Di dân là một điều bình thường trên toàn cầu với định nghĩa đơn giản là “Quá trình của một cá nhân xin trở thành thường trú nhân ở một quốc gia khác ”. Lịch sử đã cho thấy những người di dân đến định cư tại vùng đất mới luôn mang lợi ích rất lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hoá. Khi con người phải từ bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” là vì bốn nguyên nhân chính như sau: Kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường.
Những người may mắn là được quyền chọn lựa con đường di dân hợp pháp. Còn những người bắt buộc phải di dời ra khỏi quê hương với cuộc hành trình họ phải bất chấp mọi nguy cơ bỏ mạng ở vùng đất lạ , khi đi đến một nơi tạm cư an toàn, họ phải đưa tất cả mọi bằng chứng lý do ra đi để nộp hồ sơ tị nạn đến một nơi họ có thể an cư lạc nghiệp.
Ông Ernst George (1834 – 1913), người Đức nhưng sống ở Anh nhiều năm, ông là một nhà Địa lý và Đồ bản học, ông đã đưa ra lý thuyết di dân trong đó có “yếu tố thúc đẩy và yếu tố lôi cuốn”, tiếng Anh gọi là “push and pull factors”.
Yếu tố thúc đẩy : Những lý do tại sao con người phải rời quê hương như là nơi đang sinh sống không an toàn, quá nhiều tội phạm, lũ lụt, hạn hán, nghèo đói và nạn nhân chiến tranh.
Yếu tố lôi cuốn : Việc làm tốt hơn, cơ hội làm giàu, thời tiết tốt đẹp, ổn định chính trị và vùng đất an toàn với ít tội phạm.
Theo tài liệu chính thức luồng di dân đầu tiên đến Tân Thế Giới ( không tính trước 30,000 năm, có lớp người ở cực đông bắc Châu Á đi bộ từ Alaska đi xuống bắc Mỹ sinh sống, mà ta hay gọi là người da đỏ - Red Indian). Kể từ đầu thập niên 1600, các cộng đồng người Châu âu di dân tới Mỹ bao gồm người Tây Ban Nha đến Florida, người Anh lập cư tại New England và Virginia, người Hà Lan định cư ở New York và người Thuỵ Điển sinh sống tại Delaware.
Những người di dân đến Hoa Kỳ đều trong thuyết “Thúc đẩy và Lôi cuốn”. Tuy nhiên ép buộc những người Phi châu vào làm nô lệ là đề tài tranh cãi là họ có phải di dân hoặc là cưỡng bức lao động ? Một điều không thể phủ nhận, họ là lực lượng đông đảo đã đóng góp trong việc xây dựng đất nước Hoa Kỳ và có nhiều nghiên cứu, luận án Tiến sĩ nói về cộng đồng người da đen tại Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là quốc gia di dân, không có người di dân thì sẽ không có nước Mỹ và nền văn hoá Mỹ. Vì lý do “di dân” nên nước Mỹ không có ngôn ngữ chính thức, nhưng tiếng Anh là tối thượng. Tại sao lại chọn tiếng Anh trong khi đó đã có nhiều cộng đồng Châu âu định cư tại Mỹ.
Trước hết xin kể Huyền thoại Muhlenberg (The Muhlenberg Legend), thường nghe chuyện ngoại sử thích thú hơn chính sử. Vào năm 1794, một nhóm người Đức đưa kiến nghị với Quốc hội Hoa Kỳ là chọn tiếng Đức là ngôn ngữ chính, tất cả người dân Mỹ sẽ nói tiếng Đức và mọi văn bản hành chánh phủ sẽ là tiếng Đức.
Từ năm 1680 – 1760 người Đức đến Mỹ rất đông, các khu vực Pennsylvania và New York thu hút một lượng lớn người nhập cư Đức. Năm 1771, họ thành lập bảy ngôi làng trên trang trại Robert Vinstone ở New York. Vào năm 1723, những người Đức đã trở thành người Châu âu đầu tiên được phép mua đất ở Thung lũng Mohawk, cho đến năm 1750 người Đức sinh sống dọc bờ sông Mohawk kéo dài 12 dặm. Đất đai ở đây màu mở , đã có hơn 500 gia đình người Đức sinh sống, nhà của họ đều làm bằng đá. Sau trở thành quận Herkimer bao gồm khu vực German Flatts nơi đông đảo người di dân Đức Palatinate (phía tây nam nước Đức) . Từ năm 1725 đến 1772, một làn sóng nhập cư từ Đức đến định cư tại Pennsylvania, họ đi qua với hợp đồng lao động. Đến năm 1775, một phần ba dân số Pennsylvania là người Đức. Đa số họ làm công việc nông dân và chăn nuôi. Những phe phái tôn giáo của người nhập cư Đức bao gồm Luther, Ref normal, Mennonite và Amish. Với số lượng đông đảo người Đức, nên ẩm thực mang tên “hamburger” gốc từ thành phố Hamburg – Đức, còn món “hot dog” có xúc xích được làm ở Vienna bên Áo quốc, nên gọi là wiener hay xúc xích làm tại Frankfurt bên Đức, nên có tên là frankfurter. Ông Levi Strauss là một người di dân từ Đức đã thành lập công ty quần Jean Levi’s.
Với sự hiện diện đông đảo của người Đức, nên ngôn ngữ của họ thông dụng không kém gì tiếng Anh. Họ yêu cầu phải có một sự bầu cử để chọn thứ tiếng chính thức sử dụng tại Hoa Kỳ. Theo lời kể lại số người đi bỏ phiếu phía bên Đức là 42 người, còn bên tiếng Anh là 41 người như vậy là người ủng hộ Anh ngữ sẽ thua chắc. Nào ngờ ngày bỏ phiếu, một ông bên phe Đức bị đau bụng đi vệ sinh không đến kịp, nên hai bên đồng 41 phiếu. Ông Frederick Muhlenberg, giữ chức vụ Phát ngôn viên của Quốc Hội Hoa Kỳ là người quyết định lá phiếu cuối cùng, mặc dù ông là người gốc Đức sanh ở Mỹ, nói được một ít tiếng Đức mà phán một câu làm thất vọng cho tất cả người Đức di dân là chỉ có tiếng Anh , ông còn nói thêm “Người Đức hội nhập nhanh chóng vào xã hội Mỹ thì sẽ tốt cho họ hơn”.
Đó câu chuyện ngoài lề, nghe cho vui chẳng biết thật hay giả, tuy nhiên nó được tồn tại thành huyền thoại suốt hơn suốt ba thế kỷ. Một điều sự thật là vào thời kỳ đó tiếng Đức được sử dụng rộng rãi là ngôn ngữ thứ hai ở Hoa Kỳ trước khi tụt xuống thứ ba sau tiếng Tây Ban Nha. Vào một thời điểm hơn 800 tạp chí và báo Đức ở Hoa Kỳ, tờ báo đầu tiên trong số đó là tờ Philadelphiaelphische Zeitung do Benjamin Franklin thành lập.
Tiếng Anh được chọn là ngôn ngữ chính tại Hoa Kỳ do những nguyên nhân sau :
Thành phố New York đầu tiên được gọi là “New Amsterdam” của người Hoà Lan, nhưng bị người Anh chiếm mất vào năm 1665, sau đó đổi thành New York , một York mới ở bên kia bờ Đại tây dương nhằm vinh danh Quận công lãnh địa York và Albany, ông là em trai của Vua Charles đệ nhị bên Anh quốc.
Người Anh đã đánh bại người Tây Ban Nha, tiếp theo là thắng người Pháp trong cuộc chiến Pháp-Ấn. Tất cả 13 thuộc địa lúc đó hầu như nói tiếng Anh (ngay cả vùng Pennsylvania nhiều người Hoà Lan và Đức đang sinh sống). Hai vùng đất bị người Anh mua lại để sát nhập vào Hoa Kỳ là Louisiana và New Orleans và rất nhiều người ở đó nói tiếng Pháp hoặc Cajun hay Creole. Khi Hoa Kỳ mở rộng về miền tây, mặc dù tiếng Tây Ban Nha phổ biến hơn, vẫn không tạo ảnh hưởng được vì tất cả thành phần lãnh đạo các tiểu bang là người Anh, hoàn cảnh trong gia đình hay xảy ra là cha hoặc mẹ là người Anh, thường người con chọn ngôn ngữ đầu tiên là tiếng Anh. Nên vậy tiếng Anh đã được in sâu trong tâm trí của người dân vào thời kỳ lập quốc ở Hoa Kỳ.
Thứ nhì là rất đông người di dân từ Tô Cách Lan (Scotland) và Ái Nhĩ Lan (Ireland) đến Hoa Kỳ, tất cả đều nói tiếng Anh.
Di dân Tô Cách Lan
Người Tô Cách Lan đầu tiên đến Bắc Mỹ vào năm 985 và 986, họ đi theo đoàn thám hiểm Vikings khởi hành từ Greenland ( theo tiếng Đan Mạch là vùng đất của con người) tới lục địa ở phương tây. Đó là chuyện xa xưa, việc di dân vào Hoa Kỳ bắt đầu từ thế Kỷ 18, một trong những nguyên nhân chính là cuộc nổi dậy Jacobite 1745 (Jacobite rising 1745), đây là một loạt nổi dậy thế kỷ 17 và 18 ở Scotland nhằm khôi phục James VII của nhà Stuart và những người kế vị ông lên ngai vàng của Vương quốc Anh. Cuộc nổi dậy làm trì trệ kinh tế Scotland, điều kiện thời tiết xấu dẫn đến mùa màng thất bát liên tục, thuế má gia tăng và các sự xung đột tôn giáo.
Hậu quả của chiến tranh thứ nhất đã gây thảm hoạ kinh tế tại Tô Cách Lan. Trong những năm 1920, việc làm trong nghành đóng tàu thuỷ ở Scotland bị giảm 90%. Trước sự cạnh tranh của các công xưởng ngoại quốc, hơn một nửa số lò luyện sắt ở Tô Cách Lan phải đóng cửa vào năm 1927. Trong thập niên 20, chỉ còn một phần ba dân số tiêu thụ khí đốt than nên vậy kỹ nghệ than bị giảm xuống rất thấp. Các thị trường xuất khẩu hàng hoá qua Đức, Nga và Đông âu không còn nữa vì các cuộc cách mạng và kinh tế bị thay đổi.
Vì lý do “ Tác động chiến tranh - ảnh hưởng công nghiệp và kinh tế trong thập niên 20” , dân số tại Tô Cách Lan bị giảm xuống 0,8% , trong khi đó làn sóng di dân từ Tô Cách Lan và những nơi khác đến Hoa Kỳ tăng lên 7,2%.
Một vài đóng góp của di dân Tô Cách Lan tại Hoa Kỳ :
Uncle Sam – Bác Sam : là nhân cách quốc gia của Hoa Kỳ, nói cụ thể hơn một nhân vật đại diện chính phủ Mỹ. Bác Sam xuất hiện từ chiến tranh năm 1812, Bác là biểu tiện của người Mỹ, hiện thân của tinh thần nước Mỹ, dựa trên doanh nhân Samuel Wilson, ở Troy , New York. Thân sinh của ông là người di dân, trước khi đi tàu thuỷ đến Hoa Kỳ họ sống tại Greenock, Tô Cách Lan. Ông Samuel Wilson đã cung cấp quân đội những thùng thịt bò và thịt heo trong cuộc chiến 1812. Trên các thùng thị có nhãn đóng nổi lên với chữ “ U.S” , thật ra ai cũng hiểu là Hoa Kỳ nhưng lúc đó mọi người cứ nói đùa chữ “U.S” viết tắt cho hai chữ “Uncle Sam”. Chẳng bao lâu, “Bác Sam” được dùng tốc ký cho chính phủ Liên bang.
Xe mô tô Harley-Davidson : Đây là một hãng xe mô tô nổi tiếng toàn cầu, sản xuất tại Hoa Kỳ. Anh em nhà Davidson thành lập công Harley viết tắt là H-D, họ là con trai của William C Davidson, ông sinh ra và trưởng thành ở Angus, Tô Cách Lan, mẹ của họ là bà Margaret Adams McFarlane cũng là người Tô Cách Lan, khi đến Hoa Kỳ , bà định cư ở Cambridge, Wisconsin.
Không Gian : Người Mỹ gốc Tô Cách Lan là những người tiên phong bay vào vũ trụ. Ông Neil Armstrong và Buzz Aldrin đều là gốc gác Tô Cách Lan. Ông Armstrong đã mặc váy truyền thống Tô Cách Lan (kilt) đi diễn hành tại quê hương đất tổ Langholm, Tô Cách Lan vào năm 1972. Ngoài ra ông Alan Bean, người đã đi bộ trên mặt trăng, ông đem theo khăn choàng truyền thống (tartan) Tô Cách Lan lên mặt trăng. Ông David Scott là người đầu tiên lái xe thám hiểm trên mặt trăng.
Máy Tính : Người Mỹ gốc Tô Cách Lan là lãnh đạo trong ngành điện toán và công nghệ thông tin. Ông Howard Aiken và Grace Murray Hopper là hai người đầu tiên phát minh máy tính tự động kiểm tra tuần tự ( automatic sequence computer) vào năm 1939. Ông Hopper là người đồng phát minh ngôn ngữ máy tính Cobol.
Ông Ross Perot cũng là người Mỹ gốc Tô Cách Lan, ông là một doanh nhân thành công với công ty nhu liệu Hệ thống dữ liệu điện tử (Electronic Data Systems), do ông thành lập vào năm 1962.
Đại công ty nhu liệu Microsoft , do ông Bill Gates đồng sáng lập vào năm 1975, sự thành công vào lúc ban đầu là phải nhờ người mẹ gốc Tô Cách Lan là bà Mary Maxwell Gates vì bà đã giúp con trai bà được hợp đồng đầu tiên với công ty IBM.
Tổng Thống Hoa Kỳ : Có tất cả 27 Tổng Thống Hoa Kỳ có gốc di dân Tô Cách Lan, xin chọn một vài Tổng Thống quen thuộc là ông Franklin D Roosevelt, Richard Nixon, Ronal Reagan, Bill Clinton và người nổi tiếng với hai chữ “Fake News” của nhiệm kỳ thứ 45 là ông Donal Trump, ông mang hai dòng máu di dân là Đức và Tô Cách Lan, mẹ ông sanh tại Tong, Isle of Lewis và di dân đến Hoa Kỳ vào năm 1930.
Ngoài ra có 8 vị Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, chỉ có mỗi ông Dick Cheney là 100% là người Tô Cách Lan vì tất cả các nguyên thủ quốc thủ đều mang hai, ba , bốn và có người năm dòng máu di dân nhưng phần đông là di dân Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan.
Tại tiểu bang California có những địa danh nguồn gốc từ Tô Cách Lan như : Albion, Ben Lomond, Bonny Doon, Inverness và Irvin tại quận Cam, đây là tên dựa theo Nông trại Irvine (Irvine Ranch) mà có liên quan đến di dân Tô Cách Lan.
Hiện giờ có khoảng 25 triệu người Mỹ gốc Tô Cách Lan và 30 triệu người Mỹ vừa gốc Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan sinh sống tại Hoa Kỳ.
Di dân Ái Nhĩ Lan
Người di dân Ái Nhĩ Lan đến Hoa Kỳ từ thế kỷ 17, hầu như họ định cư bờ biển miền đông của Hoa Kỳ, trong khu vực Appalachia.
Số lượng lớn người Ái Nhĩ Lan nhập cư vào Hoa Kỳ là vào giữa thế kỷ 19. Kết quả “Nạn đói lớn” đôi khi được gọi “Nạn đói khoai tây Ái Nhĩ Lan”. Đã hơn 2 triệu người phải đi tị nạn khiến dân số của hòn đảo này bị mất từ 20% đến 25%. Nạn đói lớn là một sự kiện tự nhiên, một bệnh bạc lá khoai tây, làm cho các củ khoai tây bị nhiễm bệnh, gây ra khoảng 1 triệu người Ái Nhĩ Lan chết vì đói. Tất cả những người Ái Nhĩ Lan đi tị nạn vì đói đều đến Hoa Kỳ, họ định cư tại các thành phố lớn bao gồm Boston, New York, Pittsburg, Baltimore và một số khu vực khác. Vì phần đông người di dân Ái Nhĩ Lan là người nông dân, khi đến Hoa Kỳ họ chủ yếu làm các công việc lao động, khai thác gỗ , thợ mõ, xây đường, xây dựng kênh đào và vv
Thế hệ đầu người Ái Nhĩ Lan sống ở Mỹ rất khó hoà nhập vào xã hội, họ sống tập trung trong một khu vực. Họ có nhà thờ riêng, hầu như là Thiên Chúa giáo, rất ít trường hợp kết hôn với người bên ngoài cộng đồng của họ.
Đến thế kỷ 20 , mức sống của người di dân Ái Nhĩ Lan khá hơn xưa, thế hệ sau có trình độ giáo dục tốt hơn, tuy nhiên họ chỉ thành công trong lãnh vực chính trị, thể thao, truyền thông và ngân hàng hơn là thương mại, giáo dục , khoa học kỹ thuật và y tế.
Những người thành công của cộng đồng di dân Ái Nhĩ Lan :
Văn nghệ sĩ : Bruce Sprinsteen, Elvis Presley, Taylor Swift, Britney Spears, Kurt Cobain, Bring Crosby và những người khác.
Thể thao : Jimmy Connors , John McEnroe, John Elway, Tom Brady , Muhammad Ali, Ben Hogan và những người khác
Tổng Thống Hoa Kỳ : Có tất cả 12 Tổng Thống Hoa Kỳ từ gốc di dân Ái Nhĩ Lan, nổi tiếng nhất là ông John F. Kennedy , người Tổng Thống đầu tiên có đạo Thiên Chúa.Gia đình ông George Bush. Ông Joe Biden , Tổng Thống hiện tại, hết 10 đời họ Biden sống ở Ái Nhĩ Lan và 6 đời kế tiếp là tại Hoa Kỳ.
Phó Tổng Thống từ gốc di dân Ái Nhĩ Là ông Mike Pence.
Hiện giờ có khoảng 32 triệu người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan sinh sống tại Hoa Kỳ.
Lý do thứ ba mà tiếng Anh được chọn là ngôn chính tại Hoa Kỳ là vì đồng hoá, làn sóng di dân tới Mỹ để tìm một lối sống mới, họ muốn hoà nhập vào nền văn hoá thịnh hành chứ không muốn có một nếp sống y như quê hương trước kia của họ, nên việc nói tiếng Anh họ chấp nhận một cách dễ dàng.
Xuất xứ của chiếc thuyền Mayflower
Di dân đến Hoa Kỳ có một chiều dài lịch sử, ban đầu phần lớn là từ Anh quốc , bởi vậy mỗi lần đến ngày lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, nhiều người sẽ nhớ vào năm 1620 có một nhóm Thanh giáo Puritants, mà sử Mỹ gọi họ là “Pigrims” có nghĩa là “người hành hương” gồm 130 người đã đi bằng một con tàu buồm, có tên gọi là Mayflower ( tạm dịch – Bông hoa Tháng năm) từ Anh quốc đến Tân thế giới. Chuyến phiêu lưu của Mayflower tượng trưng một niềm tin tôn giáo và là dấu ấn quan trọng trong lịch sử Bắc Mỹ khiến nhiều người hiểu lầm rằng đây là con tàu di dân đầu tiên từ Anh sang Mỹ.
Đúng ra người Anh đã thành lập thị trấn St John’s từ năm 1583. Thuyền trưởng Christopher Newport và John Smith đã ra khơi với ba chiếc tàu mang tên Susan Constant,Godspeed và Discovery vào tháng 12 năm 1606 vượt Đại Tây Dương qua Tân Thế Giới , mười bốn năm trước khi tàu Mayflower cập cảng Cape Cod.
Những người trên ba chiếc thuyền cập bến Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1607, một chuyến đi làm họ kiệt sức và bệnh tật nhưng họ là người thành lập Jamestown, Virginia , chính thức trở thành thuộc địa đầu tiên tại Hoa Kỳ. Trong hai năm đầu sống ở Mỹ, điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thiếu lương thực mà còn bị người da đỏ bản địa tấn công liên tục. Dân số ban đầu là 105 người, sau đó chỉ còn 60 người. Hạt giống thuốc lá từ miền bắc Carolina đã giúp họ trở nên phát đạt, họ thành lập công xưởng sản xuất thuốc lá, dần dà nhiều người di dân chọn đây là nơi an cư lạc nghiệp. Trong vòng 100 năm, nước Anh trở nên thịnh vượng là nhờ xuất cảng thuốc lá, đường và cá từ các thuộc địa ở Hoa Kỳ với lợi nhuận vượt xa các sản xuất truyền thống trong nước là len và kim loại.
Thế hệ trưởng thành tại miền nam Việt Nam vào thập niên 1950, chắc đều xem cuốn phim Captain John Smith và nàng Pocahontas, đạo diễn phim là ông Lew Landers và hãng United Artists sản xuất. Hãng Walt Disney đã tạo cô Pocahontas thành nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình mang cùng tên vào năm 1995. Người xem ai nấy đều bùi ngùi xúc động về câu truyện tình lãng mạn trong lịch sử Anh – Mỹ. Tuy nhiên một số nhà sử học tin rằng câu chuyện tình này là hư cấu, mà lại có những nhà sử học khác lại tin rằng câu chuyện là có thật. Có một điều ai cũng phải đồng ý Pocahontas là một người có thật, con gái của Tù trưởng Powhatan của bộ lạc ở khu vực Tidewater. Cô đã giúp đỡ người thuộc địa ở Jamestown khỏi nạn đói trong những năm đầu tiên của thuộc địa. John Smith cũng là người có thật, ông giữ vai trò vô cùng quan trọng trong hai năm đầu tại Virginia, khi ông trở thành chủ tịch hội đồng Thuộc địa Virginia, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông đã giúp thuộc địa tồn tại và ngày càng phát triển. Còn câu chuyện tình giữa Smith và Pocahontas thì đến giờ không biết có thật không? Y như chiếc tàu thuỷ Titanic là có thật, còn chuyện tình trên chiếc tàu trước khi đắm là một chuyện hư cấu, tuy nhiên mọi người đều thích đọc hoặc xem những mối tình tưởng tượng đẹp như tranh vẽ , sau đó trở thành một truyền thuyết nổi tiếng trong dân gian.
Đã có nhiều bài viết nói về Captain John Smith và chiếc thuyền Mayflower nhưng ít ai nói điểm khởi hành từ đâu tại Anh quốc để đến Tân Thế Giới. Tất cả điều bắt đầu từ miền đông London, vì địa điểm này không thu hút du khách, tuy nhiên nếu ai là người thích đi bộ, đi dọc bờ sông Thames về phía đông trên 5 dặm thì sẽ thấy quán bia Mayflower tại bến Rotherhithe- Đông London vào lúc đó quán bia chưa có tên , đến mãi năm 1780 sữa chữa lại với tên “Spread Eagle and Crown” và cho đến năm 1957 đổi tên là “Mayflower”. Gần quán bia có một bức tượng kỷ niệm cuộc hành trình đặc biệt này.
Giờ du khách hay người địa phương vào đây uống bia và ăn uống thì sẽ có hồi ức người thuyền trưởng Christopher Jones và thuỷ thủ đoàn đã từng ngồi đây uống bia, sau đó họ lái chiếc thuyền Mayflower xuống bến cảng Southampton (nơi khởi hành chiếc Titanic) để chất lương thực, tiếp theo ghé cảng Plymouth (Anh quốc) và cuộc hành trình bắt đầu vượt Đại Tây Dương đến miền đất hứa. Nơi chiếc Mayflower cập bến ở Hoa Kỳ giờ có tên gọi là Plymouth Rock tại Massachusetts.
Cuộc hành trình của “người hành hương” mất hết 66 ngày. Hậu duệ của 102 người hành hương này là Cựu Tổng Thống George Bush, Richard Nixon , nữ diễn viên Marilyn Monroe và nam diễn viên Humphrey Bogart.
Hiện giờ tại khu Rotherhithe có một hội đoàn mang tên “Southwark Young Pilgrims”, xem như một di sản của nhóm Pilgrims. Tổ chức này mục đích giúp thanh thiếu niên khuyết tật và thiếu sự hỗ trợ của gia đình trong quận Southwark – London. Diễn viên nổi tiếng nước Anh là Sir Michael Caine sanh ra tại Rotherhithe là từng là hội viên nòng cốt của tổ chức này.
Nhân đây kể thêm quê hương của Mayflower ở thị trấn bến cảng Harwich – địa hạt Essex.
Harwich được xếp 5 thị trấn bến cảng (Haven ports) ở phía đông nước Anh. Vì giáp biển đông và là hướng đi lên Bắc hải , nên Harwich là một bến cảng bận rộn chỉ sau cảng Dover phía nam. Một tuần có 14 chuyến phà từ Harwich qua bến cảng Hook of Holland, thời gian là 6 tiếng 30.
Thị trấn Harwich cách London khoảng 84 miles. Khi tới Harwich , mọi người sẽ thấy một tấm bảng ghi “Home of Mayflower ship – Quê hương của con tàu buồm Mayflower” là vì chiếc thuyền buồm này được đóng tại đây vào khoảng năm 1600 và được hạ thuỷ tại bờ Dovercourt , cách Harwich 1 mile. Tàu buồm có chiều dài 100 feet (30 mét), rộng 25 feet (7,6 mét) ở khoang giữa. Lòng tàu có diện tích 1600 square feet (160 mét vuông) nhưng trần thấp chỉ khoảng 5 feet (1,5 mét). Ngoài hành khách tàu còn chở một số gia súc như dê, cừu, chó, gà, và nông cụ.
Trong vòng 20 năm con tàu buồm này được sử dụng cho việc chuyên chở hàng hoá lên các nước bắc âu như Na Uy , rồi đi Pháp và Tây Ban Nha. Nơi chiếc Mayflower cập bến ở Hoa Kỳ giờ có tên gọi là Plymouth Rock tại Massachusetts.
Cuộc hành trình của “người hành hương” mất hết 66 ngày. Hậu duệ của 102 người hành hương này là Cựu Tổng Thống George Bush, Richard Nixon , nữ diễn viên Marilyn Monroe và nam diễn viên Humphrey Bogart.
Sau đó Mayflower có quay trở lại về Anh quốc. Hiện giờ sườn tàu được tu bổ lại được giữ tại xưởng tàu Hendry B. du Pont Preservation và thuộc Plimonth Platation, of Plymouth MA – Hoa Kỳ
Từ năm 1620 đến 2020 là đánh dấu đúng 400 năm cuộc hành trình của tàu buồm Mayflower nên mọi người tưởng nhớ đến bến cảng Harwich là nơi khai sanh ra con tàu, ngoài ra Captain Christopher Jones đã từng sống tại đây , căn nhà cư ngụ của ông vẫn còn hiện hữu và mở cửa cho du khách viếng thăm.
Vào năm 1928, một tấm bia Tưởng niệm những người đã đến định cư tại Virginia (The Virginia Settlers Memorial) tại bến cảng Blackwall – miền đông London. Tấm bảng hướng ra sông Thames, mô tả ba con tàu đến Hoa Kỳ, phía dưới có hàng chữ “Dei Gratia Virginia Condita” (Nhờ ơn Chúa, Virginia được thành lập).
Địa điểm khởi hành này có tầm quan trọng trong lịch sử di dân đến Hoa Kỳ. Ba con tàu phải mất 21 tuần lễ mới tìm được chỗ thích hợp cho việc định cư (Mayflower chỉ mất 10 tuần). Một vấn đề là các thuyền viên trên các chiếc tàu không phải là người trao nhiệm vụ đi tìm đất mới, họ không phải là người làm nông nghiệp nên hoàn cảnh định cư vô cùng khó khăn.
Mặc dù ngày nay Jamestown không nổi tiếng như định cư của chiếc Mayflower, có điều khẳng định lớn nhất của Jamestown đối hầu hết với mọi người là câu chuyện tình yêu hấp dẫn giữa Captain Johnsmith và cô gái bản địa Pocahontas.
Hoa kỳ có dân số di dân lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Bao nhiêu thế kỷ trước khi tuyên ngôn độc lập tuyên bố vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 đã có di dân cho đến ngày hôm nay. Đảo Ellis tại New York có một viện Bảo tàng Di Dân nói về lịch sử người nhập cư từ châu Âu nhằm thực hiện “giấc mơ miền đất hứa” kể từ năm 1892, đây là nơi đáng ghé đến thăm viếng nhiều lần để được nghe lời giải thích, hướng dẫn và tài liệu về vai trò của người di dân, họ đã tác động kinh tế Hoa Kỳ vô cùng tích cực và trở thành một quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn siêu cường nhất thế giới.
Theo thống kê Hoa Kỳ hiện giờ có khoảng 38 triệu người di dân sinh sống tại Mỹ. Người di dân gốc Mễ Tây Cơ chiếm 30%, người di dân Phi Luật Tân chiếm 4,4 %, tiếp theo là người Ấn Độ chiếm 4,3% , người Trung Hoa chiếm 3,6%. Người di dân Việt Nam chiếm 3%.
Khác với lớp di dân đầu tiên vào thế kỷ 16 thì những người di dân đến Hoa Kỳ hiện giờ không nói được tiếng Anh, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy Hoa Kỳ vượt trội hơn các quốc bên châu Âu là đồng hoá người nhập cư thế hệ thứ nhất và thứ hai, nên chắc mọi người đều chấp nhận Hoa Kỳ là nơi dễ sống nhất khi bắt buộc phải rời khỏi quê hương đất tổ.
- Anh Quân
Dovercourt - nơi hạ thuỷ Mayflower
Quán bia Mayflower nơi thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn uống bia trước khi đi xuống bến cảng Southampton và Plymouth qua USA
Logo xe máy Harley Dadvision
Đài tưởng niệm Virginia Quay Settlers Monument
No comments:
Post a Comment