập thơ này, có lẽ anh ta tin vào sự cảm nhận của tôi…

Giống như người độc hành trên con đường khô cháy bổng tìm thấy bãi cỏ xanh, tôi có cảm giác mình được xẻ chia những nỗi nhọc nhằn trong đời sống, đồng thời được động viên bằng một tình cảm thuần Việt…

Bắt đầu đi lạc vào khu vườn xanh của riêng mình, tôi như được nghĩ ngơi dưới bóng cây to, tôi nghe đâu đây tiếng chim hót, có thể trong tàn lá, biết đâu chúng đang làm tổ ?
… tôi thấy màu thời gian, tôi ngửi mùi của gió, tôi đưa tay khẽ chạm vào những giọt nước mưa còn đọng  trên mấy bông hoa dại…

Trái tim tôi không còn nặng trĩu, con đường dặm dài không còn xa thăm thẳm nữa,  tôi đứng lên, bước đi và hát…  

“…chiều rơi …rơi xuống vào lòng 
                                                          nhẹ tênh …”... "



Đoàn Khoa
Saigon 2004


ĐỌC “LỤC BÁT TÙY BÚT”…
Bồ Khánh An


Chú Vinh ơi,
Đọc “Lục Bát Tùy Bút” của chú Vinh xong con xúc động quá, phải mail ngay cho chú Vinh đây.

Nếu như con chỉ nói những bài tùy bút này “hay” thì thật quá tầm thường cho một lời khen tặng. Chú Đoàn Khoa thấy “lòng không còn nặng trĩu”, còn con thì thấy cho dù có hiểu được hết những gì chú Vinh muốn nói hay không, thì ít nhiều cũng cảm nhận được ngay cả những gì mình chưa được trải qua. Con không hề biết làm thơ, nhưng cho con được chia sẻ một chút cảm nhận của mình với chú Vinh nhe. Đây chỉ là những suy nghĩ hết sức nhỏ nhoi, khi con chỉ là con cháu trong nhà thôi.

Khi bắt đầu đọc bài thơ “Tuồng..”, con thích vì các âm thanh 'tùng cắc” nhưng sau đó thì vì cảm nhận được cuộc sống cũng giống như những cái “tùng cắc” vui tai và hấp dẫn đó. Chính vì vậy dù tôi và anh, kẻ “mặt phấn thoa” người “mắt mực vẽ” dù “dại khôn khó lường”, nhưng cả hai đều đã bị hấp dẫn bởi cùng một cái “tùng cắc” nên cũng có một sự đồng cảm để cùng “múa khúc thiện lương”. Có vẻ như việc “dại” hay “khôn” ở đây...doesn't matter anymore, as long as we are fated on the same boat.

Bài thơ “Tuồng..” chỉ là một trong những bài thơ mà con mê ơi là mê, nên khó ơi là khó để chọn một bài mà con thích nhất. Con sẽ đọc đi đọc lại và tìm một bài tuyệt vời nhất.

Con thích bài viết của Ông Ngoại quá vì đẹp và kiệm ngôn.
Cảm ơn chú Vinh làm thơ quá đẹp. Có lẽ vì con thấy được một chút xíu của mình ở mỗi bài thơ.

Con Ni-Bồ Khánh An
Saigon 2004

No comments: