Dec 29, 2021

ANH THẦY “ĐỜN” - Doãn Cẩm Liên

 


Dự định sẽ lấy tựa đề cho bài này là “Bà Già Học Đàn” thế nhưng có bà chị đã viết bài “Cô Giáo Đàn”, thì nay để cân xứng “Anh Thầy Đờn” để hai tựa đề có chị có em.

“Bà già” này bắt đầu tập đàn “lại” chắc được trên ba tháng rồi. Đàn violon.  Phải nói chính xác là “thuở bà chưa già” khởi sự học đàn từ năm 7 tuổi và học cũng ngót mười năm. Rồi biến cố 1975, dồn dập đủ mọi thứ nên “bả” gác archet! Trước khi gác đàn một cách chính thức và nghỉ dài lâu thì “bà già” còn đi học lai rai một vài thầy để cây đàn không bị tủi thân. Đó là lúc được học anh “Thầy Đờn”. Trước khi anh Thầy vượt biên!

Anh Thầy thuộc một gia đình yêu âm nhạc. Nhà anh Thầy có nhiều tay đờn, ông Cụ thân sinh ra anh Thầy, anh Thầy, và bảy anh chị em. Rồi bên nhà chú của anh Thầy cũng có hai tay vionlonist kỳ cựu của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Tóm lại đại gia đình anh Thầy là những người yêu âm nhạc, yêu đàn. Đến khi vượt biên qua đến Hoa Kỳ, gia đình nhỏ của anh Thầy cũng lấy âm nhạc làm gốc: vợ chơi piano, ba con gái đứa nào cũng học hai món đàn, violon piano. 

Ngày bắt được liên lạc với anh Thầy, còn được nghe giai thoại về Cụ ông. Cụ tập đàn hằng ngày, cho đến 90 tuổi mới thôi vì yếu sức. Do vậy, anh Thầy mới khuyên “bà già” này “Em cứ tập đàn đi, còn tập được là cứ đàn cho tới hết hơi mới thôi.” “Bố anh 90 tuổi mà còn đàn đó.” Thế thì “bà già” mới 65 tuổi tập đàn nhằm nhò gì so với cụ Ông! 

Ngày “bà già” quyết định cầm đàn lại là ngày được người bạn mang cho cây đàn nhặt được ngoài đường. Cây đàn không bị bỏ quên mà là bị bỏ rơi ở lề đường trong xóm nhà cô ta. Nó được nhặt về và trao vào tay “bà già”. Lau chùi, chỉnh lại dây, đặt nó lên vai, đặt archet lên dây, kéo. Tiếng đàn vang, âm thanh ấm, rung réo rắt, đụng vào tâm sâu thẳm “bà già”. Một câu hỏi bật lên “Tại sao không tập lại đàn nhỉ?” Thế là quyết định tập đàn. Down load internet một lô bài étude, exercise xuống tự tập. Vẫn chưa nghĩ đến chuyện xin học anh Thầy. Mà chỉ khoe anh Thầy là có tập lại violon. Đâu dám nghĩ là anh ấy có nhận học trò hay không!

Qua điện thoại kể chuyện tập đàn, thu lại một bài étude khoe anh Thầy. Và tiếp đến được nghe lời đề nghị 

- Em tập đàn lại đi. Anh dạy cho. 

- Bây giờ già nên anh dạy giỏi hơn ngày xưa nhiều vì có kinh nghiệm.

 Mừng rơn!

“Bà già” xin chỉ học đàn một tiếng đồng hồ một tuần, qua viber. Thầy ở tận San Diego, trò ở Orange County. Bài vở đều được gửi qua email hay tin nhắn rồi in xuống để tập. Buổi học đầu tiên, là những bài đàn tự tập những ngày qua. Bèn được anh Thầy feedback như sau:

 “I only know the book.  It is about what we discussed this morning plus string crossing (đổi dây).

Next week

  String crossing

  Shifting

  Every weeks: vibrato Ha ha ha ...! forever vibrato

In vài trang của sách Dounis là được rồi

You did so well this morning.  I am happy with your bowing so far.

Remember that I always push you to the limit. That is me.

Do you feel it is easier and more pleasant to play the violin? If the answer is "yes", you are on the right track.”

Câu trả lời của “bà già” dĩ nhiên là “yes” rồi.

Kỹ thuật vibrato (rung) được dùng gần như thường xuyên trong bài nhạc, trong từng note nhạc, nốt nào rung được là rung. Mà muốn rung được thì ngón tay bấm phải thả lỏng và nhẹ. 

- Ngón bấm nốt chỉ cần sờ thì mới rung được, chạm dây đủ để nó kêu là được rồi. 

- Rung thì đếm trong đầu 1, 2, 3, 4. Đều cho tất cả các nốt.

Có thầy là có khác, bằng không “bà già” cứ bỏ hết sức bình sinh vào tay trái, đàn xong là tay ê ẩm, và kết quả đầu ngón tay chai ngắt!

Anh Thầy cho thực tập liền vibrato qua bài Meditation de Thais. Tất cả những nốt trắng đều được rung đều bằng nhau, nhớ nhe.

Kỹ thuật string crossing là lăn archet từ dây này qua dây kia. Những loại đàn dây có thêm dụng cụ cọ vào dây để phát ra âm thanh thì phải có kỹ thuật lăn dây. Kỹ thuật này chủ chốt ở tay phải, tay cầm archet, giúp cho âm thanh được trong, không bị rè, không bị pha tạp những âm khác.

- Khi bow (archet) đã vào đúng dây rồi thì mới kéo nha.

Với kỹ thuật này, “bà già” không mấy sợ vì nó đã được luyện tập từ xa xưa, nay chỉ cần ôn luyện lại là xong.

Rồi đến Shipting, kỹ thuật đổi vị trí tay bấm, tay trái. Position I, position II, position III, position IV. Càng cao, càng khó đàn. Càng cao giữ được âm thanh đẹp càng khó.

- Vẫn nguyên tắc chính là sờ nhẹ vừa đủ kêu. Rồi di chuyển ngón tay lên xuống trên phím đàn.

- Phải nhớ thêm, làm tiếng “meow sound” như thế này nè. Nốt trước vang lên, rồi di nhẹ lên đến nốt kế tiếp cho có tiếng “meow”, rồi bấm. Đó, đúng rồi! 

“Meow sound” làm cho tiếng đàn ẻo lả, nhẹ nhàng, và làm du dương thêm câu nhạc. Như trong bài “Star of Love”, a Mexican love song, kỹ thuật “meow sound” được dùng như điên để cho bài nhạc mang nhiều tính ướt át nhất, lãng mạn nhất. Dân Nam Mỹ nổi tiếng đa tình mà! 

“Bà già” đã khá thành thục trong kỹ thuật này. Nên rất thích chơi bài Star of Love.

Anh Thầy còn dặn:

- Nhớ lỏng tay bấm vừa đủ kêu thì mới shipting dễ dàng được nha không.

Tập đàn là giống như thiền, anh Thầy so sánh như vậy đó.

- Trước khi đặt “bow” xuống dây, nhớ hít một hơi dài, thở ra, thả lỏng, rồi mới đàn.

- Tất cả đều “equal” hết. Từ âm thanh, độ dài bow đều như nhau.

Nhưng còn một chuyện mà “bà già” chưa làm được, phải hỏi anh Thầy thôi.

- Sao em vẫn không vô đúng nhịp khi đàn với phần piano đệm lấy từ youtube?

- Thì phải tập đếm nhịp!

- Đếm như thế nào ạ?

- Đọc nốt chính của ô nhịp, rồi đàn những nốt chính này trước. Sau đó mới bỏ những nốt khác vào. Và khi đàn thì nghe những nốt chính mà thôi.

Để cho câu nhạc được duyên dáng 

- Thì những nốt chính, mình phải hơi níu nó lại một chút trước khi qua nốt kế tiếp. 

- Khi đổi Archet đôi khi phải dùng cổ tay cho mềm tiếng đàn.

Khi tập bài Reverie – Schumann thì hiểu như thế này nhé:

- Người ta khi mơ màng thì êm và chậm. Tất cả các nốt đều nhẹ như nốt đầu tiên mình đặt archet xuống.

- Người ta mơ mòng và mong muốn được cái gì thì giấc mơ ấy ngày càng rõ nét. Cho nên nốt la “A” ngày càng to lên. Nốt la thứ nhất nhẹ, nốt la thứ hai to hơn, nốt la thứ ba to hơn nữa. 

- Nhưng giấc mơ không thành thì xuống tông thứ, ở nốt mi bémol. Nó phải nhẹ và êm xuống trở lại.

“Bà già” này tạm ghi chép lại những điều anh Thầy dặn dò để nhớ. Khi ghi lại được là tập đàn được. 

Trong suốt hơn ba tháng được học đàn với anh Thầy, những điều trên là điểm chính được nhắc nhở nhiều. Dĩ nhiên còn nhiều điều khác nữa mà trò không ghi ra. Nhưng vẫn phải nhớ khi đàn.

Kết quả, tiếng đàn của “bà già” trước đây gắt “như mắm tôm”, chua “như chanh” thế mà nay đã có tiến bộ. Có khá hơn trước và sẽ còn khác dài dài nếu còn được học đàn với anh Thầy. Châm ngôn anh Thầy vẫn nói là “Không bao giờ mình hài lòng với tiếng đàn của mình thì mới khá được.”

Có một sự kiện lớn xảy ra. Một ngày đẹp trời anh Thầy hẹn:

- Anh mang xuống cho em một cây đàn của con gái anh. Nó chỉ là đàn hạng thường cho học trò học thôi. Nhưng cũng tạm được, hơn cái đàn của em bây giờ.

- Riêng cái archet là cái khá tốt. Anh dùng nó trong suốt cuộc đời đi học. Xài “Nó” dễ dàng làm tiếng đàn hay. Nay anh tặng lại.

“Bà già” cảm động muốn rơi nước mắt.

- Thế thì lấy gì em đền trả công ơn này?

Anh Thầy trả lời liền:

- Tập đàn chăm chỉ là được.

- Không phải trả lời trả vốn gì cả. Anh qua Hoa Kỳ, đi học ở trường anh được hưởng bao nhiêu sự giúp đỡ của nhiều thầy. Có thầy giúp anh kiếm được học bổng. Anh được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự giúp đỡ của thầy. 

- Giúp được ai khác là giống như anh đang trả ơn các vị thầy khi xưa.

- Vậy cho nên, không lo chuyện trả ơn nha không!  

Chuyện “cho – nhận” “người cho” và “người nhận” là chuyện dài dài. Ai cũng có vai trò quan trọng cả. Cho nên “bà già” này hoan hỉ nhận đàn và anh Thầy hoan hỉ dạy đàn. Chẳng có gì mất đi đâu cả. 

Chỉ là một sự “Trùng trùng duyên khởi” để mọi chuyện cứ thế tiếp diễn hoài hoài, không ngừng!

California, ngày 25 tháng 12 – 2021

Doãn Tư Liên



No comments: