Aug 29, 2012

Dancing In The Street - ANH QUÂN


 

Dancing In The Street

“Dancing in the Street” nguyên thủy là bài hát của người da đen (Motown) do nhóm Martha and the Vandellas trình diễn vào năm 1964. Cho đến tháng 8 năm 1985, hai ca sĩ lừng danh thế giới là “Mick Jagger” và David Bowie hát lại và chiếm được hạng nhất tại Anh quốc . Lời bài hát được viết như sau:

“ Callin' out around the world
Are you ready for a brand new beat?
Summer's here and the time is right
For dancin' in the streets….
All we need is music, sweet music
There'll be music everywhere
There'll be swingin', swayin' and
records playin'And dancin' in the streets

Oh, it doesn't matter what you wear
Just as long as you are there
So come on, every guy grab a girl
Everywhere around the world”…


Có lẽ vì sống ở Anh nên người viết cảm thấy gần gũi khi nghe Mick và David đứng song ca, theo lời nhạc là muốn ra đường cùng mọi người nhún nhảy trên đường phố London. Kể ra thì nhảy trên đường phố London không phải là không làm được nhưng phải đợi tới tuần lễ weekend cuối cùng của tháng 8 hàng năm thì sẽ nhảy nhót vui chơi liên tục từ ngày Chủ Nhật qua ngày Thứ Hai. Chỉ sợ không có sức mà thôi.

Hai ngày lễ hội này có tên là “Notting Hill Carnival” được xem là lễ hội lớn nhất tại Châu âu , chính thức tổ chức hang năm kể từ năm 1965 cho đến nay. Địa diểm chọn tổ chức  phía tây London vùng Notting Hill nên được chọn tên cho lễ hội.

Vào thập niên 50, người của thuộc địa Anh từ vùng West Indian, đặc biệt là người của quốc gia Trinidadian and Tobagonian qua Anh sinh sống. Họ đến định cư tại Notting Hill rất là đông. Khi số người da màu tăng dần ở một quốc gia luôn hãnh diện với câu “Mặt trời không hề lặn dưới đế chế Anh Hoàng” thì dể đi tới chuyện kì thị và chuyện đã ra:

“Vào bình minh ngày 24 tháng 8 năm 1958, khoảng 10 thanh niên da trắng, dân lao động và ăn mặc theo mốt “Teddy Boys” đã đến vùng Notting Hill tấn công người da đen và họ giết chết 6 người từ vùng “West Indian”, nhằm mục đích là “Nước Anh chỉ có màu trắng – Keep Britain White”. Sự kiện có tên gọi là “1958 Notting Hill race riots” . Cuộc chiến kì thị này xảy ra trong vòng 2 tuần, có lúc lên đến cường độ cao điểm là khoảng 300-400 Teddy boys đã tấn công đập phá một nhà người West Indian.

Cho đến tháng giêng năm 1959, một lễ hội Carnival được tổ chức trong nhà đô chánh quận Camden, nhằm cho chính quyền Anh thấy đây là một phản kháng của người từ vùng West Indian về sự việc kì thị tại Notting Hill. Bà  Claudia Jones, một ký giả từ Trinidadian, bà là một người cộng sản thứ thật, tôn thờ chủ nghĩa Karl Mark và đã đi gặp lảnh tụ Mao Trạch Đông, được xem là mẹ đẻ của Lễ Hội Notting Hill Carnival. Và bà tạo ra chiến dịch tổ chức lễ hội cho người da đen  sẽ được tổ chức hang năm tại London. Bà đã được nhiều công đồng da đen khác ủng hộ như Jamaica, British Guiana…trong chiến dịch  tổ chức lễ hội này.

Cho đến tháng 8 năm 1966, Lễ hội Carnival được chính thức tổ chức ngoài đường phố tại khu Notting Hill. Phải nói đây là công lao vận động của nhóm hippy từ trường London Free school, trong ngôi trường này  có ông  Peter Jenner là thành viên đầu tiên của nhóm band nhạc Rock - Pink Ployd.  Kể từ đó là có nhún nhảy và ca hát trên đường phố London mà thời gian chọn là cuối tháng 8  để không quên được ngày kì thị vào thập niên 50 tại London

Sau đó Lễ Hội càng được nhiều người tham dự, cho đến năm 1976 số đến dự lên đến 150 ngàn người. Kể từ đó mọi người đều nhìn nhận đây là ngày của người từ vùng  Caribbean, được nhiều cộng đồng West Indian yểm trợ cho thấy đây là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật làm phong phú cho thành phố London.

Năm 2003, một công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập để đại diện tổ chức cho Notting Hill Carnival. Họ cho thấy hai ngày lễ hội tạo ra doanh thu 93 triệu Anh kim cho kinh tế nước Anh. Kể từ năm 1996 là con số người tham dự lên đến 1 triệu người, những năm kế tiếp, có năm  lên đến 1 triệu 4 người.

Vào năm 2011, công ty IPhone đã tạo giao diện (Interface) trên màn hình điện thoại và năm nay trên IPAD là người đến tham dự có thể tìm ra những địa điểm trong lễ hội như quầy ăn uống, nhà vệ sinh, nơi trình diễn lễ hội , chỗ đón xe và đường nào đóng hay đường nào mở.

Lễ hội Carnival được nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức , đây là một truyền thống về văn hóa  nghệ thuật như bên châu âu thì Bỉ quốc có  Carnival of Binche, còn Pháp có tới hai cái là tại Nice và Paris, qua bên Ý thì tại Venice…. Tất nhiên là còn có bên Nhật, Indonesia, Ân Độ , Bắc Mỹ thì tại Toronto , Nam Mỹ và vùng West Indian.

Theo bầu phiếu thì Lễ Hội Carnival ăn khách nhất là tại Trinidad, hang năm trong vòng 5 ngày của tháng Hai, rồi tới Olinda, Brasil, cái thứ ba cũng tại Brasil nhưng ở Rio, còn bên Mỹ là tại  Brooklyn Carnival đứng hang thứ 8 , còn hạng thứ 10 là tại New Orleans và ở London được xếp hang thứ 5. Riêng tại Toronto Canada có năm lên đến 1 triệu người tham dự nhưng không hiểu tại sao không được xếp trong Top 10 được ưa chuộng.

Khi tổ chức một Lễ Hội thì có vấn đề ưu tiên được đưa ra là An Toàn  - Vệ Sinh – Giao thông. Trong những năm vừa qua Notting Hill Carnival mang nhiều tiếng xấu là ẩu đả và án mạng. Về phần vệ sinh thì phải nói là tạo một nhu cầu giải quyết cho một triệu người không phải là dể. Tuy là hệ thống nhà vệ sinh công cộng di động để đáp ứng thế mà cũng phải bó tay và chào thua khi con người ăn uống nhiều quá mà phải đi xả để tiếp tục ăn nhậu.

Câu chuyện như sau: là quá nhiều người tới tham dự lễ hội, nên người viết luôn tìm đường nhỏ để thoát đám đông, thì đi vào con đường bé  một con bé tóc vàng đi trước mặt, cứ theo nó mà đi, một lát sau thấy ngõ cụt, không lối đi thì xem con bé tại sao nó cũng vô dây thì thấy nó tỉnh bơ tuột quần trước mặt ngồi xuống tè. Lúc đó tay cầm máy ảnh nhưng lại không dám  bấm.

Người viết đứng hết 8 tiếng chụp hình mà không đi qua một lần vệ sinh, đến chiều tìm đường đi về đi lanh quanh vì nhiều lối bị cấm, thì đi ngang qua một công viên bé thì một hình ảnh tập thể là các ông đứng nhìn gốc cây. Khi thấy số đông như vậy mà nhu cầu nhà vệ sinh không đủ cung cấp nên người viết cũng bắt chước quay lung để nhìn gốc cây…. Phải nói một sinh hoạt cho tập thể lớn không phải là dễ cho dù cả năm tính toán và đã lên kế hoạch. Nhưng dù sao phải khen sự thành công của người da đen từ vùng West Indian họ đã làm được những việc cho các cộng đồng thiểu số khác nên học hỏi để phát triển cho công đồng của mình càng ngày các tốt hơn.

Hè London 2012
ANH QUÂN







 



Aug 26, 2012

PASSING TIME - Ti Oui

Whenever you feel bored, 
neither at your grandparents' house or at the beach,
you can try passing the time to make it less boring
and make the time go faster. 

These are few tricks on how to pass the time.



The least effective way to pass your time is to play game on your phone.
Maybe beat your own high score and then do it again. 
You might be pretty amaze how the time passes.


 One of the easiest and helpful thing is simply reading a good book
that captures your interest. 
Try on focusing on the book instead of the surrounding.


Simply not looking at the clock can help you 
pass the time a lot.
No matter how hard it is, do not let the clock look at you.


The healthiest trick to pass the time is to take a healthy walk.
Walking any place is fine, except indoor,
but you can do some explore in your house if you want. 


However, always remember to enjoy every moment of your life,
even though it seems boring.

GOOD LUCK! 

Aug 24, 2012

ĐỌC "LỤC BÁT TÙY BÚT" – DOÃN QUỐC VINH - Tâm Thanh



ĐỌC "LỤC BÁT TÙY BÚT" – DOÃN QUỐC VINH
Nói "đọc" không, chưa đủ, phải xem, phải ngắm mới thưởng thức hết được giá trị nghệ thuật trong việc phác họa bìa, dàn trang, chọn giấy in, vẽ phụ bản... Tất cả là một cuốn sách tuyệt mỹ, xứng đáng là tập thơ của một họa sĩ.  
Doãn Quốc Vinh viết trong Thơ Vô Đề  "bởi là... / con Bố cháu Ông.../ đâm ra xớn xác đèo bồng văn chương". Vô là vào, mà cũng là không. Lấy thơ không đề để vào đề, một trò chơi chữ kiểu ông ngoại đấy. Anh Vinh là cháu ngoại nhà thơ Tú Mỡ. Ta cũng biết Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu (1900-1976) là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn, nhà thơ trào phúng nổi bật thời tiền chiến, với tác phẩm tiêu biểu, Giòng nước ngược. Ta cũng biết tác giả là con trai giáo sư nhà văn Doãn Quốc Sỹ  (1923 - ), người sáng lập tờ báo Sáng Tạo. Tờ báo sống không lâu, nhưng gây chấn động một thập niên và những người chủ trương nó (Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên v.v.) đã tạo nên một phong trào. Bản thân các vị ấy tiếp tục một dòng văn chương được giới sinh viên và trí thức nô nức đón nhận và bắt chước – một bắt chước không-bắt-chước –  sáng tạo.  DQV sinh năm 1961, nằm trong thế hệ trẻ nhất chịu ảnh hưởng Sáng Tạo. Lục bát tùy bút là trái chín của một gia đình nghệ sĩ và một thời sáng tạo. "Bố Sỹ" của Vinh thân mật ví thơ Vinh với thơ haiku Nhật Bản. Rất đúng. Nhưng có lẽ vì khiêm tốn, ông không nói con mình đã tân tạo lục bát khi anh viết tùy bút bằng lục bát. Vâng, lục bát tuyệt vời để tả cảnh, tả tình, và Nguyễn Du đã chứng tỏ nó cũng tuyệt vời để viết tiểu thuyết. Nhưng DQV là người thành công trong việc dùng lục bát viết tùy bút. Lấy lục bát mà viết tùy bút là một việc liều lĩnh, vậy mà anh "đâm ra" thành công, nhờ anh khám phá ra có một liên hệ mật thiết giữa hình thức và nội dung – bản chất của tùy bút là ngẫu hứng; ưu thế của lục bát là gợi cảm. Tôi vừa nhận ra sự kết hợp kỳ diệu này khi đọc kỹ lời anh bộc lộ ở bìa sau "... thơ này / là quạt tri âm / xòe ra... che miệng / thì thầm nhau nghe" . Về hình tượng ta chỉ thấy một cô gái e ấp cầm quạt che miệng nhỏ to lời tình tự. Nhưng bên dưới hình tượng mộc mạc và hơi dí dỏm ấy là một tuyên ngôn (cho tôi cường điệu một chút) về thơ của DQV. Đại khái ta hình dung lời nhà thơ, "Hồn tôi như cánh quạt, lúc khép nó ấp ủ bao điều bí nhiệm, bao luồng gió lành, chờ đón người biết nghe (tri âm). Và hôm nay gặp người tri kỷ tôi mở cõi lòng (xòe ra). Lúc tôi mở miệng ra cũng là lúc thơ tôi thành vô ngôn (che miệng). Bạn tri kỷ ơi, bạn chỉ nghe tiếng lòng tôi (thì thầm) mà thôi; lên cao giọng một chút sẽ có nhiễu âm."
Gần 200 bài thơ trong LBTB phải được đọc theo kiểu xòe ra – khép vào như thế.
Trong chương một – Lục bát nhà, anh Vinh cho ta thấy đầy đủ nhà cửa như là nơi ở của gia đình, với ông bà, cha mẹ, chú bác, vợ con, anh chị em (mà từng người anh ân cần đề tặng). Nhưng nhà thơ Vinh chỉ mượn cớ để cho ta thấy những điều thâm sâu hơn – và đây mới là chính yếu – nhà là trung tâm tình yêu, nơi đi về, chốn tâm hồn yên nghỉ, điểm nghỉ chân sau cơn mỏi mệt hay vấp ngã. Nhà ở mọi nơi khi tâm định, trí an. "Xẩy chân... / đổ gục giữa đời / buông tay... / ngã chúi về nơi tình nhà". Khi nhìn lại ngôi nhà xưa ở Sài Gòn, chắc anh không thể không xúc động, nhưng vượt qua cảm tính để chọn một thái độ thiền:
"nhẹ nhàng mỗi sáng
bước ra...
 ngóng mong chiều tối thềm nhà
bước vô..."

Dù ráng đọc 14 chữ trên bằng con mắt bàng quan, tôi không thể nén sự xúc động khi nghĩ tới ngôi nhà thơ ấu của chính mình, và ngôi nhà mà về chiều mình ngóng mong bước vào. Tôi cố ý chép lại câu thơ đúng theo cách xuống dòng trong nguyên bản, để bạn đọc thấy thêm kỹ thuật làm mới lục bát của DQV. Anh không ngắt câu vì lập dị hay tùy tiện. Anh xuống dòng như hai bàn chân của thiền giả từ tốn bước xuống bậc thềm, và khoan thai bước lên, theo nhạc điệu tâm linh. Ngôi nhà gạch dường như biến thành một cõi không gian không có thời gian, ngôi nhà đạt đạo.
Chương hai – Lục bát Đôi bờ nói về cảnh tha hương. "Đêm nằm xuôi hướng biển Đông / buồn nghe sóng vỗ vào lòng đại dương" (Thay lời tựa, cho chương này). Bờ bên này, anh nghe sóng vỗ vào tâm hồn trống trải như đại dương của mình. Đến con chim bên Texas cũng hót rất lạ, nó không hót tiếng Mỹ! "Quê nhà ở tận nơi nao / chim trời hót giọng ca dao gọi bầy". Buồn man mác, nhưng lạc quan – anh cho rằng bề ngoài con chim gọi đàn chứ thực ra là gọi anh, nếu không, sao nó lại nói tiếng mẹ của anh – ca dao, lục bát.  Ta hỏi tại sao DQV yêu ca dao lục bát thế? Anh trả lời, gián tiếp, "Dăm ba câu hát ngọt ngào / đôi giòng lục bát lao xao ru hời / mà sao đến tận cuối đời... / con đi chẳng hết những lời mẹ ru".  Ca dao chứa nhạc, màu, khôn ngoan, đạo nghĩa và nhất là hơi hám mẹ, bởi vậy lục tuần rồi mà anh đi chưa hết lời mẹ ru, nên anh vẫn còn nhỏ dại, thơ ngây, thẩn thơ và thơ thẩn. Bố Sỹ, khi nêu tính haiku trong thơ DQV có trích nhiều câu đặc trưng. Tôi muốn thêm một trong những câu hai-cú tuyệt vời nhất của anh Vinh là "Ơ kìa... xuân đến chẳng hay? / hiên nhà rợp nắng, rớt đầy hạt kinh" (Nắng sớm mùa xuân). Nó tuyệt vời ở tính đột ngột.
Chương ba – Lục bát Đời, vô đề bằng "quẩn quanh áo ấm, cơm đầy... / cũng may còn được chút này... / chữ Trinh!" (Nói chuyện Kiều với chú Nguyễn Đình Toàn). Những bài nòng cốt trong chương này (Sạch, Vào Thiền, Thảnh thơi, Mồng một Tết khai bút...) đều thể hiện tâm ý thoát tục của anh. Thoát tục nhưng vẫn yêu đời và yêu người. "Ai ơi... / yêu lấy nhau hoài / Tử Sinh... / thoáng chốc nào ngoài trăm năm". Triết lý sống đơn giản này, coi vậy mà rất nhiều người, kể cả người lớn tuổi và hội viên lão thành của nhiều tổ chức, chưa hiểu giùm. Đó là những giá trị căn bản.  Đối với những tiểu tiết, phụ thuộc khác, anh rất phóng khoáng.  Cái phóng khoáng của Trần Tế Xương, "Trời sinh cái thói hào hoa / thế nên... / mỗi tối về nhà cũng quên!"  Có lúc cũng nghi ngờ, cái nghi ngờ phòng thân của Trang Tử, "này con... / muốn sống ở đời /mạng che con chớ để rơi ngoài đường" (Này con. Dặn dò con cháu Doãn Gia).
Chương bốn – Lục bát Tình. Gia đình và bạn hữu ai cũng biết DQV là họa sĩ trước khi làm thơ (ít nhất căn cứ trên các ghi chú ngày tháng trên thơ của anh). Vào đề chương này, anh trình bày lý do (và một lần nữa tôi chép nguyên hình thức xuống dòng của tác giả, để độc giả thấy DQV ngắt câu rất khéo, tựa như họa sĩ đổi "gam" màu):
Vẽ cho cõi mộng...
thênh thang
Thơ cho yên ả...
mênh mang cõi tình

Cõi tình của anh không hẳn là nơi ngự trị của một người con gái, mà có khi là một thành phố, "Đông về... / ấm lửa lại vừa nhớ em!" (Thơ cho em Hà Nội), "bao năm lạc bước phiêu bồng / về đây ôm Huế vào lòng / Huế ơi" (Thơ cho em Huế), và "xa em rày nắng mai mưa / giàn dưa, bông bí, đọt dừa... / kém vui" (Thơ cho em Sài Gòn). Tuy nhiên một thành phố thiếu một bóng hồng có dính dáng tơ trời với ta, nó rất kềnh càng, khó có thể gọi bằng em và không thể ôm vào lòng được. Tôi nói chơi vậy thôi, đối với DQV, hình như mối tình lớn là cái đẹp. Anh đã nửa đời đi tìm cái đẹp, "nhân duyên đâu đó trong mơ / nửa đời mê mải ngóng chờ từng đêm / chong đèn thức vẽ bên thềm / tìm nhau chẳng đặng, say mềm ánh trăng".
Lục bát tùy bút là kết quả của sự sáng tạo thông minh và cố gắng canh tân thơ lục bát. Bí quyết thành công của anh không mới lạ gì, hai ngàn năm trước Plutarch đã nói "Họa là thơ câm. Thơ là tranh nói".  DQV may mắn hơn nhiều người làm thơ khác vì anh là họa sĩ. Bài thơ nào của anh cũng tràn ngập hình ảnh và màu sắc.  Đọc ý mới qua lục bát, tôi có cảm giác hả hê được uống một ly rượu lâu năm. 

Tâm Thanh

Aug 22, 2012

THUẬN NGHỊCH - Thích Phước Tịnh


Cặp mâu thuẫn thuận-nghịch làm nên sự sống của chúng ta.  Có người khổ không phải vì thiếu ăn hay thiếu mặc nhưng khổ vì chuyện phải quấy thị phi của nhân gian. Phải-quấy của xã hội cứ thế làm cuộc đời của chúng ta quay tròn như chong chóng. Chúng ta cứ xoay vòng mãi, chẳng bao giờ đứng yên được trước những thuận nghịch, thị phi cuộc đời.

Các bậc đạo nhân Đông Phương có một cái nhìn rất bình ổn đối với cuộc đời thuận và nghịch. Ví dụ trong sách cổ có đoạn Khuất Nguyên là người làm quan với triều vua Sở. Ông là người đem tất cả hùng tài tráng chí của mình để cống hiến cho quốc gia. Thế nhưng vua Sở không tin dùng, loại bỏ ông khỏi triều đình. Khuất Nguyên rất nhiệt tình nghĩ mình là nhân vật quan trọng, nếu thiếu mình, nền hành chánh của một quốc gia sẽ sụp đổ, sự cường thịnh của một quốc gia cũng không còn. Cho nên khi bị thảy ra khỏi quan trường, ông rất đau khổ. Ông lang thang, trở thành một người bất bình thường. Trên đường đi dọc theo dòng sông Bạch La, ông gặp một ông lái đò. Ông lái đò hỏi:
- Thưa ngài có phải là Tam Lư Đại Phu không?
Khuất Nguyên đáp:
- Vâng, tôi là Tam Lư Đại Phu
- Tôi nghe nói ông đang khổ đau vì triều đình không dùng tài của ông, đúng vậy không ạ?
Khuất Nguyên đáp:
- Vâng, tôi đang rất khổ đau.
- Vì sao ông khổ đau?
- Cả đời đục hết, một mình ta trong. Cả đời say hết, chỉ mình ta tỉnh. Ta muốn đem cái sở học của mình, cái tỉnh của mình để dạy cho người mà không được. Họ chối từ ta, vì vậy ta khổ.
Ông lái đò bảo:
- Nếu cả đời đục hết, tại sao ông quậy bùn lên. Nếu cả đời say hết, tại sao ông không uống thêm rượu, ăn luôn cả bã hèm? Làm vậy để ông cùng một thể với thiên hạ. Cớ gì ông phải khổ đau như vậy?
Khuất Nguyên nói:
- Điều ông nói, ta không thể làm được. Ta nghe rằng người đã tắm sạch, không thể mặc lại bộ đồ dơ. Người đã xông hương rồi không thể trét bùn vào người lại. Vì vậy, ta thà chết, không thể làm được điều ông nói.
Ông lái đò kia nghe Khuất Nguyên nói lời ấy, bèn chèo thuyền ra giữa sông mà hát một bài ca mang nhiều triết lý:

Sông Thương mà đục hề
Thì ta rửa chân ta
Sông Thương mà trong hề
Thì ta giặt mũ ta

Triết lý Đông Phương dành cho những người sống bình an trong cuộc đời bất an là chỗ đấy! Đức Phật cũng có cái nhìn như thế, khen sự thịnh-suy, phải-quấy của cuộc đời giống như cây hoa ở thời tiết bốn mùa. Ngô thì hưng hoá như tứ thời mọc. Ngài xem sự hưng thịnh của cuộc đời như cây bốn mùa. Mùa xuân cây đâm chồi. Mùa hạ trái chín. Mùa thu lá vàng. Mùa đông trụi cành, thu nhựa sống về ngược lại trong thân tiềm phục lại, để qua mùa xuân lại nẩy mầm tiếp.

Tóm lại, nhìn sự thuận-nghịch của xã hội, của cuộc đời bằng cách nhìn của đạo gia, mình đã có đủ sự an lạc. Nếu nhìn bằng cái nhìn của con mắt Đức Thế Tôn, mình trở thành người hạnh phúc dù mình ở bất cứ một xã hội nào.

Trích “Tín Tâm Minh” – Thích Phước Tịnh

Aug 21, 2012

BÔNG HỒNG CÀI ÁO - Thích Nhất Hạnh

 
 
Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.

Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother"s Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

THÍCH NHẤT HẠNH








Bánh dày vừng cúng MẸ!

Aug 20, 2012

BẢN NGÃ



BẢN NGÃ

Ngày xưa một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi hoàng hậu:
- Nàng thương ai nhất trên đời ?

Hoàng hậu trả lời:
- Dĩ nhiên là thiếp thương bệ hạ nhất trên đời!

Vua cười hả hê.
- Ta cũng biết như thế!

Hoàng hậu nói tiếp:
- Tâu bệ hạ! Nếu bệ hạ cho phép thần thiếp nói thật, thần thiếp sẽ nói khác.

Vua nói:
- Vâng! Nàng cứ nói thật!

Mạc Lợi phu nhân nói:
- Dạ thưa bệ hạ, thần thiếp thương thần thiếp nhất trên đời.

Vua rất ngạc nhiên, nói:
- Lạ! Làm sao có chuyện mình thương chính mình!

Hoàng hậu giải thích:
- Đời sống của thần thiếp gắn liền điều kiện vật chất của một hoàng hậu. Và cũng vì đời sống của thiếp được danh dự là một hoàng hậu vinh sang như thế này là nhờ có bệ hạ. Cho nên thần thiếp phải thương bệ hạ. Nhưng nghĩ cho kỹ, là vì mình nên thương bệ hạ mà thôi.

Thế đó, ngã đặt nền tảng cho mọi thứ trên trần gian. Nếu mình nhẹ nhàng với bản ngã này, có gì làm lay động được mình đâu! Có gì làm khốn quẩn được mình đâu!


Trích “Tín Tâm Minh” – Thích Phước Tịnh

Aug 16, 2012

HOÀNG TỬ RỒNG - Doãn Quốc Sỹ dịch

Ngày xửa ngày xưa có một người nông phu già sống với bảy cô con gái. Mảnh đất khô cằn có nhiều đá hơn lúa.  Gia đình hẳn đã chết đói nếu không có cô con gái út trẻ nhất và cũng xinh đẹp nhất, tên là Bảy.  Cô có thể dệt những tấm lụa mượt mà nhất và thêu những mẫu thêu thanh tú nhất. Dưới mũi kim thêu của cô, hình ảnh những con kỳ lân, con rồng, và những con thú kỳ diệu đều trở nên sống động.  Những tác phẩm của cô được nhiều gia đình quý tộc trong vùng biết đến.

Người con gái thứ ba tên là Ba ghen với tài nghệ của em Bảy. “Tại sao em Bảy được ngồi nhà trong khi mình phải ra ngoài làm việc trong bùn nhơ?” cô tự hỏi.

Người nông phu mắng cô Ba: “Em nó ở nhà phải nấu nướng, lau dọn, và làm việc bằng ba người trong khi cả ngày con chỉ phải nhổ cỏ dại!”

Một buổi chiều nọ, khi người cha phải ra phố để bán những tấm lụa của em Bảy dệt, Ba thấy một con rắn màu vàng trong cánh đồng lúa, bèn dơ cuốc định đập chết rắn. 

Em Bảy lúc đó mang thức ăn trưa ra đồng cho cả nhà.  “Đừng! Đó chỉ là con rắn nước nhỏ xíu.”  Cản chị xong, cô gái tốt bụng đem rắn ra khỏi cánh đồng. “Mày hư lắm, sao lại làm chị tao sợ,” em Bảy nói, rồi đặt con rắn xuống, và bỏ đi. 

Con rắn trườn nhanh về phía đồi, chui vào trong hang, và tại đây, nó lượn theo vòng tròn nhiều lần cho đến khi biến thành một con rồng lớn.



Buổi trưa hôm đó, khi người nông phu trở về nhà, con rồng nhảy ra từ hang gần đấy và dùng móng quặp người nông phu.  “Hãy cho ta cưới một trong những đứa con gái của ông, rồi ta sẽ tha mạng cho ông, xem như đó là hồi môn của nàng.”

“Tôi không thể bắt đứa con nào đứng ra lãnh việc khủng khiếp này,”  Người nông phu nói lớn. 

“Nếu vậy hãy chuẩn bị chết.”  Và con rồng nâng bàn tay đầy móng vuốt sắc như dao găm.

“Khoan đã, đợi một chút,” người nông phu già hét lên trong sợ hãi. 

Ngay lúc đó, người con gái đầu lòng đi tìm cha.  Khi cô thấy con rồng đang xiết chặt cha mình, cô cao giọng thét . “Cha ơi, hãy về nhà.  Em Bảy đã nấu cơm và làm món canh cá đặc biệt cho bữa tối của cha.”

“Này, con gái lớn yêu quý của cha,” người nông phu nói, “nếu con không chịu thành hôn với con rồng này, cha sẽ là bữa ăn của nó.”

“Con xin lỗi cha, nhưng bữa tối của cha sắp nguội lạnh rồi,” cô trả lời, và chạy trốn mất.

Câu chuyện lập lại với năm người con gái khác cho đến lúc đích thân em Bảy đi ra đồng tìm cả nhà.  Khi em nhìn thấy con rồng vàng khổng lồ, em chậm rãi bước về phía nó và nói: “Cha hãy trở về nhà.  Con đã nấu cơm và làm món canh cá đặc biệt cho bữa tối của cha.”

Người nông phu già gắng thử một lần cuối.  “Con gái cưng nhất của cha, nếu con không chịu thành hôn với con rồng này, cha sẽ là bữa ăn của nó.”


Em Bảy thoáng nhìn cũng phỏng biết độ sắc cạnh của răng và móng rồng, cũng như sức mạnh của thân bao bọc đầy vẩy của rồng, và em thấy sợ.  Tuy nhiên,  em không thể để cha của mình phải chấp nhận định mệnh khủng khiếp ấy. “Cha có thể dùng bữa tối vì con sẽ thành hôn với con rồng này.”

Con rồng thả người nông phu ra, rồi rướn người lên cao. “Hãy leo lên lưng ta.”

Ngay khi em Bảy làm như lời Rồng bảo, con rồng bay vụt lên trời cao như một ngôi sao xẹc trong bầu trời đêm.

Càng lúc họ càng bay cao, vượt ngang đồi núi, băng qua sa mạc và biển cả, cho đến khi thế giới đang ngủ yên bên dưới trở thành một trái banh đen tuyền như nhung và dòng sông bên dưới lấp lánh như chuỗi cườm đơm trên áo.  Con rồng vẫn tiếp tục bay cao hơn và xa hơn cho đến khi giải thiên hà trắng như lụa, như mũi tên dài vô tận, băng ngang bầu trời đêm.



Họ bay nhanh đến mức theo kịp nhịp quay của mặt trăng sáng như một viên ngọc lớn, rọi bóng xuống biển.  Trong vùng biển em Bảy nhìn thấy nhiều thành phố, nhiều khu vườn kỳ diệu, và những cánh rừng rong biển lượn như sóng. 


Sau đợt sóng cuối cùng, họ lặn xuống dưới mặt biển, lao vào vùng lâu đài san hô sống động.  Em Bảy thấy mình có thể thở dưới nước.  Đặt chân xuống thềm, con rồng dùng móng vuốt quặp em Bảy: “Em có sợ không? Ta có thể nghiền nát em dễ như nghiền một cành cây nhỏ.”

Em Bảy đứng yên bất động một hồi lâu dưới móng vuốt, mắt ngước nhìn mặt rồng.  Vẩy rồng lóng lánh những hạt nữ trang đính trên tấm vải, và mắt rồng sáng rực như hai mặt trời song sinh.  Đó là một khuôn mặt vừa dữ, vừa đẹp.  Đó là một khuôn mặt ma thuật.

Từ từ, em Bảy giang tay ra, và trong giây lát, chiếc đầu khổng lồ của con rồng thu nhỏ trong bàn tay của em. 

“Em quen thuộc với khung cửi dệt, bếp lò và nhiều vật dụng khác,” em Bảy nói, “nhưng tay em chưa bao giờ được chạm đến những vật dị thường.”



Lần này, khi em vươn tay ra, rồng vẫn giữ yên đầu, nhưng giương mắt lớn nhìn em.

Em nhẹ nhàng vuốt má rồng. “Rồng đẹp lắm!”

“Em đẹp lắm!” con rồng đáp lại.  “Nhưng lẽ ra em phải sợ ta chứ,” rồng nhấn mạnh.

Em Bảy mỉm cười.  “Mắt nhìn những gì mắt phải nhìn, nhưng trái tim chỉ nhìn những gì trái tim muốn nhìn. Nếu có ác tâm, rồng hẳn đã hại em rồi.”

“Ta đã cải trang thành nhiều hình dạng khác nhau, lướt bay trên vòm trời, dưới đất, và trên biển, nhưng ta chưa bao giờ thấy một ai bằng em.  Em vừa can đảm, vừa tốt tính, vừa thật tình, vừa đẹp người!”  rồng nói lớn. Rồng nhảy ra khoảng xa, và bắt đầu lượn múa, uốn lượn tấm thân to lớn dễ dàng như uốn một dải dây vàng.  Và ở trên không, phía trên mặt biển, ánh trăng dường như tan biến đi rồi hợp nhất lại, giống như bầy cá lao từ chốn này đến chốn kia. 


Sau đó rồng bắt đầu xoay tròn rũ nước cho đến khi biến thành một cột ánh sáng, và từ vùng ánh sáng đó, một chàng hoàng tử điển trai bước ra.  “Bây giờ em có còn nghĩ thành hôn với ta là một điều khủng khiếp không?”, hoàng tử hỏi. 

Em Bảy cầm tay chàng, “Thưa không,” em cười. 

Em Bảy bây giờ mặc áo lụa thanh lịch, ăn những bữa ăn cao lương mỹ vị bằng đĩa vàng, và uống từ những chén ngọc.  Mười hai người hầu nữ luôn túc trực thực hiện điều em muốn. 


Mặc dầu vậy, em không quen nếp sống nhàn hạ ăn không ngồi rồi và yêu cầu có được khung thêu.  Bây giờ em chỉ thêu rồng vàng trên hài , duy nhất cho hoàng tử mà thôi.

Nhưng ngày qua ngày, em Bảy thấy buồn và ăn mất ngon. Khi đức lang quân của em hỏi tại sao, em trả lời rằng em nhớ gia đình. 

Khi ấy, chàng nói, “Ta hiểu theo phong tục, cô dâu như em mới thường được về thăm gia đình sau ngày cưới, nhưng sau mười ngày, em phải quay lại đây.”

Em Bảy hứa sẽ làm vậy.  Ngay đêm hôm đó, nàng khoác vội chiếc áo đẹp nhất, rồi đeo nữ trang vào trong khi những cô hầu trang điểm mái tóc của em bằng những viên ngọc quý. 


Khi em đã chuẩn bị xong, em lên ngồi trên ghế làm bằng vàng và san hô để những nữ hầu nâng em lên khỏi mặt biển, vào không trung. Sau chiếc ghế của em ngồi, cả một đoàn tùy tùng bay theo. Sáng hôm sau, gia đình em sững sờ nhìn thấy một đám rước  lộng lẫy từ trên trời đáp xuống.  Em Bảy cúi lạy cha và chào các chị.  


“Cha và các chị sẽ không bao giờ phải làm việc hoặc phải chịu đói nữa với tất cả những tặng phẩm con mang về,” em Bảy nói.  Khi em Bảy tả cho mọi người nghe về người chồng của mình thì cả gia đình đều mừng cho em, chỉ trừ cô Ba.  Cô Ba thèm muốn có được những đồ nữ trang, quần áo, và đoàn nữ tì của em Bảy. “Lẽ ra tất cả những thứ ấy phải là của ta,” cô Ba tự nhủ.

Ngày hôm sau, cô Ba dẫn em Bảy ra bờ sông chơi và ăn ngoài trời.  Ở đó, cô hỏi em Bảy, “Này em, chị có thể mặc thử đồ của em không?”

Để chiều lòng chị, em Bảy đổi áo quần với chị và để chị đeo nữ trang của mình.  Sau đó hai chị em theo đường xuống sông, ngắm mình phản chiếu trên mặt nước.  Nhưng khi em Bảy cúi xuống ngắm hình mình, cô Ba đánh vào đầu em, và xô em xuống sông. 


Cô Ba trở về nhà, kể cho mọi người nghe chuyện mình đã làm. Cô răn đe mọi người, “Mọi người phải  làm theo như lời tôi dặn, bằng không, hoàng Tử trở lại dưới dạng con rồng, sẽ ăn thịt cả gia đình.”

Cả nhà ai cũng sợ và đều làm theo lời dặn.  Họ nói với các nữ tì rằng em Bảy đã ngã bệnh và nhắn với Hoàng Tử, “Đừng ngạc nhiên khi thấy vợ thay đổi khuôn mặt.” Khi Hoàng Tử nghe vậy, chàng chẳng để ý.  Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, chàng thương em Bảy không phải vì nhan sắc mà vì tấm lòng nhân hậu. 

Khi cô Ba trong y phục của em Bảy đi tới lâu đài dưới biển, hoàng tử nhìn thấy vợ mình giờ đây xấu xí, vẫn không nói lời nào.


Nhưng khi thấy cô vợ chỗ nào cũng không biết, không biết cả phòng mình ở đâu thì chàng thực sự ngạc nhiên. Cô luống cuống ngồi vào khung cửi và những đường nét thêu thùa của cô vừa xấu vừa vụng: “Ấy là vì em bị bệnh,” cô Ba chống chế. “Vì bệnh nên em quên hết mọi việc. Sao chàng lại bắt lỗi em? Chàng muốn em lại bệnh tiếp hay sao?”

Mặc dù đã xin lỗi, Hoàng Tử vẫn phân vân vì những gì đôi mắt và con tim thấy đều không như ý chàng. “Đây không thể là em Bảy của ta,” chàng nghĩ. Chàng nói với cô Ba rằng mình có ý định đi săn, nhưng không nói lý do vì sao. Chàng quyết định khởi hành một chuyến đi lên mặt đất, trong lòng nhất định tìm cho ra sự thật.

Em Bảy không bị chết đuối. Ở cuối dòng sông, một bà già thấy em và đưa em về nhà. Em Bảy rất yếu, và bà già săn sóc em một thời gian dài.

Sau cùng, em Bảy tỉnh dậy và kể cho bà già nghe lai lịch của mình. Bà mỉm cười, “Cháu nhầm lẫn rồi đấy! Cháu không thể là cô gái may mắn ấy được! Cô gái đó đã trở về với chồng rồi.”

Em Bảy ngỡ ngàng hiểu được chuyện gì đã xảy ra và lắc đầu nói: “Chồng cháu đã cất công đi khắp thế giới để tìm một người chân thực, nhưng chính chàng lại không trung thực. Chàng còn không phân biệt được cháu với chị của cháu. Gia đình cháu cũng bỏ rơi cháu.”

Bà già thương cảm em Bảy và đề nghị: “Con cứ ở lại với ta một thời gian, cho đến khi con khỏe lại.”


Thế là em Bảy ở lại với bà già, dệt lụa và thêu giầy cho bà già ra chợ bán.

Trong khi đó thì Hoàng Tử lục lọi khắp nơi để tìm dấu tích của người yêu thất lạc. Một ngày, chàng tình cờ đi qua khu chợ và thấy một đôi giầy một bà già bầy bán. Thêu trên vải là những con rồng khổng lồ nhảy múa theo làn sóng, dưới vầng trăng tròn.

Tuy không dám hy vọng, nhưng tim hoàng tử đập mạnh. Chàng mua ngay đôi giầy, không mặc cả, và sau đó theo bà già trở lại căn lều của bà.


Vừa trông thấy em Bảy, Hoàng Tử bước vội vào lều. “Ta đã đi tìm em khắp nơi.”

Em Bảy thú thực: “Em không dám tin như vậy. Nghe nói chị Ba đã thay chỗ của em.”

Hoàng Tử mỉm cười. “Nhưng không thay được chỗ trong trái tim chân chính của ta. Vậy em có nên trở về với ta chăng?”

“Dạ có,” em Bảy trả lời.

Thế là Hoàng Tử trở lại dạng Rồng, bay về lâu đài dưới biển, cùng em Bảy và bà già trên lưng. Em Bảy và Hoàng Tử từ đó cùng nhau sống lâu dài và hạnh phúc, có bà già ở cùng bên.


Lời kể: Laurence Yep
Minh họa: Kam Mak
Doãn Quốc Sỹ dịch