ĐỌC "LỤC
BÁT TÙY BÚT" – DOÃN QUỐC VINH
Nói "đọc" không, chưa đủ, phải
xem, phải ngắm mới thưởng thức hết được giá trị nghệ thuật trong việc phác họa bìa,
dàn trang, chọn giấy in, vẽ phụ bản... Tất cả là một cuốn sách tuyệt mỹ, xứng
đáng là tập thơ của một họa sĩ.
Doãn Quốc Vinh viết
trong Thơ Vô Đề "bởi
là... / con
Bố cháu Ông.../ đâm ra xớn xác đèo bồng văn
chương". Vô là vào, mà
cũng là không. Lấy thơ không đề để vào đề, một trò chơi chữ kiểu ông ngoại đấy.
Anh Vinh là cháu ngoại nhà thơ Tú Mỡ. Ta cũng biết Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu
(1900-1976) là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn, nhà thơ trào phúng nổi bật thời
tiền chiến, với tác phẩm tiêu biểu, Giòng
nước ngược. Ta cũng biết tác giả là con trai giáo
sư nhà văn Doãn Quốc Sỹ (1923 - ), người
sáng lập tờ báo Sáng Tạo. Tờ báo sống
không lâu, nhưng gây chấn động một thập niên và những người chủ trương nó (Doãn
Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên v.v.) đã tạo nên một phong
trào. Bản thân các vị ấy tiếp tục một dòng văn chương được giới sinh viên và
trí thức nô nức đón nhận và bắt chước – một bắt chước không-bắt-chước – sáng tạo.
DQV sinh năm 1961, nằm trong thế hệ trẻ nhất chịu ảnh hưởng Sáng Tạo. Lục bát tùy bút là trái chín của một gia đình nghệ sĩ và một thời
sáng tạo. "Bố Sỹ" của
Vinh thân mật ví thơ Vinh với thơ haiku Nhật Bản. Rất đúng. Nhưng có lẽ vì khiêm tốn, ông
không nói con mình đã tân tạo lục bát khi anh viết tùy bút bằng lục bát. Vâng,
lục bát tuyệt vời để tả cảnh, tả tình, và Nguyễn Du đã chứng tỏ nó cũng tuyệt vời
để viết tiểu thuyết. Nhưng DQV là người thành công trong việc dùng lục bát viết
tùy bút. Lấy lục bát mà viết tùy bút là một việc liều lĩnh, vậy mà anh "đâm
ra" thành công, nhờ anh khám phá ra có một liên hệ mật thiết giữa hình thức
và nội dung – bản chất của tùy bút là ngẫu hứng; ưu thế của lục bát là gợi cảm.
Tôi vừa nhận ra sự kết hợp kỳ diệu này khi đọc kỹ lời anh bộc lộ ở bìa sau "... thơ này / là quạt tri âm / xòe
ra... che miệng / thì thầm nhau nghe" . Về hình tượng ta chỉ thấy một cô
gái e ấp cầm quạt che miệng nhỏ to lời tình tự. Nhưng bên dưới hình tượng mộc mạc
và hơi dí dỏm ấy là một tuyên ngôn (cho tôi cường điệu một chút) về thơ của
DQV. Đại khái ta hình dung lời nhà thơ, "Hồn tôi như cánh quạt, lúc khép nó
ấp ủ bao điều bí nhiệm, bao luồng gió lành, chờ đón người biết nghe (tri âm). Và hôm nay gặp người tri kỷ tôi
mở cõi lòng (xòe ra). Lúc tôi mở miệng
ra cũng là lúc thơ tôi thành vô ngôn (che
miệng). Bạn tri kỷ ơi, bạn chỉ nghe tiếng lòng tôi (thì thầm) mà thôi; lên cao giọng một chút sẽ có nhiễu âm."
Gần 200 bài thơ trong LBTB phải được đọc
theo kiểu xòe ra – khép vào như thế.
Trong chương một – Lục bát nhà, anh Vinh cho ta thấy đầy đủ nhà cửa như là nơi ở của
gia đình, với ông bà, cha mẹ, chú bác, vợ con, anh chị em (mà từng người anh ân
cần đề tặng). Nhưng nhà thơ Vinh chỉ mượn cớ để cho ta thấy những điều thâm sâu
hơn – và đây mới là chính yếu – nhà là trung tâm tình yêu, nơi đi về, chốn tâm
hồn yên nghỉ, điểm nghỉ chân sau cơn mỏi mệt hay vấp ngã. Nhà ở mọi nơi khi tâm
định, trí an. "Xẩy chân... / đổ gục
giữa đời / buông tay... / ngã chúi về nơi tình nhà". Khi nhìn lại ngôi
nhà xưa ở Sài Gòn, chắc anh không thể không xúc động, nhưng vượt qua cảm tính để
chọn một thái độ thiền:
"nhẹ nhàng mỗi sáng
bước ra...
ngóng mong chiều tối thềm nhà
bước
vô..."
Dù ráng đọc 14 chữ
trên bằng con mắt bàng quan, tôi không thể nén sự xúc động khi nghĩ tới ngôi
nhà thơ ấu của chính mình, và ngôi nhà mà về chiều mình ngóng mong bước vào.
Tôi cố ý chép lại câu thơ đúng theo cách xuống dòng trong nguyên bản, để bạn đọc
thấy thêm kỹ thuật làm mới lục bát của DQV. Anh không ngắt câu vì lập dị hay
tùy tiện. Anh xuống dòng như hai bàn chân của thiền giả từ tốn bước xuống bậc
thềm, và khoan thai bước lên, theo nhạc điệu tâm linh. Ngôi nhà gạch dường như
biến thành một cõi không gian không có thời gian, ngôi nhà đạt đạo.
Chương hai – Lục bát Đôi bờ nói về cảnh tha hương. "Đêm nằm xuôi hướng biển Đông / buồn
nghe sóng vỗ vào lòng đại dương" (Thay lời tựa, cho chương này). Bờ bên này, anh nghe sóng vỗ vào tâm
hồn trống trải như đại dương của mình. Đến con chim bên Texas cũng hót rất lạ,
nó không hót tiếng Mỹ! "Quê nhà ở tận
nơi nao / chim trời hót giọng ca dao gọi bầy". Buồn man mác, nhưng lạc
quan – anh cho rằng bề ngoài con chim gọi đàn chứ thực ra là gọi anh, nếu không,
sao nó lại nói tiếng mẹ của anh – ca dao, lục bát. Ta hỏi tại sao DQV yêu ca dao lục bát thế?
Anh trả lời, gián tiếp, "Dăm ba câu
hát ngọt ngào / đôi giòng lục bát lao xao ru hời / mà sao đến tận cuối đời... /
con đi chẳng hết những lời mẹ ru".
Ca dao chứa nhạc, màu, khôn ngoan, đạo nghĩa và nhất là hơi hám mẹ, bởi
vậy lục tuần rồi mà anh đi chưa hết lời mẹ ru, nên anh vẫn còn nhỏ dại, thơ
ngây, thẩn thơ và thơ thẩn. Bố Sỹ, khi nêu tính haiku trong thơ DQV có trích
nhiều câu đặc trưng. Tôi muốn thêm một trong những câu hai-cú tuyệt vời nhất của
anh Vinh là "Ơ kìa... xuân đến chẳng
hay? / hiên nhà rợp nắng, rớt đầy hạt kinh" (Nắng sớm mùa xuân). Nó
tuyệt vời ở tính đột ngột.
Chương ba – Lục bát Đời, vô đề bằng "quẩn quanh áo ấm, cơm đầy... / cũng
may còn được chút này... / chữ Trinh!" (Nói chuyện Kiều với chú Nguyễn
Đình Toàn). Những bài nòng cốt trong chương này (Sạch, Vào Thiền, Thảnh thơi, Mồng một Tết khai bút...) đều thể hiện
tâm ý thoát tục của anh. Thoát tục nhưng vẫn yêu đời và yêu người. "Ai ơi... / yêu lấy nhau hoài / Tử
Sinh... / thoáng chốc nào ngoài trăm năm". Triết lý sống đơn giản này,
coi vậy mà rất nhiều người, kể cả người lớn tuổi và hội viên lão thành của nhiều
tổ chức, chưa hiểu giùm. Đó là những giá trị căn bản. Đối với những tiểu tiết, phụ thuộc khác, anh
rất phóng khoáng. Cái phóng khoáng của
Trần Tế Xương, "Trời sinh cái thói
hào hoa / thế nên... / mỗi tối về nhà cũng quên!" Có lúc cũng nghi ngờ, cái nghi ngờ phòng thân
của Trang Tử, "này con... / muốn sống
ở đời /mạng che con chớ để rơi ngoài đường" (Này con. Dặn dò con cháu
Doãn Gia).
Chương bốn – Lục bát Tình. Gia đình và bạn hữu ai
cũng biết DQV là họa sĩ trước khi làm thơ (ít nhất căn cứ trên các ghi chú ngày
tháng trên thơ của anh). Vào đề chương này, anh trình bày lý do (và một lần nữa
tôi chép nguyên hình thức xuống dòng của tác giả, để độc giả thấy DQV ngắt câu
rất khéo, tựa như họa sĩ đổi "gam" màu):
Vẽ cho
cõi mộng...
thênh
thang
Thơ
cho yên ả...
mênh
mang cõi tình
Cõi tình của anh không
hẳn là nơi ngự trị của một người con gái, mà có khi là một thành phố, "Đông về... / ấm lửa lại vừa nhớ
em!" (Thơ cho em Hà Nội), "bao
năm lạc bước phiêu bồng / về đây ôm Huế vào lòng / Huế ơi" (Thơ cho em
Huế), và "xa em rày nắng mai mưa /
giàn dưa, bông bí, đọt dừa... / kém vui" (Thơ cho em Sài Gòn). Tuy
nhiên một thành phố thiếu một bóng hồng có dính dáng tơ trời với ta, nó rất kềnh
càng, khó có thể gọi bằng em và không thể ôm vào lòng được. Tôi nói chơi vậy
thôi, đối với DQV, hình như mối tình lớn là cái đẹp. Anh đã nửa đời đi tìm cái
đẹp, "nhân duyên đâu đó trong mơ / nửa
đời mê mải ngóng chờ từng đêm / chong đèn thức vẽ bên thềm / tìm nhau chẳng đặng,
say mềm ánh trăng".
Lục bát tùy bút là kết quả của sự sáng tạo thông minh và cố gắng
canh tân thơ lục bát. Bí quyết thành công của anh không mới lạ gì, hai ngàn năm
trước Plutarch đã nói "Họa là thơ
câm. Thơ là tranh nói". DQV may
mắn hơn nhiều người làm thơ khác vì anh là họa sĩ. Bài thơ nào của anh cũng
tràn ngập hình ảnh và màu sắc. Đọc ý mới
qua lục bát, tôi có cảm giác hả hê được uống một ly rượu lâu năm.
Tâm Thanh
No comments:
Post a Comment