HỒI BA
VÀNG
SON TÀN LỤI
Buồn thay cho chiếc áo, đoàn kình ngư vẫn nô rỡn nơi xa, chẳng
một chút lưu tâm đến trò “Biển Đông sóng gợn” của nó. Một cặp vợ chồng cá chiên
đương say sưa trong cuộc ẩu đả bỗng bị húc lộn ra xa vượt khỏi vòng mê hoặc của
tia phóng xạ, cả hai thoạt bàng hoàng, quật đuôi một lần nữa khi vừa ngoi lên mặt
biển. Bọt sóng tung lên như mưa bụi rơi xuống mát lạnh, hai vợ chồng con cá
chiên tỉnh hẳn, định thần nhìn lại trời biển một màu xanh như ngọc thạch, chúng
hả hê quẫy đuôi ra khơi xa hẳn vùng hắc ám.
Kế tiếp một đôi cá chiên khác vẫn còn trong vòng tác động của
những tia phóng xạ, nhưng ở khoảng ngoại vi, chúng đương chiến đấu hăng với đôi
địch thủ khác bỗng thấy giảm hào hứng đi nhiều. Thì ra năng lực phóng xạ của chiếc
áo cũng đã bắt đầu suy giảm. Rồi không thấy sự hào hứng kích thích hai vợ chồng
cá chiên như theo sự thúc đẩy của linh tính tự động lùi ra xa. Sau vài phút
bàng hoàng đôi cá này nhận thấy biển trời vẫn một màu xanh quyến rũ, và cũng
như đôi cá trước chúng vùng bơi ra khơi.
Rồi từng đôi cá chiên này, từng đôi cá chiên khác lần lượt
thoát vùng mê hoặc… Sóng biển vùng đó vì vậy yếu dần và tất nhiên ngọn sóng chỉ
huy nơi chiếc áo ngự trị cũng hạ dần cao độ. Lũ ngư loại bàng quan tuy vẫn reo
hò khích lệ để duy trì lấy trò vui hiếm có, nhưng cũng đã có kẻ thấy chán, quay
lưng bơi sang vùng khác. Có lũ mới từ xa lại, không có dữ kiện để so sánh, thấy
trò chơi vẫn còn quyến rũ lắm và chúng reo hò cổ võ hết mình.
Nhưng càng về sau năng lực phóng xạ của chiếc áo càng sa sút
đi rõ rệt, không những cả đoàn cá chiên đã thoát vòng mê hoặc mà ngay đàn cá
thu cũng đã vợi thoát đi nhiều. Ngọn sóng chỉ huy thấp dần, khi độ thấp tới mức
nhập làm một với các ngọn sóng thường khác thì thế giới mê hoặc của Chiếc Áo chỉ
còn vừa đủ bao quanh lấy đàn cá chích đang vừa rào rạt ăn rêu ở đám rong biển rộng
lớn, vừa hích đẩy nhau chí chóe. Chẳng bao lâu Chiếc Áo chìm dần xuống khoảng
sâu lơ lửng như cũn. Căm phẫn lắm, Chiếc Áo thét lớn:
-
Chúng bay hãy hát khúc đồng ca! (Tức là khúc trường
thi ca ngợi tiểu sử xưa.)
Tức thì cả đàn cá trích đồng ca một đoạn của khúc trường
thi. Cũng cảm thấy lòng nguôi nguôi đôi chút, Chiếc Áo ngước nhìn mặt biển bên
trên. Những linh chất tích lũy đã phung phí gần hết, giờ đây nó cảm thấy rõ là
nó không còn cả lực để ngoi lên mặt biển nữa. Thôi thì số “dấn vốn” ít oi còn lại
nó sẽ tiêu pha dè sẻn để cố giữ lấy lũ cá trích lâu chừng nào hay chừng nấy. Được
cái lũ cá trích sau khi kiếm được no đủ thì trong thâm tâm cũng ao ước được hô
theo một khẩu hiệu nào đó để cuộc đời thêm phần ý nghĩa. Bởi vậy nhiều khi Chiếc
Áo chỉ việc hô lớn: “Ta sẽ chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai!” là đàn cá
trích hô lại y hệt không thiếu một chữ, mà Chiếc Áo kiểm soát lại, thấy không
phải chi phí một ly phóng xạ nào. Nhưng rồi đau đớn thay, tới lúc gió mùa đổi
chiều, cả đàn cá trích rào rào ra đi theo gió không một lời đoái hoài đến kẻ đã
hàng ngày dạy chúng cùng hô lớn khẩu hiệu để tô điểm thêm ý nghĩa cho đời sống.
Tới thay đàn cá trích là một đàn cá nhỏ hơn, nhỏ hơn nhiều lắm, đó là đàn cá
cơm. Loại này đúng là loại tép riu của biển cả, (Cũng có thể là đàn cá cơm từ
xưa vẫn ở nơi đây, mà bây giờ vì đàn cá trích đi rồi Chiếc Áo mới để ý thấy).
Câu đầu tiên Chiếc Áo hỏi lũ cá cơm: “Tụi bay có thuộc khúc trường thi không?”
May thay lũ cá cơm nhất loạt thưa: “Bẩm có ạ,” – “Thử hát một khúc ta nghe
coi!” Quả thực chúng hát trôi chảy một đoạn nhỏ. Khúc trường thi đã từ lâu bị
xé ra tơi tả thành từng đoạn nhỏ, và những đoạn hay nhất đã biến thành ca dao của
biển cả. Dầu sao thì được nghe từng đoạn nhỏ của khúc trường thi xưa như vậy
cũng là một niềm an ủi lớn lắm cho Chiếc Áo. Giờ đây Chiếc Áo trông già nua,
còm cõi lắm rồi. Còn gì nữa. Bao nhiêu tâm lực đổ ra hết trong cuộc vùng dậy cuối
cùng, rồi thất bại, rồi sống vật vờ giữa lũ cá trích, giữa đám rong biển luôn
luôn đu đưa, nhiều khi xao động nếu trên mặt biển có gió lớn. Nay lũ cá trích
đi. Chiếc Áo sống giữa lũ cá cơm hèn mọn thì từng sợi tơ dệt áo cơ hồ cũng mục
ruỗng đến nơi mất rồi. Đã thế lũ cá cơm mới nở, chúng còn nhỏ quá, ngây thơ
không biết gì, nhiều lần vô tình phạm tội bất kính, chúng kéo nhau lại xúm
quanh chiếc áo rỉa lấy chút rêu, đến khi cha mẹ chúng la hét chúng trở lại, thì
tơ áo đã bục thành vô số những vết lỗ chỗ nhỏ rồi. Nhưng không vì thế mà chiếc
áo quên hô khẩu hiệu, ít ra là một lần một ngày, khẩu hiệu hứa hẹn một chiến thắng
Hòn Hèo thứ hai. Điều đó đã thành một nếp suy tư cố định của chiếc áo cần thiết
chẳng kém gì khí trời để thở. Thiếu ăn có thể dăm bữa nửa tháng mới chết, chứ
thiếu khí trời chỉ năm phút là đi đời. Dù già nua, dù xác xơ thì chiếc áo cũng
còn sống. Được cái lũ cá cơm con dễ bảo hơn cả lũ cá trích, hễ nghe hô khẩu hiệu
thì chúng lập tức hô theo, bảo hát khúc trường thi, lập tức chúng nhớ đoạn nào
hát ngay đoạn ấy, tâm hồn chúng đơn giản quá, chúng luôn luôn tiếp nhận và thực
thi những mệnh lệnh từ ngoài đến, tựa như đó là khuynh hướng tự nhiên để đời
này qua đời khác phong phú hóa dần kiếp sống của chủng loại chúng bằng những
kinh sống đó. Nhưng tới một sớm kia, khi vừa sực thức dậy, thuận miệng cất lời
hô một khẩu hiệu, chiếc áo chỉ nghe thấy lác đác có vài tiếng hô còm cõi đáp ứng.
Chiếc Áo bèn nhỏm dậy nhìn quanh, cả đàn cá cơm biến đi đâu mất phần lớn, chỉ
còn lại một số nhỏ vẻ khập khiễng hốt hoảng. Thì ra gần trọn đàn vừa bị sa vào
một mẻ lưới. Dọc theo bờ biển vẫn có đôi vùng người dân chài Việt Nam ưa đánh
cá cơm để về làm mắm.
Doãn Quốc Sỹ
No comments:
Post a Comment