Dec 29, 2021

NGƯỜI RỘNG RÃI - Doãn Kim Khánh


Sáng nay, như thường lệ, tôi đánh thức cô tôi dậy vào lúc bảy giờ, cho cô vệ sinh buổi sáng xong rồi ra phòng ngoài tập thể dục. Toàn những động tác nhẹ nhàng, nhưng đối với một cụ bà 84 tuổi thỉ không hẳn đơn giản. Cô chập choạng, phải hướng dẫn. Sau đó, tôi nghiêm trọng tuyên bố:

“Bây giờ tới công việc nặng nề nhất lúc đầu ngày: ăn sáng!”

 Cô tôi cười toe.

Hai cô cháu thường ăn sáng với nhau lúc 8 giờ, trong khi con trai của cô đã cặm cụi làm việc từ lúc 7 giờ, khi check mail, khi điện thoại, khi dò các con số trong những bản báo cáo. 

Bữa ăn sáng là lúc cô cháu tôi mở U Tube hoặc nghe thầy Pháp Hòa giảng pháp, hoặc nghe nhạc. Tôi thường vặn âm thanh rất vừa đủ nghe, có khi quá vừa đủ nghe, khiến cô tôi nói khẽ, giọng xin sỏ: “Vặn lớn một chút nữa, được không?” Tôi nói nhỏ với cô, mắt nhìn về thằng con cô đang chăm chú nhìn màn hình vi tính : “Để nó làm việc, cô.” Cô lập tức ngưng đòi hỏi. Cô tôi là vậy đó, lúc nào cũng nghĩ đến người khác, nhất là khi người khác ấy chính là con mình.

Nhưng hôm nay, thằng con không đắm chìm trong công việc. Nó tươi cười bắt chuyện:

“Để em kể cho mẹ và chị nghe chuyện này đặc biệt lắm.”

Câu chuyện như sau:

Hôm qua, vào giờ ăn trưa, Luân rời văn phòng để đến một tiệm Subway ở gần đó mua bánh mì. Vừa bước chân vào tiệm, anh chàng đụng ngay một người Mỹ trắng dáng vẻ lếch thếch, quần áo sộc xệch. Anh ta thẳng thừng xin: “Anh gọi cho tôi một “chicken and bacon ranch sandwich được không? Lấy cheese, xà lách và cà chua. Không lấy sốt mayonaise.” Luân nhìn sững vào người xin ăn, ngạc nhiên vì xin ăn mà nói giọng y như của thực khách đang gọi món từ thực đơn. Đây là một người độ tuổi trung niên, toàn thân lành lặn, nhưng nét mặt u ám và mắt nhìn khẩn khoản. Luân không nói gì (vì chưa biết nói gì), chỉ lẳng lặng xếp hàng trước chỗ gọi thức ăn. Trong khi đợi phiên mình, anh chàng tiếp tục nghĩ đến lời thỉnh cẩu của người xin ăn và thầm quyết định sẽ mua cho anh ta một ổ bánh mì, y theo lời dặn.

Khi còn một người nữa là đến phiên mình, Luân nghe người đứng trước gọi:

“Hai ổ bánh mì. Thứ nhất một “chicken and bacon ranch sandwich. Lấy cheese, xà lách và cà chua. Không lấy sốt mayonaise. Một chai Coke lớn.  Thứ nhì một steak & cheese ………………………

Chà, chà! Cùng loại sandwich ấy! Luân để ý thấy người gọi là một người Mỹ trắng khác, ăn mặc chỉnh tề, tác phong chững chạc ra dáng một người làm việc văn phòng. Nhân lúc đợi, Luân lân la hỏi thăm:

“Có phải anh gọi thức ăn cho người ăn xin đứng trước tiệm không?”

Người kia gật đầu:

“Phải.” 

“Anh ta cũng xin Coke hả?”

“Không hẳn. Tôi hỏi anh ta uống gì, thì ảnh nói “Coke”.

Anh người Mỹ nhận hai món đã gọi, đứng ra khỏi hàng rồi còn loay hoay gì đó. Lúc ấy Luân cũng kịp được giao ổ bành mì của mình và hai người cùng bước ra. Anh người Mỹ trao ổ bánh mì cho người ăn xin, kèm theo chai Coke bự và nói: 

“Chúng tôi hợp tác với nhau, tặng anh bữa ăn trưa này.”

Nghe vậy, Luân lật đật đính chính:

“Không phải đâu. Anh ấy là người trả tiền. Quà tặng là của anh ấy chứ không phải của tôi,”

Bánh được trao một cách thản nhiên và được nhận với một lời cám ơn lịch sự. Người tình cờ có mặt không hề có ý định “ăn theo”.

Luân ngờ rằng chỉ nửa ngày sau người cho không nhớ đã cho và người nhận vẫn không có cảm giác được ra ơn.

Kể lại câu chuyện cho và nhận này, Luân nhận xét:

“Em thấy tụi Mỹ có nhiều người rộng rãi thiệt.”

Tôi nói thêm:

“Rộng rãi một cách hồn nhiên, không nghi ngại. Còn người Việt mình thì bao giờ cũng ngần ngừ một chút trước khi cho vì họ đã từng bị người ăn xin gạt.”

Thật vậy, Luân nghe người đó xin ăn mà vẫn im lặng. Sau một chút suy gẫm mới quyết định sẽ mua thêm một ổ từ thiện. Rủi thay, cuối cùng bị người Mỹ rộng rãi kia chớp mất cơ hội. Riêng tôi thì có được cơ hội suy gẫm về một hoàn cảnh cho. 

Tôi cũng nghĩ đến cô tôi, từ thuở còn trẻ đã cho chồng con cả cuộc đời mình. Đến khi già, tiền không làm ra, đi phải có walker, trí nhớ mòn vẹt, “trí quên” càng lúc cảng tốt thì rơi vào hoàn cảnh phải dựa con. Nhưng cô (cũng như tất cả những bà mẹ khác) biết cho mà không biết đòi. Nhờ thế mà các con cho thoải mái, không có cảm giác bị ép buộc. Tình ruột thịt, còn nói chi.

Còn cái ông Mỹ khách hàng của Subway đạt tiêu chuẩn loại khác. Loại “cho ngưởi dưng mà chẳng để ý mình đang cho”. Luân suýt đạt tiêu chuẩn “cho” này, nhưng lại bị lấy mất cơ hội. Chán cái ông Mỹ rộng rãi kia thiệt!

Cũng chẳng sao. Sáng nay, mấy chị em Luân vừa bàn nhau một project bỏ ống, mỗi người $5 mỗi tháng. Khi có dịp thì lấy tiền đó gửi về cho một người quen chuyên làm việc thiện ở Việt Nam. 

Thằng em họ tôi thở ra khoan khoái vì đã có guồng cho, không rộng rãi thì cũng đều đặn. 

Ai bảo người Việt Nam mình không rộng rãi?

- Doãn Kim Khánh 

No comments: