Dec 9, 2021

NHÀ BÁO VIẾT SÁCH - Doãn Cẩm Liên



Muốn làm nghề “Nhà Báo” phải có ít nhất hai kỹ năng chính là nói và viết. Muốn nói hay viết giỏi thì phải cần đến dữ liệu, chất liệu làm vốn liếng. Mà muốn có dữ liệu thì phải đi đó đây nhiều, gặp gỡ nhiều, đụng chuyện nhiều để khơi bới ra nhiều khía cạnh mà nói. Anh Đinh Quang Anh Thái là một người có đầy đủ những điều kiện ắt có và đủ trên. Khẳng định được điều này là do tôi đã có trong tay ba quyển “KÝ 1, 2, 3”, và sắp tới là “KÝ 4”.

Anh Đinh Quang Anh Thái chọn duy một chữ “KÝ” cho đề tựa của bốn quyển sách của anh. Chắc cũng vì nó vừa giống hồi ký, nó chẳng khác bút ký, nó nhác giống nhật ký, và bảo nó là du ký cũng chẳng sai. Không thể mang tất cả các thể loại cho lên trang bìa sách, cho nên đây là một chọn lựa khôn ngoan nhất đời. Một chữ là tất cả, tất cả trong một chữ!

Quyển “KÝ” thứ 4 chưa ra lò, nhưng độc giả thừa biết nó cũng trong khuôn khổ ba quyển đầu, tức là tiếp tục viết về những tác giả có tác phẩm được lưu truyền trong Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trong nửa bán thế kỷ Hai Mươi, bất kể người miền Nam hay miền Bắc. Nói cách khác, anh Đinh Quang Anh Thái kể chuyện về những người có tài, có chiến tích, đi kèm với những sự kiện, những thâm sâu bí sử của chính trị, những ngóc ngách trong lịch sử xung quanh những nhân vật này. Do vậy trong ba quyển “KÝ” chúng ta đọc được về ông Bùi Diễm, ông Như Phong – Lê Văn Tiến, Dan Southerland, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc… bên cạnh các nhân vật lẫy lừng miền Nam còn có những tác giả bên kia chiến tuyến nhưng có “trí óc của một con người” như Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương… Những nhân vật này hẳn là có điểm gì đặc biệt dưới mắt nhìn của anh Đinh Quang Anh Thái.

Hai bậc tiền bối Bùi Diễm và Như Phong – Lê Văn Tiến đã chiếm một khoảng lớn trân quý nhất trong “KÝ”. Đọc “KÝ” để thấy Việt Nam có nhiều nhân tài và nhiều chí khí.

Đọc “KÝ” để còn thấy phần nào lịch sử Việt Nam, chiến tranh, con người, tư tưởng, suy nghĩ, hành động của người Việt không phân biệt Bắc, Trung, Nam và cả những người lưu vong, sống khắp bốn Bể năm Châu. 

Phần phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương trong “Ký 2”, chúng ta thấy anh Đinh Quang Anh Thái đặt vấn đề thật tài tình. Nó làm tiền đề cho câu trả lời một cách trực diện, thẳng thắn, rõ ràng, đôi lúc “bỗ bã và mạnh bạo”. Chẳng biết các độc giả khác có cùng suy nghĩ với độc giả này hay không: Vạch mặt chế độ và chính quyền cộng sản Việt Nam thì phải dùng chữ “bỗ bã và mạnh bạo” kiểu bà Dương Thu Hương thì mới vừa và xứng?! 

Đọc “KÝ”, độc giả còn thấy thêm điều gì nữa? 

Riêng tôi thì thấy tác giả tràn đầy lòng yêu nước, yêu dân tộc Việt, yêu tự do dân chủ, bàng bạc khắp tất cả các “KÝ”. Từ đấy mà tác giả yêu luôn cả “Ngục sĩ” Nguyễn Chí Thiện, người mà chính quyền cộng sản VN vùi dập hai mươi bốn năm trong lao tù khổ nhục. Anh Đinh Quang Anh Thái đã bút “Ký” lại ngay giây phút gặp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện khi ông đến Hoa Kỳ. Và cũng ghi lại bài thơ “Sẽ Có Một Ngày” trên “KÝ 1” tr 117, cộng thêm vài mẩu thơ khác mà nó đã bóp nghẹt tim người đọc.

Trong “KÝ 3” tr 203, độc giả sẽ làm quen được rất nhiều khuôn mặt và bút pháp của các tay viết miền Bắc như Võ Đắc Danh, Tuấn Khanh, Thúy Hà, Tống Văn Công, Nguyễn Thanh Bình, Trần Đĩnh, Nguyễn Thị Hậu, Kim Chi, Dương Thu Hương. Họ đã biết gì và nghĩ gì sau biến cố 30/ 4/ 1975, sau khi vào Sài Gòn để thấy tận mắt mà chiêm nghiệm và viết xuống.  

Thế rồi, còn gì để nói tiếp về “KÝ”?

Thưa có, đó là tính “thành thực và nhận lỗi” của tác giả Đinh Quang Anh Thái. Đây là một tính hiếm có, lại càng hiếm thấy khi nó được đưa lên trang giấy để bàn dân thiên hạ đọc. Trong ba “KÝ” đã có hai đoạn tác giả đã cúi đầu nhận lỗi và ăn năn vì đã làm buồn lòng cậu Lê Văn Tiến (tr 93 “KÝ1”) và cụ Bùi Diễm (tr 25 “KÝ3”). Trong đời sống, ai mà không có lỗi lầm. Điều đáng nói là có biết đó là lỗi hay không, rồi nhận lỗi, và sửa lỗi. Ba điều này mà xảy ra trong cùng một người thì chắc chắn người đó có nhiều điểm để ta vẫn quý mến và mong muốn được kết thân. 

Hoạt động “Đọc” thường ngày của chúng ta là để làm giàu kiến thức, để có được cái nhìn rộng và thoáng về đủ thứ trên trần đời. Đọc “KÝ” là để hiểu biết nền Văn Học Nghệ Thuật của đất nước Việt Nam, không phân biệt miền Nam hay miền Bắc, trước hoặc sau 1975, và cả những sinh hoạt người Việt tha hương khắp địa cầu. Chúng ta cũng không nằm ngoài những điều mong muốn trên, thưa phải không ạ?

Thôi không nói nữa, xin mời quí vị ĐỌC, để HIỂU, và YÊU hơn! 

California, ngày 9 tháng 12 – 2021

Doãn Cẩm Liên

No comments: