Aug 14, 2012

Olympic 2012 - ANH QUÂN

Olympic 2012


Sau 16 ngày tranh tài của một giải thể thao lớn nhất trong hành tinh của chúng ta, đã để lại không biết bao nhiêu kỷ niệm cho người thi đấu, cũng như khán giả và cổ động viên thể thao. Với sự tham dự của 10,500 lực sĩ, cầu thủ và vận động viên trên toàn thế giới cho  tất cả 304 nội dung của 36 môn thể thao. Họ thi đấu thật là sôi nổi để mong đạt được chiếc huy chương. Người thắng với tiếng ca khải hoàn cùng với giọt lệ hân hoan. Người thua với nước mắt chua cay , vì Olympic là một sân chơi chỉ dành cho  những người giỏi hơn những người được xem là giỏi (best of the best) mà thôi.  

 Đây cũng là lần thứ ba chính thành phố London vinh dự đăng cai đại hội thể thao vĩ đại nhất thế giới này, (vì trên thế giới chưa có thành phố nào được ba lần cả). Cũng phải nói thật sự là Thể Thao đã trở “Về Nhà” đối với người Anh, vì người Anh là cha đẻ của một số môn thể thao cũng như sắp xếp nhiều môn thể thao vào khuôn khổ luật lệ . Từ các môn điền kinh, bơi lội, quyền anh, chèo thuyền, bơi thuyền buồm, đến đá banh, badminton, quần vợt và ngay cả bóng bàn. Ông Thị Trưởng London là Boris Johnson, một người luôn để cái đầu xù, trông như một anh hề nhưng vô cùng thâm thúy. Vào năm 2008, ông đã qua Bắc Kinh dự lễ bế mạc Olympic và nhận lá cờ thể thao để cho cuộc tranh tài cho năm 2012, thì ông cũng có một bài diễn văn vô cùng sắc bén, vì biết dân Trung Quốc mê bong bàn mà cũng là vô địch thế giới về bộ môn này nên Boris có nói ; Ping-pong được phát minh trên những bàn ăn ở Anh Quốc vào thế kỷ thứ 19. Nó được gọi là 'wiff waff'. Tại sao gọi Wiff Waff là vì khởi thủy của bộ môn này là người Anh chế nút chai làm quả bong, rồi dung cái nắp sắt của hộp thuốc lá làm cái vợt, mà khi mở nút chai rượu thì ta sẽ nghe tiếng Wiff trước sau đó là tiếng Waff, vì vậy cái tên mẹ đẻ của bong bàn là Wiff Waff.

Ông nói tiếp “Và ngay từ điều này quí vị đã thấy khác biệt căn bản giữa chúng tôi và phần còn lại của thế giới. Những quốc gia khác, người Pháp chẳng hạn, nhìn vào bàn ăn thì thấy cơ hội để ăn tiệc. Chúng tôi nhìn vào bàn ăn thì thấy cơ hội để chơi wiff waff. Và đó là lý do tại sao Luân Ðôn là thủ đô thể thao của thế giới. Và tôi xin loan báo với nhân dân Trung Quốc, và tôi xin loan báo với toàn thể thế giới: Ping-pong sẽ về nhà. Thể dục sẽ về nhà. Thể thao sẽ trở lại quê hương của nó.”

Cái thâm thúy của Boris cho thấy nước Anh là chủ nhà của bộ môn Ping Pong, còn anh Tàu là người đi thuê đất mà chơi Ping Pong, đến một ngày anh chủ đất chỉ nói là “không có ta thì mi làm sao chơi Ping pong” Với trên đời cũng chẳng có gì là vĩnh cửu như là vào cuối thập niên 50 và qua tới 60 thì nước Nhật là bá chủ môn Ping Pong. Đến thập niên 70 là anh chàng Thụy Điển, rồi tới giờ là anh trung Quốc nhưng anh đừng quá say men chiến thắng vì hiện giờ cho thấy mần non thiếu nhi môn Ping Pong tại hết châu âu  là người xứ Pháp thì thập niên tới thì có phải Pháp chăng. Thôi cứ theo cách “Wait” and “See” thì sẽ biết.

Ai cũng biết Hy lạp là nơi tổ chức Thế Vận Hội vào năm 778 trước công nguyên nhưng mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 19, Pierre de Coubertin người Pháp đã đứng ra thành lạp một ủy ban Olympic cho thời cận đại của chúng ta, nên ông được xem là cha đẻ của Olympic,  nhưng muốn có một tổ chức như vậy thì phải cần có người để lại một cái di sản thì từ đó chúng ta mới phát triển được như ngày hôm nay. Chính là người Anh họ đã làm và thật sự họ mới là nền tảng của Olympic , nếu lật lại trang sử vào năm 1850 có một ông bác sĩ tên là William Penny Brookes ở một ngôi làng nhỏ ở Shropshire có cái tên khá kỳ cục là Much Wenlock thành lập một vận hội Wenlock Olympian Society Vận hội này có khá nhiều trò kể cả điền kinh cũng như các cuộc thi nghệ thuật không mấy khác thế vận hội nghệ thuật hiện nay. Kẻ thắng ở Much Wenlock được đội vòng nguyệt quế. Nhưng vận hội này không bao giờ lan ra quốc tế. Ông Coubertine đã có đến thăm ông Brookes có ý định tổ chức một đại hội thể thao quốc tế ở một hình thức thật là qui mô và vĩ đại

Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc tại sao người Anh không mở rộng cái đại hội thể thao này. Thật ra lúc đó người Anh quá tự phụ trong việc đi chiếm đất làm thuộc địa. Họ đi tận xuống vùng Uc châu phía nam bán cầu. Vì thế họ có câu nói là “mặt trời không hề lặn dưới đế chế Anh” thì họ đâu nghĩ tới chuyện phát huy một thể thao thế giới. Bởi vậy nước Anh chỉ lo tổ chức “Vận Hội cho khối thịnh vượng” (Common wealth games).

Từ đó ông Coubertine lấy sang kiến của người Anh để thành lập ra một Olympic quốc tế và cái đầu tiên được tổ chức vào năm 1896 tại Athens – Hy Lạp. Vậy ta có thể nói ông Coubertine là cha đẻ của Olympic và làng Much Wenlock là nơi sanh của Olympic. Nên thế vào năm 1994 ông Juan Antonio Samaranch, lúc đó là chủ tịch Ủy ban Thế vận Quốc tế, đã tìm đến Much Wenlock mà đặt vòng hoa lên mộ ông Brooke vì ông Juan cho là chính ông Brooke mới là người thật sự sang lập ra Olympic hiện đại.

Khi một quốc gia tổ chức Olympic thì họ sẽ chọn hình tượng cho con Mascot. Đây là con vật tưởng tượng nhưng thường dựa một động vật đang sống ở quốc gia đó như con Mascot của Olympic 1976 tại Canada là con Beaver, tên của nó là Amik. Olympic 1980 tại Mạc Tư khoa là dựa theo con gấu vì xứ bạch dương này lắm gấu và có tên là Misha. Olympic 2000 tại Uc Đại Lợi là dựa theo con Wombat và có một cái tên dài dòng là con Fatso the Fat-Arsed Wombat. Olympic 2008 tại Trung Quốc thì dựa theo hình tượng phong thủy – Kim, Mộc , Thủy, Hỏa, Thổ và có tên là Fuwa. Còn Olympic 2012 tại London thì họ không chọn một động vật mà lấy từ chất kim loại, có nghĩa là khi xây cất sân Olympic thì phải pha chế các chất kim loại thì khi đổ kim loại vào khuông thì có những giọt kim loại chảy ra ngoài thì những giọt kim loại có hình thù khác nhau thì họ nhìn đó để thiết kế thành một con vật. Có thể đây cũng cho thấy nước Anh vốn là một quốc gia tiên phong về kỷ nghệ. Thì con Mascot của nước Anh chỉ có một mắt và mắt này tượng trưng một giọt kim loại rơi xuống có hình vòng tròn. Tên con Mascot của nước Anh có tên là Wenlock và đó là ý nghĩa sự ra đời của Olympic thời cận đại.

Bộ môn điền kinh mới là nòng cốt chính của Olympic vì thế cứ trong giải Olympic là sẽ có một số hình tượng thể thao như Olympic 1984 tại L.A – USA ai cũng nhớ tới Carl Lewis một lực sĩ nổi tiếng về môn chạy nước rút . Qua năm 1988 tổ chức tại Hán Thành – Đại Hàn  thì nói tới Ben Johnson của Canada nhưng sau đó tìm ra anh ta sử dụng thuốc thì chuyện thể thao hết nói nữa, biến thành chuyện lá cải về cuộc đời của Ben . Còn Olympic 2012 cho thấy anh chàng Bolt từ Jamaica chạy nước rút y như sao xet  và  Michael Phelps của Mỹ là một con kình ngư trong bơi lội. Chuyện của Bolt và Phelps là hai đề chính cho báo chí và truyền thong bàn luận trong 2 tuần Olympic. Tuy nhiên phải nhắc tới con nữ kình ngư 16 tuổi của Trung quốc là Ye Shiwen. Cô đã được hai huy chương vàng trong bộ môn bơi lội.

Phải nói lần này là Hoa Kỳ đạt thành tốt nhất về huy chương vàng tại nước ngoài và họ cũng chiếm được nhiều huy chương nhất trong Olympic 2012. Về nhì là Trung Quốc, họ không được thành công như ý muốn, kết quả của họ không như Olympic 2008 tại Bắc Kinh. Về ba là nước chủ nhà Anh quốc, đây phải nói một thành tích cho một đất nước đầy mưa và gió. Lần Olympic 1996 tại Atlanta – USA, Anh quốc chỉ được một huy chương vàng, đây là một điều ô nhục cho quốc gia vì một nơi được xem là chỗ sanh của Olympic. Chính phủ Anh tuyên bố việc này không thể xảy ra được, nên năm 1997 chương trình xổ số kiến thiết quốc gia được chính thức bán vé để cho người Anh có ước mơ thành triệu phú. Chính phủ Anh yêu cầu số tiền lời cùa sổ xố là đầu tư vào nghệ thuật và thể thao. 40% tiền lời tài trợ cho thể thao. Không ngờ đã giúp nước Anh có một thành tích khá tốt tại Sydney Olympic 2000 – Uc đại lợi, họ đạt tới một chục cái huy chương vàng. Rồi đến Athens Olympic 2004 – Hy Lạp, Anh quốc cũng có một thành tích không kém gì tại Sydney và càng nổi bậc trong Bắc Kinh 2008 – Trung Quốc gần cả 20 cái. Rồi lần này trên mảnh đất của họ là một thành tích ngoài sức tưởng tượng là lên đến 29 huy chương vàng. Thật ra mà nói, tuy là không công khai, ai nấy cũng phải hiểu ngầm là một quốc gia muốn đăng cai được Olympic thì cụng phải chứng minh là có thành tích tốt trong các lần tranh giải. Bởi vậy lần này Brazil đứng hạng 22 trong việc đạt huy chương thì cũng mối lo âu của ủy ban Olympic vì 4 năm nữa giải Olympic sẽ tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro – Brazil, họ không muốn nước chủ nhà mang thành tích quá tệ.

Riêng nói về Việt Nam thì phải nói là lần này họ đi dự Olympic với một lực lượng rất hùng hậu, có thể nói là lần đầu tiên với một số đông vận động viên và tham dự các bộ môn khác nhau. Thêm nữa là họ chính thức vào thi Olympic chứ không phải nhờ vé vớt hay giấy mời. Có đều họ không đạt một huy chương nào cả, không như Olympic 2000, họ đạt được huy chương bạc cho môn võ Taekwondo và cử tạ tại Bắc Kinh 2008. Báo chí truyền thong tại Viêt Nam luôn viết những câu là lực sĩ chúng ta thiếu chiều cao, nhất là vấn đề đất nước con nghèo và chúng ta đến Olympic để học hỏi. Thật ra những lý do này không thuyết phục, nếu chúng ta nhìn vào vận động viên thể dục dụng cụ của Đức, anh ta tên là Marcel Nguyễn là người Đức gốc Việt, anh ta chỉ cao 1m67 mà thôi. Còn Carol Huỳnh lực sỹ đô vật Canada, cô là người hoa gốc Việt và đi tị nạn tại Canada vào thập niên 80, cô ta còn thấp hơn lực sĩ đô vật Nguyễn Thị Lụa một phân, vậy mà ra sân cô Carol trong vòng một phút đã vật ngã cô Lụa 5 lần. Còn đất nước chúng ta còn nghèo thì rất nhiều quốc gia nghèo đi dự Olympic chẳng hạn như Cuba hay Bắc Hàn còn nghèo hơn Việt Nam nhưng họ vẫn có huy chương. Còn câu tuyên bố chúng ta đến Olympic để học hỏi thì càng sai lầm vì đây không một cái sân cho anh học trò tới học hỏi mà đây là một cái sân dành cho những ai thuộc loại Best of the best mà thôi. Việc học hỏi thì dành một nơi khác. Vậy Việt Nam không được huy chương nào thì đó là việc của Bộ thể dục thể thao của Việt Nam cần phải suy nghĩ. Một ngày nào chúng ta không còn đưa những câu “tại hay bị” thì thật sự chúng ta mới khá được.

London Olympic 2012 đều tập trung về phía đông London. Đây là khu vực nghèo nàn của thành phố và phần đông dân cư đều là sắc tộc khác nhau. Chính phủ Anh quyết định phát triển vùng miền đông trù phú hơn xưa. Nên sân vận động chính được xây dựng cùng với các sân vận đông khác. Trong thời gian tranh giải, không khí Olympic không hề thấy ở các khu du lịch, có lẽ chính phủ chỉ lo tập trung về Olympic nên không muốn quảng cáo các khu vực khác trong thành phố. Trong thời gian sửa soạn cho Olympic, Ông Lord Coe, một cựu huy chương vàng thế vận và là chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội Luân Ðôn có hai đều lo lắng nhất là “An Ninh” và “Giao Thông”. Nếu một trong hai thứ này không ổn định là xem như không có Olympic.


Họ đã thành công trong việc tổ chức giải Mùa Hè Olympic 2012. Từ bắt đầu lễ khai mạc với một chương trình biểu diễn vô cùng vĩ đại, thêm nữa nước Anh là mảnh đất sinh ra nhân tài nên họ tiên phong trong lảnh vực kỷ nghệ, văn hóa, thể thao, âm nhạc, Y phục ... Khi ngồi xem là ai cũng lien tưởng được nghành công nghệ của Anh, nhất là khi có sự xuất hiện của ông Tim Berners-Lee là cha đẻ của WWW (3W hay World Wide Web) trên sân khấu Olympic. Rồi tiếng nhạc của ban nhạc Beatles thì ai cũng nhớ lại mái tóc dài , áo sơ mi cổ bự, dây thắt lưng bự, quần ống loe ... của cuối thập niên 60 và 70. Khi các chiếc xe Mini chạy trong sân Olympic thì phải nghĩ tới bộ phim Italian Job, với lá cờ Anh là lần đầu tiên họ thắng được World Cup 1966 và đặc biệt y phục phụ nữ là chiếc Mini Skirt và mắt kinh gọng to đi đôi với mái tóc Stone của Mick Jagger. Tiếp theo là thời đại Punk, New Wave và mái tóc xan đỏ vàng. Xúc động nhất là cảnh rước đuốc, đưa ngọn lựa Olympic lên khán đài.

Việc đốt đuốc Olympic là tư tưởng của người Đức bắt đầu vào Olympic 1936 tại Berlin. Tất nhiên Olympic vào thời nguyên thủy đã có ngọn lửa tại Hy Lạp vì vùng đất đó có chất Gas thiên nhiên, nên khi mặt trời lên cao tạo ra nhiệt thì chất Gas phựt thành lửa. Khi trời mưa thì sẽ tắt đi. Ông Carl Diem là người Đức đã đưa tư tưởng rước đuốc và Hitler thấy đây là một vũ khí lợi hại để biểu dương sức mạnh của Đức quốc xã vào thời đó nên ủng hộ và nhằm mục đích đi làm bá chủ thiên hạ. Từ đó việc rước đuốc Olympic thành thong lệ. Cho đến ngày nay việc rước đuốc Olympic trở thành một hình ảnh đóng góp xã hội nhiều hơn. Những người đưa ngọn đuốc Olympic là một người khuyết tật nhưng bỏ công giúp đỡ xã hội, một người sống bình thường nhưng lại bỏ công sức xây dựng nơi mình cư ngụ tốt đẹp hơn, những người bỏ hết công sức vào việc từ thiện....

Ngọn lửa Olympic đưa lên khán đài Olympic 2012 là do 5 năm thanh thiếu niên có những đóng góp cho học đường và xã hội. Đây cũng cho thấy các em là rường cột của đất nước. Nhất là có bài hát Caliban’s dream của Underworld phụ họa theo việc đốt đuốc, nghe quá tuyệt vời.

Ngày bế mạc, phải công nhận là một buổi trình diễn độc nhất vô nhị về âm nhạc. Họ mời hết tất cả các ban nhạc nổi tiếng của nước Anh về trình diễn và mỗi ban nhạc đều tượng trưng cũa một khoảnh khắc không quên được trong quá khứ. Như sự xuất hiện của ban nhạc Madness là điệu nhạc SKA của đầu thập niên 80, nhưng họ lại ăn mặc y phục theo kiểu MOD thì sẽ nhớ tới ban nhạc “The Who”, vào ngày hôm đó đã có sự xuất hiện của nhóm này, cũng từ đó ai cũng nhớ lại thời gian “Swinging London” (nhún nhảy London) , đi tới luồng âm nhạc Anh tấn công qua bờ Đại Tây Dương (British Music invader) với bài Waterloo Sunset của ban nhạc Kink. Tới thập niên 70 là bài Imagine của John Lennon là một bài bất hủ. Hai nhân vật không thể bỏ qua là một đã mất: Freddie Mercury và người thứ hai là David Bowie. Tiếp theo là bài “You should be dancing” của Bee Gees , rất tiếc hai thành viên của ban nhạc đã thành người thiên cổ nên họ không còn đóng góp cho Olympic 2012. Khi tiếng đàn trổi dậy với bài “Wish you were here” thì phải nghĩ về Pink Ployd, không có họ thì không có sự đột phá của nền âm nhạc Rock hiện nay. Ngoài ra có sự đóng góp của George Micheal và nhóm Spice Girls.

Sự thành công của London Olympic 2012 là phải nhờ 70 ngàn người thiện nguyện tới giúp trong vòng hai tuần. Họ từ nước Anh và nhiều quốc gia trên thế giới. Họ bỏ tiền vé và tiền khách sạn trong thời gian cư trú tại London. Giá khách sạn trong thời gian Olympic không phải là rẻ, những khách sạn hai sao có khi lên đến giá 350 đô la một đêm. Tinh thần đóng góp của họ vô cùng đáng nể.

Sau ngày kết thúc Olympic, tất cả các lực sĩ và vận động viên trở về nhà. Nên phi trường chính của London là phải làm một trạm đón riêng biệt cho đoàn thể thao vì trong một ngày họ phải tiếp hết 8000 ngàn vận động viên. Một đại hội thể thao chấm dứt một cách mỹ mản chỉ có hai sự cố khó quên là hai tay vợt cầu lông nữ của Trung Quốc đánh gian lận là cố ý thua nên đã gây ô nhục và nữ động viên bắn sung Nazeya Ostapchuck của xứ Belarusian đã dung thuốc nên đã mất huy chương vàng.

Ông Thị Trưởng London Boris có nói “Rất buồn khi mọi việc đã chấm dứt, có đều là không còn lo lắng nữa, xin cám ơn tất cả với kết quả mỹ mản”.

Lá cờ Olympic đã trao cho ông Thị Trưởng thành phố Rio, Brazil. Tất cả sẽ hướng về vùng đất Nam Mỹ trong 4 năm sắp tới và tất nhiên mọi người sẽ được hào hứng với điệu nhảy Samba và nhất là võ thuật độc nhất vô nhị của Brazil là Capoerira.

Bài tường thuật kế tiếp là Thế Vận Hội cho người khuyết tật tại London, sẽ khai mạc vào ngày 29 tháng 8. Hy vọng sẽ mang nhiều sống động vì người viết sẽ đi dự buổi lễ khai mạc. Xin hẹn trong bài viết tới.

ANH QUÂN

photos: 
https://www.google.com/search?q=CLOSING+CEREMONY+OLYMPIC+PHOTOS&hl=en&client=firefox-a&hs=s8D&rls=org.mozilla:en-US:official&prmd=imvnsu&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=T7UtULbiH4TuyAHAwIDIBg&ved=0CEkQsAQ&biw=853&bih=461

No comments: