May 24, 2020
NGƯỜI MẸ Ở MANDEVILLE
Bác Khánh nhờ cô đọc để đánh máy bản dịch viết tay này của Út.
Cô đọc xong truyện này rồi nói "Chẳng hiểu gì cả". Bác Khánh giải thích xong thì cô nhăn nhó vì buồn quá.
Bác Khánh
NGƯỜI MẸ Ở MANDEVILLE
Marjorie Kinnan Rawlings
Út Hương dịch
Viện mồ côi ấy được xây dựng trên dãy núi Carolina. Thỉnh thoảng, khi vào đông, hội từ thiện này như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài qua những lớp tuyết thật cao. Khi đỉnh núi mù sương, khi những cơn bão tuyết xoáy cuộn xuống vùng thung lũng với từng cơn gió rét buốt, mấy đứa trẻ mồ côi ngày hai bận đi giao sữa cho khu trẻ sơ sinh, lại phải chịu dựng cái lạnh khắc nghiệt này. Thường đôi tay chúng đã tê cứng vì lạnh khi về đến nhà.
“Chả nhẽ mỗi lần tụi mình đem khay thức ăn từ bếp sang cho đứa bị ốm, mình đành phải để mặt bị cước lên vì lạnh sao”. Jerry tiếp:
“Biết làm sao nhỉ. Làm sao lấy tay che kín mặt được. Tớ thì còn có đôi bao tay, mấy đứa khác không có thì đành chịu.”
Có lần Jerry bảo cậu ta thích những dạo cuối xuân. Lúc ấy cây đỗ quyên bắt đầu trổ hoa, Sườn núi sẽ được trải một tấm thảm sắc hoa nguyệt quế, tấm thảm sẽ êm dịu như những ngọn gió tháng năm làm lay động những nhánh cây Độc Cần. Terry yêu hoa nguyệt quế vì sắc hồng trắng dễ thương của nó.
Tôi đến vùng này vào mùa thu. Tôi cần sự yên lặng, cách ly hẳn với thế giới ồn ào bên ngoài. Có vâỵ, may ra tôi có hứng viết hơn. Ở đây, có lẽ tôi sẽ khỏi bệnh sốt rét, gió vùng núi sẽ cuốn đi loại bệnh vùng cận nhiệt đới này. Nhưng ở đây tôi cũng sẽ nhớ nhà nhiều, bởi vì tất cả những điều quen thuộc với tôi như màu đỏ rực của lá cây maple vào tháng mười, những ụ ngũ cốc, những quả dưa cây hạt dẻ đen, những dãy đồi, tôi tìm đều thấy ở đây cách khoảng nửa dặm trước khu nông trại của viện mồ côi.
Khi đến ở trong căn lều nhỏ này, tôi có nhờ mướn một đứa bé trai hay một anh thanh niên nào đó đến chẻ củi. Mấy ngày đầu vẫn không thấy ai tới. May mà trời ấm, tôi nhặt nhặn đủ củi để sưởi.
Một buổi xế trưa nọ, lúc đang đánh máy tôi hơi giật mình khi tình cờ ngửng lên thấy một đứa bé trai đứng ngoài cửa, bên cạnh con chó, người bạn đồng hành của tôi. Lý ra nó phải sủa báo cho tôi biết, thế nhưng lần này thì không.
Đứa bé này khoảng mười hai tuổi nhưng vóc dáng của nó lại nhỏ hơn so với tuổi mười hai.
Cậu ta đi chân đất, mặc quần yếm với chiếc áo đã rách.
Cậu nhỏ nói với tôi:
“Hôm nay cháu sẽ chẻ một ít củi”.
Tôi trả lời:
“Nhưng tôi đã nhờ một em trong viện mồ côi.”
“Vâng, cháu đây.”
“Cháu à? Nhưng cháu bé quá.”
“Chẻ củi đâu cần có một vóc dáng lớn, thưa cô. Nhiều đứa to hơn cháu nhưng chẻ củi không nổi. Ở viện, cháu đã phải chẻ củi từ lâu.”
Tôi hình dung ra một đống củi khiêm tốn được chẻ, có lẽ chả đủ để sưởi. Lúc làm việc, tôi chả muốn tiếp chuyện với cậu nhỏ ấy, tôi có hơi thẳng thừng.
“Được, có cái rìu đó. Cháu đi xem làm được gì thì làm”, rồi đóng cửa và trở lại với công việc.
Thoat đầu, tôi hơi bực mình khi đứa bé kéo lê những cây củi. Rồi lúc nó bắt đầu làm, tiếng chẻ củi vừa nhịp nhàng vừa đều đặn không làm phiền tôi hơn tiếng mưa rơi dai dẳng. Và chẳng mấy chốc tôi quên mất thằng bé.
Khoảng một tiếng rưỡi sau, tôi ngưng làm việc. Tôi vươn vai, hít sâu để lấy lại sức. Có tiếng chân của đứa bé ở ngoài hiên. Lúc này mặt trời đã gần khuất sau dãy núi xa nhất, thung lũng nhuộm sắc tía, đậm hơn cả sắc cây cúc tây.
Đứa bé lên tiếng: “Cháu phải về ăn cơm tối. Có thể tối mai cháu lại đến”.
Tôi bảo nó: “Tôi sẽ trả tiền cho những gì cháu đã làm”. Tôi nghĩ đáng lẽ mình phải đòi cho bằng được một đứa lớn hơn.
Tôi tiếp: “10 xu một giờ, đúng không?”
“Sao cũng được, cô ạ”.
Tôi và đứa bé đi vòng ra sau lều. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu nhỏ đã chẻ hết mấy khúc rễ nặng trịch của cây đỗ quyên, và mấy khúc gỗ anh đào rắn chắc và cả những mãnh gỗ thông, gỗ cây sồi bỏ vất vưởng sau hè.
“Ồ, cháu làm việc như một người lớn, cháu chẻ cả một đống củi lớn.”
Tôi nhìn đứa bé, đây là lần đầu tiên tôi thật sự nhìn đứa bé. Nó có mái tóc màu râu bắp, một đôi mắt rất cương trực, màu xám của bầu trời rừng núi, khi mưa vẫn chưa dứt. Trong đôi mắt nâu xám ấy có lẫn những ánh xanh kỳ diệu. Khi nói chuyện với đứa nhỏ, tôi cảm thấy như có một vầng hào quang nào đó lướt qua nó. Có thể chính ánh trời chiều đang ôm gọn đứa bé như đã tràn ngập trong vùng núi hùng vĩ này,
“Mai cháu có thể quay lại,” tôi nói, “tôi cám ơn cháu nhiều.”
Nó nhìn tôi như thể muốn nói điều gì, nhưng lại quay đi.
“Mai cháu sẽ chẻ một ít củi đóm”. Vẫn không quay lại, nó nói qua tấm vai gầy.
“Cô cần một ít củi đóm và một ít củi đủ cỡ”.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy vì tiếng chẻ củi. Vẫn tiếng chẻ êm êm, nhịp nhàng hôm qua, rồi tôi ngủ lại. Lúc tôi dậy hẳn, đứa bé đã về. Một đống củi được xếp ngay ngắn bên tường. Đến chiều, sau giờ học, đứa bé quay lại và làm việc đến lúc phải về lại viên mồ côi.
Đứa bé ấy là Jerry, 12 tuổi, đã phải ở đây từ thuở lên bốn. Tôi có thể hình dung Jerry kh bốn tuổi, vẫn với cặp mắt nghiêm trang màu xám xanh ấy, vẫn tính “tự lập” ấy. Không, không hẳn là “tự lập”, đúng hơn là “chính trực”.
“Chính trực”, một từ tôi chỉ dùng để diễn tả một đức tính đặc biệt, hiếm ai có. Bố tôi có được đức tính này, một số người quen khác cũng có, nhưng không một ai mang nó một cách rõ ràng, tinh khiết và mộc mạc kiểu một dòng suối trên núi như Jerry. Nó xuất phát từ một cái gì còn cao cả hơn lòng can đảm và một cái gì khác còn đáng quý hơn cả sự ngay thẳng.
Một hôm, cán rìu bị gẫy. Tôi đưa tiền nhờ Jerry đem đii sửa ở xưởng gỗ của viện. Vì theo Jerry biết, ở đây có thể làm việc đó được. Thế nhưng Jerry không nhận tiền, cậu ta: “Cháu sẽ phải trả tiền vì chính cháu đã vô ý làm rớt rìu, làm gậy cái cán ấy.”
“Có ai cố ý làm hư đâu?, tôi trả lời. Chỉ tại loại gỗ của cái cán này không tốt. Cô sẽ đến gặp người bán cái rìu này”.
Phải nói như vậy Jerry mới chịu cầm tiền. Nó đứng tần ngần nghĩ về sự vô ý vừa qua và tự nguyện sẽ làm cẩn thận hơn, nếu chẳng may lại hư hại gì, thì lần này này sẽ tự nhận lấn trách nhiệm.
Và Jerry đã giúp tôi trong mọi công việc tuy nhỏ nhưng không kém quan trọng, những công việc làm được do thiện chí chứ không do kinh nghiệm. Chẳng hạn như trong lều, Jerry đã xếp mấy que củi đóm trong một góc nhỏ bên cạnh lò sưởi. Như vậy, tôi lúc nào cũng có củi khô để nhóm, cho dù thời tiết có ẩm bất thường. Có lần, Jerry lại đào một cái hố khá sâu, rổi đắp đất thật chặt để hòn đá trên lối đi không xục xịch nữa.
Mỗi lần biết Jerry làm được mấy công việc lặt vặt đó, tôi hay thưởng tính chu đáo của nó với vài viên kẹo hay một quả táo. Ít khi nào nó cám ơn tôi khi nhận quà. Nhưng không phiền hà, vì tôi biết lịch sự đã nằm trong bản chất của Jerry, không cần phải thể hiện trong từ “cám ơn”. Jerry thường nhìn món quà nhỏ, rồi lại ngước nhìn tôi. Chính lúc này, tôi nhận ra được lòng biết ơn và sự trìu mếm của Jerry trong khóe mắt sáng, tương phản với vẻ cộc kệch bên ngoài của nó.
Jetty có xin tôi được phép đến chơi và ngồi nói chuyện, Tôi bằng lòng ngay vì biết nó đang thèm khát tình cảm. Theo lời yêu cầu của tôi, Jerry thường đến trước bữa cơm tối, sau giờ làm việc, Cẩn thận hơn cả, Jerry chỉ bước vào lều khi tôi ngừng đánh máy. Vì vậy mà có lần Jerry phải chờ đến lúc trời tối mà không vào vì vẫn còn nghe tiếng máy chữ. Tôi chỉ chợt nhớ tới thằng bé khi thấy bóng nó đang bang qua đồi trở về viện. Chắc Jerry đã chờ lâu lắm vì tôi còn thấy hơi ấm ở chỗ nó ngồi.
Đối với con chó Pat, Jerry đã trở thành một người bạn thân thiết. Có một nỗi thông cảm kỳ lạ giữa đứa bé và con Pat. Biết cả hai đều có cùng một cá tính độc đáo, cùng một trí khôn, nhưng sao lại khó giải thích được điều này.
Khi tôi trở về tiểu bang để nghỉ cuối tuần, tôi có giao con chó Pat cho Jerry. Tôi giao cả chiếc còi để gọi Pat và một ít thức ăn dự trữ. Jerry chỉ phải lên đây hai hay ba lần một ngày để dẫn chó đi dạo, cho nó ăn và luyện cho nó làm một vài trò nếu Jerry muốn. Tôi hẹn sẽ quay lại vào tối chủ nhật, như vậy Jerry chỉ phải giúp tôi chăm sóc Pat đến hết chiều chủ nhật, có thể cất chìa khóa ở chỗ quy định và về lại viện.
Lần đó tôi không về đúng hẹn. Nhiều sương mù quá, tiết trời lại thay đổi bất thường nên tôi không dám lái xe băng qua núi trong đêm. Mãi tới trưa hôm sau tôi mới về tới nơi. Jerry đã phải lên chăm sóc Pat thêm một buổi sáng thứ hai, nó có vẻ nóng ruột nhưng đến chiều đã gặp tôi.
“Ông sĩ quan có bảo là không ai được lái xe khi trời nhiều sương mù. Tối qua, trước giờ đi ngủ, cháu có cố xuống xem cô về chưa. Sáng nay vẫn chưa thấy cô về. Pat trong mấy ngày cô đi vắng được lo kỹ lắm. Sáng nay nó ăn hết cả phần sáng của cháu đem qua đây đó cô.”
“Chắc chắn là cháu lo cho Pat chu đáo lắm rồi. Cô chả lo gì đâu.”
Cháu thì … cháu lo cho cô lắm. Lúc cháu nghe tin về sương mù, cháu nghĩ chắc cô cũng biết tin đó.”
Nói với tôi được vài câu, Jerry lại phải quay về viện để làm cho xong vài công việc gì đó. May mà tôi nhớ ra kịp, đưa cho thằng bé một đô la tiền công. Jerry chỉ nhìn, có vẻ ngần ngừ. Cuối cùng nó cũng nhận và bỏ đi ngay. Tối đó, nó vẫn đến với tôi.
“Vào đi, Jerry,” tôi lên tiếng, “cháu được đi trễ như vậy à?”
“Cháu vừa phải bịa là cô cần gặp cháu, có vậy cháu mới được đi.”
“Ừ mà cô cũng cần cháu thật, cháu kể cho cô nghe mấy ngày cô vắng nhà, cháu và Pat đã làm gì đi.” Tôi nói vậy cốt để trấn an thằng bé và thấy quả nó có như “cởi tấm lòng” khi “được lời” tôi.
Jerry ngồi xuống bên tôi, cạnh lò sưởi. Con Pat cũng tìm đến cạnh Jerry, có lẽ để hóng chuyện. Chưa bao giờ hết, tôi cảm thấy cả Jerry lẫn Pat đều gần gũi đến như vậy, cả hai như thuộc riêng về tôi.
“Nó ngoan lắm, cô ạ.” Jerry bắt đầu câu chuyện. “Nhưng mà hễ dẫn ra bãi nguyệt quế là nó không nghe lời cháu. Nó thích nguyệt quế lắm. Cháu cũng hay dẫn nó lên đồi, cùng chạy thật nhanh. Chỗ này cỏ cao lắm, cháu hay nằm rạp xuống trốn Pat. Nó biết đánh hơi tìm cháu, đó cô. Nó theo vết cháu mà sủa. Cô biết không, mỗi lần tìm ra cháu, nó cứ chạy vòng quanh như một gã điên.”
Jerry vẫn kể, tôi vẫn nghe và cả hai đều nhìn vào ánh lửa lập lòe trong lò sưởi.
“Gỗ táo đang cháy đấy. Gỗ táo cháy đẹp nhất đó cô.”
Rồi tự dung chả biết điều gì thúc đẩy, Jerry đề cập về điều mà cả tôi lẫn Jerry trước đây đều không dám nhắc đến.
“Cô hơi giống mẹ cháu,” thằng bé nhận xét như vậy, “giống nhất khi chỉ có ánh lửa soi khuôn mặt cô.”
“Nhưng Jerry, làm sao cháu nhớ được khuôn mặt của mẹ cháu, hồi cháu đến đây, cháu chỉ bốn tuổi, còn bé lắm mà!”
“Mẹ cháu hiện ở Manville,” Jerry tiếp lời tôi.
Như vậy là Jerry hiện còn mẹ. Tại sao một người mẹ lại có thể bỏ con lại đây, nhất là đứa bé như Jerry. Tự dưng tôi lại oán giận mẹ Jerry. Đành rằng đây là một hội từ thiện, trẻ con ở đây được đầy đủ vật chất hơn ở ngoài, sức khỏe được chăm sóc cẩn thận hơn, có được một manh áo cũ cũng không cực nhọc lắm, công việc ở đó cũng không đến nỗi vất vả, nhưng tình máu mủ ruột thịt không ai ban cho chúng được. Chả nhẽ mẹ Jerry không hề đoái hoài đến nó, không hề mong mỏi được âu yếm giọt máu của bà?
Chắc chắn lúc bốn tuổi, Jerry không khác hơn bây giờ, không thể thay đổi được cặp mắt ấy; đức tính của Jerry dù ngu xuẩn hay điên rồ cách mấy cũng nhận biết được. Tôi nóng lòng muốn hỏi thằng bé một vài điều nhưng không dám, chỉ sợ làm nó khổ. Nhưng rồi tôi cũng hỏi:
“Gần đây cháu có gặp mẹ không?”
“Thế nào mẹ cháu cũng đến thăm cháu.”
Tôi mất cả bình tĩnh, chỉ muốn lớn tiếng hỏi:
“Tại sao cháu không đi theo mẹ cháu, tại sao bà ta lại để cháu ở lại?”
Jerry vẫn kê tiếp:
“Hễ mà lên được là mẹ cháu lên ngay. Mẹ cháu vẫn chưa có việc làm.”
Khuôn mặt của Jerry sáng lên trong ánh lửa:
“Mẹ cháu định cho cháu một con chó con, nhưng ở đây người ta không cho phép nuôi chó. Cô nhớ bộ quần áo cháu mặc hôm chủ nhật không? – Jerry kể, giọng tự hào- mẹ cháu cho cháu hồi Giáng Sinh, Giáng Sinh năm kia thì phải.”
Thằng bé hít mạnh như để tận hưởng kỷ niệm này, “mẹ cháu cũng cho cháu đôi giầy trượt tuyết”.
“Đôi giầy trượt tuyết à?”
Tôi phải mường tượng lại mẹ Jerry và cố gắng hiểu được bà ta. Như vậy mẹ Jerry vẫn nhớ đến đứa con, bà đâu đến nỗi tệ! Tôi lại tự nhủ “mình không nên phán xét bà ta quá sớm như vậy, mình đã thông cảm được hoàn cảnh bà ta đâu.”
“Vâng, một đôi giầy trượt tuyết. Cháu hay cho tụi bạn mượn, tụi nó nâng niu đôi giầy lắm.”
Tôi rất thông cảm vì sao đám trẻ lại nâng niu đôi giầy. Chỉ vì nghèo mà thôi, đôi giầy trượt tuyết cũng trở nên quý giá đối với chúng.
Jerry tiếp: “Cháu nhận đồng đô là cô trả công chăm sóc Pat, cốt ý để mua một đôi găng tay cho mẹ.”
Tôi chỉ đáp:
“Dễ thương lắm, nhưng cháu có biết số của mẹ không?”
“Cháu nghĩ là 8 rưỡi,” Jerry trả lời tôi. Nó nhìn bàn tay tôi rồi hỏi:
“Cô mang số 8 rưỡi chứ ạ?”
“Không cháu ạ. Tay cô nhỏ hơn. Cô mang số 6.”
“Vâng, cháu đoán là tay mẹ lớn hơn tay cô.”
Sao tôi lại ghét bà ta đến thế. Bà ta lý ra phải biết rằng tinh thần dễ chết vì đói hơn thể xác. Lúc này, trong khi đứa con ruột thịt dành dụm một đồng đô la để mua một đôi gang to và đáng ghét tặng bà thì bà lại vô tâm sống ở Manville, chắc bà ta thấy mình hết bổn phận với thằng bé khi đã “bố thí” cho nó đôi giầy trượt tuyết.
“Mẹ cháu thích đôi găng trắng,” Jerry tiếp, “một đô la mua đủ không cô?”
“Có lẽ đủ, cháu ạ.”
Tôi vừa trả lời vừa tự nhủ rằng trước khi về phải gặp mẹ Jerry để biết rõ tại sao bà ta lại đối xử tệ với đứa bé đến như vậy.
Ý tưởng không thể ở yên, nó phải được tung rải khắp nơi nó thích, để gió lay động như lay động cành khế, rồi thổi nó bay đi xa.
Tôi chấm dứt bài viết dù không hài lòng lắm. Tôi cần đến Mexico để thu thập thêm tài liệu ở đây.
Tôi chuẩn bị rời Florida, để sang ngay Mexico. Ở đấy, tôi sẽ tiếp tục viết nếu thuận tiện. Sau đó tôi sẽ đến với đứa em trai ở Alaska, rồi sẽ đi tận đâu nữa tôi chưa thể nói trước được.
Tôi không có thì giờ để đến Mandeville gặp me Jerry, cũng chả rảnh để đến viện mồ côi hỏi thăm về bà ta. Tôi bận quá, nên hơi lơ đãng về Jerry. Dù sao, Jerry cũng có mẹ, tuy ở tận Mandeville. Sự hiện diện của bà mẹ thoạt đầu khiến tôi giận dữ, nay lại giúp tôi đỡ bứt rứt. Dù sao đi chăng nữa, nó cũng không cô đơn, không thắc mắc về “cái” quan hệ bất thường giữa nó và mẹ. Nó có cô đơn đâu, tại sao tôi phải lo như vậy.
Jerry vẫn đến với tôi hằng ngày để chẻ củi, để giúp tôi vài việc vặt và để nói chuyện nữa. Dạo này vì ban ngày trời cũng lạnh, tôi để cho Jerry vào sưởi ấm, nó có thể nằm dài ra sàn bên lò sưởi, dĩ nhiên cạnh là con Pat. Trong lúc chờ tôi, cả hai đều hay ngủ gà ngủ gật. Cũng có những ngày Jerry và con Pat chạy chơi, mê mẩn ngoài đôi khu nguyệt quế. Không có cây nguyệt quế cực Tây, Jerry hay mang về cho tôi vài chiếc lá maple hoặc những nhánh hạt dẻ vàng ươm.
Đã đến lúc tôi chuẩn bị đi. Tôi chào từ biệt Jerry.
“Cháu là bạn thân của cô, Jerry ạ. Lúc nào cô cũng sẽ nghĩ và nhớ đến cháu. Pat cũng vậy. Mai cô phải đi rồi.”
Thằng bé không trả lời tiếng nào. Khi nó ra về, tôi nhớ mãi hình bóng của nó thầm lặng bước lên đồi dưới vầng trăng khuyết.
Sáng hôm sau, Jerry không lại như tôi mong đợi. Mãi tới trưa, tôi mới loay hoay thu dọn xong đồ cá nhân, sửa soạn xe cộ và chỗ ngủ của Pat trong xe. Tôi bắt đầu nổ máy khi mặt trời đã sang hẳn phía tây. Có lẽ tôi sẽ ra khỏi vùng này trước khi đêm xuống. Tôi ghé viện mồ côi một chút để trả tiền lều và chìa khóa cho cô Clark.
“Bà gọi hộ tôi Jerry được không ạ?”
“Tôi không biết nó hiện ở đâu,” bà Clark đáp. “Tôi sợ là nó không được khỏe. Chiều nay nó không ăn cơm. Có đứa thấy Jerry đi qua đồi đến khu nguyệt quế. Đáng lẽ nó phải đun nước chiều nay. Thường ngày nó đáng được tin tưởng lắm, chứ không như vậy đâu.”
Tôi thấy gần như nhẹ nhõm vì tôi muốn tránh không từ biệt nó, biết rằng sẽ không bao giờ gặp lại.
“Tôi muốn hỏi thăm bà về mẹ Jerry, và tại sao nó lại phải ở đây, Nhưng thú thật tôi bận quá. Tôi cũng không thể gặp thẳng bà ta được. Đây là một ít tiền tôi muốn nhờ bà mua tặng Jerry vào dịp Giáng Sinh và sinh nhật nó. Như vậy, tiện hơn, tôi mà tự tay mua thì dễ bị trùng lắm, trùng đôi giầy trượt tuyết, chẳng hạn.”
Clark chớp mắt nhìn tôi, rồi buông một câu:
“Ở đây làm gì cần đến giầy trượt tuyết.”
Tôi bắt đầu bực mình vì sự chậm hiểu của bà Clark.
“Ồ, ý tôi là bà đừng mua cho Jerry những gì mà mẹ nó đã gửi cho nó. Bà thấy đó, nếu không biết Jerry đã được mẹ cho đôi giầy trượt tuyết, tôi đã mua cho nó thêm một đôi nữa rồi.”
Lần này bà Clark nhìn chăm chăm tôi:
“Thưa bà, tôi không hiểu ý bà. Jerry làm gì có mẹ. Cũng chả có đôi giầy trượt tuyết nào.”
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment