Nhận cái tội không thích đọc chuyện chiến tranh, súng nổ, bom rơi, người giết người từ thời còn thanh niên của chính mình. Mà cũng đúng thôi, tuổi mới lớn với mộng mơ, với chuyện yêu đương, chuyện trên trời dưới biển của một cư dân thành phố lớn rất xa chiến trường, xa với sự chết chóc, tôi ít để tâm đến văn chương lính. Vì không muốn đọc những bản văn tả cảnh chết chóc, đau đớn, bắn giết… cũng vì mình quá nhỏ bé so với quyết định, hành sử của những người cầm quyền chóp bu của cả hai phe đối nghịch nhau. Tôi trốn không muốn đọc chuyện chiến tranh, lính tráng!
Lấy một hình tượng con đà điểu thấy sự nguy hiểm hoặc kẻ thù xuất hiện gần kề là nó rúc đầu xuống cát để trốn. Tôi ngày xưa là vậy, cũng giống con đà điểu, sợ mà không làm được gì là quay lưng lại với đối tượng và bỏ chạy, thay cho hành động rúc đầu vào cát của con đà điểu. Tôi ngày nay có khác. Đã xa rời chiến tranh bốn mươi bảy năm rồi, đang là cư dân tiểu bang California, có cuộc sống bình ổn nên tâm trạng trong tôi có phần êm ả và bình an, từ đó mới có ý thích đọc lại chuyện lính tráng ngày xưa. Và cộng thêm một điều rất quan trọng là anh xã làm báo cho các cựu lính đọc, tờ Nguyệt San KBC, nên tôi bắt đầu đọc truyện lính viết. Những văn chương thơ phú của người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Và cả những truyện của các cựu quân nhân viết sau khi định cư nơi đất nước có tự do và hạnh phúc.
Tôi đã lân la làm quen với ông Trần Hoài Thư, ông Tô Văn Cấp, ông Tràm Cà Mau, ông Phạm Tín An Ninh, Lê Mai Lĩnh, nay đến ông Phạm Văn Nhàn và sẽ nhiều thêm nữa, tôi biết chắc điều này. Cầm trên tay quyển Vùng Đồi tác giả Phạm Văn Nhàn do Thư Ấn Quán tái bản năm 1914. Lần dở ngay vào trang truyện ngắn Vùng Đồi, tôi nhẹ nhàng lướt đọc truyện. Dùng chữ “nhẹ nhàng” là do vì văn phong ông lính này thật là nhẹ. Ông không dùng đao to búa lớn, không gằn giọng, không quát hét… mà chỉ là kể chuyện mà thôi.
Chuyện kể rằng, người thương phế binh VNCH, sau khi ở tù cộng sản trở về thăm quê làng, sau 1975, và tiện đạp xe luôn nửa ngày đường lên Vùng Đồi, nơi anh đã bị thương vì pháo của đối phương. Và cũng nơi này đồng đội của anh bị tử thương tất cả, trừ một mình anh còn sống sót trong trận pháo ngày. Lên đến nơi, anh lần mò theo dấu vết trong trí nhớ của mình: đây là “Hầm của Chuẩn Úy Ngọ, kia hầm của thằng Hòa, thằng Ất, và cả nơi đặt khẩu đại liên đây này!” (Tr 116 – Vùng Đồi)
Tất cả tất cả hiển hiện lên trong mắt anh cho dù cây cỏ đã phủ màu xanh của thời gian che kín mặt đất, tất cả những dấu vết quân đoàn của anh đã từng hoạt động ngày lẫn đêm.
Anh lính đã quyết định về đây dựng căn nhà nhỏ ngay cạnh con đường nhỏ dắt người lính đi lên và đi xuống ngọn đồi. Những người lính biệt kích “đi ăn đêm ướt sũng sương khuya” để khi ánh mặt trời rọi sáng, họ lại trở về đồn trú. Anh đã quyết định về nơi đây để quây quần lại với các đồng đội xưa cho dù kẻ dương gian và người đã khuất. Anh cương quyết chọn Vùng Đồi làm đất sống của mình của quãng đời còn lại. Anh trồng cây đào, còn gọi đào lộn hột, để làm nguồn sinh sống. Và cũng là để cho các hương hồn của đồng đội của mình có được chốn rong chơi, chạy nhảy như thời thơ ấu.
Những đêm trăng sáng, nhất là những đêm có gió hú, anh lại lên Vùng Đồi để thăm bạn. Người bác của anh chỉ lo anh bị bịnh do hồn ma của các đồng đội ám, khuyên anh không nên làm thế, nên điều này điều nọ. Thế nhưng với anh thì ngược lại. Đồng đội của anh “chỉ thức vào ban đêm thôi”, cho nên anh cũng cùng thức với họ, cùng đàm thoại với họ. Mặc cho những lời đồn đại của dân chúng quanh vùng.
Tình thương đồng đội của anh không gì so sánh được. “Tình thương không lời nói” chỉ thể hiện ra bằng những cử chỉ, của những câu lời nhắc nhở các anh em trước giờ hành quân “Mầy có mang thêm lựu đạn không. Nếu có tụi nó tấn công mà ném chứ.” “Có mang theo đủ cấp số đạn không mậy?” “Ráng thức nghe mậy. Ngủ gục là chết cả đám đó nghe.” (Tr 120 – Vùng Đồi)
Sâu thẳm trong tâm anh họ nào có chết!
Anh cứ sống thế quanh quẩn nơi Vùng Đồi, rồi đến một ngày, anh bị ốm, sốt mê man nhiều ngày. Ông bác đã dắt một cô gái làm nghề y tá lên Vùng Đồi để chữa bệnh cho anh. Cũng như đã có lần Bác đã bảo anh “Tao nghĩ mầy nên lấy vợ… Có cũng đỡ hơn chứ. Đêm hôm tăm tối trên vùng đồi này.” (Tr119 – Vùng Đồi) Cô y tá đã chữa lành bệnh cảm sốt của anh.
Miên man trong đầu óc người viết này, cô y tá có chữa được vết thương lòng của anh hay không? Câu chuyện có “happy ending” là anh và cô ta có chịu về với nhau hay không? Tác giả Phạm Văn Nhàn để ngỏ câu chuyện ở đây. Độc giả toàn quyền quyết định kết cục chuyện người thương binh, anh có vợ hay không. Cũng là một điều lý thú nhẹ nhàng.
Nhưng trước cái chấm hết của câu chuyện, tác giả đã viết “Mai, tao đánh xe trâu chở vật liệu lên đây. Cất cái miếu để thờ.” Đây là điểm đáng yêu mến về quan điểm sống chết của tác giả. Vấn đề tâm linh của người sống. Khi đã là một con người thì người ấy có một thể xác và một linh hồn (tâm). Người chết đi, chỉ chết cái thể xác tứ đại, chứ cái tâm kia vẫn còn đó để chờ đầu thai kiếp khác. Không ai biết được chuyện gì xảy ra sau đó. Nên người ta cứ thấy chỗ nào có người chết, nhất là chết trận thì họ cứ dựng miếu thờ cho những tâm hồn, những linh hồn chẳng may chưa siêu thoát có nơi trú ẩn, hít thở khói nhang cho ấm lòng.
Tác giả Phạm Văn Nhàn làm cho độc giả thấy ông là một người lành thiện, có trước có sau, không quên bạn bè đồng đội xưa kia, cho dù ngày nay họ đã ra người thiên cổ. Để rồi chúng ta ngày nay mới có quyển tuyển tập truyện ngắn Vùng Đồi được xuất bản để chia xẻ cùng các bạn đọc chuyện thời xưa, chuyện thời chiến tranh. Chuyện tình yêu thương đồng đội khôn nguôi và chuyện những con dân ở hai chiến tuyến. Cũng chỉ vì ở hai ý thức hệ khác nhau, cũng chỉ vì bị lôi kéo ảnh hưởng bởi những thế lực bên ngoài mà anh em trong nhà oánh lộn nhau, xả súng vào nhau để cả đôi bên đều mất mát, thương đau!
Người viết này muốn chấm dứt nơi đây, thế nhưng trong bụng vẫn còn một khúc mắc là: Sao nhân vật “Anh thương binh VNCH” không để quá khứ ở lại quá khứ, mình chỉ nên sống ở nơi đây, giây phút hiện tại thôi nhỉ. Nhưng rồi nghĩ tiếp, lại thấy: Vai trò anh thương binh trong chuyện quay về chốn cũ, nhớ đồng đội đã hy sinh, âu cũng là một nhắc nhớ người đời sau đừng quên những người đã hy sinh vì tổ quốc, vì tự do và vì dân tộc Việt.
Các bạn đọc có mong và nghĩ rằng anh thương binh bây giờ đã lập gia đình với cô y tá, đã có một hai đứa con nay đã lớn vui đùa trong vườn đào. Và vườn đào lộn hột nay xum xuê lá cành và đã nuôi sống được một gia đình của một người và nó đã cứu anh ta ra khỏi nỗi đau, cái vết sẹo trong tâm hồn, hay không?
California, ngày 14 tháng 12 – 2021
Doãn Cẩm Liên
No comments:
Post a Comment