Văn Học số 31/13
Mai Thảo
Vài kỷ niệm với Ông Giáo.
Khoảng giữa mấy
năm 1960, 1965, tôi không còn nhớ rõ được năm nào, bấy giờ, như giáo sư Nguyễn
Hữu Mục, ông là một nhà giáo đào tạo lớp giáo chức mới ở trường Quốc Gia Sư Phạm
đường Pétrus Ký, Doãn Quốc Sỹ được Bộ cử đi ra Hoa Kỳ tu nghiệp hai năm. Tu
nghiệp của giáo chức ta ở Mỹ hồi đó, thực ra mỗi khóa chỉ một năm mà thôi. Một
năm là xong, tự động phải về. Nhưng đất nước Hoa Kỳ mênh mông mở ra một lục địa
trăm vẻ nghìn hình mới khám phá lần đầu sao đó (Doãn Quốc Sỹ rất thích chuyển dịch,
bàn viết buổi sáng đặt giữa đồng cỏ Texas, buổi chiều dưới chân cầu Golden Gate
với ông là tuyệt diệu) lại thêm những tảng nam châm nóng bỏng là những nàng gái
Mỹ tên Pam, tên Cris bạo tợn, tự nhiên, làm tình như thở hút, tất cả những hấp
dẫn mới lạ ấy chắc đã cầm chân người chúng tôi thường thân mật gọi đùa là “ông
giáo”. Và hết hạn, Doãn Quốc Sỹ đã đánh điện về Bộ xin cho phép kéo dài thêm tu
nghiệp tới năm sau.
Khi tính ngày thấy
Doãn Quốc Sỹ sắp tới ngày về, kế đó lại nhận được thư ông từ Hoa Thịnh Đốn nói
còn cắm dùi ở xứ Cờ Hoa, ăn hambuger thêm mười hai tháng nữa, các anh Thanh Tâm
Tuyền, Duy Thanh, Ngọc Dũng, bọn tôi đã cười lớn với nhau: “Ông giáo sổ lồng,
rơi vào trận đồ bát quái của phái Nga My ở Mỹ mất rồi, phen này khó lòng toàn mạng
về được.”
Vô Kỵ toàn mạng.
Vô Kỵ về được. Trẻ hẳn ra. Cười ròn rã lúc đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Chẳng những thế còn họp mặt ăn nhậu tức thì với chúng tôi ở căn nhà cuối đáy một
ngõ hẻm Thành Thái, căn nhà như căn trước ở cư xá sinh viên đường Minh Mạng, bởi
cái tinh thần lạc quan yêu đời vô điều kiện của Doãn Quốc Sỹ, bao giờ cũng đầy ắp
nắng gió và những tiếng nói cười vang động của cha con ông và bạn bè ông. Nhớ
mãi họp mặt tẩy trần đó. Cùng ngồi vây lấy món đậu hũ chiên giòn và vịt xáo
măng là hai món chấn môn đãi bạn của chị Doãn Quốc Sỹ, thứ nữ nhà thơ Tú Mỡ Hồ
Trọng Hiếu, chúng tôi nghe ông giáo kể chuyện đi xa. Ông mở valise, treo mấy bức
tranh mang về của họa sĩ Võ Đình lên tường. Tặng chúng tôi mỗi đứa một món quà
có nhãn U.S.A. Lấy tấm bản đồ Mỹ quốc ra, dùng bút chì đỏ vạch chằng chịt lên bản
đồ, trước những cặp mắt thán phục của bọn tôi hồi đó chưa lần nào được ra khỏi
nước, lộ trình những di chuyển thỏa thích, có những đêm ngủ dưới trời sao, qua các
tiểu bang của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Rồi để kết thúc một cuộc họp mặt vui, như
mọi lần ông lên lầu xách cây vĩ cầm xuống, trao cho Nguyễn Sỹ Tế, ngồi vào
dương cầm, rủ hòa tấu một bản cổ điển Tây Phương, bài tủ của cặp Tế Sỹ là bản
Symphonie số 9 của Beethoven.
Chúng tôi đâu chịu
để ông giáo đàn. Mà xúm lại trêu ghẹo về chuyến đi Mỹ: “Bạn phiêu hốt dữ thế
còn tu nghiệp được cái quỷ gì nữa.” Cười lớn: “Tu nghiệp đàng hoàng chớ! Riêng
về cái vốn Anh ngữ tôi có dịp sử dụng hằng ngày, còn chịu khó và cầy thêm ở thư
viện đại học, bây giờ được lắm rồi nhé! Chỉ cái tiếng Việt hàm xúc của cụ Nguyễn
Du mình là khó nhất thôi. Để rồi viết chơi cái tiểu luận văn học bằng tiếng Anh
cho các bạn coi.” Lại trêu: “Thế còn mấy em tóc bạch kim mắt xanh màu biển thì
những trận giao phong gió táp mưa sa đến độ nào mà anh Khóa xuống tầu không nổi,
bạn khai hết ra đi.” Lại cười ròn rã: “Chờ đọc du ký hai năm ở Mỹ của thầy giáo
làng sẽ thấy hết.”
Mai Thảo
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment