Hi cả nhà,
Thể theo lời yêu cầu của bác Thanh, Hưng gởi cho mọi người bài viết về Tam Pháp Ấn- ba đặc điểm quan trọng của giáo lý nhà Phật- theo cái nhìn sơ cấp của một Phật tử tại gia ít đọc kinh điển.
Mọi người xem cho vui nhé. Bảo đảm không bị nhức đầu!Cheers,
Hưng gàn
Ba Dấu Ấn Riêng Của Đạo Phật
Cách đây không lâu, tôi được một anh bạn vong niên am tường Phật Giáo nhắc nhở: phaỉ coi chừng “những lời Phật dạy” đang được lan truyền đầy dẫy trên mạng. Rất nhiều trong số đó không phải là “hàng thiệt”! Giật mình, xem lại, thấy quả là có nhiều câu hơi “kỳ kỳ”, thấy “có vẻ” không giống lắm với những gì thầy mình dạy từ trong kinh điển. Ở thế giới thông tin không kiểm chứng được phát tán tự do trên internet, đúng là nếu không để ý đến nguồn gốc, thì dễ bị đọc nhầm… “fake news”! Có điều là “những lời Phật dạy” không chính hiệu đó cũng không có gì sai về mặt đạo đức. Suy cho cùng, chúng cũng là những thông tin mang tính chất giáo dục công dân, làm sao để đắc nhân tâm, làm sao để sống có hạnh phúc, khuyên người ta sống lành thiện... Dạng thông tin như vậy cũng tốt, đến từ nhiều tôn giáo khác nhau, từ nhiều danh nhân nổi tiếng của lịch sử thế giới…
Tuy nhiên, vì là một Phật tử cũng có pháp danh, cho nên tôi đã tự đặt câu hỏi: giữa hàng loạt những câu danh ngôn mang tính “công dân giáo dục” hay “đắc nhân tâm” chung chung như vậy, làm sao phân biệt được đâu là lời khuyên thực sự có mang tinh thần của giáo lý nhà Phật? Chắc hẳn rằng mỗi tôn giáo lớn trên thế giới, tín đồ đều có thể thấy được mẫu số chung trong tôn giáo của mình. Vậy điều này ở Đạo Phật là gì? Tôi nhớ một câu từ thời còn trẻ: Đạo Phật là đạo của giải thoát. Tôi rất thích bài hát Trầm Hương Đốt- bài hát cho nghi thức dâng hương cúng Phật- trong đó có câu: “…Nhờ chân lý chúng sanh đều thoát luân hồi”. Tìm hiểu kỹ hơn một chút, tôi tìm ra ba chữ “Tam Pháp Ấn”. Thấy từ ngữ này vẫn còn “hàn lâm” quá, tôi gọi đó là “ba dấu ấn riêng của Đạo Phật”. Tôi thử tìm cách diễn giải ba đặc điểm của Đạo Phật này bằng kiến thức sơ cấp, đọc không nhiều kinh sách của một Phật tử tại gia.
Tam Pháp Ấn bao gồm chỉ có 5 chữ, nói lên những tinh hoa chính yếu nhất trong giáo lý của Đức Phật: Khổ, Vô Thường, Vô Ngã. Đó là những sự thật không hề bị thay đổi trong suốt lịch sử nhân loại. Đó là những chân lý mà vài ngàn năm sau khi Đức Phật ra đời, các ngành khoa học hiện đại xác minh lại những điều Ngài giảng lưu trong kinh điển vẫn còn nguyên giá trị.
Đầu tiên là Khổ. Giáo lý căn bản Tứ Diệu Đế “Khổ-Tập-Diệt-Đạo” của Đức Phật cũng bắt đầu bằng Khổ. Con người sinh ra là khổ. Cái khổ đó có nguyên nhân. Nguyên nhân đó có thể tiêu diệt được. Và con đường để thực hiện việc thoát khổ đau của con người. Đơn giản chỉ có vậy.
Khổ là một sự thật luôn hiện hữu trong kiếp người. Đức Phật ngày xưa nhận ra sinh ra là con người thì sẽ phải khổ, nên mới quyết định bỏ ngai vàng, gia đình để đi tu tìm đường giải thoát. Dù đã được phụ vương cho sống trong nhung lụa, che dấu mọi nỗi khổ của dân gian, thế nhưng Đức Phật rồi cũng thấy được nỗi khổ của một kiếp người: một người già, một người bệnh, một người chết. Ngài cũng sẽ không thể thoát khỏi qui luật muôn đời này cho dù là hoàng đế.
Tôi nghĩ rằng nếu mọi người đều không thấy cõi đời này là khổ, thì có lẽ chẳng ai cần tìm đến Đạo Phật để tìm cách vượt thoát khổ đau. Tôi bắt đầu quan tâm đến đạo Phật cũng vì cảm nhận được “đời là bể khổ”. Tôi rất sợ chết, sợ ma từ thuở nhỏ. Lớn lên ở tuổi thanh xuân, nỗi tuyệt vọng vì thất tình có khi khiến tôi không còn muốn sống. Tôi còn nhận ra nỗi sợ chết từ thằng T. con tôi, lúc nó chỉ mới có khoảng 3-4 tuổi. T. là thằng bé láu lỉnh, luôn là niềm vui, trò cười cho cả nhà. Một hôm tôi chở T. sang nhà bà ngoại, tình cờ đi ngang qua một đám ma. T. thấy lạ, hỏi: “cái gì vậy bố?”. Tôi giải thích nhanh: “có một người chết”. T. không chịu dừng ở đó: “Chết là gì hả bố?”. Tôi giải thích nhẹ nhàng: “Mai mốt đây, khi bố già như bà ngoại, bố sẽ bị bệnh nhiều. Bố không muốn giữ cái thân già bệnh như vậy nữa. Bố sẽ chết đi để tìm một hình hài mới nhỏ như T….”. Trong suốt chuyến đi thăm bà ngoại, T. không nói thêm gì và không vui như mọi khi. Sau đó vài tiếng, trên đường tôi chở về nhà, bỗng dưng T. nói: “Bố ơi! Con không muốn chết…”. Tôi cũng im lặng, không nói gì thêm. Không ngờ một thằng bé 3-4 tuổi mà cũng đã cảm nhận được chân lý đầu tiên của Đạo Phật: Khổ Đế!
Con người đã sinh ra, không thoát khỏi việc sẽ bệnh hoạn, già đi, và rồi sẽ chết. Bao nhiêu vị đế vương, dùng đủ mọi thứ của cải, quyền hành có trong tay để tìm thuốc trường sinh bất tử đều thất bại. Vậy là khổ rồi! Rồi khi yêu người mà chẳng được người yêu, lại khổ nữa! Khổ vì thất tình coi bộ còn “dữ dằn” hơn, bởi vì nó có thể làm người ta quên đi nỗi sợ chết. Nó có thể làm cho người ta tự tử! Rồi đang giàu có, làm ăn thành công, bỗng dưng phá sản, trắng tay vì… COVID-19, cũng khổ! Có người sẽ hỏi lại: vậy nếu người nào cứ giàu mãi, giàu từ đời này sang đời khác thì sẽ không khổ? Cứ hỏi những người giàu nhất xem có phải họ là những người sung sướng nhất không? Hay họ cũng sẽ có những nỗi khổ khác mà người nghèo không thể hiểu được: khổ vì lo lắng làm sao giữ được tài sản; khổ vì lo trộm cướp; khổ vì gia đình không hạnh phúc, do thời giờ chủ yếu chỉ để làm giàu nên không gần vợ con… Nói đủ về khổ là một công việc trí tuệ tốn rất nhiều giấy mực!
Cái khổ của con người có nguyên nhân. Mà “Vô Thường” can dự vào hầu hết nỗi khổ của con người. Vô thường là một qui luật chung chi phối cả vũ trụ, không chỉ riêng con người. Không có thứ gì mà không biến đổi. Thịnh suy của mọi quốc gia là một thể hiện của vô thường. Cách đây vài tháng, nước Mỹ đạt kỷ lục về thời gian liên tục tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp thấp. Vậy mà chỉ vì một sinh vật bé xíu không nhìn thấy bằng mắt người mang tên corona, nước Mỹ ngày nay đang ở trong một đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất lịch sử, với tỉ lệ thất nghiệp kỷ lục.
Sinh lão bệnh tử là một thể hiện của vô thường. Mới ngày nào thanh xuân, vậy mà chớp mắt đầu đã bạc. Thằng bạn mới hôm qua còn nhậu nhẹt, bù khú, nay nghe tin vừa đột quị qua đời. Đó là vô thường ở mặt vật lý. Tâm lý, tình cảm con người cũng vô thường. Mới hôm qua, nàng nói yêu tôi; vậy mà hôm nay, nàng đã thay đổi đòi chia tay. Mới vui đó, rồi lại buồn. Mới nổi giận đùng đùng như muốn đập phá tất cả, nhưng chỉ sau vài hơi thở, cơn thịnh nộ có thể đã biến đi đâu mất. Khi có một cảm giác hạnh phúc lâng lâng tuyệt vời, tôi muốn giữ nó ở mãi trong tôi, nhưng không thể được, vì mọi cảm thọ rồi cũng sẽ qua đi. Ước vọng giữ mãi một cảm thọ hạnh phúc là điều không thể. Ngược lại, nhiều người cứ muốn đắm chìm mãi trong nỗi bất hạnh của mình. Nó đã qua đi, mà cứ nhất định lôi nó ngược lại vào trong tâm trí để “gặm nhấm”, để được “lịm người trong thú đau thương”. Giống như mình chỉ hiện hữu khi sống với nỗi bất hạnh!
Vô thường hiện hữu khắp mọi lúc, mọi nơi. Vấn đề là con người thường không chịu chấp nhận mọi thứ đều vô thường, mà muốn nó giữ nguyên ở hiện trạng mà mình ưa thích. Để rồi khi không còn được như ý nguyện, ta cảm thấy khổ. Thêm một điều nữa: nhiều người cứ nghĩ rằng vô thường sẽ đến với người khác, chứ không đến với mình! Khi đưa tang một người bạn trẻ vừa đột tử, mấy ai dám nghĩ là điều đó cũng có thể xảy ra với mình trong ngày mai? Mà cũng có thể xảy ra với những người thân yêu nhất như vợ chồng, con cái của mình nữa… Không chấp nhận vô thường, khi phải trực tiếp đối diện với nó, khổ là điều không thể tránh khỏi.
Bây giờ nói đến “Vô Ngã”. Đây là một phạm trù rất khó diễn tả cụ thể, nhưng lại có liên quan trực tiếp đến nỗi khổ của con người. Một cách khái quát, Đạo Phật nói mọi thứ đều không có một cái bản ngã riêng của mình, mà phải tương tức lẫn nhau để hiện hữu. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Con người cũng thế, không có một cái “bản ngã” riêng của một cá nhân. Ấy vậy mà hầu hết mọi người đều tin tưởng, thương yêu, bám víu vào một “cái tôi” của chính mình. Hễ ai xúc phạm vào “cái tôi” này, hễ bất cứ điều gì làm tổn thương “cái tôi” này, thì khổ đau liền phát sinh. “Chấp ngã” hay “ngã ái” là những từ ngữ trong Đạo Phật. Thầy tôi dạy nếu ai phá bỏ được ngã chấp, hay thấy được bản chất “vô ngã” của vạn vật, thì người đó đã đi rất xa trên con đường giải thoát.
Tôi là một người hay bị chạm tự ái. Có một lần, tôi thử quán chiếu xem cái “bản ngã” thực sự của mình là gì. Tôi tự đặt câu hỏi cái gì là “cái tôi” của riêng mình đáng để tự hào? Cái thân hình, gương mặt này? Nó chẳng là của riêng tôi, mà là sự kết hợp từ di truyền của bố mẹ, ông bà, rồi sau đó nhờ vào không khí, chất dinh dưỡng của vạn loài mà tồn tại và phát triển. Cái hình hài này, hồi trẻ tôi đã từng mong mình cao hơn một chút, da trắng hơn, lông mày đậm hơn một chút thì chắc đã “đắc đào” hơn nhiều. Còn bây giờ tuổi đã gần “ sáu bó”, sự già cỗi biểu hiện ngày càng rõ, thì có gì để tự hào? Kiến thức, bằng cấp của tôi ư? Đó là những thứ tôi thu thập được từ biết bao nhiêu thầy cô, bao nhiêu bè bạn, bao nhiêu sách vở… chứ không phải là của riêng tôi. Hai cái bằng đại học từ hồi ở Việt Nam đem sang Mỹ chẳng xài được cái nào, chẳng có gì đáng kể ở cái xứ “kỹ sư chạy đầy đường” này. Còn cái gọi là “tâm hồn”, hay “tính cách” của tôi? Cũng chỉ là sự tổng hợp từ giáo dục gia đình, người thân, bạn bè… từ hơn nửa thế kỷ. Tôi có một ông bố khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt. Hồi mới sang Mỹ, đi đâu tôi cũng được giới thiệu “…đây là con trai của ông S.” để được sự chú ý của mọi người. Đến độ về sau khi có ai vừa định giới thiệu kiểu đó là tôi chặn ngay: “như vậy là tôi chẳng có gì để đáng giới thiệu hay sao?...”. Vậy thì tự hào chỗ nào? Nói tóm lại, càng nhìn cho kỹ vào “cái tôi” của mình, tôi nhận thấy nó không có gì là “bản ngã” của riêng tôi cả. Thế là cái tính “hay tự ái vặt” cũng giảm bớt một chút
Tôi nhận thấy tình yêu nam nữ cũng là biểu hiện của bản ngã. Tôi yêu người ấy vì người đó “hợp nhãn” với tôi, có tính cách phù hợp với tôi, có cách ăn nói, tiếng cười điều làm cho tôi hứng khởi, thích chí… Thấy toàn là chữ “tôi” không à! Như vậy là tôi yêu tôi chứ đâu có yêu người ấy! Kiểu nói “tôi yêu người ấy hơn chính mình” chỉ là một kiểu nói thậm xưng. Đau khổ vì thất tình, suy cho cùng cũng chỉ là do yêu cái bản ngã của mình mà ra.
Đối với những người thành công, nổi tiếng trong xã hội, chắc chắn là sự “chấp ngã” của họ còn khó phá bỏ hơn nhiều. Nhưng tôi nhận ra rằng những bậc vĩ nhân được cả thế giới ngưỡng mộ lại là những người khiêm cung nhất. Điển hình là Đức Phật. Là người sáng lập ra một trong những đạo giáo lâu đời nhất của nhân loại, Ngài nói rằng “ta là Phật đã thành, còn các người là Phật sẽ thành”. Ngài vẫn sống cuộc đời giản dị của một tu sĩ bình thường, ngày ngày bưng bát đi khất thực giống như mọi người trong Tăng Đoàn. Bình đẳng cũng là một biểu hiện của sự vô ngã. Giáo lý Vô Ngã của Phật là chỗ dựa vững chắc cho những ai hướng đến một thế giới chung của nhân loại, trong đó mọi người nhận thấy phải nương tựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Giáo lý Vô Ngã cũng là chỗ dựa vững chắc cho lòng từ bi, nhân ái, khi mọi người nhìn ra sự tồn tại của bản thân phải dựa vào sự tồn tại của nhiều người khác. Không ai thương ta hơn chính bản thân ta. Vì vậy, cách hữu hiệu để tập thương yêu người khác là nhận ra thương yêu người cũng là thương yêu chính mình. “Thương người như thương thân” là vậy.
Nói qua một chút cho vui, chứ chắc chắn sự hiểu biết của tôi về Tam Pháp Ấn chỉ là sơ đẳng. Nhưng nó cũng giúp tôi nhiều trong quá trình tu học. Khi cùng các bạn đồng tu tụng Bát Nhã Tâm Kinh, tôi thấy những lời kinh thực sự là trí tuệ vô ngã bao la của Phật Pháp: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách…”. Hiểu một chút về Tam Pháp Ấn, tôi vững tin vào lời thầy mình dặn: đã có duyên gặp được Phật-Pháp-Tăng đời này, hãy hết lòng tinh tấn tu học Chánh Pháp, hướng đến mục tiêu giải thoát sinh tử luân hồi của Đức Phật. Có kiên tâm tu học, thì tự nhiên mình sẽ là món quà hiến tặng cho người thân, cho xã hội. Tự nhiên mình sẽ có an lạc, hạnh phúc, và trở thành niềm an lạc hạnh phúc cho những người chung quanh. Đó cũng là dấu ấn để nhận ra một người con Phật đang thực hành đúng Chánh Pháp.
Tâm Nhuận Phúc
No comments:
Post a Comment