Tưởng đùa mà thật.
Chỉ mấy tháng sau ngày về, Doãn Quốc Sỹ, bằng lối viết cực kỳ dễ dàng của ông
đã biên soạn xong một tiểu luận văn học song ngữ, in ronéo, một bên tiếng Việt,
một bên tiếng Anh, tôi nhớ là một sơ thảo tóm lược dùng cho giảng dạy về những
trào lưu chính của văn học miền Nam từ sau chia cắt đất nước, trong tiểu luận
Doãn Quốc Sỹ dành một chương rất thân yêu cho anh em Sáng Tạo. Và nếu tôi vẫn
nhớ không lầm, tiểu luận được đem giảng dạy ngay ở đại học Vạn Hạnh, trong cái
phân khoa Văn Chương mới thành hình do sáng kiến của thượng tọa viện trưởng
Thích Minh Châu, người điều khiển phân khoa khi đó là nhà văn Vũ Khắc Khoan.
Nhưng cái viết bằng
chất liệu đem về từ Mỹ, tươi tắn, trữ tình, chúng tôi yêu thích hơn, nó là tất
cả Doãn Quốc Sỹ, con người, tâm hồn và lối viết của Doãn Quốc Sỹ, chừng nửa năm
sau tiểu luận song ngữ mới tới. Đó là tập du ký Doãn Quốc Sỹ đặt cho một cái tựa
rất thơ là Sầu Mây. Như hầu hết là vậy, từ Khu Rừng Lau, đến Chiếc Chiếu Hoa Cạp
Điều, đến Ba Sinh Hương Lửa, Sầu Mây cũng được tiểu thuyết hóa từ trang đầu đến
trang cuối. Những thời điểm, những sự việc, Doãn Quốc Sỹ thuật tả lại hết từ những
sự thật, nhưng chỉ dùng chúng như những cảnh trí làm nền cho những rung động,
những gặp gỡ, hết thẩy qua cái nhìn và tâm thức Doãn Quốc Sỹ đều hồn nhiên,
tươi sáng, ở Sầu Mây là những minh họa sinh động về đất trời Mỹ, về cảnh thổ Mỹ,
đầy ắp những vẻ đẹp mạnh mẽ, là hào hứng những tao ngộ tình cờ của một tâm hồn
Việt không một mảy may mặc cảm màu da và nhược tiểu với những tâm hồn sinh viên
nam nữ Mỹ trẻ trung, phóng khoáng, kết giao trong một tương thân đại đồng đã
phá vỡ hết những biên thùy. Đọc Sầu Mây thật vui. Bốn biển một nhà, con người
chủ thể. Người thích nhất là Thanh Tâm Tuyền. Nói với tôi: “Đây không phải là
tác phẩm chủ yếu, nhưng là cái viết tự do và bay bổng nhất của Sỹ. Cũng là cuốn
sách nhỏ nhưng óng chuốt và đáng yêu hơn cả của ông giáo.”
Mai Thảo
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment